Chiếc bánh chưng xanh

15/02/2018 22:00

Nếu dùng lá dong này để gói bánh chưng thì màu bánh sẽ tự nhiên, đẹp mắt, điều đặc biệt hơn là bánh sẽ có vị thơm đặc trưng sau khi được luộc chín...



1. Hồi nhỏ đi học, tôi từng được cô giáo khen vì trả lời rất tốt câu hỏi “Lang Liêu được thần báo mộng mới làm bánh chưng, vậy có phải Lang Liêu đã không sáng tạo?”. Tôi cũng từng được điểm 9 cho bài tập làm văn kể về kỷ niệm một lần cùng mẹ thức canh nồi bánh chưng ngày Tết. Nhưng tất cả đều là lý thuyết, là tôi tự tưởng tượng ra rồi viết đấy. Vì sự thật là tôi không có khái niệm gói hay nấu bánh chưng dù Tết nào mẹ cũng mua gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ… nhưng để gói bánh tét. Có lần tôi đòi gói bánh chưng thì mẹ bảo đừng có nhiễu sự, bánh chưng, bánh tét có khác gì nhau, cũng bằng ấy nguyên liệu thôi nhưng bánh tét không cầu kỳ, dễ gói. Mẹ nói: "Cuối năm cuối tháng, công việc ngập đầu ngập cổ, rảnh đâu mà bày vẽ, chưng hay tét cũng một dòng đó thôi". Tôi phụng phịu nói bánh chưng mới ra Tết, mẹ nói bánh nào cũng ra Tết hết.

2. Lớn lên, tôi xa quê lập nghiệp rồi định cư ở vùng kinh tế mới, đa phần là người Hải Dương di cư vào. Năm đầu tiên đón xuân ở cao nguyên cũng là lần đầu tiên tôi thức canh nồi bánh chưng cùng… hàng xóm. Hồi đó tôi đã lấy chồng nơi đất khách, mẹ chồng gói bánh tét, bác Bảy hàng xóm người gốc Hải Dương gói bánh chưng. Khéo lắm, bác xếp lá chuối vào chiếc khuôn, lá dưới đáy được gấp lại thành hình tam giác, hai chiếc lá đặt ở cạnh khuôn được xếp vuông góc, khít vào nhau. Xong phần lá chuối để định hình khuôn bánh thì lần lượt cho gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ, hành lá, phủ thêm một lớp nếp nữa rồi đặt lá chuối trên mặt gấp lại, cột dây. Thấy tôi ngồi nhìn chăm chú, bác Bảy dặn để phòng bánh xổ ra khi luộc thì buộc thêm hai dây ngang và hai dây dọc nữa cho chắc. Muốn bánh chưng xanh, hãy nhặt những chiếc lá chuối vụn lót dưới đáy nồi. À, thì ra đây là bí quyết, để có “cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” .

Bác Bảy xếp bánh vào nồi, đổ ngập nước và chất những cây củi to vào bếp. Bác và tôi thức châm nước cho tới khi bánh chín. Hai bác cháu ngồi bên nồi bánh chưng, miệng rôm rả những câu chuyện Tết.

Đó là cái Tết đặc biệt đối với tôi, lần đầu tiên được tham gia gói, nấu bánh chưng chờ Tết. Lạ lắm, tôi có cảm giác đêm ba mươi thật linh thiêng, bí ẩn. Cũng từ cái Tết đó, năm nào tôi cũng gói bánh chưng và kêu con trai cùng canh lửa với mẹ, tôi chọn cách đó để dạy con về cội nguồn, dân tộc…

3. Mới đó Tết lại gần kề. Tôi đi mua đồ Tết cho con trai thì gặp thầy giáo dạy đại học của mình ở bến xe. Tôi đi đón người thân, còn thầy đến nhận lá dong từ Bắc gửi vào. Tôi tò mò hỏi thì thầy bảo bánh chưng phải gói bằng lá dong mới đúng vị. Chắc là thấy tôi ngớ ra nên thầy giải thích nơi thầy được sinh ra là ngôi làng trồng cây dong. Lá dong Tràng Cát to tròn, có độ dai, mặt dưới của lá có màu xanh non, cuống lá dài và đồng màu với gân lá. Nếu dùng lá dong này để gói bánh chưng thì màu bánh sẽ tự nhiên, đẹp mắt, điều đặc biệt hơn là bánh sẽ có vị thơm đặc trưng sau khi được luộc chín. Thầy đứng nói say sưa, có cái gì trong tôi như đang vỡ ra. Tôi biết "Sự tích bánh chưng bánh dày" từ hồi còn học mẫu giáo nhưng phải đến khi gặp thầy, khi chuẩn bị chào đón mùa xuân thứ ba mươi tôi mới hiểu hết ý nghĩa của món bánh cổ truyền. Nhớ rồi, thầy bảo thầy là đứa con xa quê và luôn đau đáu với quê. Học trò hiểu rồi thưa thầy, phải chăng gói bánh chưng bằng lá dong trong dịp Tết là cách để thầy thể hiện tình cảm với nơi chôn nhau cắt rốn của mình?…

Tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm với tổ tiên, cội nguồn, mới nghe qua tưởng chừng như đó là điều xa vời to tát. Nhưng không phải, đơn giản lắm, mộc mạc lắm tình cảm thiêng liêng ấy. Mẹ đã giúp tôi hiểu rằng bánh tét cũng là món bánh thuần Việt. Và bà Bảy già nua, thầy giáo cũ đã dạy tôi bài học: gói bánh chưng xanh là cách thể hiện cụ thể và đầy đủ nhất tình cảm đối với dân tộc.

BÍCH NHÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chiếc bánh chưng xanh