Giòn ngon món củ kiệu muối ở Ngọc Liên

25/01/2020 09:21

Gia đình đoàn viên, quây quần bên mâm cơm ngày Tết với bánh chưng, củ kiệu muối là những hình ảnh bình dị nhưng mang đậm hồn quê những ngày đầu xuân tại thôn Bằng Nghĩa, xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng).


Củ kiệu muối là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết tại Ngọc Liên

Trải qua nhiều thập kỷ tồn tại, củ kiệu muối đã gắn với tên đất, tên làng, trở thành hương vị khó quên trong ngày Tết của các thế hệ người dân nơi đây.

Sau khi sáp nhập, thôn Bằng Nghĩa có 90 hộ trồng kiệu, chiếm khoảng 23% tổng số hộ trong thôn. Toàn bộ diện tích và các hộ trồng kiệu hiện nay đều thuộc thôn Nghĩa Trạch (cũ). Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Tỷ, Phó Bí thư Chi bộ thôn Bằng Nghĩa, chúng tôi được biết củ kiệu được đưa về trồng tại xã Ngọc Liên từ những năm 50-60 của thế kỷ trước.

"Thôn Ngọc Quyết còn được biết đến với cái tên làng Quải, là thôn đầu tiên của xã trồng củ kiệu. Cùng sự đổi thay của cuộc sống, số gia đình trồng kiệu của thôn ít dần, củ kiệu được chuyển sang trồng tại thôn Nghĩa Trạch cũ, còn được gọi là làng Trằm với tổng diện tích khoảng 1,5 ha", ông Tỷ nói.

Tuy diện tích gieo trồng còn khiêm tốn nhưng củ kiệu Ngọc Liên lại là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng không chỉ trong huyện mà còn ở nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt là món củ kiệu muối.

Làm kiệu muối rất kỳ công. Để kiệu được thơm ngon, giòn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, nhất là tay nghề và kinh nghiệm của người muối kiệu.


Kiệu muối thơm, ngon giòn và hấp dẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là tay nghề và kinh nghiệm của người muối

Với trên 30 năm trồng và muối kiệu, bà Nguyễn Thị Xuân chia sẻ muốn làm món kiệu muối thơm ngon, hấp dẫn, sau khi thu hoạch kiệu cần rửa sạch bùn đất. Sau khi đã cắt bỏ thân và rễ, mỗi củ kiệu dài khoảng 4-5 cm được ngâm qua đêm với nước pha dấm để kiệu tiết hết vị hăng và khử các chất bẩn.

Sau khi vớt kiệu phải rửa sạch, để ráo nước, chuẩn bị cho công đoạn muối kiệu. Để món kiệu muối giòn ngon, mỗi kg củ kiệu sẽ được ướp với 2 thìa đường, 2 thìa muối và kèm theo vài quả ớt trong khoảng 2 giờ. Cuối cùng, đổ nước ngập củ kiệu, có thể đè vật nặng lên trên để củ kiệu không bị nổi lên mặt nước rồi ngâm từ 7-10 ngày.

Cách thức và từng công đoạn có thể tương tự như món hành muối, nhưng kiệu muối Ngọc Liên mang đến cảm giác ngon, giòn, thơm và lạ đối với bất kỳ ai lần đầu thưởng thức. Những củ kiệu trắng muốt, giòn, chua nhẹ kèm theo vị ngọt đặc trưng là những cảm nhận khi thưởng thức món ăn này.

Khác với hành muối, kiệu muối không có vị hăng. Không chỉ món kiệu muối, kiệu còn có thể luộc, xào với thịt, mang đến nhiều hương vị mới mẻ trong bữa cơm hằng ngày.


Tuy giá trị kinh tế cao nhưng cần tìm phương án mở rộng diện tích và thị trường tiêu thụ củ kiệu Ngọc Liên

Giòn ngon, hấp dẫn là thế nhưng nghề trồng kiệu đang gặp nhiều khó khăn. Hằng năm, người trồng kiệu bắt đầu chuẩn bị đất và gieo trồng từ khoảng giữa tháng 7, đến cuối tháng 12 có thể thu hoạch. So với hành, củ kiệu có thời gian thu hoạch lâu hơn nhưng bù lại có sức chịu đựng thời tiết, sâu bệnh tốt hơn, giúp người trồng không tốn nhiều công chăm bón.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Ngọc Liên, giá trị kinh tế của cây kiệu cao hơn so với hành. Giá bán buôn kiệu hiện từ 18.000-20.000 đồng/kg, cao hơn củ hành từ 6.000-8.000 đồng/kg. Bình quân mỗi sào, người trồng kiệu thu hoạch khoảng 7 tạ, thu lãi từ 10-12 triệu đồng. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường đối với hàng nông sản này chưa cao. Đây là lý do khiến diện tích trồng kiệu có nguy cơ giảm dần. 

Thời gian tới, xã Ngọc Liên dự kiến sẽ rà soát lại diện tích gieo trồng, nâng cao chất lượng củ kiệu, tìm giải pháp mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giòn ngon món củ kiệu muối ở Ngọc Liên