80 kỹ sư xây dựng phần mềm đánh bạc trực tuyến chục nghìn tỷ

17/11/2018 08:37

Để vận hành game bài với 54 hình thức chơi, nhóm điều hành đường dây đánh bạc đã tuyển ồ ạt nhân sự.

Chiều 16.11, TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử 92 bị cáo vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ xuyên quốc gia qua việc làm rõ các game bài được dựng lên thế nào.

Hồ sơ vụ án xác định, năm 2014, Phan Sào Nam (35 tuổi, chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC Online) gặp Hoàng Thành Trung (đang bỏ trốn, nguyên Giám đốc Trung tâm phần mềm – Công ty VTC công nghệ và nội dung số - VTC Intecom) và được Trung khoe sở hữu phần mềm và đội ngũ kỹ thuật giỏi có thể phát triển, kinh doanh hệ thống phần mềm đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài.

Tin nhắn của Vũ Hà Phương với Phan Sào Nam

Viện kiểm sát công bố tin nhắn giao dịch của bị cáo Phan Sào Nam

Trung đề nghị tìm mượn pháp nhân cho mình để xây dựng và phát triển phần mềm đánh bạc trực tuyến. Đáp ứng việc này, Nam liên hệ với Đỗ Bích Thủy (chủ Công ty TNHH Phát triển nhà và đất Nam Việt) và được mở luôn một văn phòng đại diện ở Hà Nội giao cho Trung toàn quyền điều hành.

Biết Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) là công ty bình phong của C50 (Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Tổng cục Cảnh sát), Nam rủ Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch CNC) hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến và được đồng ý.

Đầu tháng 4.2015, Dương chỉ đạo cấp dưới Lưu Thị Hồng (Tổng giám đốc CNC) ký hợp đồng với Nam để cung cấp dịch vụ phần mềm và giải pháp công nghệ, khai thác thương mại game bài với tên RikVip. 

Sau khi ký hợp đồng với công ty CNC, Nam chỉ đạo Phan Anh Tuấn (Phó Giám đốc công nghệ VTC online) mua thiết bị, ký hợp đồng thuê chỗ đặt máy chủ ở quận Cầu Giấy. Tuấn cùng các nhân viên kỹ thuật Công ty VTC Online sau đó thiết lập hệ thống 262 máy để game bài RikVip hoạt động.

Giữa tháng 4.2015, phần mềm được Hoàng Thành Trung dựng xong, bắt đầu tổ chức đánh bạc trực tuyến.

Chiều 16.11, nhóm bị cáo Kim Thanh Thủy, Phạm Trọng Tài (cựu nhân viên kỹ thuật Công ty Nam Việt) khai được CNC thuê để dựng game bài Rikvip, hoàn thiện phần mềm đánh bạc.

Tài cho biết từng là học sinh giỏi quốc gia, có nhiều bằng khen. Tài đã nhận mã nguồn từ Hoàng Thành Trung rồi sửa giao diện. Tài cũng giúp sức cho các bị cáo khác vận hành game. Trả lời câu hỏi của chủ toạ "ai là người viết phần mềm game Rikvip", Tài nói bản chất Rikvip là một bộ mã nguồn

Trong khi đó, theo cáo trạng, Trung khi được Đỗ Bích Thủy giao cho phụ trách văn phòng công ty tại Hà Nội đã trực tiếp tuyển dụng và tiếp nhận 36 nhân viên từ VTC Intercom vào làm việc tại chi nhánh. Sau đó, Trung dần tuyển dụng lên tới trên 80 người để tham gia vận hành game.

Trung chỉ đạo Tài đăng ký tên miền "Rikvip.vn" tại Công ty GMO Runsystem vào ngày 18.4.2015 để test thử hoạt động. Sau khi game vận hành ổn định, ngày 25.6.2015, Tài có đơn đề nghị trả tên miền và Nguyễn Văn Dương chỉ đạo Lưu Thị Hồng đăng ký tên miền Rikvip.vn từ ngày 30.6.2015.

Trung còn chỉ đạo Kim Thanh Thủy (33 tuổi, Trưởng phòng Core), Phạm Trọng Tài, Nguyễn Việt Cường cùng các nhân viên do Trung tuyển về xây dựng, bổ sung, phát triển phần mềm cổng game bài Rikvip. Phần mềm hoạt động trên nền tảng web và thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng) và đẩy dần lên hệ thống máy chủ của Công ty VTC Online để tổ chức đánh bạc trực tuyến.

Tổng cộng 54 game bài đã được xây dựng với các hình thức đánh bài như: tài xỉu, ba cây, tá lả, xì tố, bài cào, liêng, xóc xóc, chắn, tến lên miền nam, mậu binh, poker, sâm lốc, tiến lên miền Bắc, bầu cua, số đỏ, sicbo, sấm truyền, vương quốc Rik, roulette, thủy cung, gái nhảy... Người chơi sử dụng tiền ảo (gọi là Rik).

Cho mượn công ty vì tin tưởng sự thành đạt của Phan Sào Nam

Bị cáo Đỗ Bích Thuỷ

Bị cáo Thuỷ do sức khoẻ yếu được ngồi khai tại toà

Cũng theo hồ sơ vụ án, sau khi cho mượn tư cách pháp nhân, 12.4.2015, bị cáo Đỗ Bích Thủy (Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nhà và đất Nam Việt) ký với Nam hợp đồng về việc "phát triển và khai thác kinh doanh phần mềm" dịch vụ mang tên "Win2All", khai thác thương mại với tên gọi Rikvip. Trong đó có nội dung: Bên B (Công ty Nam Việt) là đối tác của bên A (Công ty VTC Online) trong việc sản xuất, phát triển và điều hành dịch vụ trực tuyến trên Internet và mạng viễn thông ... Công ty VTC Online chịu trách nhiệm phát hành, kinh doanh và khai thác thương mại các dịch vụ này.

Về hợp đồng trên, chiều 16.11 với giọng nghẹn ngào, bà Thuỷ khai mẹ Nam là em gái của mẹ bị cáo. Công ty bất động sản Nam Việt do bà thành lập. Hồ sơ đăng ký kinh doanh thể hiện có hai cổ đông song bản chất chỉ có một.

Nghe Nam nói cần một công ty có pháp nhân đã sử dụng lâu để hợp đồng viết phần mềm cho công ty VTC Online, bà đã đồng ý. Bị cáo không coi lại hợp đồng chỉ thấy Nam nói đây là hợp đồng phát triển công nghệ.

Bà Thuỷ nói có lòng tin tưởng tuyệt đối với Nam vì hai chị em đã đồng hành từ nhỏ tới giờ. "Sự thành đạt của Nam khiến bị cáo tin tưởng tuyệt đối nên đã tự tước bỏ quyền được hỏi, được biết. Đến hôm nay phải đứng trước phiên xét xử, bị cáo nhận thấy sự kém hiểu biết là sai lầm dẫn đến vi phạm nhưng thực sự bị cáo không bao giờ giận Nam", bà Thuỷ khai. Ở phía sau, Nam cúi xuống.

"Từ khi làm việc với cơ quan điều tra, trong lương tâm bị cáo biết đó là sai lầm không chấp nhận được. Đến nay, bị cáo nhận thức đó là hành vi giúp sức, không có sự ép buộc nào của Nam. Bị cáo cũng không hiểu gì về game bài Rikvip", Thủy nghẹn ngào.

Bà Thuỷ cho hay hiện Công ty Nam Việt vẫn đang hoạt động. Bà tự nguyện nộp 50 tỷ đồng do thu lời bất chính. Trong vụ án này, bà bị truy tố tội Tổ chức đánh bạc với vai trò đồng phạm giúp sức.

Phan Sào Nam nâng khống giá trị hợp đồng

Bị cáo Huỳnh Trọng Văn

Bị cáo Huỳnh Trọng Văn khai trong phiên toà 16.11

Bị cáo Huỳnh Trọng Văn (Giám đốc công ty ODS - kinh doanh dữ liệu trực tuyến) khai công ty có ký hợp đồng cho thuê máy chủ và đường truyền với Công ty Nam Việt và VTC Online.

Văn khai quen biết Phan Sào Nam từ rất lâu, thông qua các buổi hội thảo về game. 2015, Văn được Nam đặt vấn đề thuê hệ thống máy chủ. ODS cho Nam Việt thuê 85 máy chủ, VTC Onine 8 máy. Tuy nhiên trong hợp đồng đã nâng khống thành lần lượt 235 và 32 máy chủ. Giá trị hợp đồng nâng khống lên gấp 10 lần.

Bị cáo khai không được trích lại % cho cá nhân, song toàn bộ tiền nâng khống chuyển lại cho các công ty.

Phan Sào Nam tại toà chiều 16/11

Bị cáo Phan Sào Nam đối chất cùng Huỳnh Trọng Văn

Theo cáo buộc, Công ty được của Văn được lợi 7,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, Văn khai trong quá trình làm việc đã nhiều lần xin cơ quan điều tra và VKS xem xét giá trị hợp đồng bởi tiền bỏ ra duy trì hệ thống máy chủ là gần 7,8 tỷ. Vì thế lợi nhuận thực chất chỉ còn 116 triệu và đã nộp khắc phục tại Cục Thi hành án. "Đề nghị HĐXX xem xét lại khoản tiền hưởng lợi", Văn nói.

Được gọi lên đối chất, Nam xác nhận thông tin Văn vừa khai, nhưng lại nói không nhớ nhiều chi tiết.

Hôm nay 17.11, phiên toà tiếp tục làm việc.

BẢO HÀ - PHẠM DỰ (VnExpress)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    80 kỹ sư xây dựng phần mềm đánh bạc trực tuyến chục nghìn tỷ