Kẻ tổ chức đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bị xử lý ra sao?

27/07/2020 06:22

Luật sư nhận định với việc đưa gần 30 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, kẻ cầm đầu có thể bị phạt đến 15 năm tù.

Án phạt lên đến 15 năm tù

Cao Lượng Cố (42 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) đang bị Công an Đà Nẵng tạm giữ với cáo buộc cầm đầu đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Theo cảnh sát, hành tung của Cao Lượng Cố bị phát giác sau khi gần 30 người nước ngoài nhập cảnh "chui" bị cơ quan chức năng phát hiện. Họ đều nói Cao Lượng Cố là kẻ cầm đầu đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Cao Lượng Cố lúc bị bắt giữ. Ảnh: Công an cung cấp.

Luật sư Nguyễn Tiến Dũng (Đoàn Luật sư Hà Nội) chỉ ra rằng theo quy định tại Điều 348 Bộ luật Hình sự, người nào phạm tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép sẽ bị phạt tù 1-5 năm.

Nếu người vi phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 2 lần trở lên; đưa từ 5 đến 10 người xuất nhập cảnh trái phép; có tính chất chuyên nghiệp; thu lợi bất chính từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì người phạm tội sẽ bị phạt 5-10 năm tù.

"Còn nếu tổ chức nhập cảnh trái phép cho trên 11 người, thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên hoặc làm chết người thì bị phạt tù tối đa 15 năm", luật sư phân tích.

Ngoài ra, luật sư nhấn mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Đà Nẵng, hành vi đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào khu vực này tiềm ẩn thêm rất nhiều nguy hiểm.

Lo ngại người nhập cảnh trái phép có thể làm lây lan dịch Covid-19 khi vào Việt Nam, luật sư còn cho rằng hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người nhập cảnh trái phép. Động thái này nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cũng như công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam được hiệu quả.

Người nhập cảnh trái phép có bị xử lý?

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) đánh giá hành vi nhập cảnh trái phép, cư trú trái phép tại Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện thêm diễn biến mới là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Theo luật sư, Điều 20 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 quy định chỉ người có đầy đủ hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực thì mới được nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam.

Du khách ở sân bay Đà Nẵng. Ảnh minh họa: Đoàn Nguyên.

Còn các trường hợp khác, trong đó có việc giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú đều được coi là vi phạm pháp luật.

"Tùy từng tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự", ông Cường nhấn mạnh.

Theo luật sư, người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động trái quy định tại Việt Nam; người giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép có thể bị phạt tiền 15-25 triệu đồng, theo quy định tại Điều 17 Nghị định 167/2013 của Chính phủ.

Nếu đã bị xử phạt hành chính về trường hợp trên nhưng tái phạm thì người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội Lưu trú ở Việt Nam trái phép, với mức xử lý gồm phạt tiền đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù tối đa 3 năm.

Ngày 16/7, nhà chức trách kiểm tra một khách sạn ở quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng), phát hiện 27 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Ngay sau đó, những người này đều được xét nghiệm và cho kết quả âm tính với Covid-19.

Tối 21/7, Công an Đà Nẵng khởi tố vụ án tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép. Mở rộng điều tra, cảnh sát bắt 3 nghi can (1 người Trung Quốc, 2 người Việt Nam) trong đường dây này.

Ngày 25/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an điều tra đường dây đưa người nhập cảnh bất hợp pháp để xử lý nghiêm theo pháp luật.

Theo Zingnew.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kẻ tổ chức đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bị xử lý ra sao?