Khó chữa cháy tại chỗ

04/10/2019 15:04

Thời gian gần đây, nhiều vụ cháy xảy ra trong tỉnh gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Công tác chữa cháy tại chỗ còn nhiều khó khăn, bất cập khiến hậu quả các vụ cháy càng nặng nề hơn.


Công an xã Thanh An (Thanh Hà) mới chỉ được trang bị một số bình chữa cháy xách tay

Lúng túng

Khoảng 3 giờ sáng 1.9, tại nhà chị Nguyễn Thị Phương (36 tuổi, ở thôn Tiên Tảo, xã Thanh An, Thanh Hà) xảy ra cháy. Chỉ ít phút sau, lực lượng công an, quân sự xã đã có mặt tại hiện trường.

Các lực lượng của xã phối hợp với người dân nhanh chóng giúp dập lửa, cứu người bị nạn. Lúc này đám cháy mới xảy ra nên lửa vẫn chưa lan rộng.

Tuy nhiên, do không có dụng cụ, phương tiện chuyên dụng nên mọi người không thể phá cửa, dập lửa ở bên trong nhà. Do gia đình chị Phương kinh doanh nhiều mặt hàng dễ cháy nên lửa bùng lên nhanh chóng, khói đen nghi ngút.

Chính quyền huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện tại chỗ nhưng vẫn không thể khống chế đám cháy. Hệ thống điện không được cắt kịp thời khiến mái tôn của gia đình hàng xóm nạn nhân bị truyền điện.

Trưởng Công an xã Thanh An Vũ Khắc Mý phải dùng túi nilon để bọc dép, đi trên mái tôn tiếp cận, đưa con gái lớn chị Phương từ trên tầng 2 xuống an toàn.

Khi lực lượng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (Phòng PC07, Công an tỉnh) đến, đám cháy đã lan rộng, dữ dội nên không thể vào bên trong. Chị Phương và con gái thứ 2 mắc kẹt trong nhà và tử nạn.

Đối với công tác chữa cháy, phương châm “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ luôn được đặt lên hàng đầu. Việc phát hiện, chữa cháy ban đầu là rất quan trọng.

Khi diện tích cháy nhỏ, nhiệt lượng chưa cao, hàng hóa cháy còn ít, nếu lực lượng tại cơ sở làm tốt thì có thể nhanh chóng khống chế và giảm thiệt hại vụ cháy gây ra.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn lực và năng lực thực hiện chủ trương trên còn nhiều hạn chế, khó khăn. Khi xảy ra cháy, người dân và lực lượng tại địa phương thường lúng túng, không có kỹ năng xử lý tình huống, bị động trong việc chữa cháy.

Thiếu tá Trần Hoài Nam, Phó Trưởng Công an huyện Thanh Hà cho biết: “Kinh phí phục vụ cho công tác PCCC ở cấp huyện và cấp xã rất hạn chế. Lực lượng làm công tác chữa cháy ở các xã, thị trấn thường kiêm nhiệm và không được hưởng thêm chế độ hay phụ cấp khác.

Họ cũng mới chỉ được trang bị các bình cứu hỏa xách tay, không có phương tiện, dụng cụ chuyên dụng, hiện đại khác nên hiệu quả chữa cháy còn thấp”.

Thiệt hại lớn

Việc dập lửa tại chỗ hạn chế khiến hậu quả các vụ cháy rất lớn. Trong ảnh: Người dân chữa cháy tại quán bar Jimmy Pub ở đường Trương Mỹ (TP Hải Dương) ngày 5.6.2019

Theo thống kê của Phòng PC07, trong 9 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xảy ra 42 vụ cháy làm 4 người chết, 8 người bị thương, thiệt hại gần 100 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm 2018, số vụ cháy không tăng nhưng tăng 4 người chết và trên 88 tỷ đồng thiệt hại, số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng tăng 6 vụ.

Điển hình như 2 vụ cháy lớn xảy ra tại Công ty CP Dược phẩm Syntech ở cụm công nghiệp Ba Hàng (TP Hải Dương) và tại Công ty TNHH May mặc Makalot Việt Nam ở xã Thanh Hải (Thanh Hà) vào tháng 7.2019 đã thiêu rụi hàng nghìn m2 nhà xưởng và hàng tỷ đồng hàng hóa.

Thời gian tới, để ngăn chặn, hạn chế số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, Công an tỉnh sẽ thành lập các đội cảnh sát PCCC tại Công an các huyện, thành phố.

Lực lượng công an cũng sẽ tham mưu chính quyền các huyện, thành phố triển khai thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Tổ chức kiểm tra công tác PCCC tại các khu dân cư, các nhà cho thuê, cơ sở kinh doanh có điều kiện, cơ sở sản xuất, kinh doanh tồn chứa các mặt hàng dễ cháy như hàng tạp hóa, xăng dầu, gas…

Tăng cường phối hợp tuyên truyền về PCCC ở cấp cơ sở. Thượng tá Hà Tiến Dũng, Trưởng Phòng PC07 (Công an tỉnh) khuyến cáo: Cùng với những giải pháp, công tác nghiệp vụ của lực lượng công an, chính quyền các địa phương, nhất là ở cấp xã cần tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng dân phòng để thường trực, sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn; bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ PCCC cho lực lượng tại cơ sở.

Các địa phương quan tâm bố trí kinh phí bổ sung, trang bị phương tiện chữa cháy cần thiết như máy bơm, quần áo, ủng chuyên dụng, dụng cụ phá dỡ... Lực lượng cơ sở cần thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác ban đêm để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp cháy nổ ngay từ ban đầu, không để bị động khi xảy ra sự cố.

HOÀNG BIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó chữa cháy tại chỗ