Nan giải chống "cát tặc" ở Chí Linh

17/09/2019 14:46

Hàng chục tàu khai thác cát trái phép bị tạm giữ, chủ tàu bị xử phạt... nhưng "cát tặc" vẫn hoành hành, bờ bãi sông tiếp tục sạt lở.

Mỗi khi lên đèn là tàu "cát tặc" lại rậm rịch hoạt động

Đây là tình trạng đang diễn ra ở sông Kinh Thầy đoạn qua địa bàn TP Chí Linh.

Nhức nhối

Cuối năm 2018,  bãi sông Kinh Thầy khu vực xã Nhân Huệ sạt lở hàng ha. Mùa lũ năm nay bờ sông khu vực Mạc Ngạn thuộc địa bàn phường Tân Dân lại sạt lở nghiêm trọng. Trong tháng 7.2019, đầu cồn Vĩnh Trụ cũng bị sạt lở hơn 750 m2...

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên do nạn khai thác cát trái phép trên sông Kinh Thầy. Trong hơn 8 tháng đầu năm, Công an TP Chí Linh đã phát hiện, nhận bàn giao tổng số 36 vụ với 39 đối tượng và thu giữ phương tiện, máy móc liên quan đến nạn "cát tặc", phạt hành chính hơn 400 triệu đồng. Điển hình là trường hợp Đỗ Xuân Thành ở khu dân cư Kinh Trung, phường Văn An (TP Chí Linh) bị UBND tỉnh phạt hành chính tới 150 triệu đồng. Các phòng chức năng của Công an tỉnh cùng Công an TP Chí Linh, Công an huyện Nam Sách phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) tổ chức tuần tra, phát hiện và bắt giữ hàng chục vụ khai thác cát trái phép, lập biên bản và bàn giao cho các địa phương xử lý theo quy định của pháp luật.

Cuối tháng 7.2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản kiến nghị tăng cường xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn TP Chí Linh. Văn bản nêu rõ từ đầu năm đến cuối tháng 7, các lực lượng chức năng đã phát hiện 79 vụ với khoảng 180 lượt tàu hút trộm cát lòng sông vào ban đêm. Sở cũng đã cảnh báo "cát tặc" đang đe dọa trực tiếp công trình đê điều, uy hiếp an toàn tính mạng, tài sản của người dân...

Khó xử lý

Theo ông Nguyễn Phúc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND TP Chí Linh, nạn khai thác cát trái phép diễn ra phức tạp do việc đấu tranh, phát hiện, xử lý còn nhiều khó khăn. Một số khu vực lòng sông Kinh Thầy như gần khu dân cư Kiệt Thượng ở phường Văn An, ven cồn Vĩnh Trụ ở phường Đồng Lạc có cát vàng nên luôn có một số tàu thuyền rình rập. Các tàu thường hoạt động từ 22 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau. Hầu hết tàu không có biển số, không đăng ký, đăng kiểm. Phương tiện và lực lượng đấu tranh với "cát tặc" còn hạn chế. Công an thành phố chỉ có 1 ca nô tuần sông và luôn bị các đối tượng theo dõi. Hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng chức năng và các cấp chính quyền địa phương thời gian qua chưa cao, trong khi hoạt động của "cát tặc" ngày càng tinh vi, phức tạp. Hiện tượng "bắt cóc bỏ đĩa" vẫn tồn tại.

Mặc dù phường Đồng Lạc có tổ công tác để đấu tranh với "cát tặc" nhưng hoạt động rất khó khăn. Khi phát hiện tàu khai thác cát, lực lượng này chủ yếu chỉ xua đuổi, tàu ra neo ở giữa dòng sông là chịu. Hiện phường tiếp tục phối hợp với Công an TP Chí Linh lập các chốt canh "cát tặc" ở Ba Kèo, điểm Mạc Ngạn và đầu, cuối cồn Vĩnh Trụ. Người dân ven sông được tuyên truyền, vận động thông tin kịp thời về hoạt động của "cát tặc" cho tổ công tác. Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Lạc cho biết: "Nhiều đêm chúng tôi đi tuần đến 4-5 lần". Trong tháng 8.2019, tổ công tác của phường Đồng Lạc đã phối hợp Công an TP Chí Linh bắt giữ 2 tàu khai thác cát trái phép ở khu vực bến phà Bình cũ. 

Để việc đấu tranh chống "cát tặc" trên sông Kinh Thầy qua địa bàn TP Chí Linh đạt kết quả cao cần sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên và chặt chẽ hơn giữa các lực lượng, nhất là cảnh sát môi trường, cảnh sát giao thông đường thủy và chính quyền các cấp.

TRANG LÂM

(0) Bình luận
Nan giải chống "cát tặc" ở Chí Linh