Siết chặt quản lý hàng xách tay: Có dễ xử lý?

31/10/2020 18:02

Dù đã được các cơ quan quản lý nhà nước tích cực kiểm tra, xử lý nhưng việc kiểm soát hàng xách tay vẫn chưa thể triệt để.


Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã tích cực kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hàng xách tay    

Do tâm lý sính hàng ngoại, hàng xách tay của một bộ phận người dân dẫn đến hoạt động buôn bán, kinh doanh mặt hàng này trong tỉnh thời gian qua diễn biến phức tạp. Dù quy định quản lý đã chặt chẽ hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. 

Quy định cụ thể

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 15.10.2020 đã xác định buôn bán hàng nhập khẩu, xách tay không có hóa đơn, chứng từ, không làm thủ tục hải quan đều là hàng nhập lậu và sẽ bị xử phạt.

Tại mục 3 của nghị định đã quy định rõ các mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng nhập lậu. Theo đó, tùy từng giá trị hàng nhập lậu sẽ áp dụng các mức xử phạt khác nhau. Cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt tối đa đến 50 triệu đồng và phạt 100 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh hàng lậu. Mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi nếu hàng nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế... Điều đó có nghĩa, nếu kinh doanh hàng xách tay không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ sẽ bị phạt tối đa lên tới 200 triệu đồng.

Theo ông Bùi Trọng Thuân, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, Nghị định 98 có nhiều điểm mới, đặc biệt là tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm. Trong đó có mức xử phạt loại hàng xách tay dưới hình thức nhập lậu. Nhiều người tiêu dùng chưa hiểu hết quy định về hàng xách tay và hành vi nào đối với hàng xách tay sẽ bị xử phạt. Sử dụng hàng xách tay nhập lậu với mục đích thương mại sẽ bị xử phạt.

Thời gian qua, Cục QLTT tỉnh đã tích cực kiểm tra, xử lý nhiều vụ hàng giả, hàng nhái và hàng lậu liên quan đến hàng hóa xách tay. Chỉ tính riêng trong các tháng 7 và 8, các Đội QLTT của Cục QLTT tỉnh đã tổ chức kiểm tra, xử lý 25 vụ vi phạm lớn về hàng giả, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt vi phạm hành chính trên 400 triệu đồng; tịch thu gần 3.000 hàng hóa vi phạm trị giá gần 200 triệu đồng; tịch thu trên 11.000 sản phẩm hàng nhập lậu trị giá trên 500 triệu đồng...

Còn nhiều khó khăn

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội và nhiều cửa hàng trong tỉnh quảng cáo bán hàng xách tay chính hãng. Hàng xách tay được rao bán rất phong phú, từ mỹ phẩm, sữa, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng... Qua tìm hiểu một số địa điểm bán hàng xách tay ở xã Việt Hồng (Thanh Hà), nhiều cửa hàng ở TP Hải Dương và trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, phần lớn các mặt hàng này không được dán nhãn phụ bằng tiếng Việt. Theo những người bán hàng, do có người thân ở nước ngoài nên họ gửi hàng về qua đường hàng không hoặc mỗi lần về nước thì xách hàng về bán. Các chủ cửa hàng đều cam kết sản phẩm xách tay là hàng chuẩn, chính hãng. Tham khảo giá cho thấy, mỗi cửa hàng có giá bán khác nhau. Người bán báo giá phụ thuộc vào từng người mua. Cùng một sản phẩm mỹ phẩm nhưng giá bán chênh nhau từ 200.000 - 400.000 đồng tùy từng nơi.

Theo Sở Công thương, kinh doanh hàng xách tay nở rộ do tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng. Nhiều người bán hàng đã trà trộn hàng giả, hàng nhái trong vỏ bọc hàng xách tay; trưng bày ít, hay trữ hàng hóa trong kho, chỉ khi khách hỏi thì mới đưa sản phẩm ra  để qua mặt các cơ quan chức năng.

Luật sư Chu Thanh Nhân, Văn phòng Luật sư Chu Văn Chiến ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) cho rằng, Nghị định 98 tăng mức phạt để răn đe đối tượng vi phạm kinh doanh hàng lậu, hàng xách tay. Dù vậy, trong quá trình xử lý sẽ phát sinh một số khó khăn, vướng  mắc. Hàng xách tay về Hải Dương qua nhiều con đường. Một số thương nhân gom lại thông qua nhiều đầu mối khác nhau gây khó khăn cho việc kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Các cá nhân bán hàng xách tay thường lách luật bằng cách không mua nhiều hàng một lúc mà mua nhỏ lẻ để giá trị hàng hóa xách tay chưa đến mức phải xử phạt. Ngoài ra, theo nghị định này, nhiều cơ quan có thẩm quyền được phép xử phạt, tùy theo giá trị hàng hóa. Vì vậy, trong quá trình thực hiện sẽ dẫn đến tình trạng chồng chéo hoặc làm không hết trách nhiệm.

Dù đã được các cơ quan quản lý nhà nước tích cực kiểm tra, xử lý nhưng việc kiểm soát hàng xách tay vẫn chưa thể triệt để. Trước thực trạng trên, người tiêu dùng cần thận trọng, lựa chọn sản phẩm xách tay uy tín, tránh tiền mất, tật mang.

LAN NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết chặt quản lý hàng xách tay: Có dễ xử lý?