Vì sao cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến bị truy tố?

17/03/2020 16:53

Viện Kiểm sát quân sự Trung ương vừa hoàn tất cáo trạng truy tố cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến và 7 bị can liên quan đến vụ sai phạm đất đai.

Dự án số 9-11 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP Hồ Chí Minh

Theo đó, ông Nguyễn Văn Hiến bị truy tố về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". 

Các bị can: Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo, Trần Trọng Tuấn (Phó Giám đốc Công ty Hải Thành) bị truy tố về tội "vi phạm quy định về quản lý đất đai"; Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan bị truy tố tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Đất quốc phòng rơi vào tay tư nhân

Theo cáo trạng, các khu đất số 2, số 7-9 và số 9-11 (tổng cộng hơn 7.300m2) đường Tôn Đức Thắng có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của Quân chủng Hải quân (QCHQ). 

Ngày 13.3.2006, Thường vụ Đảng ủy QCHQ đã họp và nhất trí phương án hợp tác kinh doanh các khu đất trên và giao cho chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo trực tiếp chỉ đạo. 

Theo đó, Công ty Hải Thành phối hợp với cơ quan chức năng đề xuất, tổ chức thực hiện hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp trên 3 khu đất này, nhưng bảo đảm đúng quy định của pháp luật và có lợi cho quân chủng.

Đầu tháng 10.2006, Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương để lại toàn bộ tiền sử dụng đất cho Bộ tư lệnh Hải quân để chi phí giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng doanh trại hoặc cơ sở phúc lợi cho các đơn vị của Hải quân.

Quá trình thực hiện, các bị can Bùi Như Thiềm (nguyên Trưởng Phòng Kinh tế QCHQ), Bùi Văn Nga (nguyên Giám đốc Công ty Hải Thành), Đoàn Mạnh Thảo (nguyên Trưởng Phòng Tài chính QCHQ) đã đề xuất với Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh QCHQ và trực tiếp thực hiện các phương án chuyển mục đích sử dụng 3 khu đất trên từ đất quốc phòng sang đất làm kinh tế trái quy định về quản lý đất đai.

Cụ thể, mặc dù QCHQ chưa có báo cáo đề nghị Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nhưng Thiềm, Thảo đã trình Thường vụ Đảng ủy QCHQ xin ý kiến để ký các hợp đồng liên doanh liên kết xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê trong thời hạn từ 45-49 năm, với mức khoán từ 4,5-5 USD/tháng/m2 trong suốt thời hạn liên doanh.

Ông Nguyễn Văn Hiến (khi đó là Tư lệnh QCHQ) đã ký nhiều văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan xin chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng, đưa 3 khu đất vào hợp tác kinh doanh, xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê.

Thủ trưởng Bộ Quốc phòng nhất trí về chủ trương nhưng chỉ đạo: "Không được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vì sẽ bị mất đất". Tuy nhiên, với sai phạm của các bị can, cả 3 lô đất này đều đã rơi vào tay tư nhân.

Liên doanh làm mất quyền sử dụng các lô đất

Tại lô đất số 2, tháng 7.2006, ông Hiến ký quyết định giao cho Công ty Hải Thành sử dụng vào mục đích hợp tác liên doanh làm kinh tế với Công ty Cảnh Hưng để thành lập Công ty TNHH liên doanh Cảnh Hưng Hải Thành với vốn điều lệ 15 triệu USD (Công ty Hải Thành 10%, Công ty Cảnh Hưng 90%) trong thời hạn 49 năm.

Tháng 11.2007, Đoàn Mạnh Thảo ký báo cáo giải trình về 3 phương án cho Công ty Cảnh Hưng thuê khu đất số 2 gửi các ủy viên Thường vụ Đảng ủy, thủ trưởng Bộ tư lệnh Hải quân... Thường vụ Đảng ủy QCHQ họp phiên mở rộng đã nhất trí theo phương án "chuyển sang hình thức liên doanh góp vốn".

Sau đó, ngày 17.12.2007, UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt giá trị khu đất số 2 là 187 tỉ đồng để Công ty Hải Thành nộp vào ngân sách nhà nước khi khu đất làm dự án.

Bị can Thảo đã trình cho ông Hiến ký các văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh xin được ghi thu, ghi chi tiền sử dụng khu đất số 2 với nội dung: "Việc nộp số tiền chuyển quyền sử dụng khu đất số 2 là 187 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước là rất khó khăn đối với kinh phí của Bộ tư lệnh Hải quân và Công ty Hải Thành. 

Đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh xem xét giải quyết cho ghi thu, ghi chi số tiền này vào thẳng tài khoản của QCHQ, sau đó QCHQ sẽ chi cho Công ty Hải Thành để tạo một phần vốn đầu tư dự án. 

Khi dự án đi vào hoạt động, Bộ tư lệnh Hải quân chỉ đạo Công ty Hải Thành chuyển toàn bộ tiền thu được về Bộ tư lệnh sử dụng theo đúng quy định của Nhà nước".

Từ văn bản trên, UBND TP Hồ Chí Minh đã trình Bộ Tài chính và được Bộ Tài chính thống nhất đồng ý.

Ngày 21.5.2008, các bên ký hợp đồng góp vốn, xác định giá trị góp vốn của Công ty Hải Thành là 187 tỉ đồng bằng giá trị quyền sử dụng khu đất số 2 với thời hạn 49 năm.

Hiện tại Công ty Cảnh Hưng Hải Thành đã xây dựng tòa nhà 27 tầng nổi, 4 tầng hầm, và đã hoàn thiện 9 tầng đang cho thuê làm văn phòng. 

Đồng thời, Công ty Cảnh Hưng đã bán hết cổ phần cho một số đối tác (chiếm 90% giá trị vốn góp). Thế nhưng đến nay, Công ty Hải Thành chưa nộp về QCHQ số tiền sử dụng đất 187 tỉ đồng.

Tương tự, lô đất tại địa chỉ số 9-11 Tôn Đức Thắng vốn được Bộ Quốc phòng giao cho Công ty Hải Thành quản lý. 

Công ty Hải Thành đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty Mai Anh thực hiện dự án xây dựng cao ốc đa chức năng tại đây với thời hạn 49 năm. 

Để thực hiện dự án, hai bên ký hợp đồng liên doanh, thành lập Công ty TNHH Mai Thành, vốn điều lệ 15 triệu USD (Công ty Hải Thành 10% và Công ty Mai Anh góp 90%).

Công ty Mai Anh bảo đảm thanh toán cho Công ty Hải Thành một khoản thu nhập ổn định hằng năm không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty liên doanh là 115.032 USD/năm. 

Khi liên doanh đi vào hoạt động thì khoản thu nhập này do công ty liên doanh thanh toán cho Công ty Hải Thành. Giá trị quyền sử dụng đất khu đất số 9-11 Tôn Đức Thắng do UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt là 248 tỉ đồng.

Cũng với cách thức như trên, số tiền sử dụng đất này được chuyển cho QCHQ sử dụng. Ngày 8.9.2008, UBND TP Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất số 9-11 Tôn Đức Thắng cho Công ty Hải Thành, mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất kinh doanh, thời hạn sử dụng 50 năm.

Ngay sau đó, Công ty Hải Thành và Công ty Mai Anh ký phụ lục sửa đổi hợp đồng liên doanh, xác định vốn điều lệ của công ty liên doanh là 510 tỉ đồng, Công ty Hải Thành góp 248 tỉ bằng giá trị quyền sử dụng đất khu đất, tương ứng 48,64% với thời hạn 50 năm, Công ty Mai Anh góp 261 tỉ đồng, tương ứng 51,36%.

Theo đề nghị của Công ty Hải Thành, ngày 28.11.2013, UBND TP Hồ Chí Minh cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ Công ty Hải Thành sang Công ty TNHH Mai Thành. Sau khi liên doanh đi vào hoạt động, đến tháng 12.2009, các bên ký điều lệ Công ty TNHH Mai Thành sửa đổi, xác định vốn điều lệ công ty liên doanh là 1.050 tỉ đồng. 

Trong đó, Công ty Hải Thành giữ nguyên số vốn góp, Công ty Mai Anh chuyển nhượng một phần vốn điều lệ cho Công ty TCO Việt Nam (Công ty Mai Anh còn 276 tỉ đồng chiếm 26,37%, Công ty TCO 525 tỉ đồng chiếm 50% vốn điều lệ).

Sau đó, UBND TP Hồ Chí Minh cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyển sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sang Công ty TCO và Công ty TNHH Mai Thành. 

Công ty TNHH Mai Thành đã xây dựng xong tòa nhà 34 tầng, hiện đang cho thuê làm văn phòng. Đến nay, Công ty Hải Thành chưa nộp về QCHQ số tiền sử dụng đất 248 tỉ đồng.

Sai phạm của ông Hiến gây thất thoát 939 tỉ đồng

Cáo trạng nêu: bị can Nguyễn Văn Hiến đã không kiểm tra, tin tưởng vào cấp dưới nên đã ký, phê duyệt các văn bản để đưa 3 khu đất quốc phòng vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định.

nvh-15717661961791500074360

Bị can Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Quốc phòng

Ông Hiến không kiểm tra việc góp vốn, không kiểm tra việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Quốc phòng; sau khi ủy quyền cho giám đốc Công ty Hải Thành ký hợp đồng đã không kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị liên quan, dẫn đến việc bị đối tác dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang đi thế chấp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển nhượng quyền sở hữu cho bên thứ ba...

Hậu quả làm QCHQ mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước 939 tỉ đồng.

Tin tưởng tờ trình gian dối, bị chiếm đoạt 503 tỉ đồng

Đối với khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng (diện tích 3.513m2), ngày 8.3.2006, Công ty Yên Khánh đã gửi Bộ tư lệnh QCHQ tờ trình giới thiệu về năng lực của Công ty Yên Khánh và xin hợp tác kinh doanh.

Tin tưởng nội dung phản ánh về năng lực "dỏm" này, các bị can đã đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ký kết các hợp đồng liên doanh liên kết với Công ty Yên Khánh dẫn đến việc Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt, Vũ Thị Hoan chiếm đoạt giá trị quyền sử dụng khu đất với số tiền 503 tỉ đồng.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến bị truy tố?