Vụ nước sạch Sông Đà nhiễm bẩn: Có thể xem xét khởi tố vụ án hình sự

16/10/2019 16:58

Theo các chuyên gia, hành vi biết nước bị nhiễm bẩn mà vẫn cấp nước cho người dân của Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà có thể xem xét trách nhiệm hình sự.


Công ty nước sạch Sông Đà. Ảnh tư liệu

Theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, việc nước sạch từ Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà bị nhiễm bẩn đã được công ty này biết rõ từ ngày 8-10, nhưng nhà máy nước vẫn xử lý và đưa về bể cho hàng ngàn hộ dân ở Hà Nội sử dụng.

Cho đến thời điểm này, thiệt hại của vụ việc chưa ai thống kê nhưng đời sống của hàng ngàn người dân bị xáo trộn, lo lắng, bất an là có thật.

Người dân có quyền yêu cầu bồi thường

Thực tế, việc cấp nước và sử dụng nước của các hộ dân ở Hà Nội với Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà được thực hiện theo hợp đồng mua bán nước. Bên cung cấp là Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà và bên mua là người dân. Nước sạch để sinh hoạt, sử dụng phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định và bảo đảm cho sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, từ ngày 9.10 nhiều người dân ở Hà Nội bắt đầu than vãn là nước có mùi khét và kéo dài nhiều ngày sau vẫn chưa được cải thiện. Vì không biết nước sạch ảnh hưởng sức khỏe thế nào, nhiều người mua nước đóng bình về dùng.

"Tuy chưa có thống kê nhưng có thể người dân đã xác định được những thiệt hại cụ thể của từng gia đình về việc nước nhiễm bẩn. Cụ thể, phải mua nước đóng bình để sử dụng thay cho nước máy hằng ngày, phải mang quần áo đi thuê giặt, thuê chỗ tắm; không nấu được cơm ăn thì phải mua thức ăn chín làm phát sinh chi phí; công sức để đi xếp hàng lấy nước sạch sinh hoạt..

Đây là những căn cứ đầu tiên để người dân tính toán và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu việc yêu cầu bồi thường không được chấp nhận thì có thể khởi kiện tại tòa án", luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM) nêu ý kiến.

Đồng thời ông Nghiêm cũng cho rằng, trước mắt, công ty cung cấp nước sạch nên có động thái bồi thường và xin lỗi khách hàng sử dụng nước vì những thiệt hại đã và đang xảy ra, cũng như có những biện pháp khắc phục ngay lập tức để người dân ổn định cuộc sống.

Đồng ý kiến, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) dẫn nhiều quy định và cho rằng việc Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà cung cấp nước không đảm bảo chất lượng cho khách hàng là vi phạm hợp đồng dịch vụ cấp nước. Khách hàng (người dân) có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do bên cung cấp dịch vụ vi phạm hợp đồng.


Nguồn nước ô nhiễm màu đen chảy vào nguồn cấp nước cho Công ty nước sạch Sông Đà. Ảnh tư liệu

Có dấu hiệu của tội hình sự

Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh). Ông Công cho rằng công ty cấp nước phải khắc phục ngay lập tức việc nước nhiễm bẩn để người dân ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, việc đổ chất thải nguy hại ra môi trường, ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân (như báo chí thông tin và thông cáo báo chí của UBND TP Hà Nội) là hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định ở Điều 235 Bộ luật Hình sự hiện hành với khung hình phạt đến 7 năm tù và 200 triệu đồng.

Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà thực hiện giao dịch với người dân thông qua hợp đồng mua bán nên khi chất lượng sản phẩm không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người mua thì đã phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Bên cạnh đó, hành vi phát hiện nguồn nước nhiễm bẩn nguy hại nhưng không có bất cứ hành động nào, từ báo cáo đến ngăn chặn, thì đã có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh cũng cho rằng hành vi xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân mà còn vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự.

Theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội gây ô nhiễm môi trường, khung hình phạt nhẹ nhất là bị phạt tiền từ 50-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Khung hình phạt nặng nhất là bị phạt tiền từ 1-3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội khung hình phạt nhẹ nhất là phạt tiền từ 3-7 tỉ đồng, khung hình phạt nặng nhất là bị phạt tiền từ 500 triệu đến 3 tỉ đồng.

Nếu pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1-5 tỉ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1-3 năm.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ nước sạch Sông Đà nhiễm bẩn: Có thể xem xét khởi tố vụ án hình sự