Ở cung đường tắc nhất Hải Dương

04/08/2019 10:07

Đưa vào khai thác chưa lâu nhưng quốc lộ 38 đã trở thành cung đường có mật độ xe cộ dày đặc và ùn tắc nhất Hải Dương hiện nay.

Gần đây, nhiều xe chở container từ quốc lộ 5 đi vào quốc lộ 38 để sang huyện Lương Tài (Bắc Ninh) rồi đi cầu Bình Than nên quốc lộ 38 ngày càng chật chội

Tắc ngày, tắc đêm

Vừa ngáp dài, ngáp ngắn, bà O. vừa ngán ngẩm nhìn ra dòng xe dài dằng dặc trước cửa. Tiếng động cơ ầm ì, mùi khói xăng dầu nồng nặc cuộn vào trong quán. Mấy lái xe cởi trần trùng trục nhoài người hẳn ra khỏi ca bin ngóng lên phía trước, ngoái lại phía sau rồi lại thụt vào. Tắc đường. Hôm nào cũng thế, đúng giờ tàu đêm về ga nên gác chắn trên đường 38 được hạ xuống. Lúc tàu qua, phải nửa tiếng sau thì xe cộ mới đi lại bình thường.

Bà O. không ngớt ca cẩm vì từ nửa đêm đến giờ chưa khách nào vào quán. Ngày trước, đây là lúc từng tốp công nhân hết ca đêm thường ghé vào ăn uống. Hay chí ít là cánh thanh niên đi chơi tối tạt qua lót dạ. Khi ấy, mỗi đêm bà O. bán được mấy cân bún, bánh đa, dăm ba con gà vịt, thì nay giảm hơn một nửa. 

Cũng gần quán bà O., dọc quốc lộ 38 qua xã Lương Điền (Cẩm Giàng) còn có hàng loạt quán ăn đêm khác nhưng nay cũng trong tình trạng phập phù, hôm bán, hôm nghỉ. Có quán ăn đầu tư hàng trăm triệu đồng, kinh doanh chưa lâu thì nay đã phải dỡ biển, bán rẻ bàn ghế, xoong nồi để cho thuê làm cửa hàng đồ gỗ. "Xe từng đoàn thế kia nên người ta ngại tạt vào. Sang đường còn khó hơn, ai chẳng sợ. Nhất là từ vụ đêm năm ngoái, ô tô tông 2 người chết, 1 người gẫy chân rồi nó bỏ chạy nên giờ càng ít người dám ra đường vào ban đêm nếu không có việc phải đi", bà O. thủng thẳng.

Hơn nửa đêm, chồng bà O. bước thấp, bước cao ra quán bưng bê cho vợ. Khuấy nồi nước dùng khói đang bốc nghi ngút nhưng chưa vơi được một nửa, bà O. giục chồng về ngủ vì quán không có khách. "Về nằm cho đỡ mỏi thôi chứ có ngủ được đâu. Xe thì chạy ầm ầm, giường rung như động đất", ông làu bàu.

Hơn một năm trước, quốc lộ 38 chủ yếu chỉ đông xe ban ngày, nay ban đêm ô tô cũng rầm rập chạy cả chiều Hải Dương - Bắc Ninh và ngược lại. Khi quốc lộ 38 hoàn thành vào năm 2016, người dân phấn khởi vì có đường rộng rãi thay cho con đường nhỏ hẹp, lởm chởm đá hộc trước kia. Nhưng mừng chưa lâu thì lo lắng ập đến. Kinh doanh ế ẩm, đi lại mất an toàn, nhà cửa bị ảnh hưởng. 

Không chỉ ban ngày, quốc lộ 38 còn ùn tắc vào ban đêm

Nhà ông Nguyễn Văn Phái ở thôn Đồng Quan, xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng) gần huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) và sát quốc lộ 38 nên ông biết rõ nhất những ảnh hưởng của xe trọng tải lớn đi lại rầm rập suốt đêm ngày. Trước đây, gia đình ông nhường một phần đất để mở rộng quốc lộ 38. Đường lấn gần nhà, tiền đền bù chưa được nhận, giờ không biết tìm ai để đòi, còn nhà đang nứt toác. Nhà hư hại cũng lo nhưng ông còn lo hơn vì sức khỏe của cả gia đình bị ảnh hưởng. Ngước đôi mắt đỏ ngầu vì mất ngủ, ông Phái kể: "Xe chạy huỳnh huỵch suốt đêm. Những xe thùng không có hàng thì kêu càng to. Bà nhà tôi mất ngủ triền miên. Trẻ con đêm hay giật mình rồi khóc ngằn ngặt. Có người nhà ở sát đường cứ đêm là vào làng để ngủ nhưng không phải ai cũng có nhà trong ấy để vào".

Không chỉ ở thôn Đồng Quan, nhà dân ven quốc lộ 38 từ các thôn Đức Tinh, Hỷ Duyệt của xã Cẩm Hưng; Mỹ Hảo, Mỹ Vọng, Ngọc Kha, Thu Lãng, Nghĩa Trạch, Ngọc Quyết, Bình Phiên (xã Ngọc Liên)... cho đến những thôn của xã Lương Điền (Cẩm Giàng), Hưng Thịnh (Bình Giang) sát với quốc lộ 5 đều bị ảnh hưởng. Rõ nhất là mỗi khi các đoàn xe đi qua làm cho nhà ven đường, thậm chí ở sâu bên trong rung lắc, có nhà bị nứt dù xây dựng chưa lâu. 

Cũng như ban ngày, ô tô đi ban đêm trên quốc lộ 38 bây giờ chủ yếu là xe tải và xe chở container. Cao điểm nhất là khoảng 2 giờ sáng. Thời điểm này từng đoàn xe chở hàng từ Hải Phòng bắt đầu rẽ vào quốc lộ 38 để qua Bắc Ninh, vào quốc lộ 1 đi cửa khẩu ở Lạng Sơn. Ban đêm, nếu xảy ra va quệt nhẹ cũng có thể ùn tắc hàng giờ. Vào ban ngày, cuối giờ sáng hoặc cuối giờ chiều là thời điểm ùn tắc nghiêm trọng nhất. Mỗi khi barie đường sắt Hà Nội - Hải Phòng hạ xuống chờ tàu hỏa đi qua thì ùn tắc kéo dài nhiều km. Chỉ một chiếc ô tô quay đầu không đúng chỗ, hoặc có vụ tai nạn thì ùn tắc còn nghiêm trọng hơn. Quốc lộ 38 từ Quán Gỏi, xã Hưng Thịnh (Bình Giang) sang đến địa phận tỉnh Bắc Ninh chỉ dài 10,3 km nhưng có lúc phải đi mất hơn 1 giờ đồng hồ. Để tránh gặp ùn tắc, nhiều lái xe từ TP Hải Dương về các xã phía tây huyện Cẩm Giàng thường từ quốc lộ 5 rẽ vào đường 194C hoặc 195B, ra đường 394 của huyện Cẩm Giàng, vòng sang huyện Lương Tài (Bắc Ninh) rồi mới ra quốc lộ 38. Dù xa nhưng nhanh hơn đi đường chính.

Hành trình các đoàn xe

Quốc lộ 38 là đường cấp III đồng bằng, lưu lượng thiết kế từ 3.000 - 6.000 xe con quy đổi/ngày đêm. Theo đại diện Công ty CP BOT 38, sau khi đưa vào khai thác vài tháng, tuyến đường đã đạt từ 3.000 - 3.500 lượt xe con quy đổi/ngày đêm. Trước khi được cải tạo, nâng cấp, đường chưa đến 1.000 lượt xe/ngày đêm. Còn theo số liệu mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện trên tuyến đường đã đạt mức 6.628 xe con quy đổi/ngày đêm, vượt quá thiết kế và có thể tiếp tục tăng lên. 

Nhiều ngôi nhà ven quốc lộ 38 bị ảnh hưởng do xe trọng tải lớn qua lại liên tục

Vừa qua, chúng tôi đã khảo sát ở một số tuyến đường tại tỉnh Bắc Ninh đấu nối với quốc lộ 38 để xác định hành trình của các đoàn xe, cũng như tìm lời giải vì sao lượng xe tải, xe chở container đổ về quốc lộ này ngày một dày đặc? Hằng ngày, hướng Hải Dương đi Bắc Ninh, các đoàn xe đều từ quốc lộ 5 rẽ vào quốc lộ 38 (đoạn ngã ba Quán Gỏi, Bình Giang) rồi qua các xã Lương Điền, Ngọc Liên, Cẩm Hưng của huyện Cẩm Giàng. Xe chạy đến ngã tư Đông Côi thuộc thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) hầu hết không đi thẳng nhằm tránh trạm thu phí cách đó không xa, mà thường rẽ phải đi TP Bắc Ninh để lên quốc lộ 1. Hoặc đến ngã tư này, xe rẽ trái thêm 16 km nữa để ra quốc lộ 5 đoạn Gia Lâm (Hà Nội), tránh trạm thu phí quốc lộ 5 đoạn tỉnh Hưng Yên. Ở chiều Bắc Ninh về Hải Dương, các xe từ hai hướng trên rẽ vào quốc lộ 38 qua Cẩm Giàng để ra Quán Gỏi. Gần đây, nhiều xe từ quốc lộ 5 vào quốc lộ 38, qua đường sắt Cẩm Giàng rẽ phải qua cầu Sen, giáp ranh giữa huyện Cẩm Giàng và huyện Lương Tài rồi chạy theo đường tỉnh của Bắc Ninh đến huyện Gia Bình, đi cầu Bình Than, quốc lộ 18 để ra quốc lộ1. Ở chiều ngược lại, các xe ra quốc lộ 5 cũng đi lộ trình này làm cho quốc lộ 38 càng có nhiều phương tiện. Hầu hết các đường đều xa hơn so với đi qua các trạm thu phí quốc lộ 5, quốc lộ 38 nhưng bù lại lái xe tránh được trạm. Nếu tính cả đi lẫn về, mỗi xe chở container sẽ giảm được 360.000 đồng tiền vé. Đây là lý do chính làm cho lượng xe đi qua quốc lộ 38 ngày càng nhiều.

Tuyến đường này do Công ty CP BOT 38 đầu tư xây dựng và bắt đầu thu phí từ ngày 10.4.2018. Mặc dù lượng ô tô ngày càng đông nhưng hiện làn đường xe cơ giới mỗi bên chỉ rộng 3,5 m, phân chia hầu hết bằng vạch liền. Hai làn ngoài cùng dành riêng cho xe thô sơ mỗi bên rộng tới 2 m. Trước đây, Sở Giao thông vận tải đã đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Công ty CP BOT 38 xóa vạch liền phân chia làn xe cơ giới và xe thô sơ để mở rộng mặt đường nhưng không được chấp nhận. Vì vậy, mặt quốc lộ 38 hiện rất lãng phí do ô tô, mô tô, xe máy phải chen lấn đi chung 1 làn hỗn hợp, còn làn thô sơ 2 bên rộng 4 m nhưng rất ít xe đi.

Quốc lộ 38 qua Hải Dương có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, kết nối hai tuyến đường lớn là quốc lộ 1 với quốc lộ 5 nhưng tình trạng ùn tắc nói trên vô hình trung lại kìm hãm sự phát triển, ảnh hưởng tới dân sinh. Chưa nói đến trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đường này hiện khá phức tạp. Từ năm 2011 đến trước khi đường được cải tạo (năm 2015), quốc lộ 38 xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông làm 8 người chết, 2 người bị thương thì từ năm 2016 đến hết tháng 6.2019 đã có 13 vụ làm 14 người chết và 11 người bị thương.

Có lẽ phương án hạn chế xe theo giờ, phân luồng từ xa giống như đã thực hiện có hiệu quả trên một số tuyến đường qua Hải Dương trước kia cần được tính đến ngay từ lúc này.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Ở cung đường tắc nhất Hải Dương