Tai họa từ những cuộc vui

03/11/2019 15:44

Chỉ vì ham vui quá đà, nhiều người đã tự đánh mất sức khỏe, hạnh phúc, tương lai, thậm chí là cả tính mạng của mình.

Lực lượng cảnh sát giao thông TP Hải Dương kiểm tra nồng độ cồn

Đớn đau

Chúng tôi tới nhà anh G. (sinh năm 1982, ở xã Yết Kiêu, Gia Lộc) khi những cơn gió lạnh đầu mùa đang tràn về. Tiếng tụng kinh phát ra từ chiếc radio trên bàn thờ anh G. càng khiến không gian trong căn nhà nhỏ lạnh lẽo, tang thương.

Người thân vẫn chưa hết bàng hoàng, đau đớn trước sự ra đi đột ngột của anh G. Dáng người khắc khổ, thấy có khách, chị X, vợ anh G. đổ vội gánh cỏ xuống ao cho cá ăn để vào tiếp chuyện chúng tôi.

Còn mẹ chồng chị dường như không quan tâm chúng tôi đến vì việc gì, bà chào hỏi mọi người qua loa rồi vội đi chợ để mua đồ cúng tuần đầu cho con trai.

Ngồi ở góc chiếc phản gỗ cũ kỹ kê tạm ngoài sân, chị X. ngập ngừng kể cho chúng tôi về sự ra đi của chồng mình.

Chị X. cùng anh G. làm nghề sơn. Vài năm gần đây, nhận sơn được nhiều công trình ở các huyện Ninh Giang, Thanh Miện nên vợ chồng anh G. cùng nhóm thợ trong làng thường xuyên làm xa nhà.

Vừa phải lo công việc, vừa quán xuyến nhà cửa, con cái nên anh chị sáng đi làm, tối lại về nhà. Tối 20.10, một chủ nhà tổ chức liên hoan tân gia nên mời anh G. cùng nhóm thợ ở lại dùng cơm.

Vì là thợ cả và không muốn làm phật ý chủ nhà, anh G. đại diện nhóm thợ ở lại, còn mọi người thì về trước. Đã quen với việc chồng phải đi tiếp khách, dự liên hoan nên chị X. cũng không mảy may suy nghĩ.

Tối hôm ấy, không thấy anh G. về, chị X. bụng bảo dạ chắc chồng quá chén, ngủ lại nhà anh em, bạn bè để sáng mai đi làm cho tiện.

Đến sáng hôm sau, khi không thể liên lạc được với anh G., chị mới gọi điện khắp nơi để tìm chồng. Những người cùng dự liên hoan thì nói anh G. có ngồi uống rượu nhưng bảo vẫn đi được nên đã đi xe máy về ngay.

Nghĩ có chuyện chẳng lành, cả nhà chị X. tá hỏa tìm kiếm khắp nơi nhưng đều không có kết quả. Đến đầu giờ chiều 21.10 thì gia đình nhận được hung tin.

Người dân tìm thấy thi thể anh G. cùng xe máy bị hư hỏng dưới mương nước ven đường liên xã, cách chỗ anh G. dự liên hoan chừng 1 km. Ngay sau đó, cơ quan công an về làm việc, xác định anh G. tự gây tai nạn giao thông dẫn đến tử vong.

Thi thể anh G. và chiếc xe máy được tìm thấy dưới mương nước bên đường

Câu chuyện giữa chúng tôi và chị X. bỗng dưng bị ngắt quãng. Từ đâu đến, ông H., bố chồng chị X. lao vào nhà chửi bới om sòm những người có mặt tại đây.

Đầu óc vốn không tỉnh táo từ lâu nhưng kể từ khi con trai mất, ông H. dường như ngày càng suy sụp hơn. Ông chửi vợ cũ, chửi con dâu, thậm chí chửi cả đứa con trai đã khuất vì tự gây tai nạn cho mình.

Những câu nói nửa tỉnh, nửa mê của ông như càng xát muối vào nỗi đau của những người ở lại. Chị X. phải nói xẵng giọng ông H. mới dùng dằng bỏ đi.

“Chắc là bố em nhớ con trai quá nên ngày nào cũng một câu thằng G., hai câu thằng G. Ngày trước chỉ thỉnh thoảng ông mới như thế nhưng cả tuần nay, đêm khuya, sáng sớm ông đã dậy đi bộ sang đây nói luyên thuyên, nhắc nhớ đến anh G.”, chị X. nghẹn ngào.

Là trụ cột trong gia đình nên anh G. ra đi để lại khoảng trống khó có thể khỏa lấp được. Cả ba đứa con của vợ chồng anh vẫn đang độ tuổi ăn học, cháu nhỏ nhất năm nay mới học lớp 2.

Bình thường, mọi công việc trong gia đình chung, gia đình riêng đều do anh G. gánh vác. Nay tai họa ập đến, bao nhiêu áp lực, lo toan cuộc sống đổ dồn hết lên vai chị X.

Từ khi ra ở riêng, làm lụng tiết kiệm được chút nào, vợ chồng chị X. lại vay mượn thêm để đầu tư vào chuồng trại. Năm nay, lợn bị dịch chết không còn con nào nên mọi công sức đều bỏ đi, nợ càng thêm nợ.

“Cúng xong tuần đầu cho nhà tôi thì tôi cũng phải đi làm nốt công trình để lấy tiền thanh toán vật liệu, công cán cho thợ.

Anh ấy mất rồi, sau nếu không còn có ai mượn làm nữa thì tôi về xin đi làm công nhân. Hoàn cảnh đã thế này rồi thì tôi cũng phải cố xoay xở để trả nợ dần và nuôi các con ăn học chứ biết kêu ai bây giờ”, giọng chị X. trầm xuống khi nhắc đến tương lai.

Đặt cược mạng sống, tương lai trên... bàn nhậu

“Hầu như ngày nào cũng có!”, bác sĩ Vũ Trí Hiếu, Trưởng Khoa Ngoại II, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trả lời khi chúng tôi hỏi về tình hình bệnh nhân tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia.

Là chuyên khoa về thần kinh, lồng ngực, cột sống... nên đa số nạn nhân chấn thương nặng do tai nạn giao thông trong tỉnh đều được đưa đến đây phẫu thuật, điều trị. Vào dịp cuối tuần, phải khó khăn lắm chúng tôi mới gặp được bác sĩ Hiếu.

Mặc dù đã hẹn trước, không vào ca trực nhưng có ca mổ cấp cứu thì chúng tôi lại bị lỡ hẹn.

“Mùa hè thì người dân uống bia nhiều, mùa đông uống rượu nhiều, không có lúc nào là bệnh nhân giảm. Đặc biệt thời điểm này đang là mùa cưới, tiệc tùng nhiều nên số lượng bệnh nhân cũng cao hơn”, bác sĩ Hiếu chia sẻ. 

Hầu như ngày nào Khoa Ngoại II, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng tiếp nhận bệnh nhân tai nạn giao thông do uống bia rượu

Cầm tập hồ sơ bệnh án dày cộp vào phòng, bác sĩ Hiếu chỉ cho chúng tôi xem những ca bệnh tai nạn giao thông do rượu bia. Bệnh nhân ở đây hầu hết là nam thanh niên, đàn ông, trụ cột của gia đình. Lý do dẫn đến tai nạn cũng đủ kiểu.

Có người làm chủ doanh nghiệp đi ăn cưới về thì gặp nạn. Có thanh niên đi dự sinh nhật bạn lái xe đâm vào cột mốc ven đường... Nhiều trường hợp ghi rõ là xin về nhà do không còn khả năng cứu sống hoặc tử vong trên đường chuyển đến bệnh viện tuyến trên.

Theo như lời bác sĩ Hiếu, mỗi tháng khoa tiếp nhận gần 400 bệnh nhân thì có tới 30% là các trường hợp tai nạn giao thông do rượu bia. Vào dịp cuối tuần, nghỉ lễ, mỗi ngày có tới 5-7 bệnh nhân nhập viện.

Những bệnh nhân tai nạn do rượu bia cũng thường bị nặng hơn vì không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, lúc ngã cũng không còn nhận thức được gì vì say xỉn. “Cách đây hơn tháng, tôi mổ cho một thanh niên là chủ doanh nghiệp bị tai nạn khi đi liên hoan về.

Chấn thương nặng nên chỉ cứu sống được tính mạng, còn bệnh nhân sẽ phải sống thực vật cả đời. Chúng tôi tập trung vào cứu chữa chứ cũng không thể hỏi về hoàn cảnh riêng của từng bệnh nhân.

Cứ vào đây là mệt rồi, có bảo hiểm thì nhiều gia đình cũng kiệt quệ vì chi phí ngoài bảo hiểm khá cao. Những ca nặng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Di chứng để lại cũng rất nặng nề, không thể trở lại cuộc sống bình thường như trước”, bác sĩ Hiếu thở dài.

Những trường hợp thương tâm như anh G. không phải hiếm gặp ở trong tỉnh.

Hỏi cảnh sát giao thông ở các huyện Nam Sách, Ninh Giang, Thanh Miện, Cẩm Giàng... chúng tôi đều nhận được câu trả lời là có, thậm chí có nhiều vụ tai nạn giao thông chết người mà nạn nhân đã uống rượu bia vẫn lái xe rồi tự ngã.

Chỉ mất vài phút đồng hồ, đại diện các đơn vị đã gửi cho chúng tôi hàng chục vụ tai nạn tự ngã có liên quan đến rượu bia từ đầu năm đến nay.

Không chỉ tiền mất, tật mang, nhiều người còn vướng vòng lao lý vì vô tình trở thành kẻ sát nhân khi lái xe trong tình trạng say xỉn. Những hậu quả tang thương, thảm khốc do thói quen xấu, vi phạm pháp luật này là điều mà có lẽ tất cả mọi người đều biết.

Nhưng dù được cảnh báo nhiều thì không ít người vẫn đang ngày qua ngày đặt cược tương lai, mạng sống của bản thân và những người khác trên bàn nhậu. Họ tự biến quãng đường trở về nhà thành con đường tử thần, lái xe đi giữa lằn ranh sống, chết.

Chỉ vài cốc bia, chén rượu quá đà là cả một cuộc đời, thậm chí nhiều cuộc đời, nhiều gia đình có thể bị cuốn đi trong tương lai mịt mùng...

HẠO NHIÊN

(0) Bình luận
Tai họa từ những cuộc vui