Động thổ dự án thành phố thông minh hơn 4 tỷ USD

06/10/2019 14:39

Ở đây sẽ hội tụ những tinh hoa của các công nghệ số, trong đó có công nghệ quản trị năng lượng thông minh, hệ thống giao thông thông minh, quản trị an ninh thông minh...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Dự án thành phố thông minh đầu tiên của Hà Nội, lớn nhất cả nước và có tầm cỡ Đông Nam Á do liên doanh giữa Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản đầu tư đã được động thổ sáng 6.10 tại huyện Đông Anh, Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ, ngành và các quan chức phía Nhật Bản đã tới dự.

Theo liên doanh BRG và Sumitomo thì dự án thành phố thông minh phía bắc Hà Nội này có vốn đầu tư gần 4,2 tỷ USD, trên diện tích 272 ha, tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ, huyện Đông Anh.

Dự án được lập dựa trên quy hoạch đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân-Nội Bài, chiều dài khoảng hơn 11km, từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài. Dự kiến hoàn thành toàn bộ năm giai đoạn của dự án vào năm 2028.

Ở đây sẽ hội tụ những tinh hoa của các công nghệ số, trong đó có công nghệ quản trị năng lượng thông minh, hệ thống giao thông thông minh, quản trị an ninh thông minh, hệ thống lớp học thông minh, kinh tế thông minh và đời sống thông minh.

Phối cảnh dự án thành phố thông minh hơn 4 tỷ USD

Điểm nhấn của thành phố thông minh này sẽ là tòa tháp tài chính 108 tầng với tham vọng của nhà đầu tư biến nơi này thành trung tâm tài chính của Việt Nam và có tầm cỡ Đông Nam Á.

Dự kiến dự án sẽ lắp đặt hệ thống giám sát và cảnh báo thông minh đa chức năng nhằm giám sát chất lượng không khí, nước, thời tiết, nguy cơ thảm họa cũng như an ninh, bảo đảm an toàn tối đa cho cư dân.

Hệ thống quản lý tòa nhà thông minh và công nghệ năng lượng tái tạo cũng sẽ được ưu tiên áp dụng nhằm tối ưu hóa nguồn cung và lưu trữ năng lượng.

Dự án cũng dự kiến triển khai hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường, kết nối khu vực thành phố thông minh với trung tâm Hà Nội.

Dự án cũng sẽ ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào trong cuộc sống như công nghệ 5G, nhận diện khuôn mặt và công nghệ blockchain, góp phần cải thiện các dịch vụ của thành phố Hà Nội.

Thành phố thông minh được áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, quy hoạch bài bản

Nằm gần như chính giữa trung tâm Hà Nội và sân bay Nội Bài, trong tương lai, tuyến đường sắt đô thị số 2 từ Nam Thăng Long tới Trần Hưng Đạo được hoàn thành sẽ đưa khu đô thị này thành một trung tâm mới của Hà Nội.

Dự án này được xây dựng trong năm giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành sau hai năm kể từ khi được bàn giao đất và hoàn thành toàn bộ sau tám năm nữa.

Dự án có sự phối hợp chặt chẽ của phía đối tác và Chính phủ Nhật Bản, đồng thời khẳng định cam kết của Việt Nam trong thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn từ năm 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, có mục tiêu hình thành các chuỗi đô thị thông minh ở khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm đưa đô thị trở thành một trong những động lực phát triển quan trọng nhất của Việt Nam trong những năm tới đây.

Theo Bộ Xây dựng, dự án khu đô thị thông minh có quy mô nhất và đồng bộ nhất ở Việt Nam đến thời điểm này sẽ là kinh nghiệm quý cho Hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác trong xây dựng và phát triển thành phố thông minh theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Động thổ dự án thành phố thông minh hơn 4 tỷ USD