Panorama Mã Pì Lèng ngang nhiên tồn tại: Coi thường dư luận, thách thức pháp luật

29/02/2020 15:35

Tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng sau nhiều tháng được lôi ra mổ xẻ các sai phạm xây dựng, nay vẫn hoạt động như chưa có chuyện xảy ra.

Huyện Mèo Vạc, sở, ngành của tỉnh Hà Giang chưa hề xử lý công trình sai phép mọc trong vùng di sản.


Công trình sai phạm Panorama Mã Pì Lèng vẫn giữ nguyên trạng chưa bị xử lý 

Trơ gan cùng tuế nguyệt

Tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) hồi tháng 10 năm ngoái được cộng đồng mạng và giới truyền thông quan tâm đặc biệt. Công trình không phép mọc ngay điểm ngắm vực Tu Sản-vực nước sâu kỳ vĩ nhất Đông Nam Á. Gần nửa năm nay, sau nhiều công văn qua lại và nhiều cuộc họp bàn xử lý nhưng kết quả thu lại gần như bằng không.

Hôm 22.2 vừa rồi, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh tới Mã Pì Lèng chụp và đăng tấm ảnh kèm dòng trạng thái hài hước: “Bản em lưng chừng núi lưng chừng đèo/Từng bậc thang lên xuống như cung đàn”. Công trình từng bị nhiều người phê phán như cái “gai xấu xí” không hề bị dừng hoạt động. Được biết chủ nhà hàng này vẫn phục vụ khách tấp nập.

Nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng gồm bảy tầng, có sàn ngắm cảnh bằng khung thép vươn ra phía sông Nho Quế. Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Giang trong báo cáo và các cuộc họp với tỉnh đều xác định, chủ đầu tư công trình mới trưng ra được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm chứ chưa được chuyển đổi mục đích sang đất xây dựng. Bản vẽ thiết kế của công trình này cũng chưa qua thẩm định, đồng nghĩa công trình xây dựng trái phép.

Trong công văn do Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ký ngày 14.10.2019, Bộ VHTTDL nhận định mặc dù công trình Panorama được xây dựng ngoài khu vực bảo vệ II của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng nhưng lại nằm trong công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO ghi danh, thuộc vùng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Đồ án quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá quy định “hạn chế xây dựng mới, chỉ xây dựng các công trình an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, công trình thiết yếu. Độ cao của công trình khống chế từ 1-3 tầng”.

Công trình này cũng vi phạm Điều 36 Luật Di sản Văn hóa, theo đó công trình nằm ngoài phạm quy quy định tại điều 32, nhưng có khả năng ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên và môi trường, sinh thái của di tích cần phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, cụ thể ở đây là Bộ VHTTDL. Thực tế địa phương không xin ý kiến thẩm định của Bộ. Lãnh đạo Bộ cũng khẳng định công trình này “không thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh công viên cao nguyên đá Đồng Văn”.

Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương khẳng định công trình sai phạm nhưng chỉ sau thời gian ngắn ngừng hoạt động, chủ đầu tư công trình vô tư đón khách trở lại.

Như trò đùa

Panorama dù không nằm trong vùng lõi di sản, nhưng lại ảnh hưởng cảnh quan thiên nhiên. “Tôi không ủng hộ những công trình làm xấu mỹ quan như thế”, GS. Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh-Địa tầng Việt Nam nói. Vị trí của Panorama Mã Pì Lèng theo phân tích của GS. Phương là trung tâm, vì giá trị tiêu biểu nhất của cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở giữa sông Nho Quế. Ông cho rằng công trình sai phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về xây dựng và di sản văn hóa, nhằm bảo vệ nghiêm ngặt vùng lõi của công viên địa chất toàn cầu gồm cả địa bàn hai huyện Đồng Văn, Mèo Vạc.

Được hỏi về phương án chỉnh sửa biến Panorama thành điểm dừng chân, KTS. Nguyễn Việt Huy, TS. Quy hoạch đô thị Đại học Paris Pantheon nêu quan điểm chỉ còn cách làm triệt để là đập toàn bộ đi: “Công trình vi phạm phải phá bỏ hết, còn nếu biến nó thành điểm dừng chân cũng chưa có báo cáo đánh giá nhu cầu, tác động nào thuyết phục. Lý tưởng nhất vẫn là trả thiên nhiên về nguyên trạng”. Anh cho rằng không thể chữa bệnh từ ngọn, phải đi từ gốc rễ xây dựng quy hoạch, quy chế quản lý, ngân sách đầu tư cho bảo tồn các không gian thiên nhiên. “Panorama Mã Pì Lèng chính là lời cảnh tỉnh”, anh nói.

“Tôi thấy rất buồn, thậm chí chán lắm rồi khi phải chứng kiến những công trình sai phạm mọc lên nhan nhản ở các khu di sản. Không riêng Mã Pì Lèng, vi phạm xây dựng ở Tràng An cũng rất nghiêm trọng. Những người làm di sản văn hóa cứ phải chứng kiến những việc như trò đùa, cả hệ thống pháp luật của chúng ta không được tôn trọng”, GS. Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia nói.

Ông là người nhiều lần bức xúc vì những người vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực di sản văn hóa cứ “nhơn nhơn”, không bị xử lý ở mức cao nhất- khởi tố bị can. Luật quy định rõ vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực văn hóa có thể bị tù giam giữ tới 20 năm. “Chúng ta chỉ nói về những vấn đề kinh tế, tham nhũng nhưng những điển hình vi phạm Luật Di sản Văn hóa cũng là vi phạm pháp luật lại bị coi thường”, GS. Trương Quốc Bình nói.

Theo Tiền phong

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Panorama Mã Pì Lèng ngang nhiên tồn tại: Coi thường dư luận, thách thức pháp luật