Thấy gì qua hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử?

17/04/2021 07:03

Từ ngày 21.3 - 13.4, toàn tỉnh đã thực hiện việc lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú đối với tất cả người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo đúng kế hoạch.


Trong quá trình tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Ủy ban MTTQ các cấp đều cử cán bộ xuống dự, hướng dẫn, giám sát quy trình, nội dung

Các ứng cử viên đều đạt tín nhiệm trên 50%

Theo tổng hợp của Ủy ban MTTQ tỉnh, đến hết ngày 11.4, toàn tỉnh đã hoàn thành toàn bộ việc tổ chức các hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử  ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh. Trong đó, có 18 hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú với 18 người ứng cử ĐBQH, 90 hội nghị lấy ý kiến nhận xét đối với 117 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh. Đối với đại biểu HĐND hai cấp huyện và xã, đến ngày 13.4, các thôn, khu dân cư cũng đã hoàn thành việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri.

Trong số 1.760 cử tri được mời tham dự các hội nghị lấy ý kiến nhận xét với người ứng cử ĐBQH khóa XV, 1.063 người có mặt. Đơn vị có số cử tri tham dự đông nhất là 107 người, ít nhất 60 người. Đối với các hội nghị lấy ý kiến nhận xét với người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, có 8.220 cử tri được mời, 6.040 người có mặt. Đơn vị có số cử tri tham dự đông nhất là 98 người, ít nhất 55 người.

Đa số các hội nghị được tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy trình hướng dẫn. Số cử tri đến tham dự hội nghị bảo đảm quy định. Đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị có người tham gia ứng cử và các ứng cử viên đều đến dự đông đủ. 

Đối với những người ứng cử ĐBQH, 100% số ứng cử viên đều được cử tri nhận xét là có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; sống chan hòa gần gũi với nhân dân. 15 người được các cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử đều có kết quả tín nhiệm đạt 100%. Với 3trường hợp tự ứng cử ĐBQH, tại hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú, kết quả tín nhiệm đạt từ 51,7% đến 100%.

Đối với những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, hầu hết cũng được cử tri nhận xét tương tự. Toàn tỉnh chỉ có duy nhất một ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh được một cử tri nhận xét là chưa thật sự gần dân, chưa tích cực tham gia sinh hoạt tổ liên gia, cần gắn bó với nhân dân hơn. 113 người có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri đạt 100%, 1 người đạt 97% và 1 người đạt 61,6%. Đối với 2 người tự ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, tỷ lệ tín nhiệm chỉ đạt lần lượt 51,7% và 65,7% .

Ông Nguyễn Đình Xiển, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết trong quá trình tổ chức hội nghị, MTTQ các cấp đều cử cán bộ xuống dự, hướng dẫn, giám sát quy trình, nội dung. Qua kiểm tra cho thấy cơ bản các hội nghị đều được tổ chức theo đúng hướng dẫn.


Vẫn còn những hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND có rất ít người phát biểu ý kiến

Ít cử tri phát biểu

Đại đa số cử tri tham dự các hội nghị đều thể hiện sự đồng thuận, nhất trí cao với các ứng cử viên tham gia ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, số cử tri tham gia phát biểu, góp ý với các ứng cử viên không nhiều. Đối với những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, toàn tỉnh chỉ có 160 cử tri tham gia đóng góp ý kiến.

Cử tri cũng ít tham gia góp ý với những người ứng cử đại biểu HĐND hai cấp huyện, xã. Huyện Ninh Giang tổ chức tổng số 154 hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những ứng cử viên đại biểu HĐND hai cấp huyện và xã, mời được 11.525 cử tri tham dự nhưng chỉ có 392 người phát biểu tham gia ý kiến. 

Phóng viên Báo Hải Dương dự hội nghị ở một số thôn thuộc các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc cho thấy mỗi hội nghị chỉ có từ 1-3 ý kiến, có hội nghị không có cử tri phát biểu. Cử tri nếu có phát biểu cũng chỉ bày tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng vào các đại biểu, không có góp ý, phê bình. Một nữ cử tri thôn Đào Lạng, xã Văn Hội (Ninh Giang) cho biết: "Nghe đọc tiểu sử tóm tắt của từng người ứng cử thấy ai cũng bằng cấp đầy đủ, chưa vi phạm pháp luật thì chúng tôi chỉ còn giơ tay tán thành thôi chứ biết nói gì".

Vẫn còn một số thôn, khu dân cư tổ chức hội nghị vào ngày làm việc bình thường nên việc triệu tập đủ cử tri tham dự rất khó khăn. Tại nhiều hội nghị, cử tri được mời tham dự đa phần là đảng viên, người cao tuổi, ít người trẻ tuổi. Một số cử tri khu vực TP Hải Dương cho biết mặc dù sống cùng khu dân cư nhưng chưa bao giờ tiếp xúc trực tiếp, chỉ nghe tên, không hiểu rõ về ứng cử viên nên không muốn phát biểu gì. Mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm, họ hàng cũng khiến nhiều cử tri dù biết những hạn chế của ứng cử viên nhưng không nói ra.

Việc tổ chức hội nghị trên có ý nghĩa rất quan trọng. Thông qua hội nghị sẽ góp phần đánh giá chính xác, khách quan phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn... của các ứng cử viên. Tới đây, các ứng cử viên sẽ còn tham gia buổi tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Cử tri cần tích cực tham gia góp ý, thậm chí chất vấn những việc chưa làm được (đối với những người từng là đại biểu HĐND khóa cũ) và những việc làm sắp tới để họ thực sự trở thành người đại biểu dân cử như kỳ vọng. 

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thấy gì qua hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử?