5G - Cuộc đua đầy thử thách của các nước lớn

05/04/2019 07:04

Ngày 5.4, Hàn Quốc sẽ vượt Mỹ và Trung Quốc, trở thành quốc gia đầu tiên triển khai dịch vụ thương mại mạng không dây thế hệ thứ 5 (5G) dành cho thiết bị di động.

Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu những tiến bộ của Hàn Quốc trong cuộc đua với nhiều nước lớn trong ngành công nghệ viễn thông.

Hàn Quốc tiên phong trong triển khai thương mại mạng 5G

Ngày hôm nay 5.4, 3 nhà mạng di động lớn của Hàn Quốc là KT, SK Telecom và LG UPlus sẽ cung cấp mạng dịch vụ mạng 5G cho khách hàng. 

Theo đó, SK Telecom sẽ cung cấp dịch vụ theo 4 gói, trong đó gói cơ bản có mức phí là 49 USD cho 8GB dữ liệu/tháng và gói cao cấp nhất là 110 USD với 330 GB dữ liệu/tháng. Trong một báo cáo, KT nhấn mạnh tốc độ chuyển tải dữ liệu của mạng 5G có thể kết nối ngay lập tức hàng triệu thiết bị trong mỗi km2. 

Điều đáng nói, cả KT và SK Telecom đã ngừng sử dụng công nghệ mạng 5G của tập đoàn viễn thông Huawei (Trung Quốc), còn nhà mạng nhỏ hơn là LG UPlus thì vẫn sử dụng.

Theo Phó Chủ tịch điều hành nhà mạng SK Telecom Ryu Young-sang, việc các công ty viễn thông Hàn Quốc đang cung cấp dịch vụ và mạng đáp ứng tiêu chuẩn cao về tốc độ và chất lượng hình ảnh cho người tiêu dùng nước này có ý nghĩa rất lớn. Ông cho rằng công nghệ 5G có khả năng truyền tải dữ liệu nhanh gấp 20 lần so với mạng 4G, hỗ trợ tốt hơn các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (VR). Ông Ryu Young-sang cho biết thêm SK Telecom có kế hoạch xây dựng một nhà máy tự động hóa hoàn toàn và kết nối nhờ công nghệ 5G cùng sự hợp tác của công ty sản xuất linh kiện bộ nhớ SK Hynix. Với việc triển khai mạnh hạ tầng mạng 5G, SK Telecom kỳ vọng sẽ có 1 triệu khách hàng hòa mạng 5G đến cuối năm 2019.

Để đi tới đích này, các nhà mạng Hàn Quốc đã chi khoảng 2,6 tỷ USD cho chiến dịch 5G kể từ đàu năm 2019 này. Không chỉ vậy, các hãng công nghệ Hàn Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư vào các thiết bị thông minh sử dụng mạng 5G.

Theo dự kiến, cũng vào ngày hôm nay, tập đoàn công nghệ Samsung sẽ mở bán mẫu điện thoại thông minh đầu tiên trên thế giới hỗ trợ sử dụng mạng 5G -Galaxy S10 phiên bản 5G. Giới phân tích nhận định sự kiện này sẽ đem lại cho nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới điều kiện thuận lợi trong cuộc đua hướng tới dịch vụ 5G.  Trong khi đó, một đối thủ nhỏ hơn của Samsung tại Hàn Quốc là LG Electronics cũng có kế hoạch cho ra mắt sản phẩm đối thủ V50s trong hai tuần nữa.

Với việc triển khai thương mại mạng 5G, Hàn Quốc đã trở thành nước tiên phong triển khai mạng 5G, đi trước cả 1 tuần so với nhà mạng hàng đầu của Mỹ là Verizon (vốn dự kiến sẽ triển khai vào ngày 11.4 tới). Với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) thuộc top đầu thế giới, Hàn Quốc thời gian qua đã chạy đua mạnh với Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản để ra mắt dịch vụ mạng 5G, với hy vọng công nghệ này sẽ tạo ra đột phá trong các lĩnh vực như thành phố thông minh và ô tô tự lái, cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này vốn đã bị suy giảm trong năm 2018 xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua.

Thời gian qua, các nhà mạng tại Hàn Quốc đã chi hàng tỷ Won vào các chiến dịch quảng bá dịch vụ 5G. Trong đó, nhà mạng SK Telecom đang cùng với công ty con của mình chuyên sản xuất chip nhớ SK Hynix triển khai dự án xây dựng một nhà máy được kết nối và số hóa ở mức độ cao trên cơ sở công nghệ 5G. SK Telecom dự đoán dịch vụ 5G của nhà mạng này sẽ có khoảng 1 triệu khách hàng tính đến cuối năm 2019.

5G - Công nghệ “siêu khủng” 

5G là viết tắt của "5th Generation", thuật ngữ được sử dụng để diễn tả thế hệ thứ năm của công nghệ mạng di động, sau thế hệ 4G, với băng thông dữ liệu, tốc độ và độ phủ sóng lớn hơn nhiều mạng 4G.

Mạng Intertnet di động thế hệ thứ năm này được kỳ vọng là một nền tảng World Wide Wireless Web (wwww) hoàn hảo để kết nối mọi nơi trên Trái đất. Một thế giới kết nối không dây thực sự, nơi chúng ta có thể truy cập Internet xuyên suốt mà không gặp phải các rào cản, giới hạn nào về mặt không gian và thời gian. 

Về bản chất, mạng 5G vẫn phát triển dựa trên nền tảng của 4G nhưng ở mức độ cao hơn. Mạng 5G hỗ trợ LAS-CDMA (Large Area Synchronized Code Division Multiple Access), UWB (Ultra Wideband), Network-LMDS (Local Multipoint Distribution Service), Ipv6 và BDMA (Beam Division Multiple Access).

Với sự hỗ trợ đa dạng các nền tảng, người dùng có thể kết nối cùng lúc với nhiều thiết bị qua mạng không dây và dễ dàng chuyển đổi qua lại một cách nhanh chóng mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào. Không những vậy, mạng di động 5G có tốc độ nhanh gấp 100 lần so với 4G, và nhanh hơn 10 lần so với kết nối băng thông rộng, có tiềm năng đem lại doanh thu khổng lồ cho các công ty dịch vụ truyền thông, từ các nhà cung cấp dịch vụ trò chơi, truyền phát video trực tuyến cho tới vạn vật kết nối qua Internet (IOT). 

Với những ưu điểm nổi trội như vậy, công nghệ 5G hứa hẹn sẽ là một ngành kinh doanh màu mỡ. Theo Tổ chức Hệ thống toàn cầu về truyền thông di động, có trụ sở tại London, mạng 5G có thể đóng góp tới 565 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu đến năm 2034.

Cũng với những ưu thế vượt trội về tốc độ truyền dữ liệu, mạng 5G sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực, từ phương tiện tự lái đến chơi game, thành phố thông minh, đồng thời thúc đẩy kinh tế toàn cầu vốn đang chững lại. Trong khi 4G được biết đến chủ yếu để phục vụ điện thoại thông minh, 5G có thể được ứng dụng trong phạm vi rộng hơn, giúp thay đổi cuộc sống từng ngày của hàng tỷ người trên thế giới. Theo đó, hệ sinh thái 5G trong tương lai sẽ bao gồm các nhà sản xuất hạ tầng mạng, điện thoại thông minh và các thiết bị tiêu dùng khác.

Còn nhớ gần đây nhất, tại Thế vận hội mùa Đông Olympic Pyeongchang 2018 tổ chức tại Hàn Quốc, những màn trình diễn và trải nghiệm với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin di động 5G mặc dù mới chỉ là phiên bản sơ khai của 5G, nhưng đã cho thế giới thấy một minh chứng rõ nét về tiềm năng của công nghệ này trong việc giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi, và kết nối vạn vật. Các thử nghiệm đã cho phép các chương trình phát sóng HD từ các máy quay trực tiếp trong các cuộc thi trượt tuyết với tốc độ lên đến 150 km/h…

Cuộc đua đầy thử thách

Hiện nay, nhiều chính phủ coi công nghệ 5G là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Tiếp sau Hàn Quốc, các nhà mạng sẽ triển khai mạng di động 5G trong nửa đầu năm 2019 này sẽ là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia và Trung Quốc. Dự kiến đến năm 2020-2021, mạng 5G cũng sẽ được triển khai ở Ấn Độ và Mỹ Latinh.

Trước đó, trong năm 2018, một số nước đã thí điểm triển khai một phần mạng 5G gồm có: New Zealand (3.2018); Australia (8.2018); Estonia (12.2018); Bồ Đào Nha (12.2018); Ba Lan (12.2018); Ireland (11.2018); Nga (2018); Phần Lan (6.2018); Tây Ban Nha (6.2018); Đức (2018); Singapore (11.2018)…

Các nước dự kiến sẽ triển khai 5G trong năm 2019 hoặc 2020 gồm: Thụy Điển (2020); Áo (2019); Thụy Sĩ (2019); Italy (2019); Anh (2019); Na Uy (thử nghiệm đầu năm 2017 nhưng dự kiến triển khai năm 2020); Pakistan (2020); Malaysisa (9.2019); Bangladesh (2020); Philippines (2020)…

Cuộc đua giành thị phần cung cấp thiết bị 5G cũng đang nóng lên từng ngày với sự cạnh tranh khốc liệt của các tập đoàn công nghệ tên tuổi như Qualcomm, Intel (Mỹ), Ericsson (Thụy Điển, hay Huawei (Trung Quốc)... Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, cuộc đua thực sự khốc liệt nhằm chiếm lấy ngôi vị dẫn đầu công nghệ 5G hiện nay đang thuộc về hai quốc gia Mỹ và Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc đang vượt Mỹ với khoản đầu tư 24 tỷ USD cho việc phát triển mạng 5G. Quốc gia đông dân nhất thế giới này cũng đã xây dựng 350.000 trạm thu phát sóng điện thoại di động mới, vượt xa so con số khoảng 30.000 trạm ở Mỹ. Cuộc đua 5G giữa hai quốc gia này cũng được cho là một trong những vấn đề cốt lõi của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thời gian qua, thể hiện rõ tham vọng lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh công nghệ của hai cường quốc này.

Những căng thẳng giữa Mỹ và tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc thời gian qua cũng đã bộc lộ những thách thức lớn về an toàn và bảo mật thông tin liên quan tới mạng 5G. Mỹ từ lâu lo ngại rằng thiết bị viễn thông của Trung Quốc có thể tạo nền tảng cho hoạt động gián điệp của Bắc Kinh, ví dụ như truy cập thông tin và tài liệu nhạy cảm của các quốc gia liên quan, do đó Washington đã cấm việc sử dụng thiết bị của Huawei trong các mạng nội địa, đồng thời hối thúc các quốc gia đồng minh thực hiện theo. Những mối lo ngại về an ninh cũng khiến một loạt quốc gia khác như Australia, Canada, New Zealand và nhiều nước châu Âu ngăn chặn "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc Huawei "đặt chân" vào các lĩnh vực nhạy cảm về an ninh quốc gia.

Không thể phủ nhận việc triển khai mạng 5G đang là xu thế toàn cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, song vấn đề đặt ra hiện nay là chiến lược phát triển mạng 5G phải đi kèm với những biện pháp tổng thể và đồng bộ để bảo đảm an ninh, an toàn mạng và bảo mật thông tin.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    5G - Cuộc đua đầy thử thách của các nước lớn