Anh và Mỹ hướng tới một thỏa thuận thương mại hậu Brexit

14/08/2019 16:19

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton vừa có chuyến thăm đến Anh trong hai ngày 12 - 13.8.

Trong bối cảnh Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 10.2019, chuyến thăm được đánh giá là nhằm thúc đẩy hợp tác và tìm kiếm một thỏa thuận thương mại song phương giữa hai nước, cho dù thỏa thuận này được đánh giá là không hề dễ dàng.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ lần đầu tiên gặp tân Thủ tướng Anh

Trong khuổn khổ chuyến thăm, ngoài lịch trình làm việc với các quan chức Anh, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton còn có cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson. Cuộc gặp này đã đánh dấu việc ông Bolton trở thành quan chức cấp cao nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp tân Thủ tướng Anh Boris Johnson kể từ khi ông Johnson lên thay bà Theresa May lãnh đạo nước Anh ngày 23-7-2019.

Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Mỹ ủng hộ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) không thỏa thuận, hay còn gọi là  Brexit "cứng" và sẽ để đẩy nhanh các thỏa thuận thương mại ký với Anh. Ông Bolton nhấn mạnh, Anh sẽ là ưu tiên đầu tiên để Mỹ ký thỏa thuận thương mại và cho biết các thỏa thuận này có thể được ký theo từng lĩnh vực riêng rẽ, trong đó thỏa thuận trong ngành sản xuất sẽ được ký đầu tiên. Ông Bolton còn cho biết thêm rằng, cả hai đảng chính trị lớn của Mỹ tại Quốc hội đều ủng hộ việc nhanh chóng thông qua các thỏa thuận thương mại với Anh vì thời điểm Anh rời EU chỉ còn hơn 2 tháng nữa.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trước báo giới đã bày tỏ hy vọng rằng tuy các đối tác Mỹ là những nhà đàm phán cứng rắn song Anh sẽ đạt thỏa thuận thương mại lớn với Mỹ, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành dịch vụ, tiến vào thị trường Mỹ. Mặc dù vậy, Thủ tướng Anh cũng khẳng định thêm, thỏa thuận thương mại quan trọng nhất mà Anh cần đạt được hiện nay vẫn là với EU- các đối tác của Anh ở bên kia eo biển Manche.

Một quan chức của Mỹ thì cho biết, trong chuyến thăm London lần này, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng đã thảo luận với Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss về khả năng lãnh đạo của hai nước sẽ ký kết một tuyên bố liên quan đến lộ trình đàm phán thỏa thuận thương mại song phương. Về vấn đề này, quan chức Mỹ trên cho biết, việc ký kết tuyên bố lộ trình đàm phán có thể sẽ diễn ra ngay tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) dự kiến diễn sẽ diễn ra tại Pháp vào ngày 24 đến 26.8 tới. Quan chức Mỹ cũng cho biết về cuộc thảo luận giữa Cố vấn An ninh John Bolton và Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid về khả năng hai nước sẽ ký kết một thỏa thuận thương mại tạm thời, bao trùm mọi lĩnh vực, và thỏa thuận này có thể có hiệu lực trong khoảng 6 tháng.

Ngoài vấn đề thương mại, trong chuyến thăm lần này, hai bên cũng đã đề cập những quan ngại an ninh chung bao gồm leo thang căng thẳng với Iran ở vùng Vịnh và việc liệu Anh có quyết định cho tập đoàn điện tử Trung Quốc Huawei tham gia thiết lập mạng lưới 5G tại nước này hay không.


Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton (phải) trong cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid tại London, ngày 13.8

Tìm kiếm một thỏa thuận thương mại song phương

Chuyến thăm Anh của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton diễn ra khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa Anh sẽ rời EU và cho đến nay Thủ tướng mới của nước Anh Boris Johnson vẫn khẳng định sẽ thực hiện Brexit đúng thời hạn sau hai lần trì hoãn dù có hay không có thỏa thuận với EU.  

Hiện Anh và EU vẫn chưa thể thông qua một thỏa thuận Brexit do thỏa thuận được hai bên ký kết hồi tháng 11.2018 không được Quốc hội Anh ủng hộ, trong khi phía EU vẫn từ chối đàm phán lại và luôn khẳng định đây là thỏa thuận tốt nhất. Sự bế tắc này khiến Anh đối mặt với nguy cơ sẽ phải “cắt đứt” quan hệ với EU một cách đột ngột, không có giai đoạn chuyển tiếp hay một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý trong các lĩnh vực như thương mại, truyền tải dữ liệu và chính sách biên giới, khiến giới doanh nghiệp ở Anh bất an. Việc Anh rời khỏi EU không thỏa thuận cũng được xem sẽ là "cú sốc" đối với London, gây ra hậu quả nghiêm trọng về các nguồn cung hàng hóa bị đứt gãy cũng như khiến nhiều ngành kinh tế mũi nhọn của nước này suy yếu.

Trong bối cảnh khả năng tìm kiếm những thỏa thuận để tiến trình Brexit được diễn ra “êm thấm” là rất khó, những nghị sỹ ủng hộ Brexit ở Anh đang rất kỳ vọng Thủ tướng Boris Johnson sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại rộng với Mỹ, một đồng minh thân cận nhất của Anh, để bù đắp lại những thiệt hại cho ngành kinh tế Anh sau khi Brexit diễn ra. Theo số liệu của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, năm 2018, thặng dư thương mại Mỹ-Anh là 20 tỷ USD. Hai bên trao đổi số lượng hàng hóa và dịch vụ tổng trị giá 262 tỷ USD. Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Mỹ. Dịch vụ tài chính và máy bay là những hạng mục xuất khẩu chủ lực của Mỹ sang Anh và ở chiều ngược lại, ô tô và du lịch là những hạng mục xuất khẩu hàng đầu. Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss mới đây cho biết, hiện Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Anh và mỗi bên đã đầu tư cho nền kinh tế của nhau hơn 1.000 tỷ USD. Vì vậy, tăng cường hợp tác thương mại đang được xem là mục tiêu mà lãnh đạo hai nước Anh và Mỹ đang hướng tới. 

Trên thực tế, kể từ sau khi ông Johnson giành chiến thắng và trở thành Thủ tướng Anh, chỉ hơn một tuần sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có hai cuộc điện đàm để bàn về mối quan hệ hợp tác song phương, thỏa thuận tự do thương mại giữa hai nước thời kỳ hậu Brexit và vấn đề an ninh toàn cầu. Với nhiều quan điểm khá tương đồng giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Anh, nhiều nhà phân tích cũng đã nhận định mối quan hệ giữa hai nước đồng minh này sẽ “nồng ấm” hơn trước.

Tổng thống Trump đã khẳng định, hai nước có thể đạt được đột phá trong quan hệ trên mọi lĩnh vực. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã nhiều lần công khai ủng hộ ông Johnson trong chiến dịch vận động bỏ phiếu trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh. 

Ngày 5.8 vừa qua, việc Anh quyết định tham gia các lực lượng bảo vệ tàu thương mại tại vùng Vịnh theo sáng kiến của Mỹ đã thể hiện sự thay đổi chính sách lớn tại Anh dưới thời Thủ tướng Johnson, bởi trước đó người tiền nhiệm của ông, bà Theresa May, luôn ủng hộ những nỗ lực thiết lập một lực lượng bảo đảm an ninh hàng hải do EU đứng đầu và phải độc lập với Mỹ.

Và ngay trước chuyến thăm Anh của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton chưa đầy một tuần, ngày 7.8, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss cũng đã thực hiện chuyến thăm đến Mỹ. Tại đây, Ngoại trưởng Anh Raab đã khẳng định, Anh mong muốn làm việc với đối tác Mỹ để đi đến ký kết một thỏa thuận tự do thương mại có lợi cho cả hai và thúc đẩy hợp tác đối phó với các thách thức an ninh chung. Còn Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss  thì khẳng định đàm phán và ký kết một thỏa thuận tự do thương mại mới với Mỹ là một trong những ưu tiên hàng đầu của London và nước này muốn đẩy nhanh các cuộc đàm phán thương mại chính thức.

Không hề dễ dàng

Dù lãnh đạo và quan chức cấp cao giữa Mỹ và Anh đến nay vẫn khẳng định sẽ nhanh chóng hướng tới một thỏa thuận thương mại song phương, song đánh giá về triển vọng của thỏa thuận thương mại này, giới quan sát nhận định việc đạt thỏa thuận thương mại diện rộng giữa hai nước sẽ không thể dễ dàng.

Chuyên gia thương mại của Trung tâm Cải cách châu Âu Sam Lowe cho biết, ông hoài nghi về khả năng Quốc hội Mỹ sẽ ủng hộ kiểu ký các thỏa thuận thương mại theo từng lĩnh vực vì trước đây Mỹ từng phản đối đề xuất của EU về việc chỉ đàm phán thỏa thuận về lĩnh vực hàng hóa công nghiệp mà không đưa vào đàm phán điều khoản về lĩnh vực nông nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, việc hai quốc gia vẫn tồn tại những vấn đề gai góc liên quan tới các tiêu chuẩn nông nghiệp khác biệt, hay việc nhiều chính trị gia Anh phản đối sự gia tăng vai trò của các công ty dược phẩm Mỹ trong Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) của Anh cũng sẽ khiến thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh khó được đẩy nhanh.

Có thể thấy, với tân Thủ tướng Anh, việc có thể ký kết một thỏa thuận thương mại nhanh gọn với Mỹ sẽ phát đi thông điệp quan trọng chứng tỏ London có thể tự đứng trên đôi chân của mình khi rời EU. Song cũng có không ít cảnh báo rằng việc ông Johnson sẵn sàng đưa Anh ra khỏi EU mà không cần thỏa thuận với các đối tác lâu năm trong khối sẽ là điểm yếu để Tổng thống Trump "bắt thóp" trong quá trình đàm phán. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers nhận định từ quan điểm của Mỹ, cho rằng toàn khối châu Âu mang lại lợi ích nhiều hơn cho Mỹ so với một nước Anh đơn lẻ, vì vậy càng có ít lý do để Mỹ phải nhượng bộ trong đàm phán với Anh.

Không những vậy, việc tháng 7 vừa qua chính phủ Anh tiết lộ kế hoạch áp thuế 2% bắt đầu từ tháng 4-2020 với các “gã khổng lồ công nghệ” của Mỹ kiếm tiền từ người dùng ở Anh như Amazon, Google và Facebook… cũng được xem là yếu tố có thể gây bất lợi cho quá trình đàm phán thương mại giữa hai nước. Đáp lại động thái này của Anh, Mỹ lập tức cũng đã đe dọa rằng sẽ sẵn sàng từ bỏ thỏa thuận tự do thương mại hậu Brexit nếu Anh không rút lại kế hoạch áp thuế với các công ty của Mỹ.


Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Anh và Mỹ hướng tới một thỏa thuận thương mại hậu Brexit