Bất đồng Mỹ-Đức chưa thể hóa giải trong một sớm một chiều

09/11/2019 11:35

Trong hai ngày 7 và 8.11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thực hiện chuyến thăm tới quốc gia đồng minh Đức.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hội kiến với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters

Chuyến thăm của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ được coi như một tuyên bố chính trị trong bối cảnh mối quan hệ xuyên Thái Bình Dương cũng như quan hệ giữa Washington và Berlin gần như đóng băng.

Quan hệ đồng minh rạn nứt

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, quan hệ Đức-Mỹ đã bị rạn nứt đáng kể. Thậm chí giới phân tích chính trị cho rằng trong thời kỳ gần đây, chưa bao giờ quan hệ giữa hai đồng minh truyền thống này lại xấu đến như vậy. Ông Trump đã liên tục chỉ trích Đức về những vấn đề như thương mại, chi tiêu cho quân đội và chính sách nhập cư.

Về thương mại, Tổng thống Mỹ Trump đã “chĩa mũi dùi” chỉ trích Đức về tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

Ông Trump cho rằng kinh tế Đức đã được hưởng lợi lớn nhờ thặng dư thương mại với Mỹ, thẳng thừng tuyên bố Berlin đang thực hiện “thương mại không công bằng” khi xuất quá nhiều hàng hóa sang Mỹ.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức và với mức thâm hụt thương mại song phương năm 2016 lên đến 67,7 tỉ USD, dù đã giảm so với năm 2015. Đức được xem là quốc gia thứ hai "chịu trách nhiệm" về thâm hụt thương mại của Mỹ sau Trung Quốc.

Đặc biệt, việc ông Trump thường xuyên đe dọa áp thuế cao, tới 35%, đối với các loại ô tô do các nước châu Âu sản xuất nhập khẩu vào thị trường Mỹ đã trở thành vấn đề rất nhạy cảm đối với Thủ tướng Đức. Còn Thủ tướng Merkel thì khẳng định Đức ủng hộ tự do thương mại toàn cầu và phản đối quan điểm của Tổng thống Trump coi thương mại toàn cầu là sàn đấu "kẻ thắng - người thua".

Mối bất hòa giữa Đức và Mỹ về thương mại càng trầm trọng khi thời gian gần đây, Tổng thống Mỹ Trump đã có những bước đi quyết liệt thực thi chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, trong đó có việc áp đặt nhiều biện pháp bảo hộ gây lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại mà ở đó EU, Đức, Trung Quốc hay nhiều quốc gia khác đều trở thành đối thủ của Mỹ.

Đặc biệt, sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế suất 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu, Đức - nước xuất khẩu thép lớn nhất trong EU, là một trong những đối tác phản đối gay gắt nhất, coi quyết định của Mỹ là "hoàn toàn không thể chấp nhận được và là hành động xúc phạm các đồng minh", đồng thời kêu gọi EU phải có phản ứng "kiên quyết", gồm cả các biện pháp đánh thuế đáp trả hàng hóa Mỹ.

Đi xa hơn, Tổng thống Mỹ Trump còn cáo buộc Đức chi quá ít cho quốc phòng, không thực hiện trách nhiệm tài chính với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong khi Mỹ phải chi trả quá nhiều để cung cấp cho Đức “sự bảo vệ mạnh mẽ và tốn kém”, hay tuyên bố EU chỉ là để “câu lạc bộ phục vụ lợi ích của Đức”.

Đáp lại, nhà lãnh đạo Đức khẳng định Berlin độc lập trong các lựa chọn chính sách, nhấn mạnh "Đức đóng góp rất nhiều cho NATO, là quốc gia đóng góp số binh sĩ lớn thứ nhì, và dành phần lớn nhất tiềm lực quân sự của mình cho NATO".

Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, việc Đức đến nay vẫn can dự quân sự mạnh mẽ tại Afghanistan đã chứng tỏ rằng nước này cũng đang bảo vệ lợi ích cho cả Mỹ.

Ngoài ra, Nhà Trắng cũng luôn chỉ trích Đức về dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga, một dự án được Nga và Đức ủng hộ mạnh mẽ. Tổng thống Mỹ Trump đã cáo buộc Đức trở thành "tù nhân" của các nguồn cung năng lượng từ Nga.

Trong khi đó, phát biểu lại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO ở thủ đô Washington ngày 3.4 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho rằng dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga của Đức là điều “không thể chấp nhận được”. Phó Tổng thống Mỹ Pence cảnh báo Mỹ sẽ không thể bảo đảm khả năng phòng thủ của phương Tây nếu như các đồng minh của Mỹ tăng cường phụ thuộc vào Nga.

Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 11.7, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã lên tiếng chỉ trích cáo buộc của Tổng thống Mỹ khi nói Đức là "tù nhân" của Nga đồng thời khẳng định Berlin "không phải là tù nhân của Moskva hay Washington", rằng Berlin là một trong số nhà bảo trợ cho một thế giới tự do.

Về phía Đức, Thủ tướng Merkel cũng nhiều lần công khai chỉ trích mạnh mẽ quan điểm của Tổng thống Trump và chính quyền Washington trong nhiều vấn đề, từ lời đe dọa của ông Trump sẽ “phá hủy hoàn toàn” Triều Tiên, việc siết chặt các lệnh trừng phạt Nga, tới tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cùng việc Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Chưa thể hóa giải

Trong bối cảnh quan hệ giữa Đức và Mỹ đã trải qua không ít sóng gió suốt hơn 2 năm trở lại đây, chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo được đánh giá là hết sức khó khăn. Nỗ lực khơi thông các bế tắc trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong vấn đề thương mại, là mục đích chuyến đi lần này của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ.

Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Đức Heiko Maas và nhiều quan chức cấp cao khác của Đức, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Đức là một trong những người bạn đáng tin cậy nhất của Mỹ, một đồng minh quan trọng và là đối tác thân thiết của Washington. Ông Pompeo cho biết hai bên đã thảo luận về vấn đề chi tiêu quân sự, thương mại và đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc của Nga.

Bình luận việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 7.11 cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang trải qua tình trạng tê liệt, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo khẳng định NATO vẫn là một trong những mối quan hệ đối tác chiến lược quan trọng nhất trong lịch sử.

Ông Pompeo nhấn mạnh: "Tôi cho rằng NATO vẫn là một đối tác quan trọng, có lẽ là tổ chức đối tác chiến lược quan trọng nhất trong lịch sử". Ông Pompeo cũng tái khẳng định quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng tất cả các thành viên của liên minh quân sự này cần thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình để bảo đảm năng lực phòng thủ tập thể.

Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Maas khẳng định Washington và Berlin vẫn là đối tác tốt và mong muốn duy trì hợp tác trong tương lai.

Ngoại trưởng Đức Maas cũng xác nhận đã thảo luận vấn đề di cư và tương lai của quan hệ thương mại song phương với Ngoại trưởng Mỹ Pompeo.

Theo Ngoại trưởng Đức Mass, tại cuộc gặp, hai bên đã trao đổi về việc làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ kinh tế và thương mại song phương, trong đó nhất trí thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, nỗ lực để khơi thông dòng chảy tự do thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương thông qua việc tìm kiếm thỏa hiệp với Mỹ về một chiến lược “chia sẻ và cùng thắng“ đã không đạt được trong cuộc hội đàm giữa hai nhà ngoại giao Đức và Mỹ bởi Tổng thống Trump luôn tuyên bố các sản phẩm thép nhôm nhập khẩu "đe dọa an ninh quốc gia Mỹ".

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cũng đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Đức Merkel về mối quan hệ với Nga, Trung Quốc và Iran. Tại cuộc hội đàm, phía Mỹ khẳng định lại sự phản đối của Washington đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2, vốn được Đức và Nga ủng hộ, theo đó vận chuyển khí tự nhiên qua đường ống dài 1.200 km qua biển Baltic từ Nga sang châu Âu.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã tham gia trọn vẹn lễ kỷ niệm 30 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ cùng với Chính phủ và các tổ chức dân sự của Đức.

Ông Pompeo cũng đã có cuộc gặp binh lính Mỹ ở miền Nam nước Đức trong khuôn khổ chuyến thăm trại huấn luyện Grafenwoehr và Vilseck gần biên giới giữa Séc và Đức.

Có thể thấy bất đồng chồng chất đang trở thành "nút thắt" trong quan hệ giữa hai cường quốc.

Trước thềm chuyến thăm, trên trang Tweeter, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo viết: "Đức là một trong những người bạn đáng tin cậy nhất của Mỹ, một đồng minh quan trọng và là đối tác thân thiết của chúng tôi. Chúng tôi mong chờ các cuộc hội thoại mang tính xây dựng liên quan đến những giải pháp để có thể phối hợp cùng nhau giải quyết những vấn đề toàn cầu quan trọng".

Trong chuyến thăm, hai ngoại trưởng Mỹ và Đức cũng vẫn khẳng định quan hệ đồng minh, cam kết thúc đẩy hợp tác. Tuy nhiên, cơ hội cởi bỏ "nút thắt“ trong quan hệ hai nước vẫn rất mong manh bởi những bất đồng quá lớn giữa hai bên và chưa thể hóa giải trong “một sớm một chiều”.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất đồng Mỹ-Đức chưa thể hóa giải trong một sớm một chiều