Bầu cử Tổng thống sơ bộ tại Argentina

12/08/2019 21:31

Argentina đã xác định được các cặp liên danh tranh cử đi tiếp trong cuộc bầu cử Tổng thống sơ bộ.

Tổng thống Argentina Mauricio Macri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống sơ bộ tại điểm bầu cử ở Buenos Aires ngày 11.8. Ảnh: AFP/TTXVN

Kết quả này cũng đã phần nào trả lời được phép thử lớn nhất về uy tín của các ứng cử viên trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 tới.

Bầu cử sơ bộ

Ngày 11.8, sau khi chiến dịch tranh cử chính thức khép lại tại tất cả các địa phương trên cả nước, hơn 33 triệu cử tri Argentina đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ để lựa chọn các ứng cử viên sẽ chính thức có mặt tại cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 tới nhằm tìm ra người đứng đầu chính phủ cho nhiệm kỳ 2019-2023.

Ngoài ra, cuộc bầu cử sơ bộ lần này cũng là dịp để sàng lọc các ứng cử viên sẽ cạnh tranh các vị trí mới tại Quốc hội trong cuộc bầu cử chính thức vào tháng 10, khi cơ quan lập pháp Argentina sẽ phải thay thế 24 ghế tại Thượng viện (tương đương với 1/3 số thượng nghị sỹ) và 130 ghế tại Hạ viện (tương đương với 1/2 số hạ nghị sỹ).

Trong cuộc bầu cử lần này có 10 cặp ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống tham gia tranh cử, trong đó đáng chú ý nhất là đương kim Tổng thống Mauricio Macri liên danh với Thượng nghị sỹ Miguel Ángel Pichetto đại diện cho liên minh trung hữu Đoàn kết vì sự thay đổi (Juntos por el Cambio) và cựu Chánh văn phòng nội các Alberto Fernandez liên danh với cựu Tổng thống Cristina Fernandez đại diện cho liên minh trung tả Mặt trận của tất cả mọi người (Frente de Todos). Cặp ứng cử viên đại diện cho liên minh Mặt trận của tất cả mọi người cũng được đánh gía là có lợi thế hơn so với liên minh trung hữu Đoàn kết vì sự thay đổi với khoảng cách khoảng 3-4 điểm% xung quanh mốc 40%. Các cặp ứng cử viên còn lại bị bỏ cách khá xa khi chỉ đạt trên dưới 10% số phiếu ủng hộ.

Cũng để chuẩn bị cho cuộc bầu cử sơ bộ, hơn 14.000 điểm bỏ phiếu đã chính thức mở cửa để người dân Argentina tham gia thực hiện quyền công dân.

Phép thử uy tín

Argentina tiến hành cuộc bầu cử trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng niềm tin sâu sắc bắt nguồn từ những biến động tiêu cực về kinh tế gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân trong suốt hơn một năm qua.

Không thể phủ nhận, kể từ khi chính thức lên nắm quyền điều hành đất nước vào tháng 12.2015, Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã thay đổi một loạt các chính sách điều hành kinh tế với tham vọng đưa quốc gia Nam Mỹ này đạt mục tiêu “xóa nghèo”. Chính phủ Argentina đã quyết định mở cửa và điều chỉnh từng bước nền kinh tế để đạt được sự cân đối tài chính và thu hút sự trở lại của các nguồn đầu tư sau hơn một thập kỷ theo đuổi chính sách bảo hộ. Một trong những trọng tâm của kế hoạch điều chỉnh mà Chính phủ Argentina theo đuổi nhằm giải quyết tình trạng lạm phát luôn ở mức hai chữ số trong nhiều năm qua là việc tăng lãi suất ở mức cao để khuyến khích việc gửi tiết kiệm và tạo sự cuốn hút của đồng nội tệ.

Kết quả là, trong hai năm 2016 và 2017, Argentina đã trở thành một địa chỉ thu hút đầu tư tài chính hấp dẫn. Người dân bắt đầu tích lũy tiết kiệm bằng đồng peso, từng bước xuất hiện các khoản tín dụng thế chấp và việc mở tài khoản tín dụng từ chỗ gần như không thể trở thành một việc khá đơn giản. Năm 2017, GDP của Argentina đã tăng 2,8%. 

Tuy nhiên, kinh tế Argentina bắt đầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng kể từ đầu năm 2018, khi thị trường tài chính - tiền tệ của nước này liên tục biến động mạnh, đồng nội tệ peso mất giá, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 9,1% trong năm 2018, tăng trưởng kinh tế suy giảm 2,6%, tỷ lệ lạm phát kết thúc năm với mức kỷ lục 55%, trong khi tỷ lệ người nghèo cũng vẫn ở mức đáng báo động 27,3%. Theo số liệu thống kê, thâm hụt ngân sách sơ bộ của Argentina chiếm 2,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nợ nước ngoài của quốc gia Nam Mỹ này đã tăng 22,9 tỷ USD trong năm 2018. Trong khi đó, về lĩnh vực đầu tư, khi lên nắm quyền năm 2015, Tổng thống Macri từng cam kết sẽ đem về cho đất nước những “cơn mưa đầu tư”, song dường như nguồn vốn này không đến được với những lĩnh vực sản xuất mà chỉ còn là những khoản đầu cơ tài chính.

Trong bối cảnh nền kinh tế Argentina đang rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng, chính phủ của Tổng thống Macri đã khởi động kế hoạch chi tiêu khắc khổ từ năm 2018, đổi lại việc nhận được khoản cứu trợ 56 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giúp nước này giải quyết cuộc khủng hoảng tiền tệ và kiềm chế mức lạm phát đã lên tới 55%. Tuy nhiên, chính sách này đã vấp phải sự phản đối của người dân Argentina. Vào thời điểm trước cuộc bầu cử tổng thống Argentina sơ bộ 5 tháng, các tổ chức công đoàn và phong trào xã hội ở nước này đã tổ chức cuộc tổng đình công trên toàn quốc theo lời kêu gọi của Tổng Công đoàn Lao động (CGT) để phản đối các chính sách kinh tế của chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế liên tục lao dốc trong hơn 1 năm qua. Các tổ chức công đoàn và phong trào xã hội yêu cầu chính phủ phải có những biện pháp điều chỉnh khẩn cấp để đưa kinh tế đất nước thoát khỏi giai đoạn suy thoái hiện nay và cải thiện đời sống của người dân vốn đang gặp nhiều khó khăn do lạm phát, thất nghiệp và số người nghèo tăng cao.

Cuộc tổng đình công đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động vận tải đường không và hoạt động của các doanh nghiệp, nhiều ngân hàng và cửa hàng phải đóng cửa. Hoạt động vận tải biển cũng bị đình trệ, trong khi một số trường học cũng đóng cửa.

Trong khi đó, thực tế cũng cho thấy bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm ổn định tình hình thông qua việc vay tín dụng của IMF, nền kinh tế Argentina vẫn chưa có nhiều dấu hiệu chuyển biến. IMF đã dự báo trong năm nay, kinh tế Argentina sẽ tăng trưởng âm ở mức 1,3% với tỷ lệ lạm phát là 40%.

Chính vì vậy, dù chỉ là một cuộc bầu cử sơ bộ song sự kiện này vẫn thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Bởi cuộc bầu cử này chính là là phép thử lớn nhất về uy tín của các ứng cử viên trước thềm cuộc tổng tuyển cử.

Xác định các cặp liên danh tranh cử đi tiếp

Đúng như những dự báo trước bầu cử, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc bầu cử Tổng thống Argentina công bố sáng 12.8 cho thấy cặp ứng cử viên của liên minh trung tả Mặt trận của tất cả mọi người (Frente de Todos) gồm cựu Chánh Văn phòng nội các Alberto Fernandez và cựu Tổng thống Cristina Fernandez  đã giành số phiếu bầu cao nhất.

Với 86,6% số phiếu được kiểm, liên minh trung tả Mặt trận của tất cả mọi người đã giành được 47,4% số phiếu bầu. Trong khi đó, liên danh giữa đương kim Tổng thống Mauricio Macri và Thượng nghị sĩ Miguel Ángel Pichetto đứng vị trí thứ hai với 32,6%  số phiếu ủng hộ. Tiếp đến là cặp liên danh tranh cử cựu Bộ trưởng Kinh tế Roberto Lavagna và Thượng nghị sỹ Juan Manuel Urtubey nhận được 8,7% số phiếu bầu.

Do Luật Bầu cử Argentina quy định các cặp ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống giành được từ 1,5% số phiếu ủng hộ trở lên sẽ được quyền tiếp tục tham gia vào cuộc bầu cử chính thức vào cuối tháng 10 tới nên theo kết quả kiểm phiếu, có 4 cặp ứng cử viên bị loại trong cuộc bầu cử sơ bộ lần này vì có số phiếu bầu dưới 1,5%.

Dù liên minh trung tả Mặt trận của tất cả mọi người của cặp ứng cử viên cựu Chánh Văn phòng nội các Fernandez và cựu Tổng thống Fernandez giành số phiếu cao nhất, nhưng việc cử tri đa phần bỏ phiếu cho hai cặp ứng cử viên chính là liên danh giữa đương kim Tổng thống Macri và Thượng nghị sĩ Pichetto tại cuộc bầu cử sơ bộ lần này cho thấy sự chia rẽ trong xã hội Argentina giữa những người mong muốn tiếp tục đường lối tự do mới của chính phủ đương nhiệm và những người ủng hộ các chính sách phục vụ đại đa số dân chúng của ông Fernandez. Từ nay cho đến cuộc tổng tuyển cử chính thức vào cuối tháng 10, các bên vẫn còn thời gian để tiếp tục điều chỉnh và đưa ra những đề xuất chính sách phù hợp với mong mỏi của cử tri, qua đó thu hút được những lá phiếu có thể giúp họ trở thành nhà lãnh đạo mới của Argentina trong những năm tới.

THANH LÂM (TTXVN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bầu cử Tổng thống sơ bộ tại Argentina