Cần tránh những tính toán sai lầm ở Trung Đông

23/09/2019 21:42

Sau vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, tình hình an ninh ở Trung Đông đang đứng trước bờ vực khi Mỹ có kế hoạch điều thêm quân tới vùng Vịnh nhằm bảo vệ đồng minh chủ chốt này.

Cơ sở lọc dầu bị tấn công của Aramco. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, kế hoạch của Mỹ vấp phải sự phản đối gay gắt từ Iran, quốc gia Hồi giáo đang bị cáo buộc đứng sau vụ tấn công các cơ sở lọc dầu của Riyadh. Trong bối cảnh khu vực Trung Đông được ví như “thùng thuốc súng” có thể phát nổ bất cứ lúc nào, các bên liên quan cần phải tránh những tính toán sai lầm.

Mỹ có kế hoạch triển khai thêm quân ở vùng Vịnh

Ngày 20.9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết nước này sẽ triển khai thêm quân tới vùng Vịnh theo yêu cầu của Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Bộ trưởng Quốc phòng Esper nêu rõ việc triển khai quân này là nhằm ủng hộ Saudi Arabia và UAE, bảo đảm dòng chảy tự do của nguồn nhiên liệu tại khu vực Vịnh Persian và bảo đảm trật tự quốc tế.

Theo Bộ trưởng Esper, vụ Iran tấn công máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng 6 sau khi Tehran bắt giữ tàu chở dầu của Anh, cùng với vụ tấn công nhằm vào nhà máy lọc dầu ở thành phố Abqaia và Khurais thuộc Tập đoàn Dầu khí Aramco của Saudi Arabia ngày 14.9 khiến sản lượng dầu của nước này giảm 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới “đã làm căng thẳng leo thang trong khu vực”. Bộ trưởng Esper cũng cho biết thêm: “Để ngăn chặn tình trạng gia tăng căng thẳng, Saudi Arabia đã đề nghị cộng đồng quốc tế hỗ trợ bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này. UAE cũng đưa ra đề nghị tương tự. Đáp lại đề nghị này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông qua kế hoạch triển khai các lực lượng Mỹ, chủ yếu sẽ tập trung vào Không quân và hệ thống phòng thủ tên lửa”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Tướng Joe Dunford cho biết việc triển khai quân Mỹ tới Trung Đông trong thời gian tới sẽ “được điều chỉnh phù hợp”. Dù không cho biết chính xác các đơn vị hay trang thiết bị nào được triển khai tới Trung Đông nhưng Tướng Dunford cho biết có thể sẽ không nhiều hơn “vài nghìn binh sĩ”.

Tiếp đó, ngày 22.9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Mỹ muốn tránh chiến tranh với Iran và việc triển khai thêm quân tới vùng Vịnh là nhằm mục đích "răn đe và phòng vệ".

Trước việc Mỹ ra lệnh triển khai thêm binh sĩ tới vùng Vịnh, ngày 22.9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài đe dọa an ninh năng lượng và hàng hải trong khu vực.

Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình tại một lễ duyệt binh thường niên nhân ngày nổ ra cuộc chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988), Tổng thống Rouhani nêu rõ: "Các lực lượng nước ngoài có thể gây ra nhiều vấn đề và gây mất an toàn cho người dân của chúng ta và cho khu vực". Ông kêu gọi các lực lượng nước ngoài rời khỏi và "tránh xa" vùng Vịnh để không biến nơi này trở thành khu vực diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang. Theo ông, an ninh tại vùng Vịnh, eo biển Hormuz và biển Oman phải được bảo đảm thông qua sự hợp tác của các nước ven biển. Nhà lãnh đạo Iran cũng cho biết sẽ trình một kế hoạch hòa bình lên Liên hợp quốc (LHQ) trong những ngày tới.

Cùng ngày, người đứng đầu Hải quân Iran, Chuẩn Đô đốc Hossein Khanzadi tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo này sẵn sàng bảo vệ lãnh hải và sẽ "đáp trả quyết liệt" trước bất kỳ hành động gây hấn nào.

Việc Mỹ lên kế hoạch điều thêm quân tới vùng Vịnh và vấp phải sự phản đối gay gắt từ Iran khiến nhiều người liên tưởng đến trục quan hệ Mỹ-Saudi Arabia-Iran mà Riyadh được xem là một yếu tố quan trọng có thể tác động tới các quyết sách của chính quyền Washington. Trong khi những căng thẳng hay đối đầu giữa Mỹ và Iran kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 thường xuyên leo thang bởi Tehran bị cáo buộc đứng sau hàng loạt vụ tấn công các tàu chở dầu tại vùng Vịnh, thì vụ tấn công nhằm trực tiếp vào Saudi Arabia, một đồng minh chủ chốt của Mỹ ở khu vực, được cho là nghiêm trọng tới mức khiến nhiều người tin rằng Washington cũng như Riyadh khó có thể cho qua một cách dễ dàng.

Cho đến nay, bất chấp việc lực lượng Houthi tại Yemen thừa nhận tiến hành vụ tấn công nhằm vào cơ sở hóa dầu của Saudi Arabia, Mỹ vẫn cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công trên, trong khi Tehran cương quyết bác bỏ, cho rằng Washington đang viện lý do để trả đũa nước Cộng hòa Hồi giáo này. Những lời tố cáo lẫn nhau bị đẩy lên tới đỉnh điểm khiến dư luận lo ngại về nguy cơ một cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Và những diễn biến phức tạp sau vụ tấn công trên khi Mỹ tuyên bố sẽ triển khai thêm quân tới vùng Vịnh theo yêu cầu của Saudi Arabia và UAE bất chấp sự phản đối gay gắt từ Iran đang đẩy tình hình an ninh khu vực Trung Đông đứng trước sự đối đầu nguy hiểm.

Cần tránh những tính toán sai lầm

Mặc dù khu vực Trung Đông đang đứng trước nguy cơ một cuộc xung đột vũ trang đặc biệt là sau diễn biến căng thẳng mới liên quan đến tuyên bố của Mỹ sẽ triển khai thêm binh sĩ tới vùng Vịnh, song theo các chuyên gia phân tích thực tế cũng cần nhìn nhận và đánh giá bức tranh toàn cảnh ở khu vực này từ nhiều góc độ.

Trước hết, với Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Washington dường như có xu hướng tránh phát động chiến tranh trực tiếp mà thay vào đó là áp đặt trừng phạt kinh tế. Cụ thể là chưa đầy 1 tuần sau các vụ tấn công nhằm vào cơ sở sản xuất dầu ở Saudi Arabia mà giới chức Mỹ cáo buộc Iran là thủ phạm, Tổng thống Mỹ Trump thông báo Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ngân hàng Trung ương Iran. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần, Tổng thống Trump được cho là cố gắng để giảm tối đa và chấm dứt hành động can dự quân sự tại các điểm nóng. Vì vậy, hành động quân sự chống lại Iran sẽ vừa gây ra nhiều nguy hại vừa đi ngược lại chiến lược của Mỹ.

Mặt khác, một cuộc chiến tranh tổng lực ở quy mô lớn tại khu vực sẽ gây ra những tác động cực kỳ lớn đối với an ninh và sự ổn định của Trung Đông cũng như nền kinh tế toàn cầu và sẽ không bên nào được hưởng lợi mà không phải trả giá đắt. Trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang giữa liên minh Mỹ-Saudi Arabia và Iran, hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ có thể chịu thiệt hại nghiêm trọng hơn, nền kinh tế toàn cầu khó tránh bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi vậy, nhiều nhà quan sát khu vực cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đang “tung đòn” để răn đe đối phương.

Một khả năng có thể xảy ra đó là Mỹ và đồng minh triển khai các cuộc tấn công “chớp nhoáng” và “chính xác” nhằm thẳng vào các mục tiêu không trực tiếp và không phải là cốt lõi của Iran ở Yemen, Iraq hay Syria để trả đũa và cảnh cáo. Còn khả năng tấn công vào lãnh thổ Iran sẽ khiến chiến sự leo thang khó kiểm soát hơn, mặc dù các mục tiêu có thể được chọn vì ý nghĩa mang tính biểu tượng thay vì giá trị thực tế và được giới hạn nhằm đủ để gửi thông điệp tới giới chức Iran, song cũng không gây ra phản ứng gay gắt từ Tehran.

Một lựa chọn khác là áp đặt trừng phạt mới. Tuy nhiên trừng phạt không có tác động ảnh hưởng về tâm lý như hành động quân sự. Trên thực tế, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh nhằm vào nền kinh tế Iran, thêm trừng phạt sẽ không có nhiều tác dụng. Thực tế, trong bối cảnh hiện nay, Mỹ không có nhiều sự lựa chọn mang lại hiệu quả chắc chắn trong việc giải quyết vấn đề Iran.

Có ý kiến cho rằng việc chính quyền Mỹ khẳng định không muốn chiến tranh với Iran và việc triển khai thêm quân tới vùng Vịnh là nhằm mục đích "răn đe và phòng vệ" đã phần nào cho thấy Washington đang đối mặt với tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Tổng thống Trump không hề muốn nước Mỹ lại sa lầy vào một cuộc xung đột quân sự “hao tiền, tốn của” nữa ở Trung Đông, nhưng Washington cũng khó mà "im lặng" không có phản ứng đối với vụ việc, đặc biệt bởi đây là khu vực Mỹ có nhiều lợi ích cần bảo vệ cũng như có các đồng minh quan trọng như Saudi Arabia và Israel. Vụ tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia cùng với việc Mỹ tuyên bố điều thêm quân tới vùng Vịnh nhằm bảo vệ đồng minh chủ chốt có thể được coi là một thử thách đối với mối quan hệ đồng minh Mỹ-Saudi Arabia.

Trong khi đó, về phía Saudi Arabia, các chuyên gia nhận định nước này sẽ phải hứng chịu những hậu quả nặng nề nhất nếu đối đầu quân sự với Iran. Trên thực tế, vụ tấn công mới đây cũng làm bộc lộ những “tử huyệt” của quốc gia giàu dầu mỏ này dù rằng Riyadh đã tốn không ít tiền bạc đầu tư vào việc mua sắm các trang thiết bị quân sự. Giới chuyên gia quân sự cho rằng năng lực phòng không của Saudi Arabia có “vấn đề” nghiêm trọng khi nước này nhiều lần bị lực lượng Houthi ở Yemen sử dụng tên lửa và máy bay không người lái tấn công và vụ việc ngày 14.9 vừa qua là nghiêm trọng nhất. Bên cạnh đó, Saudi Arabia cũng cần xem xét và đánh giá lại chiến lược an ninh của mình, trong đó có việc tham chiến ở Yemen.

Còn về phía Iran, Tehran cũng đang chịu nhiều áp lực dù rằng giới chức nước này vẫn tỏ ra cứng rắn. Iran đang trải qua giai đoạn đặc biệt khó khăn về kinh tế do các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ, điều đó cũng gây bất ổn xã hội tại quốc gia Hồi giáo. Vụ tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia càng khiến tình thế của Tehran thêm nghiêm trọng bởi đây có thể bị coi là cái cớ để Iran bị cô lập hơn nữa. Iran đã bác bỏ mọi cáo buộc của Mỹ và Saudi Arabia liên quan tới vụ tấn công ở Saudi Arabia, song cho rằng đây là một thông điệp cảnh báo rằng cuộc chiến ở Yemen cần phải kết thúc và lực lượng Houthi có quyền trả đũa các cuộc tấn công của liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu tiến hành ở Yemen.

Chính vì vậy, giới phân tích cho rằng các bên liên quan cần phải tránh những tính toán sai lầm để không gây ra những hậu quả không mong muốn.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần tránh những tính toán sai lầm ở Trung Đông