Chính quyền Trump tăng sức ép với Trung Quốc trên nhiều mặt trận

24/07/2020 08:08

Đối đầu giữa hai cường quốc ngày càng gay gắt khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục tăng cường áp lực lên Bắc Kinh trong một loạt vấn đề mới.

Ông Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 14.7.2020 sau khi ký sắc lệnh chấm dứt ưu đãi thương mại với Hong Kong

Mở rộng đối đầu

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng sức ép lên Trung Quốc bằng lệnh cấm thị thực nhập cảnh, trừng phạt và các biện pháp hạn chế khác. Các nguồn thạo tin cho biết Nhà Trắng thậm chí còn bàn việc áp đặt lệnh cấm nhập cảnh nhằm vào toàn bộ trên 90 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và gia đình của họ.

Biện pháp trừng phạt mới nhất này mặc dù chỉ ở giai đoạn đầu, chưa có thời gian biểu cụ thể cho việc thực thi chính thức nhưng một khi được ban hành giới cố vấn và phân tích chính sách cho rằng lệnh cấm sẽ giáng một đòn mạnh vào tính chính danh của đảng cầm quyền tại Trung Quốc.

Trong vài tuần gần đây Mỹ mở rộng đối đầu với Bắc Kinh bằng việc áp trừng phạt một Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, ký ban hành điều luật nhằm vào các quan chức khác và tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông. Nó diễn ra trong bối cảnh ông Trump trong nhiều tháng trở lại đây quy kết Trung Quốc che giấu nguồn gốc đại dịch Covid-19 khiến Mỹ và thế giới chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Giới phân tích và cựu quan chức nhận định, về cơ bản chính quyền Trump là bên chủ động trong các bước kéo lùi quan hệ với Trung Quốc do nhận thấy lợi ích từ gia tăng sức ép với Bắc Kinh. Các cố vấn chính trị Nhà Trắng cho rằng cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc giúp đánh động cử tri trước thời điểm bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, tạo điều kiện để công kích đối thủ Joe Biden là người mềm yếu trước Trung Quốc.

 “Không một chính quyền nào cứng rắn với Trung Quốc như chính quyền này”, ông Trump tuyên bố trong cuộc họp báo tại Vườn Hồng ngày 15.7. Trong bài phát biểu kéo dài, nhiều chủ đề, ông có ý công kích đối thủ, với 25 lần nhắc đến tên ông Biden, trong khi liên tục đẩy nội dung phát biểu hướng về yếu tố Trung Quốc và những nỗ lực của Nhà Trắng trong ngăn chặn Bắc Kinh.

Hành xử của Trung Quốc cũng góp phần đẩy căng mâu thuẫn. Bắc Kinh áp dụng luật an ninh mới với Hong Kong. Giới chức ngoại giao Trung Quốc cũng mở cuộc phản công bằng ngôn từ đặc tả Mỹ là người chuyên đi ức hiếp, hành động mất kiểm soát và ngầm cáo buộc Mỹ liên đới tới đại dịch Covid-19.

Sự cứng rắn với Trung Quốc tại Nhà Trắng đang hối thúc ông Trump tiến hành các bước đi quyết liệt hơn nữa, nhất là việc áp cấm vận đối với một số lượng lớn giới chức Trung Quốc. Tuy nhiên, một quan chức tiết lộ, ông Trump đến thời điểm này vẫn chưa chấp nhận lời kêu gọi trên. Một lý do quan trọng là Tổng thống Mỹ lựa chọn cân bằng giữa gây sức ép buộc Bắc Kinh nhượng bộ lợi ích Mỹ với việc không để quan hệ song phương sụp đổ, không hủy hoại thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Đậu tương nhập khẩu từ Mỹ về cảng Natong, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc 

Bất đồng trầm trọng hơn

Có quá nhiều những điểm đối đầu trong quan hệ Mỹ-Trung, đến mức một số lãnh đạo doanh nghiệp phân tích chính sách cho rằng trật tự kinh tế toàn cầu đang tan vỡ, nghi ngờ lẫn nhau giữa hai nước theo kiểu Chiến tranh lạnh khiến bất đồng ngày một trầm trọng hơn. “Chúng ta đang ở trong một hình thái vòng xoáy mà ở đó Mỹ phân tách mọi thứ với Trung Quốc và Trung Quốc cũng làm vậy với Mỹ. Mức độ thù địch đang vượt tầm kiểm soát”, Robert Zoellick, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ dưới thời George W. Bush và hiện là Cố vấn cấp cao tại hãng tư vấn Brunswick Group phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen.

Bộ trưởng Tư pháp William Barr là nhân vật mới nhất trong chính quyền công khai chỉ trích Trung Quốc. Ông Barr nhấn mạnh tham vọng tột cùng của Trung Quốc không phải là hợp tác, trao đổi thương mại với Mỹ mà là tấn công nước Mỹ. Ông cảnh báo nhún mình trước Trung Quốc có thể giúp các công ty Mỹ thu lợi ngắn hạn nhưng cuối cùng chính các công ty Mỹ sẽ bị Bắc Kinh loại khỏi cuộc chơi.

Tuần trước, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray đã mô tả hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc tràn lan tới cấp độ nó là một trong những cuộc “chuyển giao tài sản lớn” nhất trong lịch sử nhân loại. Cứ 10 tiếng, FBI lại phải mở một điệp vụ phản gián nhằm vào Trung Quốc - ông Wray chia sẻ.

Cho đến nay, nhiều tuyên bố của chính quyền Trump nhằm vào Trung Quốc mới dừng ở mức độ lời nói nhiều hơn là hành động ràng buộc. Chính quyền chưa áp lệnh trừng phạt nào nhằm vào quan chức Trung Quốc liên quan đến luật an ninh Hong Kong (Trung Quốc), dù trước đó Nhà Trắng nói sẽ xem xét. Nhưng cuộc chiến ngôn từ tự thân nó cũng đã đặc tả tính chất cứng rắn của Mỹ trong quan hệ với Bắc Kinh.

HOÀI THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính quyền Trump tăng sức ép với Trung Quốc trên nhiều mặt trận