Cơ hội cải thiện quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc

24/10/2019 17:44

Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yon vừa có chuyến thăm Nhật Bản để dự lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito, đồng thời có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Nation Thailand

Chuyến đi lần này của Thủ tướng Hàn Quốc đến Nhật Bản được xem là một cơ hội để hai bên xoa dịu những căng thẳng trong quan hệ song phương hiện nay.

Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc

Có thể thấy rõ quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm kể từ sau khi các tòa án Hàn Quốc cuối năm 2018 ra phán quyết yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên.

Gần đây, những căng thẳng đã bùng phát bắt đầu từ lĩnh vực thương mại từ ngày 4.7.2019 khi Nhật Bản bắt đầu siết chặt quản lý hoạt động xuất khẩu sang Hàn Quốc ba loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chip điện tử và màn hình thiết bị số, gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF). Đây được coi là cột mốc đánh dấu căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia láng giềng khi các loại vật liệu trên đều phục vụ cho các lĩnh vực sản xuất mũi nhọn của Hàn Quốc. Biện pháp này ngay lập tức đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung Electronics, hay LG Electronics…

Sau đó, Chính phủ Nhật Bản ngày 27.8 đã chính thức loại bỏ Hàn Quốc ra khỏi “White List” (Danh sách Trắng) của mình với lý do hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Hàn Quốc đối với các mặt hàng nhạy cảm còn lỏng lẻo.

Trước đó, Hàn Quốc vốn nằm trong “Danh sách Trắng” của Nhật Bản gồm 27 quốc gia không cần qua thủ tục kiểm tra nghiêm ngặt của Tokyo khi nhập khẩu từ Nhật Bản hơn 1.100 “mặt hàng chiến lược” có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Đối với những quốc gia không thuộc danh sách này, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ xem xét phê duyệt từng lô hàng trước khi xuất khẩu.

Những động thái trên của Nhật Bản đã gây phản ứng gay gắt ở Hàn Quốc. Hàn Quốc chỉ trích những động thái của Nhật Bản là nhằm trả đũa đối với các phán quyết của tòa án Hàn Quốc hồi cuối năm 2018 về vấn đề lao động bị cưỡng bức trong quá khứ.

Để trả đũa, Hàn Quốc ngày 12.8 cũng đã tuyên bố loại Nhật Bản khỏi danh sách các đối tác được hưởng ưu đãi thương mại của Seoul. Không những vậy, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 22.8 còn tuyên bố chấm dứt hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Tokyo (GSOMIA).

Việc Hàn Quốc chấm dứt chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản không chỉ gây hại cho hai nước mà còn ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh an ninh ba bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ bởi lâu nay GSOMIA vẫn được coi là đóng vai trò nền tảng trong việc thúc đẩy sự hợp tác ba bên về an ninh giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

Trước những căng thẳng trên, chính quyền Mỹ đã kêu gọi Hàn Quốc rút lại quyết định rút khỏi GSOMIA, song đến nay, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ xem xét lại quyết định trên nếu Tokyo dỡ bỏ những hạn chế thương mại đối với Seoul.

Không dừng lại ở những tranh cãi về lịch sử và thương mại, căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây còn lan sang cả các lĩnh vực khác như môi trường, văn hóa-thể thao…

Không bên nào được lợi

Những tranh cãi giữa hai nước thời gian qua đã ra những thiệt hại không nhỏ đến nền kinh tế của hai quốc gia hàng đầu châu Á này.

Về phía Nhật Bản, Văn phòng Nội các nước này mới đây nhận định sự yếu kém vẫn tồn tại trong hoạt động xuất khẩu của nước này. Thực tế, xuất khẩu của Nhật Bản sang các nước châu Á đã bị trì trệ trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm lại cùng với nhu cầu về các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh giảm sút.

Còn với Hàn Quốc, hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P cũng vừa cảnh báo kinh tế Hàn Quốc có thể tăng trưởng chậm hơn nữa nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như căng thẳng thương mại Hàn Quốc-Nhật Bản gia tăng.

Trong tháng 9 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm 11,7% xuống còn 44,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018 và đây là tháng thứ 10 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của nước này giảm sút.

Báo cáo mới nhất công bố này 24.10 cho thấy các "đại gia" sản xuất chip nhớ của Hàn Quốc cũng sụt giảm lợi nhuận. SK Hynix-nhà sản xuất chip nhớ Hàn Quốc lớn thứ 2 thế giới-cho biết trong quý III.2019 (từ tháng 7 đến tháng 9), lợi nhuận trước thuế của hãng còn 473 tỷ won (404 triệu USD)-giảm 93% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất trong 3 năm qua; lợi nhuận ròng của hãng này cũng đã giảm 89% còn 495 tỷ Won, trong khi doanh thu bán hàng giảm 40%, còn 6.800 tỷ Won. Trong khi đó, Samsung-nhà sản xuất chip nhớ số 1 thế giới-kể từ cuối năm 2018 cũng đã gặp nhiều khó khăn do thị trường ngành công nghiệp bán dẫn đi xuống trong bối cảnh nhu cầu đối với điện thoại và các thiết bị điện tử khác sa sút. Lợi nhuận ròng của Samsung trong quý II.2019 đã giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các nhà phân tích, vì cả Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đều là những nước tham gia vào một chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu nên hệ quả của cuộc xung đột thương mại này có thể gây tác động ở quy mô toàn cầu.

Hiện nay, trong thị trường công nghệ toàn cầu, Trung Quốc là nước dẫn đầu về trữ lượng kim loại đất hiếm. Các công ty Nhật Bản sử dụng nguyên liệu thô này từ Trung Quốc để chế tạo hyđro clorua, chất cản quang và nhựa nhiệt dẻo mà sau đó được cung cấp cho Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước khác để sử dụng chế tạo chíp điện tử, màn hình điện thoại và các loại màn hình điện tử khác. Chu trình này hoàn thiện khi các loại mặt hàng này quay trở lại Trung Quốc và được sử dụng để chế tạo các sản phẩm hoàn thiện cuối cùng như điện thoại di động và máy tính bảng. Chu trình này là một vòng tròn khép kín. Vì vậy, ngày nay, không thể chế tạo những sản phẩm công nghệ cao có tính cạnh tranh mà thiếu đi một “mắt xích” nào đó của chu trình này. Lần theo cả chuỗi cung ứng công nghệ này, chúng ta có thể thấy xung đột thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ có tác động đến chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích cho rằng hai nước cần khẩn trương tìm cách để giảm thiểu thiệt hại. Nếu Tokyo và Seoul không tìm được “tiếng nói chung” trong trung và dài hạn thì chuỗi công nghệ toàn cầu hiện nay về sản phẩm vi điện tử có thể sẽ bị hủy hoại. Và điều này sẽ gây tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Cần cải thiện quan hệ

Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yon lần này diễn ra trong 3 ngày, từ 22 - 24.10. Tham dự buổi yến tiệc tại Hoàng cung Tokyo nhân lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito, Thủ tướng Lee Nak Yon đã gặp và gửi lời chúc tới Nhật hoàng, bày tỏ hy vọng người dân Nhật Bản sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn dưới triều đại Lệnh Hòa (Reiwa). Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yon còn gửi lời chúc mừng của Tổng thống Moon Jae-in tới Nhật hoàng Naruhito.

Theo nghi thức ngoại giao, lễ đăng quang của Nhật hoàng là sự kiện quan trọng nhất của xứ sở hoa anh đào. Vì vậy việc Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yon tham dự lễ đăng quang của Nhật hoàng là một sự kiện quan trọng, được xem là cơ hội tốt để cải thiện vòng xoáy căng thẳng hiện nay giữa hai nước.

Một hoạt động quan trọng khác trong chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yon là cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 24.10. Đây là cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên giữa hai nước trong vòng 1 năm qua, kể từ khi căng thẳng giữa hai bên bùng phát liên quan vấn đề lao động cưỡng bức trong thời kỳ chiến tranh và dẫn tới xung đột thương mại trong thời gian gần đây.

Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Shinzo Abe đã nhấn mạnh Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước láng giềng quan trọng và sự phối hợp giữa hai bên rất quan trọng đối với việc giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản cũng lưu ý rằng quan hệ giữa hai nước đã rơi vào tình trạng rất căng thẳng và không nên bỏ mặc hiện trạng này.

Hai Thủ tướng nhất trí rằng cần cải thiện quan hệ song phương căng thẳng hiện nay. Hai bên cũng nhất trí rằng hợp tác giữa hai nước có vai trò quan trọng trong vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, cuộc hội đàm không đề cập khả năng tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Cũng tại buổi hội đàm, Thủ tướng Lee Nak Yon đã gửi đến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe một bức thư của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Lee Nak Yon không tiết lộ nội dung bức thư song theo giới chức Hàn Quốc, trong bức thư này, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh Nhật Bản là đối tác chủ chốt trong việc gìn giữ hòa bình khu vực.

Trước đó, cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản lần này, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yon còn có cuộc gặp lãnh đạo đảng Công Minh-đối tác của đảng Dân chủ Tự do trong liên minh cầm quyền ở Nhật Bản. Tại đây ông Lee Nak Yon bày tỏ hy vọng cuộc hội đàm với ông Abe sẽ giúp tạo nền tảng cho mối quan hệ "hướng tới tương lai" giữa hai nước.

Đánh giá về chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yon, các nhà phân tích nhận định, cho dù chưa có kết quả cụ thể nào để cải thiện những vướng mắc hiện nay, song rõ ràng chuyến thăm đã tạo được một bầu không khí cởi mở, giúp thúc đẩy đối thoại giữa hai  nước và tạo tiền đề cho việc cải thiện quan hệ cũng như hướng tới một cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Hàn trong tương lai.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội cải thiện quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc