Diễn đàn kinh tế phương Đông: Cầu nối gắn kết Nga với các nước châu Á-Thái Bình Dương

07/09/2019 11:03

Diễn đàn kinh tế phương Đông lần thứ 5 (EEF-2019) với chủ đề “Viễn Đông - Những chân trời phát triển” diễn ra trong 3 ngày từ 4 - 6-9 tại TP Vladivostok, Liên bang Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên toàn thể EEF-2019

Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần này đánh dấu mốc kỷ niệm 5 năm được thành lập và tổ chức với sự tham gia của nguyên thủ và Thủ tướng các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Mông Cổ; Phó Thủ tướng các nước Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên và Luxemburg cùng hơn 6.500 đại biểu và gần 1.500 phóng viên từ nhiều quốc gia.

Gần 50 phiên thảo luận quan trọng

Các nội dung nghị sự của EEF-2019 với gần 50 phiên thảo luận được chia thành 4 hướng chính: “Những giải pháp mới đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế” - thảo luận những biện pháp cần thiết để phát triển Viễn Đông và nâng cao sức hấp dẫn đầu tư của khu vực; “Tạo điều kiện cho doanh nghiệp” - thảo luận các vấn đề tạo những cơ hội đầu tư mới tại Viễn Đông, trong đó có vấn đề bảo vệ quyền nhà đầu tư, hoàn thiện pháp luật, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, số hóa quản lý nhà nước và các biện pháp hỗ trợ trong các lĩnh vực hóa dầu và du lịch; “Viễn Đông và châu Á - Thái Bình Dương: phát triển cơ hội hợp tác” - đề cập hợp tác giữa Nga và các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi thương mại kỹ thuật số, tương lai Bắc cực của Nga và các hành lang giao thông ở Viễn Đông và “Những giải pháp mới để nâng cao chất lượng cuộc sống”- bao gồm những vấn đề phát triển xã hội của Viễn Đông, tập trung thảo luận vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục, thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực xã hội của khu vực, phát triển môi trường đô thị và xây dựng các thành phố tương lai.

Ngoài ra, trong chương trình còn có các cuộc đối thoại - kinh doanh liên quốc gia với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Sự kiện trọng tâm trong gần 50 hoạt động của diễn đàn là phiên họp toàn thể vào ngày 5.9 với sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mông Cổ Khaltmaagiin Battulga, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể Diễn đàn kinh tế phương Đông lần thứ 5, Tổng thống Nga Putin hoan nghênh các đại biểu tham dự diễn đàn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các nước trong khu vực đến việc tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại với Nga. Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga với tư cách là cường quốc Á-Âu quan tâm đến sự phát triển năng động của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và luôn sẵn sàng đối thoại bình đẳng trên cơ sở song phương với các nước cũng như hợp tác đa phương tại các diễn đàn như Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SOC), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)...  

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mối quan hệ giữa Nga với Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Nhật Bản và một số quốc gia khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được xây dựng trên các nguyên tắc tôn trọng và đối thoại trung thực. Theo ông Putin, các bên liên quan đều mong muốn tiếp tục phát triển những khuynh hướng tích cực này.

Chia sẻ tầm nhìn phát triển, nhà lãnh đạo Nga cho rằng vùng Viễn Đông của Nga cần phải trở thành một trong những trung tâm công nghệ cao toàn cầu. Ông Putin lạc quan rằng mục tiêu trên hoàn toàn khả thi vì vùng Viễn Đông có sức mạnh, lợi thế cạnh tranh đáng kể về nguồn nhân lực cũng như cơ sở hạ tầng và tài nguyên.

Cũng trong bài phát biểu này, nhà lãnh đạo Nga đã đề cập đến một loạt vấn đề khác như quan hệ với Ukraine, vấn đề mở rộng nhóm Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, hay chủ trương của Nga về Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Ông Putin nhấn mạnh vấn đề trao đổi tù nhân với Ukraine có thể đánh dấu một bước tiến tới bình thường hóa quan hệ song phương. Ông cho biết các cuộc đàm phán với Ukraine về việc trao đổi tù nhân sắp hoàn tất.

Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố Moskva sẵn sàng tổ chức một hội nghị của các nước thuộc Nhóm 7-8 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7/G8) và sẽ hoan nghênh một định dạng rộng hơn với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc.

Ông cho biết thêm Nga sẽ sản xuất các tên lửa đã bị cấm theo Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) có từ thời Chiến tranh Lạnh vốn đã kết thúc hồi tháng trước, song khẳng định rằng Moskva sẽ không triển khai loại vũ khí này nếu Mỹ không thực hiện trước. Hồi tháng trước, Washington đã rút khỏi INF với cáo buộc Nga vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận này. Tuy nhiên, Moskva kiên quyết bác bỏ cáo buộc đó.

Kết thúc bài phát biểu, Tổng thống Nga Putin cho rằng việc các đại biểu tham gia tích cực và sâu rộng vào các phiên họp, hội thảo theo chủ đề của Diễn đàn lần này trên tinh thần xây dựng, cởi mở đã góp phần quan trọng đưa ra các hướng hợp tác đầy triển vọng, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác và liên kết cùng có lợi.

Cầu nối gắn kết

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015, Diễn đàn Kinh tế phương Đông có vai trò như một "sân chơi" để Nga thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác phát triển vùng Viễn Đông giàu tài nguyên thiên nhiên song chưa được khai thác, tìm kiếm các đối tác mới nhằm thúc đẩy chính sách hướng Đông, góp phần thoát sự cô lập của phương Tây. 

Ưu tiên trong chính sách quốc gia của Nga là phát triển vùng Viễn Đông trở thành trung tâm kinh tế-xã hội bởi đây là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên cũng như có vị thế về địa lý kinh tế với diện tích chiếm 36%  nước Nga, 27% dự trữ khí đốt, 17% trữ lượng dầu mỏ ở châu Á-Thái Bình Dương. Hoạt động thu hút đầu tư vào vùng Viễn Đông được xem như cơ hội để Nga mở rộng quan hệ với các nước, khai thác những tiềm năng hợp tác. 

Trải qua 4 diễn đàn, EEF nhanh chóng tạo được sức hút đối với dư luận khi các hợp đồng được ký kết cũng như giá trị các hợp đồng này đều tăng lên mỗi năm. Tại EEF lần thứ nhất năm 2015, khi Nga đang hứng chịu các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt, từ năm 2014, hơn 80 thoả thuận hợp tác được ký kết với trị giá lên tới khoảng 1.300 tỷ rúp (gần 20 tỷ USD). Chỉ sau 2 năm, đến EEF 2017, con số thỏa thuận được ký là 217 với tổng trị giá 2.496 tỷ ruble (hơn 35 tỷ USD). Đặc biệt, sau EEF-2017, Viễn Đông vươn lên hàng đầu trong số các vùng liên bang của Nga về mức tăng vốn đầu tư nước ngoài (tăng hơn 17%). Từ EEF, hợp tác kinh tế giữa các đối tác với Nga nói chung và với vùng Viễn Đông nói riêng tăng mạnh. Theo thống kê, chỉ riêng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với vùng Viễn Đông của Nga năm 2017 đã đạt 7,7 tỷ USD. Trong khi, kim ngạch thương mại giữa Nga với ASEAN năm 2017 cũng tăng 35%. Năm 2018, tại EEF có 220 thỏa thuận và hợp đồng với tổng giá trị hơn 3.000 tỷ ruble (tương đương 45 tỷ USD) đã được ký kết. 

Hiện ở Viễn Đông, các dự án lớn như Nhà máy xử lý khí Amur, Tổ hợp đóng tàu “Zvezda”, Tập đoàn nông nghiệp “Rusagro”... đã đóng góp đáng kể vào tổng mức đầu tư tại khu vực này. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp lớn như vậy không vượt quá 15% tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại vùng lãnh thổ phát triển vượt trội và cảng Vladivostok. Chiếm phần lớn vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo tính toán của giới chuyên gia, đến năm 2024, nước Nga cần thu hút khoảng 25 triệu người tham gia vào lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ, trong khi hiện nay con số đó mới chỉ là 19 triệu người. Do đó, nhà nước có kế hoạch chi 178 tỷ rúp (gần 28 triệu USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp này. Ngoài ra, khoảng 80 tỷ rúp (gần 12 triệu USD) đã được sử dụng để hỗ trợ cho 814 dự án đang được triển khai tại Viễn Đông. Để giải quyết bài toán giao thông, Viễn Đông đang đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó các hành lang giao thông “Primorie-1” và “Primorie-2”có thể giúp nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa với các nước châu Á-Thái Bình Dương. Cùng với đó, nhiều cơ sở công nghiệp, xã hội, giáo dục, cơ sở hạ tầng thể thao cũng được đưa vào khai thác sử dụng.

Không chỉ tập trung vào thương mại, đầu tư, xã hội mà quy mô và tầm ảnh hưởng của EEF cũng không ngừng gia tăng khi EEF trở thành diễn đàn quốc tế quan trọng để đối thoại và hợp tác giữa các nước trong khu vực. Diễn đàn này đã trở thành địa điểm lý tưởng cho Tổng thống Nga Putin lần lượt gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao các nước để thảo luận các vấn đề song phương và quốc tế cùng quan tâm. Với nội dung bao trùm qua các kỳ diễn đàn thường niên, EEF cũng ngày càng thể hiện ý nghĩa chính trị rõ rệt và trở thành công cụ bổ trợ đắc lực cho chính sách hướng Đông được Nga công bố năm 2010. Trong bối cảnh chịu sức ép từ hàng loạt lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Nga đã đẩy mạnh xoay trục sang châu Á nhằm phá thế cô lập cũng như nâng cao vị thế chính trị ở khu vực. EEF đang được xem là cầu nối gắn kết Nga với các quốc gia, đặc biệt là các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc tăng cường mối quan hệ với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có ý nghĩa chiến lược quan trọng với Nga, là trọng tâm của chính sách hướng Đông mà Nga theo đuổi. Từ các thỏa thuận hợp tác và đầu tư đạt được qua các kỳ EEF, mối quan hệ giữa Nga với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang ngày càng được củng cố, đưa EEF trở thành lực đẩy cho chính sách hướng Đông của Nga. Thông qua diễn đàn mang tính quốc tế này, uy tín và vai trò của Nga ngày càng được khẳng định.

THANH LÂM (TTXVN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Diễn đàn kinh tế phương Đông: Cầu nối gắn kết Nga với các nước châu Á-Thái Bình Dương