Iran đối mặt với tình trạng bất ổn khi dỡ bỏ trợ giá xăng dầu

20/11/2019 08:49

Xuất khẩu năng lượng của Iran đang gặp nhiều khó khăn do các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang đẩy nước này vào tình trạng bất ổn.

Các cuộc biểu tình phản đối tăng giá xăng dầu ở Iran đã biến thành bạo lực

Kinh tế khó khăn do lệnh trừng phạt

Kể từ khi Iran ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô của Iran đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, mọi việc dường như đã đảo chiều khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử và tái áp đặt trừng phạt Iran tháng 5.2018.

Sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố việc tái áp đặt toàn bộ các lệnh trừng phạt Iran vào ngày 2.11.2018, các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran trong các lĩnh vực năng lượng, đóng tàu, vận tải và ngân hàng đã được áp đặt trở lại từ ngày 5.11. Washington đã liệt hơn 700 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt liên quan đến Iran. Bên cạnh đó, Mỹ cũng miễn trừ trừng phạt ít nhất 8 nước mua dầu mỏ của Iran.

Với việc siết chặt trừng phạt, Washington muốn gây áp lực buộc Iran hạn chế chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như các hoạt động tài trợ cho khủng bố. Nhà Trắng cũng hy vọng khi lâm vào cảnh kinh tế khó khăn, dư luận trong nước bất an, ảnh hưởng và vai trò của Tehran trong khu vực sẽ giảm sút.

Theo các chuyên gia phân tích, đây có thể coi là “đòn chí mạng” nhằm "triệt tiêu" toàn bộ nguồn thu từ dầu mỏ của Iran, quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động xuất khẩu dầu, vốn chiếm tới 80% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Dự báo lượng dầu xuất khẩu của Iran có thể sẽ sụt giảm tới 2/3.

Một số đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc đã ngừng nhập khẩu dầu thô của Iran, trong khi nhiều nước sẽ phải giảm lượng nhập khẩu. Iran khó tránh khỏi những khó khăn về trung và dài hạn khi nguồn thu từ dầu mỏ giảm đi, đồng nội tệ tiếp tục mất giá, đời sống khó khăn, thất nghiệp tăng cao…

Chịu sự tác động từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã sụt giảm từ 2 triệu thùng xuống còn 200.000 - 300.000 thùng/ngày, khiến doanh thu từ lĩnh vực này giảm rõ rệt. Trong khi đó, hoạt động buôn lậu xăng dầu gia tăng tại Iran do đồng rial mất giá so với đồng USD.

Theo Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA), giá xăng dầu rất thấp do được trợ giá đã dẫn tới tình trạng tiêu thụ xăng dầu tăng mạnh, với 80 triệu người dân Iran mua trung bình 90 triệu lít/ngày. Việc này cũng góp phần làm tăng lượng xăng dầu bị buôn lậu, ước tính vào khoảng 10-20 triệu lít/ngày.

Đó là chưa kể đến những thiệt hại khác của nền kinh tế, khi các công ty nước ngoài, do lo ngại các biện pháp của Mỹ, đã rút khỏi hàng loạt các dự án đầu tư tại Iran. Điều này đã dẫn đến việc nền kinh tế Iran suy thoái, tỷ lệ lạm phát cao, và thất nghiệp tăng....

Ngày 28-10 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Iran sẽ giảm tới 9,5% trong năm 2019, so với ước tính trước đó là giảm 6%, và mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Iran được cho là sẽ gần bằng 0% khiến kinh tế nước này rơi vào tình trạng đình trệ vào năm 2020.

Sự sụt giảm giá trị của đồng tiền Iran sau khi Mỹ tái áp đặt trừng phạt đã cản trở thương mại của Iran và làm gia tăng lạm phát hàng năm. IMF dự báo tỉ lệ lạm phát của Iran ở mức khoảng 40% năm nay và 31% năm tới.

IMF cũng dự báo xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Iran cũng sẽ giảm xuống còn 60,3 tỷ USD trong năm nay so với mức 103,2 tỷ USD của năm ngoái và sẽ tiếp tục giảm xuống còn 55,5 tỷ USD trong năm tiếp theo. Thể chế tài chính trên cũng cho biết Iran sẽ cần giá dầu thô ở mức 194,6 USD/thùng để cân bằng ngân sách vào năm tới.

Biểu tình bùng phát khi dỡ bỏ trợ giá xăng dầu

Trong một động thái nhằm giúp tăng ngân sách dành cho phúc lợi xã hội cũng như dỡ bỏ trợ giá xăng dầu rất tốn kém và là nguyên nhân gia tăng lượng tiêu thụ xăng dầu ở nước này, cùng với tình trạng buôn lậu xăng dầu tràn lan, khi xuất khẩu năng lượng của Iran đang gặp nhiều khó khăn do các biện pháp trừng phạt của Mỹ, chính phủ Iran đã quyết định dỡ bỏ trợ giá nhiên liệu.

Cụ thể, ngày 15.11, Iran đã áp đặt phân phối xăng dầu và tăng giá từ 50% trở lên đối với xăng dầu bơm tại các trạm. Theo số liệu của Công ty Phân phối các sản phẩm dầu mỏ quốc gia, mỗi tài xế có thẻ nhiên liệu hiện sẽ phải trả 15.000 rial (khoảng 13 cent Mỹ)/lít cho 60 lít xăng dầu đầu tiên được phép mua mỗi tháng. Lượng xăng dầu mua thêm sẽ bị tính giá 30.000 rial/lít. Trước đây, giá xăng tại các điểm bơm chỉ là 10.000 rial (gần 9 cent Mỹ)/lít.

Người đứng đầu Cơ quan Ngân sách và Kế hoạch Iran, Mohmmad Bagher Nobakht cho biết tiền thu được từ việc tăng giá xăng sẽ được dùng để trợ cấp bổ sung cho 60 triệu người đang trong tình cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, nỗ lực của chính phủ Iran nhằm giúp tăng ngân sách dành cho phúc lợi xã hội cũng như dỡ bỏ trợ giá xăng dầu rất tốn kém đã vấp phải sự phản đối của người dân nước này. Các cuộc biểu tình đã bùng phát tại một số thành phố.

Theo Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA), các cuộc biểu tình tại thành phố Sirjan, miền Trung Iran vào tối 15.11 đã diễn biến nghiêm trọng, khi người biểu tình tấn công và tìm cách phóng một hỏa kho chứa nhiên liệu của thành phố, khiến 1 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, cảnh sát đã kịp thời ngăn chặn sự việc. Ngoài ra, các cuộc biểu tình rời rạc cũng bùng phát tại các thành phố như Abadan, Ahvaz, Bandar Abbas, Birjand, Gachsaran, Khoramshahr, Mahshahr, Mashhad và Shiraz. 

Trong bối cảnh bạo loạn bùng phát sau 2 ngày biểu tình phản đối quyết định bỏ trợ giá nhiên liệu, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 17.11 cho biết Iran sẽ không cho phép xảy ra tình trạng "mất an ninh".

Phát biểu tại phiên họp nội các, ông Rouhani cho rằng: "Biểu tình là quyền của người dân, nhưng biểu tình khác với bạo loạn. Chúng ta không cho phép xảy ra mất an ninh xã hội". Ông Rouhani cũng bảo vệ việc tăng giá xăng, cho rằng điều này sẽ giúp tăng ngân sách dành cho phúc lợi xã hội, và khẳng định các giải pháp khác ít có hiệu quả hơn.

Tổng thống cho biết: "Mục đích của chính phủ trong chương trình hỗ trợ đời sống người dân là nhằm giúp các gia đình có thu nhập thấp và trung bình đang chịu ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận kinh tế". Theo ông Rouhani, để đạt được mục đích này, chính phủ phải tăng thuế, tăng xuất khẩu dầu mỏ hoặc giảm trợ cấp và quay trở lại hỗ trợ cho những người thực sự cần thiết.

Giới phân tích cho rằng, các cuộc biểu tình bạo loạn tại Iran bất chấp những thông báo từ phía chính quyền cho thấy đa số người dân tại quốc gia sản xuất dầu mỏ Iran xem giá xăng rẻ là quyền lợi quốc gia và việc tăng giá làm dấy lên những lo ngại về việc chi phí sinh hoạt sẽ leo thang.

Hiện, giới cầm quyền lo ngại các cuộc biểu tình bạo loạn tại Iran trong những ngày qua sẽ gợi nhớ đến tình trạng bất ổn hồi cuối năm 2017, khi người dân nước này tiến hành các cuộc biểu tình quy mô lớn tại 80 thành phố và thị trấn để phản đối chất lượng cuộc sống thấp, khiến 22 người thiệt mạng.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Iran đối mặt với tình trạng bất ổn khi dỡ bỏ trợ giá xăng dầu