Không ai được lợi trong cuộc chiến giá dầu

18/03/2020 22:05

Sau khi hồi phục nhẹ trong vài ngày thì sau phiên giao dịch ngày 16 và 17.3, giá dầu thế giới lại tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm sâu xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua.

Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco, Saudi Arabia. Ảnh: AFP

Một cuộc chiến giá cả gay gắt giữa Nga và Saudi Arabia, cộng với đại dịch Covid-19 đang kéo tụt nhu cầu về nhiên liệu máy bay, xăng và dầu diesel, và cùng với lệnh cấm du lịch chưa từng có giữa Mỹ và các nước châu Âu… đang là một cơn “ác mộng” đối với thị trường dầu thế giới.

Cuộc đua giành thị phần

Cơn lao dốc mạnh của giá dầu bắt đầu kể từ sau khi Nga và Saudi Arabia bất đồng về việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu từ hồi đầu tháng 3. Saudi Arabia khi đó đã kêu gọi các nước trong và ngoài OPEC kéo dài thỏa thuận cắt giảm 2,1 triệu thùng dầu/ngày, dự kiến hết hạn trong tháng 3 này, cho đến cuối năm nay. Nhưng Nga đã từ chối siết chặt nguồn cung vì cho rằng còn quá sớm để đánh giá các tác động của dịch Covid-19.

Một trong những lý do khiến Nga không hợp tác trong việc cắt giảm sản lượng dầu lần này với các nước OPEC là bởi dường như Nga đang ưu tiên cho việc giành thị phần trên thị trường dầu mỏ hơn là ổn định thị trường và hỗ trợ giá.

Trong bối cảnh Mỹ gần đây đang nổi lên là nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới và vẫn duy trì 100% sản lượng khai thác, điều này buộc Nga phải cân nhắc lại trong việc cắt giảm sản lượng. Các tập đoàn lớn trong ngành năng lượng Nga lo ngại nếu cắt giảm sản lượng hơn nữa sẽ khiến doanh thu sụt giảm và khiến thị phần rơi vào tay các đối thủ khác, nhất là từ Mỹ.

Chính vì vậy, giới quan sát cho rằng, Nga lo ngại nếu OPEC+ cắt giảm sản lượng thì Mỹ sẽ là nước được hưởng lợi khi giá dầu tăng, điều này sẽ ngày càng củng cố ngôi vị nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới của Mỹ. Vì vậy ưu tiên hàng đầu của Nga lúc này là tránh để mất thị phần vào tay Mỹ nên Nga đã khước từ lời đề nghị giảm sản lượng từ Saudi Arabia.

Đáp trả lại, Saudi Arabia ngày 9.3 vừa qua đã tuyên bố giảm mạnh giá bán và tăng sản lượng dầu thô lên hơn 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4 tới. Quyết định này của Arab Saudi nhằm tác động làm cho giá dầu trên thị trường tiếp tục giảm được cho là “lời tuyên chiến” với Nga sau khi nước này không đạt được thỏa thuận với Nga về giảm mức khai thác dầu hằng ngày.

Tuy nhiên, việc không cắt giảm nguồn cung đã khiến nguồn cung dầu toàn cầu dôi dư quá mức và đẩy giá dầu mỏ thế giới sụt giảm mạnh. Hệ quả là ngay trong phiên giao dịch ngày 9.3 đã đánh dấu đánh dấu ngày sụt giá mạnh nhất của giá dầu kể từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, với 31,13 USD/thùng tại thị trường New York (giảm 25%) và mức 34,36 USD/thùng tại thị trường London (giảm 24%).

Đến phiên giao dịch ngày 16.3, giá dầu WTI tại thị trường New York (Mỹ) đã để tuột mốc 29 USD/thùng xuống còn 28,70 USD/thùng. Trong phiên ngày 17.3, giá dầu West Texas Intermediate giao tháng 4 giảm 1,75 USD (hay 6,1%) xuống chốt phiên ở mức 26,95 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York, trong khi giá dầu Brent giao tháng 5 giảm 1,32 USD (hay 4,39%) xuống 28,73 USD/thùng tại Sàn London ICE Futures.

Trong động thái mới nhất, Saudi Arabia đã tuyên bố giảm giá dầu từ 6 đến 8 USD/thùng cho các khách hàng ở châu Á, châu Âu và Mỹ, đồng thời Tập đoàn Dầu mỏ Saudi Aramco của Saudi Arabia ngày 17.3 cho biết sẽ xuất 300.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ các kho dự trữ khổng lồ để gia tăng sản lượng nhằm cạnh tranh giá cả với Nga.

Tổng Giám đốc (CEO) của Saudi Aramco, Amin Nasser, cho biết sản lượng của tập đoàn này hiện là 12 triệu thùng/ngày, nhưng vào tháng 4 tới sẽ tăng lên 12,3 triệu thùng/ngày. Ông cho biết 300.000 thùng/ngày sẽ được lấy từ các kho dự trữ.

Đáp trả động thái nói trên của Saudi Arabia, Nga cũng tuyên bố tăng sản lượng khai thác dầu. Những động thái trên cho thấy dường như cả Saudi Arabia và Nga đều chưa cho thấy nỗ lực để giải quyết những bất đồng, gây lo ngại về nguy cơ leo thang của cuộc chiến giá cả.

Hệ lụy nguy hiểm

Đáng lo ngại là tiếp bước Saudi Arabia, Iraq, Kuwait và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng tuyên bố chiến tranh dầu mỏ với Nga khi quyết định giảm giá bán dầu.

Theo đó, Iraq cho biết sẵn sàng giảm giá bán dầu trong tháng 4 ở mức 5 USD/thùng đối với các khách hàng châu Á, trong khi Kuwait tuyên bố giảm giá 6 USD/thùng. Công ty Dầu khí quốc gia Abu Dhabi (Abu Dhabi National Oil Company) thông báo ý định tăng sản lượng dầu vào tháng tới.

Theo các nhà phân tích, chủ ý tăng sản lượng và giảm giá bán dầu của Saudi Arabia cùng các nước thành viên khác của OPEC dường như nhằm gây sức ép buộc Nga phải nhanh chóng quay trở lại đàm phán để ký thỏa thuận cắt giảm thêm sản lượng dầu chứ không phải là định hướng chiến lược lâu dài.

Tuy nhiên, thực tế việc Arab Saudi muốn hạ giá dầu được cho là một toan tính sai lầm, vì khi giá dầu càng càng thấp thì mức độ tổn hại đối chính Saudi Arabia càng cao hơn so với Nga và Mỹ. Bởi Arab Saudi vốn lệ thuộc vào xuất khẩu dầu lửa nhiều hơn so với Nga và Mỹ. Theo bình luận của Blooomberg: “Cứ chơi con bài giá dầu như thế, Riyadh dễ bị tự hại mình. Và rồi cái ngày họ phải thỏa hiệp với Nga sẽ đến sớm”.

Thực tế, Nga có lợi thế về tài chính hơn Saudi Arabia. Hiện dầu mỏ chỉ đóng góp 37% vào ngân sách Nga, còn Saudi Arabia là 65%.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), để giúp cân bằng ngân sách nhà nước thì Nga cần giữ giá dầu ở mức 42,4 USD/thùng, nhưng Saudi Arabia-quốc gia phụ thuộc nhiều vào việc bán dầu-phải cần duy trì giá dầu từ 83,6 USD/thùng.

Vì vậy, có thể thấy việc duy trì giá dầu thấp trong thời gian càng dài sẽ khiến Saudi Arabia gặp nhiều khó khăn tài chính hơn so với Nga. Tuy nhiên, nếu không ai chịu nhượng bộ trong thời gian tới, cuộc chiến dầu mỏ chắc chắn sẽ khiến cả hai bên bị ảnh hưởng.

Chuyên gia Edward Bell tại Ngân hàng Emirates NBD (UAE) dự báo nếu cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Arab Saudi không hạ nhiệt sẽ kéo theo làn sóng gia tăng sản lượng nhằm giành giật thị phần. Nếu các nước OPEC+ chọn nâng sản lượng từ quý II.2020, một sản lượng lớn dầu thô sẽ ồ ạt đổ vào thị trường.

Chuyên gia trên dự báo Arab Saudi, UAE và các nước OPEC khác sẽ tăng sản lượng vì họ muốn quay lại chiến lược thị phần hơn là giữ giá.

Còn theo AFP, cuộc chiến giá dầu trên đã gây tác động kép đến thị trường toàn cầu vốn đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Hệ quả là thị trường chứng khoán nhiều nước đã giảm mạnh, trong khi thị trường tiền tệ bắt đầu có nhiều xáo trộn lớn.

Theo Bloomberg, giá dầu giảm trong thời gian dài sẽ còn gây xáo trộn về chính trị, ngân sách của các nước và gia tăng áp lực lên hệ thống tài chính, ngân hàng vốn đang cố gắng đối phó với nguy cơ suy thoái.

Thực tế, giá dầu giảm cộng với tác động từ dịch Covid-19 cũng đang khiến các nhà giao dịch ngày càng lo ngại về rủi ro lớn đối với nhu cầu dầu mỏ.

Do dịch bệnh nên nhu cầu nhiên liệu máy bay đang giảm mạnh. Hàng ngàn chuyến bay đã bị hủy và nhiều khả năng sẽ bị xáo trộn bởi những lệnh cấm và khách du lịch thì hạn chế đi lại do lo lắng về dịch bệnh.

Vượt qua ngoài hệ lụy nhu cầu, lệnh cấm du lịch này còn đang đè nặng lên niềm tin của các nhà đầu tư. Nhiều tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đồng loạt ghi nhận mức sụt giảm doanh thu đáng kể. Tập đoàn ExxonMobil (XOM) và Chevron (CVX) đã mất đi khoảng 1/5 doanh thu trong tuần trước. Continental Resources (CLR), công ty sản xuất máy khoan của nhà tiên phong đá phiến Harold Hamm sáng lập, đã giảm hơn 40% doanh thu. Tập đoàn Occidental Petroleum (OXY) cũng đã mất hơn 50% doanh thu trong tuần trước. Tập đoàn này cũng đã cắt giảm cổ tức 86% vào ngày 10.3 và thông báo sẽ có kế hoạch cắt giảm chi tiêu một thời gian dài.

Các nhà phân tích cho rằng thông thường giá dầu mỏ ở mức tương đối thấp có lợi cho sự phục hồi của kinh tế thế giới vì có thể giúp giảm giá thành sản xuất của doanh nghiệp và kiềm chế lạm phát tăng cao. Nhưng giá dầu xuống quá thấp lại giống như “con dao hai lưỡi".

Hiện nhiều nước nhập khẩu dầu đang rơi vào tình trạng giá cả hàng hóa xuống thấp, muốn đẩy lên cũng khó. Giá dầu giảm quá mạnh sẽ làm gia tăng áp lực giảm giá hàng hóa. Nếu tình trạng trên kéo dài, một số nước sẽ rơi vào tình trạng giảm phát, tăng thêm khó khăn cho việc phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không ai được lợi trong cuộc chiến giá dầu