Khủng hoảng ở Bolivia vẫn diễn biến khó lường

18/11/2019 19:29

Bolivia đã lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 10 vừa qua.

Đụng độ giữa người ủng hộ và chống đối cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales ngày 11.11 ở La Paz. Ảnh: Reuters

Dù Tổng thống Evo Morales đã tuyên bố từ chức và Bolivia đã có tổng thống tạm quyền, song bạo loạn vẫn tiếp tục ở các thành phố lớn trên khắp Bolivia. Những diễn biến trên khiến con đường ổn định đất nước của Bolivia còn gặp nhiều gian nan.

Khủng hoảng chưa chấm dứt

Bolivia đã chìm trong khủng hoảng chính trị kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 20.10 vừa qua khi các cáo buộc gian lận bầu cử rộ lên khắp nơi.

Trong bối cảnh những cuộc biểu tình bạo loạn chống chính phủ do phe đối lập kích động, gây nên tình trạng bất ổn an ninh trong nước, ngày 10.11, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã tuyên bố từ chức tổng thống sau 14 năm cầm quyền, đồng thời chấp nhận tổ chức lại cuộc tổng tuyển cử nhằm tìm kiếm hòa bình, ổn định cho đất nước.

Khi tuyên bố từ chức, nhà lãnh đạo Bolivia này cũng tố cáo ông là nạn nhân của một cuộc đảo chính và ông buộc phải từ chức để tránh một cuộc đổ máu không cần thiết và vì sự bình yên của đất nước.

Ông Morales trở thành nhà lãnh đạo da đỏ đầu tiên của Bolivia trong cuộc bầu cử năm 2005 với 54% phiếu ủng hộ và tái đắc cử 2 lần vào năm 2009 với 64% và năm 2014 với 61%.

Trong hơn một thập kỷ cầm quyền của ông, từ một trong những nước nghèo nhất khu vực, Bolivia đã trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất Nam Mỹ, trung bình 5%/năm. Những chính sách mạnh mẽ và được lòng dân như quốc hữu hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phục hồi doanh nghiệp nhà nước chiến lược và tái phân phối của cải đã giúp hơn 2 triệu người dân Bolivia thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Tuy nhiên, chiến thắng thứ 4 liên tiếp của ông trong cuộc bầu cử ngày 20.10 vừa qua đã vấp phải sự phản đối của phe đối lập cũng như các quốc gia cánh hữu ở Mỹ Latinh.

Trước đó, hồi tháng 2.2016, một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức tại Bolivia để sửa đổi hiến pháp, theo đó cho phép Tổng thống Morales được tham gia ứng cử nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 4. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, 51,3% đã phản đối việc đưa ra các sửa đổi hiến pháp.

Tuy nhiên, sau đó, Tòa án Hiến pháp Bolivia đã ủng hộ việc sửa đối hiến pháp của Tổng thống Morales. Việc này đã vấp phải sự phản đối của phe đối lập. Chính vì vậy, việc ông Morales giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 20.10 vừa qua đã khiến phe đối lập phát động các cuộc biểu tình trên diện rộng.

Theo các nhà phân tích, việc ông Morales từ chức là sự kiện đỉnh điểm sau nhiều tuần bất ổn kể từ sau khi Bolivia tổ chức bầu cử Quốc hội và Tổng thống ngày 20.10. Nhưng quyết định từ chức của Tổng thống Evo Morales vẫn không khiến hạ nhiệt đường phố Bolivia, mà trái lại, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi người ủng hộ ông Morales cũng đổ xuống đường biểu tình và đụng độ với lực lượng an ninh.

Từ ngày 13.11, người biểu tình từ các nơi đã đổ về thủ đô La Paz diễu hành qua các đường phố lớn yêu cầu khôi phục chức vụ cho ông Morales.

Trong khi đó, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Morales và cảnh sát Bolivia ở nhiều thành phố khác như Yapacani thuộc vùng Santa Cruz de la Sierra hay thành phố Montero đã khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 2 người bị thương. Hơn 400 cảnh sát và binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang đã được huy động ngăn chặn người biểu tình ở vùng Santa Cruz.

Theo thống kê, kể từ khi các cuộc biểu tình bạo loạn nổ ra ở Bolivia, đã có ít nhất 14 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương và hàng trăm người bị bắt giữ.

Người biểu tình ủng hộ ông Morales cũng phản đối việc phe đối lập đưa Phó Chủ tịch Thượng viện là bà Jeanine Anez lên làm tổng thống tạm quyền khi chưa được Quốc hội thông qua, coi đây là hành động vi hiến.

Trước đó, ngày 12.11, Phó Chủ tịch Thượng viện, bà Jeanine Anez, đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống tạm quyền của Bolivia. Trong phát biểu nhậm chức, bà Jeanine Anez viện dẫn một điều khoản trong Hiến pháp nói rằng bà là nhân vật kế tiếp nắm quyền cao nhất.

Tuy nhiên, lời tuyên thệ nhậm chức này của bà Anez đã bị các nghị sĩ đảng Phong trào xã hội chủ nghĩa (MAS) của ông Morales, vốn đang chiếm đa số 2/3 trong Quốc hội, tẩy chay. Những người trung thành với ông Morales cho rằng động thái này là bất hợp pháp bởi Quốc hội chưa chính thức chấp nhận việc ông Morales từ chức.

Vì thế đến nay, tuy Tổng thống tạm quyền Jeanine Anez được một số nước công nhận song bà phải đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến việc tổ chức bầu cử mới trong vòng 90 ngày.

Kịch bản nào cho Bolivia?

Trong bối cảnh tình hình chính trị xã hội quốc gia Nam Mỹ này vẫn diễn biến phức tạp, ngày 13.11, cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales, hiện đang tị nạn tại Mexico, đã tuyên bố sẵn sàng quay trở về nước để tham gia bình ổn đất nước nếu người dân Bolivia yêu cầu.

Cựu Tổng thống Bolivia cũng nhắc lại đề nghị đối thoại ở cấp cao nhất với sự trung gian của các nước có trách nhiệm để đem lại hòa bình cho đất nước, bảo vệ tính mạng của người dân và nền dân chủ. Ông Morales khẳng định sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh vì công bằng xã hội và sẽ trở lại mạnh mẽ hơn. 

Ông Morales cũng yêu cầu cảnh sát và lực lượng vũ trang, những tác nhân chính buộc ông phải từ chức, không sử dụng vũ khí chống lại nhân dân. Ông Morales kêu gọi Liên hợp quốc, và có thể là Giáo hoàng Francis, đứng ra làm trung gian giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Bolivia

Tuy nhiên, bác bỏ lời kêu gọi đối thoại của ông Morales, đối thủ của ông là cựu Tổng thống Carlos Mesa đã đề nghị tổ chức cuộc bầu cử mới mà không có sự tham gia của ông Morales.

Trong bối cảnh đó, thách thức lớn được xem là đang đè nặng lên vai nữ Tổng thống tạm quyền Jeanine Anez, đó là tổ chức một cuộc bầu cử mới trong vòng 90 ngày tới (theo hiến pháp Bolivia).

Ngày 15.11, bà Anez cho biết đã bắt đầu các cuộc đàm phán với đảng Phong trào tiến lên chủ nghĩa xã hội (MAS) của cựu Tổng thống Evo Morales nhằm đem lại hòa bình cho đất nước. Tuy nhiên, bà Anez khẳng định ông Morales sẽ không tham gia bất cứ cuộc bầu cử mới nào bởi Hiến pháp nước này giới hạn một tổng thống chỉ được tại vị hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Bà Anez cho rằng đảng MAS "nên tìm một ứng cử viên mới" thay thế ông Morales đại diện đảng ra tranh cử tổng thống nhưng nhiều người lại cho rằng việc ông Morales không có tên trong danh sách ứng cử viên trong cuộc bầu cử sắp tới có thể sẽ khiến nhiều cử tri ủng hộ ông phản đối bằng bạo lực.

Trong bối cảnh đó, nếu cuộc bầu cử mới diễn ra, phe đối lập có thể chiến thắng nhưng sẽ vấp phải không ít trở ngại giữa bối cảnh nhiều người ủng hộ ông Morales đặt câu hỏi về tính hợp pháp của kết quả này.

Với tình hình hiện nay, các nhà phân tích cho rằng để có thể giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị, kịch bản khả quan nhất là những người ủng hộ ông Morales và phe đối lập nên ngồi lại với nhau để đàm phán với sự trung gian hòa giải từ cộng đồng quốc tế nhằm tìm ra một giải pháp chung.

Hiện Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Nam Mỹ, ông Jean Arnault, đã đến Bolivia tham gia với tất cả giới chức Bolivia dàn xếp công việc, đồng thời bày tỏ Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ trong nỗ lực tìm kiếm một nghị quyết hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay thông qua các cuộc bầu cử minh bạch và đáng tin cậy.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khủng hoảng ở Bolivia vẫn diễn biến khó lường