Mâu thuẫn Mỹ - Thổ ngày càng phức tạp

05/08/2019 13:36

Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO đã cơ bản hoàn tất thương vụ mua hệ thống phòng không hiện đại S-400 của Nga.

Máy bay vận tải Nga chở các thiết bị của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 hạ cánh xuống căn cứ không quân Murted ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12.7.2019. Ảnh: THX

Mỹ với tư cách là “tư lệnh” NATO đã đình chỉ việc chuyển giao máy bay thế hệ mới F-35, đồng thời đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mâu thuẫn giữa 2 nước lên cao đến mức khó hàn gắn.

Nga "đặt một chân" trong NATO?

Sau những vòng đàm phán để mua hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất thất bại với lý do Mỹ cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng đòi Mỹ chuyển giao công nghệ - việc mà Mỹ không bao giờ mong muốn. Nguyên nhân là vì Mỹ lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tự chế tạo tên lửa, đi ngược lại các lợi ích của nhà sản xuất Mỹ. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đổ lỗi cho chính quyền tiền nhiệm không chịu bán Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ, khiến đồng minh này quay sang Nga. Hệ thống S-400 Triumph của Nga là hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm xa tân tiến có khả năng tấn công máy bay và tên lửa hành trình của đối phương.

S-400 có tầm bắn 400km, có thể đồng thời chiến đấu với nhiều mục tiêu, có khả năng bắn hạ các đầu đạn tên lửa đạn đạo cùng máy bay và tên lửa hành trình. Hai hệ thống S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ mua của Nga với giá 2,5 tỷ USD sẽ đi vào hoạt động từ tháng 4.2020. 

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 đã giúp Nga có một thành công mỹ mãn đó là “đặt được một chân trong lòng NATO” và tạo ra nhiều rủi ro cho khối quân sự này. Giới chuyên gia quân sự NATO cho rằng việc một thành viên NATO mua S-400 của Nga sẽ tạo ra nhiều rủi ro bởi những thập niên cuối thế kỷ 20 một quốc gia thành viên NATO có thể đa dạng hóa vũ khí của mình như dùng xe tăng Đức, tên lửa Mỹ, máy bay của Nga vì tất cả các loại vũ khí đó vận hành trong một chu trình khép kín, tức là các loại vũ khí này không liên lạc với nhau. 

Nhưng ngày nay thì khác, các thế hệ vũ khí đều mở và tích hợp với nhau. Cụ thể như một hệ thống phòng không sẽ lấy thông tin từ máy bay trinh sát, các đài ra đa, trung tâm chỉ huy và tất cả các bộ phận này phải có khả năng làm việc cùng nhau. 

Chính vì vậy, Mỹ kiên quyết phản đối Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga vì lo ngại khi phải trao quyền truy cập dữ liệu do các thiết bị của NATO thu được cho một thiết bị của Nga mà chỉ phía Nga mới có chìa khóa. Mỹ cũng lo ngại S-400 có thể chứa một phần mềm gián điệp có thể truyền về Nga tất cả các thông tin thu thập được. Thêm một mối lo ngại nữa cho Mỹ và NATO đó là trong quá trình lắp đặt S-400 có sự hiện diện của các kỹ sư Nga. Không ai có thể lường trước các kỹ sư Nga sẽ yêu cầu truy cập tất cả các dữ liệu có sẵn của NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ đang nắm giữ. Sau thương vụ S-400, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Edam của Thổ Nhĩ Kỳ có trụ sơ tại Istanbul, chuyên gia Sinan Ulgen nhận định “người thắng cuộc không phải Ankara cũng không phải Washington mà lại là Moskova”.

Địa chính trị sẽ thay đổi?

Nhiều câu hỏi được đặt ra sau khi thương vụ S-400 giữa Nga - Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất. Đó phải chăng là sự phối hợp Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm địa chính trị toàn cầu thay đổi? Và Thổ Nhĩ Kỳ đã “trôi” hẳn sang phía Nga? 

Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã "trôi" sang Nga bởi vì Mỹ nhiều lần ngăn cản mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không thành công và Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần tỏ ra bất mãn với không chỉ Mỹ mà cả Liên minh châu Âu (EU) về việc nước này xin gia nhập EU nhưng xem ra con đường tới EU ngày càng xa. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang xích lại gần Nga cả về quân sự và kinh tế. Đường ống dẫn khí từ Nga qua biển Đen sang Thổ Nhĩ Kỳ và tới Nam Âu sắp hoàn thành, cùng dự án nhà máy điện nguyên tử Akkuyu đang tiến triển là một minh chứng cho việc Thổ Nhĩ Kỳ đang “trôi” sang phía Nga.

Thứ hai, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga đã đặt ra nhiều nghi ngại lớn cho NATO về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong khối quân sự khổng lồ này và Mỹ cũng rất lo ngại về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO khi nước này không còn nằm trong chương trình F-35 của Mỹ. Chuyên gia Nga Konstan Tin Makienko nhận xét có lý khi thương vụ S-400 hoàn tất rằng “đây là dấu hiệu của một sự thay đổi mang tính kiến tạo trong sự chuyển dịch về liên kết địa chính trị toàn cầu”.

Thứ ba, chính nỗi đau kinh tế khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay tiêm kích của Nga trên bầu trời Syria cách đây 3 năm và bị Nga trừng phạt cùng sự phụ thuộc về nguồn dầu khí của Nga là nguyên nhân chính dẫn đến thương vụ S-400. Mặt khác, khi sự tin cậy của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ bị hủy hoại bởi Mỹ "chống lưng" cho người Kurd tại Syria chống Thổ Nhĩ Kỳ và sự ủng hộ mờ nhạt của Mỹ sau vụ đảo chính ngày 15.7.2016 và giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ không được dẫn độ về Thổ Nhĩ Kỳ khiến nước này cho rằng Mỹ đứng sau vụ đảo chính đã thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ hướng sang Nga.

HẢI HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mâu thuẫn Mỹ - Thổ ngày càng phức tạp