Mỹ gặp khó trong thành lập liên minh hàng hải ở vùng Vịnh

07/08/2019 17:19

Mỹ đang tìm cách thành lập một liên minh quốc tế để đảm bảo an ninh ở eo biển Hormuz, nối Vịnh Persic với Vịnh Oman.

Tuy nhiên, sự thờ ơ của một số nước đồng minh của Mỹ với kế hoạch này khiến nhiều người hoài nghi về tính khả thi của nó.


Iran nhiều lần đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz

Căng thẳng trên biển gia tăng

Hơn một tháng qua, căng thẳng giữa Mỹ và Iran không những chưa có dấu hiệu giảm nhiệt mà các vụ bắt giữ tàu tại khu vực Eo biển Hormuz, một tuyến đường thủy chiến lược nối liền Vịnh Oman và Vịnh Persian, còn khiến những căng thẳng ở khu vực vùng Vịnh càng leo thang hơn.

Những vụ bắt giữ tàu có thể kể đến như hai vụ tấn công nhằm vào 4 tàu chở dầu nước ngoài, trong đó có 2 tàu của Saudi Arabia, 1 tàu của Na Uy và 1 tàu của Nhật Bản bị tấn công trên vịnh Oman, gần eo biển Hormuz hồi giữa tháng 6.2019. Mỹ và các đồng minh đã cáo buộc Iran đứng đằng sau các vụ tấn công trên bất chấp sự bác bỏ của Tehran.

Tiếp đó vào đầu tháng 7, Hải quân Anh đã bắt giữ tàu chở dầu “Grace 1” của Iran ở gần Gibraltar do nghi ngờ tàu này vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. Vụ việc đã khiến Tehran phản ứng dữ dội và tuyên bố có hành động đáp trả nhằm vào các tàu chở dầu của Anh.

Và trong một động thái được xem là để trả đũa vụ chính quyền vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran, ngày 19.7, Iran đã bắt giữ tàu chở dầu "Stena Impero" treo cờ Anh, khi tàu này trong hành trình tới một hải cảng ở Saudi Arabia nhưng đã bất ngờ đổi hướng sau khi đi qua eo biển tại vùng Vịnh, với cáo buộc tàu "Stena Impero" vi phạm luật hàng hải quốc tế. Vụ bắt giữ tàu giữa Anh và Iran này sau đó đã đẩy quan hệ giữa Anh và Iran rơi vào tình trạng căng thẳng.

Mới đây nhất, vào ngày 4-8, Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) cho biết đã bắt giữ một tàu chở dầu của nước ngoài cùng 7 thủy thủ tại vùng Vịnh với cáo buộc tàu này chở lậu nhiên liệu cho các một số nước Arab. Tư lệnh IRGC Ramezan Zirahi nêu rõ lực lượng hải quân của IRGC đã giữ một tàu nước ngoài chở 700.000 lít nhiên liệu. 7 thủy thủ trên tàu, thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, cũng đã bị bắt giữ.

Tất cả những động thái kể trên đang biến vùng biển quanh Hormuz trở thành điểm nóng căng thẳng nhất trên biển ở thời điểm hiện tại, có thể xảy ra xung đột vũ trang bất cứ lúc nào nếu các bên liên quan không giữ được bình tĩnh.

Ý tưởng thành lập liên minh hàng hải gây chia rẽ

Trước tình trạng gia tăng những căng thẳng tại vùng Vịnh liên quan đến các vụ bắt giữ tàu thời gian gần đây, ngày 25-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cho biết về ý tưởng của Mỹ thành lập một liên minh quốc tế để đảm bảo an ninh ở Eo biển Hormuz và Mỹ đã mời Australia, Pháp, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Hàn Quốc và Anh cùng nhiều nước khác tham gia liên minh này.

Theo Ngoại trưởng Pompeo, bất kỳ nước nào quan tâm tới việc đảm bảo an ninh ở Eo biển Hormuz đều cần tham gia sáng kiến này không chỉ để bảo vệ chính lợi ích của họ mà còn "bảo vệ sự hiểu biết cơ bản về tuyến đường biển tự do và mở".

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thông báo Mỹ đang phát triển một khuôn khổ an ninh hàng hải quốc tế có tên “Chiến dịch Canh gác” để đảm bảo an ninh ở Vịnh Persia, Eo biển Hormuz, Eo biển Bab el-Mandeb và Vịnh Oman sau một loạt vụ tấn công vào các tàu chở dầu tại đây.

Quân đội Mỹ cho biết, đến nay đã tiến hành hoạt động giám sát tại eo biển Hormuz và đang tăng cường hoạt động giám sát và an ninh trên các tuyến đường thủy chủ chốt ở Trung Đông.

Trước đó, Lầu Năm Góc cũng đã triển khai thêm nhiều binh lực, bao gồm 2.500 binh sỹ, 1 nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm và 1 máy bay ném bom tới Trung Đông để đối phó với cái mà Mỹ coi là “mối đe dọa từ Iran”.

Song song với Mỹ, Anh cũng đã đề xuất một kế hoạch riêng về việc thành lập một lực lượng hải quân do châu Âu dẫn đầu có nhiệm vụ hộ tống các tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz, sau khi xảy ra vụ Iran bắt giữ tàu Stena Impero treo cờ Anh ngày 19.7 vừa qua. Kể từ sau vụ Iran bắt tàu Stena Impero treo cờ Anh, chính quyền Anh đã điều tàu khu trục HMS Duncan tới vùng Vịnh để hộ tống các tàu treo cờ Anh đi qua Eo biển Hormuz.

Dự kiến, tàu HMS Montrose sẽ được thay thế bằng tàu khu trục HMS Kent thực hiện nhiệm vụ này vào cuối năm nay. Ngoài đề xuất bảo đảm an ninh hàng hải của châu Âu ở vùng Vịnh, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ngày 5-8 cũng khẳng định Anh sẽ tham gia sứ mệnh an ninh biển do Mỹ dẫn đầu để bảo vệ các tàu thương mại đi qua eo biển Hormuz.

Còn đối với Pháp, nước này hiện chưa đưa ra quyết định chính thức trước đề nghị của Mỹ. Đến nay Pháp cho biết không muốn đưa thêm khí tài quân sự đến vùng Vịnh, tuy nhiên nước này sẵn sàng chia sẻ thông tin và điều phối các khí tài hiện đang có tại eo biển Hormuz.

Theo các nhà phân tích, Pháp hiện là nước nhập nhiều dầu thô từ Vịnh Persic và Saudi Arabia là nhà cung cấp hàng đầu cho Pháp. Vì vậy, Pháp có lợi ích trực tiếp tại khu vực này và điều này giải thích một phần cho thái độ do dự của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong việc tham gia liên minh đảm bảo an ninh hàng hải do Mỹ và Anh đề xuất.

Trong khi đó, trước đề nghị của Mỹ về việc phối hợp với Pháp và Anh trong sứ mệnh tuần tra đảm bảo an toàn hàng hải qua Eo biển Hormuz, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 31-7 cho biết Đức sẽ không tham gia sứ mệnh hải quân do Mỹ đứng đầu nhằm đảm bảo an ninh ở Eo biển Hormuz, ngoài khơi bờ biển Iran.

Giải thích cho quyết định này, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng chiến lược của Mỹ trong việc gia tăng áp lực đối đa nhằm vào Iran là sai lầm. Theo ông Maas, Berlin muốn tránh leo thang căng thẳng hơn trong khu vực và chính phủ Đức muốn tập trung vào một giải pháp ngoại giao nhằm làm dịu căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Iran. Ngoại trưởng Đức cũng một lần nữa khẳng định rằng sẽ không có bất cứ giải pháp quân sự nào.

Không giống như Pháp và Anh, theo quy định của Hiến pháp Đức, việc điều động quân đội Đức hoạt động ở nước ngoài phải được Quốc hội thông qua và hiện nay gần như tất cả các lực lượng chính trị ở Đức đều phản đối tham gia vào sứ mệnh do Mỹ dẫn dắt chống lại Iran.

Trong khi đó, truyền thông Hàn Quốc ngày 29-7 cho biết, nước này có kế hoạch tham gia vào lực lượng an ninh hàng hải do Mỹ dẫn đầu tại Trung Đông. Tờ Maekyung của Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc sẽ cử một đơn vị hải quân, bao gồm một tàu khu trục đến để giúp bảo vệ tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz.

Còn đối với Nhật Bản, đề nghị của Mỹ dường như cũng không nhận được sự hưởng ứng hoàn toàn từ Tokyo. Theo Nhật báo Mainichi, Nhật Bản sẽ không điều tàu chiến tham gia lực lượng bảo đảm an ninh hàng hải do Mỹ dẫn đầu nhằm hộ tống tàu chở dầu qua eo biển Hormuz. Thay vào đó, Tokyo có thể sẽ điều các tàu tuần tra tham gia sứ mệnh hải quân này.

Báo Mainichi còn cho biết, Nhật Bản có thể sẽ điều tàu chiến một cách độc lập, nhằm bảo vệ các tàu thương mại của nước này đi qua eo biển Hormuz. Theo các nhà phân tích, dường như Thủ tướng Shinzo Abe đang rơi vào tình thế khó khi phải lựa chọn giữa việc tham gia liên minh hàng hải cùng với Mỹ, đồng minh quân sự chính của nước này, hoặc bỏ qua lời kêu gọi của Mỹ để trấn an các cử tri trong nước vốn hoài nghi về việc triển khai quân sự tại nước ngoài.

Hoài nghi trước những kế hoạch của Mỹ và Anh, Nga cũng đã kêu gọi các cuộc thảo luận về an ninh với sự tham gia của Iran cùng với các nước khác trong khu vực, trong đó có cả các quốc gia trên Bán đảo Arab ủng hộ lập trường cứng rắn của Washington với Tehran.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng cho rằng Bắc kinh "ủng hộ đề xuất của Nga và sẵn sàng trao đổi cũng như hợp tác với các bên liên quan".

Về phía Iran, Tổng thống Hassan Rouhani ngày 28-7 cho biết "sự hiện diện của các lực lượng bên ngoài không giúp ích gì cho an ninh khu vực mà chỉ là nguyên nhân chính gây ra căng thẳng". Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 5-8 còn khẳng định Tehran sẽ không nhân nhượng trước các hành vi "xâm phạm hàng hải" tại eo biển Hormuz.

Phép thử liên minh

Theo các nhà phân tích, việc các nước đồng minh của Mỹ còn đang lưỡng lực trước kế hoạch của Mỹ xây dựng liên minh đa quốc gia nhằm bảo đảm tự do hàng hải qua eo biển Hormuz đang cho thấy sự chia rẽ trong chính sách với Iran của liên minh quân sự xuyên Thái Bình Dương.

Có thể thấy, mặc dù hiểu rõ tầm quan trọng và lợi ích chiến lược trong việc bảo đảm tuyến đường biển qua eo biển Hormuz được thông suốt và an toàn, nhưng dường như các nước châu Âu không muốn bị cuốn vào “cuộc chiến” giữa Mỹ và Iran.

Thời gian qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thể hiện lập trường muốn tách khỏi chính sách “sức ép tối đa” mà Mỹ áp đặt lên Iran. Trong khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) và không ngừng tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran, các nước phương Tây gồm Pháp, Đức và Anh vẫn nỗ lực tìm cách cứu vãn thoả thuận này.

Chính vì vậy, việc các nước đồng minh châu Âu của Mỹ thận trọng trước đề nghị của Mỹ về việc thành lập liên minh bảo đảm an ninh tuyến hàng hải ở Eo biển Hormuz cũng được xem là điều dễ hiểu. Song sự lưỡng lự này cũng đang cho thấy sự lỏng lẻo trong quan hệ đồng minh giữa Mỹ và các nước chủ chốt trong NATO.

Hiện nay, xung quanh kế hoạch hộ tống tàu qua eo biển Hormuz, các nước châu Âu cũng đang cho thấy sự chia rẽ sâu sắc. Trong khi Anh cho rằng hoạt động này cần phải có sự hỗ trợ của Mỹ, thì Pháp và Đức chỉ thể hiện ủng hộ một sứ mệnh hải quân do châu Âu dẫn đầu trong khu vực.

Mặc dù cả hai sứ mệnh (của Anh đề xuất và của Mỹ đề xuất) đều là nhằm đảm bảo an toàn cho tàu thuyền di chuyển qua eo biển Hormuz trước các mối đe dọa từ Iran, song phần lớn các nước châu Âu coi hoạt động do Mỹ đứng đầu là một phần của chiến dịch gây sức ép tối đa của nước này đối với Iran. Do đó, Pháp và Đức cho rằng mọi nỗ lực của châu Âu cần phải độc lập với Mỹ.

Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia cho rằng, việc các nước châu Âu không sẵn sàng tham gia liên minh an ninh hàng hải do Mỹ đứng đầu đang cho thấy một thực tế về lỗ hổng trong liên minh xuyên Đại Tây Dương. Và vì vậy, các nhà phân tích nhận định, kế hoạch bảo vệ Eo biển Hormuz của Mỹ khó có khả năng thành công khi không có sự trợ giúp của một số nước châu Âu.

Tuy nhiên, bất chấp phản ứng thờ ơ từ các đồng minh châu Âu và châu Á, ngày 4.8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn khẳng định Mỹ "rất tự tin" có thể xây dựng một liên minh hàng hải ở vùng Vịnh.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ gặp khó trong thành lập liên minh hàng hải ở vùng Vịnh