Mỹ nỗ lực đưa đàm phán với Taliban trở lại đúng hướng

22/10/2019 21:08

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Afghanistan được cho là nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với hòa bình và ổn định ở nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (phải) thăm Afghanistan. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper vừa thực hiện chuyến thăm bất ngờ đến Afghanistan. Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Esper tới Afghanistan kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 7 vừa qua. Chuyến thăm được cho là nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với hòa bình và ổn định ở Afghanistan.

Mỹ trấn an quan ngại của Afghanistan

Ngày 20 và 21.10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã bất ngờ có chuyến thăm tới Afghanistan. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh cách đây 1 tháng, Mỹ và Taliban đã gần như đứng trước khả năng ký một thỏa thuận, theo đó Mỹ sẽ rút các lực lượng khỏi Afghanistan để đối lấy các cam kết an ninh từ nhóm nổi dậy này. Song các cuộc đàm phán đã sụp đổ vào phút cuối khi Tổng thống Trump quyết định hủy bỏ tiến trình đối thoại trực tiếp với lực lượng Taliban vì lý do "Taliban vẫn tiếp tục các vụ tấn công khủng bố". Trong khi đó, tình hình an ninh ở Afghanistan thì vẫn chìm trong bất ổn và bạo lực triền miên. Gần đây nhất là vụ tấn công của hơn 10 tay súng Taliban vào một chốt kiểm tra an ninh tại tỉnh Kunduz, miền Bắc Afghanistan rạng sáng 22.10 làm ít nhất 15 cảnh sát đã thiệt mạng, 2 người bị thương và 8 phiến quân bị tiêu diệt. Trước đó là vụ đánh bom vào đền thờ Hồi giáo tại miền Đông Afghanistan, khiến ít nhất 70 dân thường thiệt mạng và gần 60 người bị thương. Hồi đầu tháng 10.2019, tại tỉnh Nangarhar cũng đã xảy ra một vụ đánh bom liều chết nhằm vào xe chở binh sĩ của lực lượng an ninh Afghanistan khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và 27 người bị thương. Kể từ ngày 6.8 đến 22.9, đã có hơn 240 dân thường và khoảng 40 nhân viên an ninh thiệt mạng, trong khi lực lượng chức năng tiêu diệt 1.538 phần tử khủng bố. Trong số đó, nhiều cuộc tấn công bạo lực là do lực lượng phiến quân Taliban thực hiện nhằm mục đích phản đối và phá hủy cuộc bầu cử Tổng thống ở Afghanistan diễn ra ngày 28.9.

Ngoài ra, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper còn diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột quyết định rút toàn bộ binh lính Mỹ khỏi miền Bắc Syria vào tuần trước. Điều này làm dấy lên những quan ngại của chính quyền Afghanistan rằng có thể Mỹ cũng sẽ cho rút quân khỏi Afghanistan. Vì vậy chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper được xem là nhằm mục đích đưa các cuộc đàm phán với Taliban quay trở lại đúng hướng, đồng thời nhằm trấn an những quan ngại của Afghanistan.

Phát biểu với báo giới tại trụ sở Phái bộ Hỗ trợ Afghanistan của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Thủ đô Kabul ngày 21.10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định Washington luôn duy trì cam kết lâu dài tại Afghanistan, đồng thời tuyên bố chính sách của Mỹ đối với quốc gia Nam Á này hoàn toàn khác biệt. Bộ trưởng Esper nhấn mạnh người dân và Chính phủ Afghanistan không nên cho rằng việc Mỹ đột ngột và liên tiếp rút quân khỏi Syria là sự báo trước về một động thái tương tự của Washington đối với Kabul. Ông cũng nhấn mạnh đến quan hệ đồng minh giữa Washington và Kabul, khẳng định Mỹ luôn sẵn sàng duy trì sự hiện diện tại quốc gia Nam Á này vì Afghanistan vẫn đang phải đối mặt với mối đe dọa của các phần tử khủng bố có hệ tư tưởng và phương thức hoạt động tương tự như các thành viên mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda, đang núp bóng phiến quân Taliban và tổ chức ISIS-K - nhánh của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Afghanistan. Mặc dù vậy, ngay trước thềm chuyến đi này, ông Mark Esper cũng đã nói với các phóng viên tháp tùng ông đến Afghanistan rằng nếu cần thiết, Mỹ có thể giảm từ 14.000 binh sĩ hiện đang đồn trú ở Afghanistan xuống còn 8.600 quân mà không làm ảnh hưởng đến các chiến dịch chống khủng bố.

Trong chuyến thăm Afghanistan lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper cũng đã có cuộc gặp với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, trao đổi về một loạt chủ đề, trong đó có tình hình an ninh tại Afghanistan và khu vực, hòa đàm với Taliban, cuộc chiến chống tham nhũng và chống khủng bố.

Cơ hội vẫn còn

Kể từ sau vụ tấn công khủng bố 11.9.2001 vào nước Mỹ, Washington đã từng xác định Taliban là một "tổ chức khủng bố" và coi Taliban là đối tượng tấn công trọng điểm trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Mỹ phát động sau đó. Kể từ đó, lực lượng Taliban cũng thường xuyên thực hiện các vụ tấn công đẫm máu nhằm vào quân đội Mỹ và Chính phủ Afghanistan.

Tuy nhiên, sau gần 18 năm hao người tốn của cho cuộc chiến tranh ở Afghanistan, Mỹ đang tìm cách thoát khỏi tình trạng sa lầy về chính trị, an ninh và quân sự ở nơi đây trong danh dự. Đây cũng là một trong những cam kết và mục tiêu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần, ông Trump cần tiến triển cụ thể ở Afghanistan để làm đòn bẩy chính trị. Vì vậy, Chính phủ Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã quyết định đối thoại trực tiếp với Taliban.

Sau hơn 1 năm đàm phán (kể từ tháng 7.2018) và trải qua 9 vòng đàm phán, Mỹ và Taliban đã nhất trí được một thỏa thuận về nguyên tắc vào cuối tháng 8.2019 vừa qua. Theo dự thảo này, Mỹ có kế hoạch rút 5.000 binh sĩ và đóng cửa 5 căn cứ quân sự tại Afghanistan trong vòng 135 ngày. Đổi lại, Taliban cam kết không cho phép các tổ chức khủng bố như mạng lưới quốc tế Al Qaeda hoặc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng lợi dụng Afghanistan làm "bàn đạp" để tiến hành các vụ tấn công vào Mỹ và các nước đồng minh.

Thế nhưng khi mà đàm phán Mỹ-Taliban đã đi tới giai đoạn cuối cùng để tiến tới thỏa thuận giúp Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sau 18 năm và đổi lại nhiều bảo đảm từ phía Taliban thì dự thảo thỏa thuận trên đã sụp đổ. Việc các tay súng Taliban liên tục mở nhiều cuộc tấn công và đánh bom liều chết tại Afghanistan đã khiến Tổng thống Trump quyết định hủy các cuộc đàm phán với Taliban từ đầu tháng 9 vừa qua.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cũng cho rằng, kể cả khi thỏa thuận trên giữa Mỹ và Taliban được ký kết thì thỏa thuận này cũng sẽ không bao gồm lệnh ngừng bắn trực tiếp và toàn diện, thay vào đó chỉ là cam kết giảm bạo lực cũng như mở ra tiến trình đàm phán nội bộ giữa Taliban và Chính phủ Afghanistan sau đó nhằm đạt được một giải pháp chính trị toàn diện.

Trong bối cảnh đó, ngày 20.10, Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng kêu gọi các bên tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn ở Afghanistan. Đại sứ EU tại Afghanistan Roland Kobia cho rằng việc các cuộc đàm phán đổ vỡ sẽ tạo cơ hội để các bên ở Afghanistan thúc đẩy lệnh ngừng bắn, từ đó tạo ra sự thay đổi đáng kể để Tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét nối lại các cuộc đàm phán với Taliban.

Theo các nhà phân tích, dù đã hủy đàm phán với Taliban song thực tế với mục tiêu rút chân khỏi vũng lầy Afghanistan bằng mọi giá thì Mỹ chắc chắn cần phải đạt được một thỏa thuận với phiến quân Taliban. Nếu thành công thì thành tựu mang tính dấu ấn này có thể giúp ông Trump tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa vào năm 2020. Vì vậy, chuyến thăm Afghanistan của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper lần này cũng không nằm ngoài mục đích như vậy. Đó là đưa các cuộc đàm phán giữa Mỹ với Taliban trở lại đúng hướng. Và cơ hội được cho là vẫn còn ở phía trước.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ nỗ lực đưa đàm phán với Taliban trở lại đúng hướng