Mỹ và Ấn Độ nỗ lực tháo gỡ bất đồng

29/06/2019 10:18

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa kết thúc chuyến thăm Ấn Độ nhằm thu hẹp những bất đồng đang tồn tại giữa hai nước.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) hội kiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi ngày 26.6.2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của một quan chức cấp cao nước ngoài sau cuộc bầu cử Hạ viện khóa 17 ở Ấn Độ hồi tháng 4 vừa qua.

Sứ mệnh hàn gắn bất đồng

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đang gặp nhiều sóng gió với tâm điểm là những bất đồng về thương mại. Nhằm gia tăng áp lực với Ấn Độ về mở cửa thị trường, kể từ ngày 5.6.2019, Mỹ chính thức chấm dứt ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình Hệ thống ưu đãi phổ cập (Generalized System of Preferences - GSP). Theo chương trình GSP kéo dài hàng thập kỷ dành cho một số nền kinh tế đang phát triển trong đó có Ấn Độ, Mỹ đã cho phép một số hàng xuất khẩu của Ấn Độ tránh bị đánh thuế khi vào thị trường Mỹ với lợi ích thúc đẩy thương mại và phát triển chặt chẽ hơn. Theo số liệu của Quốc hội Mỹ, Ấn Độ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình GPS của Mỹ trong suốt nhiều thập kỷ, với việc xuất khẩu số hàng hóa miễn thuế trị giá 5,7 tỷ USD sang Mỹ vào năm 2017. Trong khi đó, giai đoạn 2017-2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Ấn Độ là 26,7 tỷ USD.

Với việc chấm dứt cơ chế ưu đãi GSP dành cho Ấn Độ, kể từ ngày 5.6.2019, các mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ như hóa chất, linh kiện ô tô và bộ đồ ăn xuất sang Mỹ sẽ phải chịu thêm thuế lên tới 7%. Mục đích của Tổng thống Trump là ông muốn hàng hóa Mỹ có thể tiếp cận nhiều hơn vào thị trường quốc gia Nam Á khổng lồ này.

Tuy nhiên, động thái trên của Mỹ đã khiến mối quan hệ đồng minh Mỹ-Ấn bị rạn nứt. Trong một động thái nhằm đáp trả Mỹ, từ ngày 16.6, Ấn Độ đã tăng thuế đối với 28 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ sau nhiều lần trì hoãn. Từ tháng 6.2018, Ấn Độ đã có ý định tăng thuế đối với những mặt hàng nhập khẩu của Mỹ, trong đó có hạt hạnh nhân và táo, nhằm đáp trả việc Washington từ chối miễn trừ cho New Delhi khỏi các mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm thép và nhôm. Tuy nhiên, Ấn Độ đã nhiều lần trì hoãn việc tăng thuế trên đối với Mỹ vì hy vọng các cuộc đàm phán giữa hai nước sẽ tìm ra được một giải pháp tối ưu. Nhưng việc Mỹ chấm dứt chương trình ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ trong khuôn khổ GSP đã châm ngòi cho động thái đáp trả trên của Ấn Độ. 

Hơn nữa, việc Ấn Độ mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga trị giá 5,2 tỷ USD cũng đang là một trong những trở ngại lớn giữa Ấn Độ và Mỹ. Thỏa thuận về việc chuyển giao 5 trung đoàn S-400 Triumph đã được Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Ấn Độ Modi ký kết vào tháng 10.2018. Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày 5.2.2019, theo đó, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 3, sau Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, đặt mua các tổ hợp vũ khí này của Nga. Tuy nhiên, điều này đã khiến Mỹ không hài lòng, bởi lâu nay Mỹ vẫn được biết đến là một trong những nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Ấn Độ trong hơn một thập kỷ qua, bán hơn 15 tỷ USD vũ khí, bao gồm nhiều khí tài như máy bay vận tải, khí tài săn tàu ngầm tầm xa và máy bay trực thăng hạng nặng. Năm 2016, Mỹ đã tuyên bố coi Ấn Độ là đối tác quốc phòng lớn, đồng thời thúc đẩy việc bán các thiết bị quân sự công nghệ cao cho Ấn Độ, như một phần trong chiến lược thúc đẩy sự phát triển của Ấn Độ để làm đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.

Vì vậy, việc Ấn Độ mua hệ thống S-400 của Nga đã làm dấy lên khả năng Washington sẽ áp đặt trừng phạt New Delhi liên quan đến thương vụ này. Các nhà phân tích nhận định, Mỹ có thể sẽ kích hoạt các lệnh trừng phạt của Mỹ theo Đạo luật chống đối thủ bằng trừng phạt (CAATSA), theo đó, cấm mọi sự liên hệ của các quốc gia nước ngoài với Nga về vấn đề quốc phòng.

Trong bối cảnh trên, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Ấn Độ (từ ngày 25 - 27.6) được xem là nhằm nỗ lực tháo gỡ những bất đồng giữa hai nước. 

Thảo luận nhiều vấn đề quan trọng

Trong chuyến thăm lần này, Ngoại trưởng Mỹ đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và thảo luận về nhiều khía cạnh khác nhau của mối quan hệ song phương nhằm tăng cường đối tác chiến lược; hội đàm chi tiết với người đồng cấp nước chủ nhà Subrahmanyam Jaishankar.

Tại cuộc hội đàm, liên quan đến việc mua hệ thống S-400 của Nga, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar khẳng định Ấn Độ sẽ theo đuổi lợi ích quốc gia của mình trong quan hệ với các nước trên thế giới, trong đó có Nga. Ngoại trưởng Jaishankar nhấn mạnh: "Ấn Độ có quan hệ với nhiều quốc gia. Các mối quan hệ này đều có lịch sử của nó. Chúng tôi sẽ hành động phù hợp với lợi ích quốc gia của mình và một phần của mối quan hệ đối tác chiến lược là khả năng của mỗi nước trong việc thấu hiểu và ủng hộ lợi ích quốc gia của nhau".

Về quan hệ đối tác chiến lược Ấn - Mỹ, Ngoại trưởng Jaishankar đã trao đổi với người đồng cấp Mỹ về những vấn đề then chốt như năng lượng và thương mại cũng như tình hình ở Afghanistan và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nhận định Ấn Độ là một đối tác quan trọng của Mỹ và mối quan hệ song phương đang đạt được những tầm cao mới.

Bên cạnh cuộc hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo còn gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ và Mỹ và phát biểu về chính sách tại Trung tâm quốc tế Ấn Độ ở thủ đô New Delhi. Ông Pompeo còn gặp Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval để trao đổi về vấn đề chống khủng bố và an ninh quốc gia.

Đánh giá về chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo, các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm dường như mới chỉ mang lại sự hiểu biết lẫn nhau giữa những người đứng đầu của Bộ Ngoại giao hai nước chứ chưa giải quyết được các vấn đề trong quan hệ song phương. Thay vào đó, hai bên mới đạt được nhận thức chung về cách thức thúc đẩy xử lý các bất đồng và mở rộng lĩnh vực cùng quan tâm.

Không những vậy, chuyến thăm của ông Pompeo còn bị làm mờ nhạt ngay sau khi nó vừa kết thúc bằng việc Tổng thống Trump đăng trên mạng xã hội Twitter ngày 27.6 yêu cầu Ấn Độ phải rút lại quyết định tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ. Tổng thống Trump cho rằng Ấn Độ đã áp thuế rất cao đối với hàng hóa Mỹ trong suốt nhiều năm qua, thậm chí gần đây còn tăng thuế lên mức cao hơn, và theo ông Trump thì đây là động thái "không thể chấp nhận".  Vì vậy, Tổng thống Trump đang trông đợi vào kết quả cuộc hội đàm của ông với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tuần này.

Những tuyên bố trên của Tổng thống Trump đã ngay lập tức làm suy yếu những nỗ lực giảm căng thẳng thương mại song phương mà Ngoại trưởng Mỹ Pompeo vừa nỗ lực thực hiện. 

Chưa rõ kết quả cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo hai nước Mỹ-Ấn bên lề hội nghị thượng đỉnh  G20 ra sao, song các nhà phân tích vẫn cho rằng với tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ song phương, chắc chắn hai nước đều nỗ lực hướng tới tháo gỡ những bất đồng hiện tại. 

Đối với Mỹ, việc thắt chặt quan hệ với Ấn Độ được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay. Ấn Độ được coi là một mắt xích quan trọng trong việc triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền Mỹ, trong bối cảnh khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia và tăng trưởng kinh tế của Mỹ này đang biến động không ngừng. 

Còn đối với Ấn Độ, việc tăng cường hợp tác với Mỹ cũng sẽ giúp New Dehli thu hút các nguồn vốn đầu tư và đây được xem như một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công nghệ để hiện đại hóa lĩnh vực quốc phòng vốn phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến Ấn Độ chủ trương thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Mỹ là để hình thành liên minh đối trọng với Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng sự hiện diện tại những khu vực truyền thống của New Delhi, trong đó có Ấn Độ Dương.

TRỌNG ĐỨC (TTXVN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ và Ấn Độ nỗ lực tháo gỡ bất đồng