Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đạt bước tiến tích cực trong vấn đề Syria

09/08/2019 14:54

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ vừa đạt được thỏa thuận thành lập một trung tâm hoạt động chung ở Thổ Nhĩ Kỳ nhằm phối hợp và quản lý vùng an toàn ở phía Đông Euphrates của Syria.

Thỏa thuận vừa đạt được này được cho là đã tạm thời tháo ngòi nổ cho một cuộc xung đột mới ở miền Bắc Syria.

Cuộc chiến dai dẳng nhiều mâu thuẫn

Cuộc nội chiến ở Syria hiện đã ở năm thứ 9. Tuy nhiên đến nay, chiến trường Syria vẫn là một vũng lầy hỗn độn của những tác nhân đan xen, chồng chéo khiến mọi thứ luôn rối loạn. Ở Syria, ngoài lực lượng chính phủ và phe đối lập, sự tham gia của các cường quốc thế giới và khu vực, từ Mỹ, Nga tới Iran, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, với mỗi thế lực hậu thuẫn một bên, mỗi thế lực lại có mục tiêu khác nhau, khiến xung đột ở quốc gia Trung Đông luôn phức tạp. Cuộc xung đột tại Syria vì vậy cũng được coi là hệ quả của những mâu thuẫn giữa nhiều phe phái, nhiều lực lượng, sự đan xen lợi ích của nhiều thế lực.

Từ đầu năm 2014, Mỹ, Anh và một số nước vùng Vịnh đã thành lập liên minh, do Mỹ đứng đầu, can thiệp vào cuộc xung đột Syria, với mục tiêu không hề che giấu là hậu thuẫn phe đối lập Syria và hơn hết là buộc Tổng thống Bashar al-Assad  phải từ bỏ quyền lực. Đằng sau đó còn là toan tính kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực, và đương nhiên bảo vệ lợi ích của Mỹ tại khu vực chiến lược Trung Đông. 

Đối lập với liên minh của Mỹ, sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria kể từ năm 2015 lại để nhằm giúp chính quyền Tổng thống Assad giành lợi thế trong cuộc giao tranh với lực lượng đối lập, mặt khác duy trì ảnh hưởng và vị thế của Moskva tại khu vực Trung Đông. 

Sự mâu thuẫn giữa quân chính phủ và phe đối lập ở Syria, cùng với sự hậu thuẫn từ các cường quốc với một bên là Mỹ và các nước đồng minh, bên kia là Nga và Iran, đã khiến những xung đột ở Syria càng trở nên khó gỡ, đẩy xung đột ngày càng kéo dài và khó có thể đi đến hồi kết.


Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ nhất trí thành lập trung tâm tác chiến chung ở Thổ Nhĩ Kỳ để điều phối và quản lý khu vực an toàn ở miền Bắc Syria

Trong cuộc xung đột ở Syria, hiện nay giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có nhiều điểm khác biệt. Mỹ đang ủng hộ Lực lượng dân chủ Syria (SDF) đối lập do người Kurd lãnh đạo, kiểm soát khoảng 1/4 lãnh thổ Syria ở phía Bắc, còn Thổ Nhĩ Kỳ lại coi lực lượng này là đồng minh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn đang hoạt động đòi ly khai ở nước này, và liệt PKK vào danh sách các nhóm khủng bố. Những khác biệt này khiến bất đồng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến ở Syria ngày càng lớn.

Hiện quân đội Mỹ đang đồn trú ở Đông Bắc Syria, dọc khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với các lực lượng người Kurd để chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, kể từ sau thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 12-2018 rằng Mỹ sẽ rút quân đội ra khỏi Syria, Mỹ đã cố gắng thuyết phục để có được sự đảm bảo từ Thổ Nhĩ Kỳ về tương lai của đồng minh SDF sau khi Mỹ rút quân. Tuy nhiên, trước việc Mỹ tuyên bố sẽ rút quân khỏi Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố sẽ quét sạch các tay súng này người Kurd này. Bởi trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ luôn phải hành động cẩn trọng từng bước một tại Syria vì lo ngại sự hiện diện của Mỹ. 

Từ đầu năm 2019, Ankara và Washington đã nhất trí đàm phán về việc thiết lập vùng an toàn ở Đông Bắc Syria. Phía Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần đề nghị thiết lập vùng an toàn 32 km sâu bên trong lãnh thổ Syria, phía Đông sông Euphrates, đồng thời nhấn mạnh mong muốn Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), một nhóm lớn trong SDF, vốn bị Ankara coi là tổ chức khủng bố, phải bị loại khỏi khu vực này. Song những đề nghị này lại không được Mỹ đồng ý khiến đàm phán giữa hai nước lâm vào bế tắc. 

Mới đây vào ngày 4.8.2019, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cảnh báo về việc sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự mới nhằm vào khu vực trên, đồng thời cho biết Ankara sẽ tự thúc đẩy việc thiết lập vùng an toàn trong trường hợp đàm phán với Mỹ thất bại. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đây là cách để loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và tiêu diệt khủng bố ở miền Bắc Syria, đồng thời là ưu tiên hàng đầu của nước này trong cuộc chiến chống lại lực lượng Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và các nhóm liên quan. Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng hai lần thực hiện các đợt tấn công đơn phương nhằm vào IS và YPG ở miền Bắc Syria trong các năm 2016 và 2018.

Phản ứng lại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cảnh báo, mọi hành động đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ là không chấp nhận được. Phía Mỹ cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào khu vực Đông Bắc Syria là một cuộc phiêu lưu cực kỳ mạo hiểm bởi nó có thể đe dọa đến sự an toàn của các lực lượng Mỹ đang phối hợp với đội quân SDF ở Syria và vì thế có thể gây cản trở cho tiến trình thực hiện mục tiêu đánh bại IS trong khu vực.

Trong bối cảnh đó, từ ngày 5 đến 8-8-2019, các quan chức quốc phòng Mỹ đã tiến hành đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về việc thiết lập vùng an toàn ở Đông Bắc Syria nhằm ngăn chặn chiến dịch can thiệp quân sự của Ankara tại khu vực này.

Nỗ lực tháo ngòi nổ xung đột 

Sau 3 ngày đàm phán tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cho biết hai nước đã nhất trí thành lập trung tâm tác chiến chung ở Thổ Nhĩ Kỳ để điều phối và quản lý khu vực an toàn ở miền Bắc Syria. 

Trong hai tuyên bố riêng rẽ của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán Mỹ tại Ankara, hai nước thông báo khu vực an toàn ở vùng biên giới Đông Bắc Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là "một hành lang hòa bình" và hai nước sẽ nỗ lực hết sức để những người dân Syria buộc phải rời khỏi nơi ở do chiến tranh có thể trở về quê hương. Tuy nhiên lại không có tuyên bố nào đề cập tới việc liệu hai bên đã giải quyết được hai vấn đề chính gây chia rẽ giữa Ankara và Washington hay chưa, đó là phạm vi khu vực an toàn ở Syria cũng như người sẽ chỉ huy các lực lượng tuần tra trong khu vực.

Thỏa thuận vừa đạt được giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ được cho là đã tạm thời tháo ngòi nổ cho một cuộc xung đột mới ở miền Bắc Syria trước lời đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự mới nhằm vào đây. Tuy nhiên, việc Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đi đến thống nhất cho sự hiện diện của một khu vực an toàn ở vùng Đông Bắc Syria vẫn bị Nga và Syria phản đối bởi cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là sự chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ Syria. Bất kể sự hiện diện của lực lượng nước ngoài nào đều được cho là sẽ khiến tình hình chiến sự ở Syria rơi vào tình trạng phức tạp hơn rất nhiều. Và vì vậy, nhận định về triển vọng hòa bình ở Syria, các nhà phân tích vẫn cho rằng đây là một viễn cảnh mờ mịt. 

Có thể thấy rõ, tuy Mỹ đã tuyên bố muốn rút quân khỏi Syria (hồi tháng 12.2018) song thực chất nước này không có ý định từ bỏ Syria. Bằng chứng là hàng loạt tuyên bố và hành động của nước Mỹ sau đó đã cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục ở lại Syria  và cam kết rút quân theo một tiến độ hợp lý, hay việc Mỹ công nhận cao nguyên Golan là lãnh thổ của Israel… Điều này cho thấy rằng Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ Trung Đông và càng không từ bỏ Syria.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh khu vực Trung Đông đang ngày càng trở nên phức tạp hơn, như mối quan hệ giữa Israel với Palestine, Israel với Liban, Mỹ với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga... thì bất kể những diễn biến gì ở khu vực này đều có thể ảnh hưởng đến vấn đề Syria và trở thành "chướng ngại vật" trên con đường tiến tới hòa bình ở Syria. Dường như, con đường ấy ngày càng thêm chất chồng khi các phe đối lập ở Syria đang bị nhiều nước bên ngoài "giật dây", hậu thuẫn, tác động nhằm thực hiện các mục đích riêng, khiến tiến trình hòa hợp của Syria đến nay vẫn chưa thể có một kết quả cụ thể nào.

Không những vậy, hiện có một thực tế là trong hai năm trở lại đây, sau khi hứng chịu những tổn hại lớn khi đánh mất các lãnh thổ tại Iraq và Syria, IS giờ đây đã có những điều chỉnh trong chiến lược để thích nghi với hoàn cảnh mới. Bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump, cách đây chưa đầy nửa năm, tuyên bố rằng Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ loại bỏ tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và IS chỉ còn kiểm soát chưa đầy 1 km2 lãnh thổ Syria, thì thực tế là trong báo cáo công bố ngày 6-8 mới đây, Lầu năm góc lại thừa nhận, việc Mỹ rút một phần lực lượng khỏi Syria đang tác động tiêu cực trực tiếp tới cuộc chiến chống tàn dư IS của chính quân đội Mỹ. Báo cáo chỉ rõ, IS đang lợi dụng bối cảnh Mỹ sẽ rút quân để “hồi sinh” ở Syria và củng cố lực lượng ở Iran. Ước tính, vẫn còn từ 14.000 đến 18.000 tay súng IS ở cả hai nước này. Sự “hồi sinh” của IS thực sự là mối nguy hiểm đối với các mục tiêu của Mỹ tại Syria.


Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đạt bước tiến tích cực trong vấn đề Syria