Nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ Syria-Thổ Nhĩ Kỳ

14/02/2020 20:39

Xung đột leo thang giữa lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội chính phủ Syria tại “điểm nóng” Idlib có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn tại nơi có tới 3 triệu dân này.

Quân đội Syria với sự hậu thuẫn của Nga đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại Idlib để giải phóng đất nước

Căng thẳng giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến “điểm nóng” Idlib vốn đã leo thang trong những ngày qua sau lại tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang mới khi Quốc hội Syria công nhận tội ác diệt chủng người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman. Diễn biến mới này đã khiến cuộc xung đột giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể hóa giải trong một sớm một chiều.

“Điểm nóng” Idlib

Tỉnh Idlib là vùng lãnh thổ lớn nhất của Syria vẫn do các nhóm phiến quân và vũ trang bất hợp pháp kiểm soát kể từ năm 2015. Hiện liên minh thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham (HTS) mà thành phần chủ yếu gồm các chiến binh của nhóm khủng bố Mặt trận al-Nusra từng có quan hệ với al-Qaeda, kiểm soát khoảng 60% diện tích tỉnh này, phần còn lại do các phe nhóm đối lập chiếm giữ. Trong số này cũng có các nhóm quân sự được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, bao gồm cả HTS.

Nhằm thực hiện mục tiêu của quét sạch khủng bố và thiết lập quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, tạo bước ngoặt có thể giúp chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài 9 năm ở Syria, từ vài năm nay, chiến dịch tấn công các thành trì của phiến quân tại Idlib được chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã được triển khai. Chiến dịch này của chính quyền Syria đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ đồng minh Nga. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ luôn phản đối kế bởi đối với Ankara, Idlib không chỉ là tỉnh giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ mà còn là khu vực có tính điểm tựa, giúp nước này củng cố vị trí tại miền Tây Bắc Syria. Với các thỏa thuận giữa nhóm bộ ba Astana thiết lập 4 vùng giảm căng thẳng ở Syria từ năm 2017, Ankara đã triển khai 12 trạm quan sát ở Idlib, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng hiện diện tại nhiều vùng ở Idlib, từ đó kiểm soát hiệu quả các nhóm vũ trang người Kurd ở miền Tây Syria. Sau chiến dịch “Nhành Ôliu” của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu năm 2018 tấn công tỉnh Afrin, miền Bắc Syria để trấn áp lực lượng người Kurd tại đây, Idlib đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ đối với người Kurd tại Syria.

Tháng 9.2018, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã có bước thỏa hiệp khi ký Bản ghi nhớ Sochi, theo đó thiết lập vùng giảm căng thẳng tại Idlib, dọc theo đường ranh giới giữa quân đội chính phủ Syria và các nhóm vũ trang đối lập. Theo thỏa thuận, Chính phủ Syria đã tạm hoãn một chiến dịch truy quét phiến quân quy mô lớn tại tỉnh Idlib, đổi lại Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ phân tách lực lượng cực đoan khỏi các nhóm đối lập ôn hòa. Các nhóm vũ trang đối lập phải rời khỏi khu vực phi quân sự để mở đường cho các lực lượng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tra khu vực. Tuy nhiên, đến thời hạn hoàn tất việc rút quân và vũ khí ngày 15-10-2018, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết không có tay súng nào rời khỏi vùng phi quân sự, còn Chính phủ Syria thì cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện nghĩa vụ trong thỏa thuận với Nga về thiết lập khu vực phi quân sự.

Kể từ cuối năm 2018, tình hình Idlib tiếp tục bất ổn với các vụ tấn công của các tay súng phiến quân ở Idlib nhằm vào quân đội Syria. Sau vụ đánh bom tháng 2-2019 tại Idlib khiến gần 20 dân thường thiệt mạng, phía Syria cho rằng các đối tượng khủng bố cực đoan vẫn mở rộng và kiểm soát toàn bộ khu vực Idlib, khiến thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ không thể hiện thực hóa.

Nhằm chiếm lại các khu vực do phiến quân kiểm soát ở tỉnh Idlib, từ tháng 4-2019, lực lượng chính phủ Syria đã từng bước tiến hành chiến dịch quân sự và chiến dịch này đã đem lại những kết quả ấn tượng. Đầu năm 2020, quân đội Syria lần lượt giành lại Ma’arat al-Nu’man, thành phố lớn thứ hai của tỉnh Idlib, giải phóng thành phố chiến lược Saraqib.

Xung đột leo thang

Căng thẳng giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã leo thang sau khi ngày 3-2 vừa qua quân đội Syria mở chiến dịch quân sự chống phiến quân tại khu vực Idlib và Thổ Nhĩ Kỳ phản đối chiến dịch này. Trong chiến dịch này, lực lượng chính phủ Syria, với sự hậu thuẫn của Nga, đã đạt nhiều tiến triển trong việc giành lại quyền kiểm soát Idlib, khu vực được coi là thành lũy cuối cùng của phiến quân trên lãnh thổ Syria này. Chiến dịch quân sự của chính phủ Syria được đánh giá đang đạt tới ngưỡng khiến Thổ Nhĩ Kỳ mất "chỗ đứng" tại tỉnh Idlib nói riêng và khu vực Tây Bắc Syria nói chung. Nếu Ankara không hành động, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ có thể suy yếu không chỉ ở Idlib mà cả toàn bộ vùng giáp biên giới Đông Bắc của Syria, nơi lực lượng người Kurd hoạt động mạnh. Do vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các cuộc tấn công đáp trả. Bạo lực gia tăng tại Idlib khi lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội chính phủ Syria đã có nhiều cuộc đụng độ gây thương vong cho cả hai bên.

Ngày 10.2, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ít nhất 5 binh sĩ nước này thiệt mạng và 5 người bị thương một đợt pháo kích của quân đội chính phủ Syria nhằm vào trạm quan sát tại Idlib. Sau đó quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công trả đũa nhằm vào hàng chục mục tiêu Syria gây thương vong lớn cho quân đội Syria đồng thời tuyên bố "vô hiệu hóa" 101 binh sĩ Syria. Vụ tấn công trên xảy ra sau khi Ankara triển khai hàng nghìn binh sĩ tới sân bay Taftanaz. Ước tính trong 10 ngày, đã có 13 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong các vụ đụng độ với các lực lượng của Chính phủ Syria tại tỉnh Idlib. Ngày 12-2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố lực lượng quân đội nước này sẽ thực hiện các cuộc không kích hoặc tấn công trên mặt đất nhằm vào lực lượng Syria, được Nga hậu thuẫn, nếu có thêm dù chỉ một binh lính Thổ Nhĩ Kỳ bị thương trong chiến dịch giành lại Idlib của lực lượng Syria, đồng thời điều thêm xe tăng và pháo tự hành Firtina tới khu vực biên giới với tỉnh Idlib.

Sau tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Nga cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã coi thường các thỏa thuận đã ký kết với Nga nhằm vô hiệu hóa các nhóm phiến quân tại tỉnh Idlib. Trả lời báo giới trong cuộc họp báo trực tuyến, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Moskva vẫn tuân thủ thỏa thuận với Ankara về Syria. Tuy nhiên, Nga coi những cuộc tấn công của phiến quân tại Idlib nhằm vào lực lượng Syria là không thể chấp nhận và đi ngược với tinh thần thỏa thuận. Đặc biệt, theo thỏa thuận, phía Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm đảm bảo vô hiệu hóa các nhóm phiến quân tại Idlib. Ông Peskov cũng cho biết các nhóm phiến quân này vẫn đang tiến hành những cuộc tấn công nhằm vào các đơn vị quân sự của Nga.

Những diễn biến phức tạp gần đây đang khiến vấn đề Idlib trở nên khó lường hơn, đe dọa phá vỡ các mối quan hệ hợp tác phức tạp, cũng như các thỏa thuận mong manh. Nghiêm trọng hơn, xung đột leo thang giữa lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội chính phủ Syria tại “điểm nóng” Idlib có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn tại nơi có tới 3 triệu dân này.

Nấc thang căng thẳng mới

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria diễn biến phức tạp tại khu vực Tây Bắc quốc gia Trung Đông này, ngày 13.2, Quốc hội Syria đã công nhận việc 1,5 triệu người Armenia của đế quốc Ottoman, tiền thân của nước Thổ Nhĩ Kỳ, bị thảm sát trong giai đoạn 1915-1917 là tội diệt chủng. Trong tuyên bố, Quốc hội Syria nêu rõ cơ quan này lên án và công nhận tội diệt chủng của Đế chế Ottoman đối với người Armenia vào đầu thế kỷ 20.

Ngay lập tức, Thổ Nhĩ Kỳ đã kịch liệt chỉ trích Quốc hội Syria là "đạo đức giả". Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ Ankara phản đối quyết định công nhận của Quốc hội Syria đối với các sự kiện xảy ra tại Armenia từ năm 1915, đồng thời cáo buộc Damascus gây ra "thảm họa nhân đạo, một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử, ngay tại biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ". Ankara cũng nhắc lại quan điểm rằng, các vụ sát hại người Armenia của đế quốc Ottoman, chỉ nên để các nhà sử học nghiên cứu, chứ không phải công việc của các nhà chính trị.

Thực tế cho đến nay, những tranh cãi lịch sử xung quanh vụ thảm sát người Armenia thời Chiến tranh Thế giới thứ nhất vẫn phủ bóng đen lên quan hệ giữa hai nước Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ. Armenia cho rằng có khoảng 1,5 triệu công dân nước này đã bị giết hại trong cuộc chiến tranh này. Trong khi đó, kể từ khi lập quốc, Ankara đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc về vụ thảm sát, cầm tù và trục xuất cưỡng ép đối với người Armenia từ năm 1915 và sau đó leo thang thành vụ diệt chủng dưới Đế chế Ottoman ngày 24.4.1915 đồng thời cảnh báo những quốc gia công nhận việc 1,5 triệu người Armenia của đế quốc Ottoman bị thảm sát thời Chiến tranh Thế giới thứ nhất là tội diệt chủng. Bất chấp cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đã có quốc hội của gần 30 quốc gia đã thông qua luật, nghị quyết hoặc kiến nghị về công nhận tội diệt chủng người Armenia.Bất kỳ quốc gia nào công nhận việc 1,5 triệu người Armenia của đế quốc Ottoman, bị thảm sát thời Chiến tranh Thế giới thứ nhất là tội diệt chủng cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra những phản ứng gay gắt.

Các chuyên gia nhận định, cùng với tình hình chiến sự diễn biến ngày càng nghiêm trọng tại tỉnh Idlib giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nấc thang căng thẳng mới liên quan đến việc Quốc hội Syria công nhận tội ác diệt chủng người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman có nguy cơ đẩy quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vượt quá "lằn ranh đỏ".


Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ Syria-Thổ Nhĩ Kỳ