NATO nỗ lực tìm tiếng nói chung

05/12/2019 09:45

Các lãnh đạo NATO ngày 4.12 bước vào bàn họp ở London với các nội dung chính xoay quanh vấn đề san sẻ kinh phí hoạt động, sự trỗi dậy của Trung Quốc...

NATO nỗ lực tìm tiếng nói chung - Ảnh 1.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (thứ 2 từ trái sang) và các nhà lãnh đạo NATO

Trước hàng loạt vấn đề cấp thiết, lãnh đạo các thành viên NATO đặt sự tồn tại của liên minh này lên hàng ưu tiên.

Đoàn kết nhiều hơn chia rẽ

Đó là lý do NATO ở tuổi 70, phải tái nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết, vì ngày 3-12 đã mở màn lễ kỷ niệm với những bất đồng và tranh cãi nảy lửa. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó đi ngược quan điểm của những người ủng hộ NATO hiện tại khi cho rằng NATO cần phải tập trung vào những vấn đề đang nóng hổi, xác định quan điểm, kẻ thù... rồi hãy nói tới chuyện phân bổ ngân sách.

Ông Macron cũng vấp phải phản ứng gay gắt từ Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh quan điểm về hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Một số thành viên NATO cũng bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ và ngưng bán vũ khí cho chính quyền Ankara. 

Tổng thống Tayyip Erdogan bật lại quan điểm này, đồng thời nói rằng ông sẽ phản đối kế hoạch bảo vệ các nước vùng Baltic nếu NATO không công nhận các nhóm vũ trang người Kurd là khủng bố như cách Thổ Nhĩ Kỳ đang nhìn nhận.

Phát biểu khai mạc cuộc họp kéo dài 3 tiếng tại Anh ngày 4-12, Thủ tướng Anh Boris Johnson quả quyết NATO "đoàn kết chúng ta nhiều hơn là chia rẽ", đồng thời nhắc nhở các thành viên rằng nguyên tắc của khối này là "một người vì mọi người, và mọi người vì một người".

Ông Johnson cũng khẳng định sự cam kết với NATO và cam đoan về khả năng nhận thức thời cuộc của tổ chức này: "Chúng ta không bao giờ né tránh thảo luận về diễn biến mới, đặc biệt là phản ứng của NATO đối với các mối đe dọa nổi lên mới đây như chiến tranh lai (hybrid warfare - chiến tranh nhưng không tuyên bố), công nghệ đột phá, gồm hiểm họa từ không gian và không gian mạng".

Nhận thức Trung Quốc trỗi dậy

Biển Đông không được nhắc tới trong các bản tin về cuộc họp NATO. Tuy nhiên, nội dung của ngày họp thứ hai có một chi tiết đáng chú ý: lần đầu tiên trong lịch sử NATO, liên minh này nhìn nhận những thách thức tới từ sự trỗi dậy của Trung Quốc trong tuyên bố chung tại một thượng đỉnh.

Cụ thể, giới lãnh đạo NATO quan sát quá trình thúc đẩy năng lực quân sự của Trung Quốc và xem đây là hiện tượng có thể ảnh hưởng tới an ninh của các đồng minh.

Báo Đức Deutsche Welle dẫn lời Tổng thư ký Stoltenberg nói: "Nay, chúng ta dĩ nhiên nhìn nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc hàm chứa vấn đề an ninh đối với các đồng minh. Trung Quốc có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới. Họ gần đây đã triển khai nhiều vũ khí hiện đại, bao gồm tên lửa tầm xa có thể vươn tới toàn bộ châu Âu và Mỹ".

Để đối phó những thách thức mới, NATO tìm tiếng nói chung trong việc xây dựng năng lực quốc phòng và câu chuyện đóng góp ngân sách. 

Trong nội dung họp, ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh những tiến bộ mà đồng minh NATO đã thực hiện trong việc phân bổ trách nhiệm ngân sách, nhắc lại việc châu Âu và Canada sẽ chi 400 tỉ USD vào quốc phòng tính tới năm 2024. 

Ngoài ra, NATO cũng muốn mở rộng tầm ảnh hưởng, thể hiện vai trò lớn hơn đối với quan hệ đồng minh ở Trung Đông và có thể cả châu Phi.

Trong tuyên bố chung, các đồng minh NATO tái cam kết bảo vệ lẫn nhau, trong khi Anh dự kiến gửi 6 tàu chiến, 2 đội tác chiến và hàng ngàn binh sĩ theo kế hoạch của NATO để đáp ứng yêu cầu của Mỹ về việc quân đội châu Âu phải thể hiện khả năng, độ sẵn sàng cao hơn.

Tâm điểm Trump - Erdogan

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc họp bên lề thượng đỉnh NATO hôm 4-12. Trên Twitter, giám đốc phụ trách truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Altun cho biết cuộc họp kéo dài không tới nửa tiếng này đã kết thúc "rất hiệu quả".

Ông Altun không nêu thêm chi tiết, nhưng truyền thông chú ý tới cuộc gặp này do Mỹ và Thổ còn nhiều bất đồng, đặc biệt là khả năng Washington trừng phạt Thổ về việc chính quyền Ankara mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga. S-400 là hệ thống tên lửa đất đối không được cho có thể mang lại hiểm họa cho các đồng minh NATO cũng như những chiếc máy bay F-35 của Mỹ.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    NATO nỗ lực tìm tiếng nói chung