Những cú sốc sau vụ Houthi tấn công cơ sở lọc dầu trọng yếu của Saudi Arabia

16/09/2019 17:53

Khu vực Trung Đông tiếp tục trải qua biến cố lớn khi lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen sử dụng máy bay không người lái bất ngờ tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu trọng yếu của Saudi Arabia.

Đám cháy tại nhà máy lọc dầu ở Abqaia của Saudi Arabia ngày 14.9. Ảnh: REUTERS

Vụ việc không chỉ khiến giá dầu tăng sốc, mà còn làm dấy lên nguy cơ thực sự đối với an ninh khu vực.

Houthi tấn công cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia

Ngày 14.9, hai nhà máy của Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Aramco ở thành phố Abqaia và Khurais của Saudi Arabia bị máy bay không người lái tấn công và gây hỏa hoạn. Ngay sau đó, lực lượng Houthi tại Yemen thừa nhận đã thực hiện vụ tấn công trên. 

Theo kênh truyền hình vệ tinh Al-Masirah của Houthi, lực lượng này đã mở một chiến dịch quy mô lớn gồm 10 máy bay không người lái nhằm vào 2 cơ sở dầu mỏ này. Đại diện Houthi cảnh báo các cuộc tấn công sẽ khiến tình hình tại Saudi Arabia tồi tệ hơn và Riyadh phải chấm dứt tấn công nhằm vào Houthi tại Yemen. 

Hồi tháng trước, phiến quân Houthi cũng thừa nhận thực hiện một vụ tấn công nhằm vào cơ sở hóa dầu của Aramco tại Shaybah, gần biên giới với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, nhưng không gây thương vong. Nhóm phiến quân này cũng đã tấn công hai trạm bơm dầu của đường ống dẫn dầu quan trọng tại Saudi Arabia, khiến hai trạm này phải dừng hoạt động trong nhiều ngày.

Còn về mối quan hệ giữa Houthi và Saudi Arabia, kể từ năm 2014, theo đề nghị của chính quyền Yemen, Saudi Arabia đã thành lập và lãnh đạo liên minh quân sự Arab để chống lại phiến quân Houthi, hỗ trợ chính phủ lưu vong được cộng đồng quốc tế công nhận của Tổng thống Yemen Abd-Rabbu Mansour Hadi. Cuộc chiến ở Yemen đã làm hàng chục nghìn người thiệt mạng, đẩy đất nước này rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất thế giới, với 24,1 triệu người - hơn 2/3 dân số nước này - đang cần được viện trợ khẩn cấp.

Giá dầu thế giới tăng "sốc" 15%

Sau thông tin về các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu trọng yếu của Saudi Arabia, ngày 16.9, giá dầu trên thị trường thế giới có thời điểm tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng. Giá trị các giao dịch tương lai dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 15% lên mức cao nhất kể từ tháng 5 tương đương 60,89 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 13% lên mức 68,06 USD/thùng sau khi có lúc tăng lên 71,95 USD/thùng.  

Theo số liệu vừa công bố, các cuộc tấn công nhằm vào 2 nhà máy của Aramco ở Abqaia và Khurais tại Saudi Arabia đã khiến sản lượng dầu mỏ của giảm 50%, tương đương 5,7 triệu thùng/ngày, chiếm gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới. Dù Bộ Nội vụ Saudi Arabia cho biết nước này sẽ sớm khắc phục thiệt hại và nối lại hoạt động sản xuất dầu mỏ nhưng một câu hỏi lớn đang được đặt ra đó là Saudi Arabia cần bao nhiêu thời gian để đưa sản lượng dầu trở về mức bình thường. 

Giới chuyên gia nhận định vụ tấn công có thể gia tăng áp lực tới tăng trưởng toàn cầu. Saudi Arabia hiện đang chạy đua với thời gian để sửa chữa và hoạt động lại các nhà máy dầu bị tấn công. Tuy nhiên, một nguồn thạo tin cho hay, hoạt động xuất khẩu dầu của Saudi Arabia sẽ trở lại bình thường trong tuần này khi Riyadh sử dụng nguồn dầu từ các cơ sở dự trữ lớn. 

Các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia cũng đã khiến Mỹ phải mở các kho dự trữ dầu chiến lược của mình để ổn định nguồn cung song các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Bank of America cho biết không có khả năng tác động tới nền kinh tế Mỹ. 

Trong khi đó, một số chuyên gia phân tích cho rằng, nguồn cung dầu mỏ bị thiếu hụt sau vụ tấn công của phiến quân Houthi nhằm vào các cơ sở dầu mỏ tại Saudi Arabia chỉ có thể được bù đắp nếu Mỹ nới lỏng trừng phạt ngành dầu mỏ Iran. Iran sẽ là lựa chọn khả dĩ nhất để thay thế cho sự sụt giảm sản lượng của Saudi Arabia, trong bối cảnh xuất khẩu dầu mỏ của Riyadh chủ yếu tới các khách hàng ở châu Á, và Iran có lợi thế gần gũi về mặt địa lý hơn bất kỳ nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt nào khác. Mỹ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc cho phép Iran nối lại xuất khẩu dầu thô sau nhiều tháng đơn phương trừng phạt nước này. 

Còn Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng, trong ngắn hạn nguồn cung "vàng đen" đối với thị trường thế giới không đối mặt với nguy cơ đáng ngại thực sự nào. IEA vẫn đang theo dõi sát sao tình hình tại Saudi Arabia, đồng thời giữ liên lạc với giới chức nước này và các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt.

Nguy cơ thực sự đối với an ninh khu vực

Ngoài việc gây ra gián đoạn nguồn cung dầu, vụ cuộc tấn công cũng khiến nhà đầu tư thêm lo ngại về tình hình địa chính trị trong khu vực. Quan hệ giữa Mỹ và Iran đã tiếp tục leo thang căng thẳng khi ngày 14.9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc Iran tấn công vào hai nhà máy lọc dầu trên của Saudi Arabia, đồng thời cho rằng Tehran đã ngụy tạo bằng chứng ngoại giao giả. Trên mạng xã hội Twitter, ông Pompeo cho rằng giữa lúc tất cả các nước kêu gọi giảm căng thẳng, thì Iran lại phát động một cuộc tấn công không thể chấp nhận được vào nguồn cung năng lượng của thế giới. Còn Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Meanwhile Graham nhấn mạnh, vụ tấn công là động thái chứng tỏ Iran muốn theo đuổi vũ khí hạt nhân và độc chiếm toàn bộ khu vực Trung Đông. Đáng quan ngại hơn, những tuyên bố trên của Mỹ báo hiệu một lập trường cứng rắn hơn của Washington đối với Tehran, sau những dấu hiệu về khả năng "tan băng" trong quan hệ giữa hai quốc gia luôn ở thế đối đầu này. 

Còn về phía Iran, nước này đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Tehran tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia, coi đây là những cáo buộc vô nghĩa khi Washington đang cố viện lý do để trả đũa nước Cộng hòa Hồi giáo này. Cho đến nay, Tổng thống Iran Hassan Rouhani vẫn khẳng định Tehran không tìm kiếm vũ khí hạt nhân, tuyên bố sẽ không đàm phán với Mỹ chừng nào Washington chưa gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo này.

Trước thực trạng này, Liên minh châu Âu (EU) ngày 15.9 đã cảnh báo về "nguy cơ thực sự đối với an ninh khu vực" ở Trung Đông sau các vụ tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia gây gián đoạn các nguồn cung năng lượng toàn cầu. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và ngoại giao của EU, bà Federica Mogherini nêu rõ: "Các vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào hai cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia làm dấy lên nguy cơ thực sự đối với an ninh khu vực. Trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang, vụ tấn công này làm xói mòn nỗ lực đang diễn ra về giảm leo thang và tiến hành đối thoại". Bà kêu gọi "kiềm chế tối đa và giảm leo thang".

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những cú sốc sau vụ Houthi tấn công cơ sở lọc dầu trọng yếu của Saudi Arabia