Những thách thức chờ Thủ tướng Ấn Độ Modi

01/06/2019 14:10

Cuộc bầu cử Quốc hội Ấn Độ (khóa 17) bắt đầu từ ngày 11.4 - 19.5 theo 7 giai đoạn. Đây là cuộc bầu cử có số lượng cử tri đông nhất và thời gian bầu cử dài nhất thế giới.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ăn mừng chiến thắng bầu cử ngày 23.5. Ảnh: Reuters

Kết quả, Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã giành chiến thắng vang dội, qua đó giúp ông tiếp tục giữ chức thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa.

Nhân tố tạo cho BJP thắng cử

Đảng BJP của Thủ tướng Modi giành được 303 ghế trong tổng số 542 ghế được bầu của quốc hội khóa mới, vượt xa con số 272 ghế để có đa số tại hạ viện để giành quyền thành lập chính phủ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1984, một đảng tại Ấn Độ giành được đa số tuyệt đối trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Giới phân tích chỉ ra 3 nhân tố góp BJP của ông Modi thắng lợi trong cuộc bầu cử vừa qua.

Thứ nhất, sau 5 năm cầm quyền, ông Modi đã chuyển hướng từ một Ấn Độ không liên kết đứng đầu toàn cầu thành một quốc gia “không liên kết +” hay còn gọi là không liên kết có lựa chọn.

Ngay từ khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu, ông Modi đã xác định phải đưa Ấn Độ “giữ vị trí lãnh đạo hơn là một lực lượng mang tính cân bằng trên toàn cầu”. Qua 5 năm, chính phủ của ông đã làm được điều này. Ấn Độ đã thúc đẩy quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Australia trong liên minh "bộ tứ" tại châu Á Thái Bình Dương. Tăng cường quan hệ với Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu đồng thời thực hiện chính sách hướng đông thúc đẩy quan hệ với ASEAN và Việt Nam. Sau nhiệm kỳ đầu, ông Modi có 41 chuyến công du nước ngoài tới 59 quốc gia, là thủ tướng Ấn Độ thực hiện nhiều chuyến công du nước ngoài nhất.

Thứ hai, ngay từ đầu nhiệm kỳ thứ nhất, ông Modi cùng chính phủ đã thực hiện các chính sách tài chính vĩ mô tái cấu trúc nền kinh tế, đưa Ấn Độ sớm trở thành công xưởng của thế giới với khẩu hiệu “make in india”. Đặc biệt, ông Modi tỏ thái độ không khoan nhượng với chủ nghĩa khủng bố, quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia. Sau vụ khủng bố đẫm máu tại Kashmir hồi cuối tháng 2 vừa qua, Ấn Độ đã dùng không quân tấn công vào sâu lãnh thổ Pakistan tại Ballakol để tiêu diệt các phiến quân khủng bố mà Ấn Độ tố do Pakistan hậu thuẫn. Hành động này thể hiện thái độ kiên quyết của ông Modi cũng thu hút được sự đồng tình của người dân.

Thứ ba, Đảng Quốc đại Ấn Độ - đảng đối lập lớn nhất từng lãnh đạo nhân dân Ấn Độ giành độc lập và cầm quyền nhiều thập kỷ tìm mọi cách công kích BJP trong bối cảnh BJP đang ở thế mạnh và được lòng dân. Động thái của Đảng Quốc đại đã gián tiếp kêu gọi người dân ủng hộ BJP để cuối cùng đảng này phải hứng chịu thất bại với 51 ghế tại quốc hội khóa mới.

Chính sách đối ngoại, đối nội thời gian tới

Trong nhiệm kỳ đầu của ông Modi, chính sách đối ngoại, đối nội của Ấn Độ vẫn theo truyền thống kể từ khi nước này giành được độc lập năm 1947. 

Về đối ngoại, sự thay đổi lớn về cấu trúc trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ được tính từ tháng 12.1991 dưới thời Thủ tướng Narasimha Rao. Ông Rao đã khéo xoay sở để giữ mối quan hệ với Nga, đồng thời có những đột phá trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc do cựu Thủ tướng thuộc Đảng Quốc đại Raji Gandhi tạo dựng. Chính sách đối ngoại với các nước lớn vẫn được các thủ tướng tiếp theo của Ấn Độ thực hiện. Do đó, trong 5 năm tới có nhiều khả năng ông Modi sẽ tiếp tục phát huy các kết quả trong thực hiện chính sách đối ngoại của các chính phủ tiền nhiệm nhưng phong cách năng động hơn nhằm bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền không bị bất kỳ nhân tố nào đe dọa. Tạo điều kiện và nôi dưỡng xu hướng tích cực hoạt động trong khu vực và trên toàn cầu nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của Ấn Độ.

Về đối nội, giới phân tích cho rằng trong nhiệm kỳ thứ 2, ông Modi sẽ có những lựa chọn cứng rắn trong các quyết sách về kinh tế. Nhiệm kỳ đầu, chính phủ của ông Modi đã nâng hạn ngạch mức đầu tư trực tiếp nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, giảm trợ cấp xăng dầu, chống tham nhũng, thông qua luật phá sản và sửa đổi hiến pháp để thống nhất các bang của Ấn Độ thành một thị trường chung. Nhiệm kỳ 2, nhiều khả năng ông Modi sẽ cứng rắn hơn trong thực hiện các quyết sách kinh tế đúng đắn trong nhiệm kỳ đầu và sẽ cứng rắn hơn trong thực hiện các chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng, chương trình phúc lợi xã hội. Do đó, rất có thể chính phủ của ông Modi sẽ tập trung vào các chương trình cụ thể nhằm giúp nông cao đời sống.

Trở thành đất nước hùng mạnh vào năm 2022

Thủ tướng Modi khẳng định đến năm 2022, Ấn Độ sẽ trở thành một đất nước hùng mạnh và trong tương lai sẽ chì còn hai đẳng cấp, một là những người nghèo muốn vươn lên và hai là những người muốn đóng góp để giúp đỡ người nghèo.

Theo giới phân tích, để Ấn Độ trở thành một đất nước hùng mạnh vào năm 2022, chính phủ của ông Modi cần tập trung vào thực hiện tự do hóa nền kinh tế mạnh mẽ hơn nữa thay vì thực hiện các chương trình nâng cao thịnh vượng cho người dân bởi đây không phải là chìa khóa giúp khai thông đầu tư và thương mại song phương. Đây chính là điều mà các đối tác cũng như người dân của Ấn Độ cần.

Mặt khác, chính phủ của ông Modi cũng phài dành nhiều thời gian cho việc xử lý các vấn đề nội bộ liên quan đến đoàn kết đất nước, đặc biệt là xử lý các vấn đề liên quan tới cộng đồng người Hồi giáo chiếm 10% trong tổng số hơn 1,3 tỷ dân của Ấn Độ cũng như giải quyết vấn đề Kashmir do lịch sử để lại - đây là vấn đề “gai góc nhất” của Ấn Độ kể từ năm 1947 tới nay. Do đó, nếu ông Modi xử lý thỏa đáng vấn đề Kashmir và chiếm được cảm tình của người dân tại đây thì nhiệm vụ đoàn kết đất nước sẽ bớt đi rất nhiều khó khăn.

HẢI HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những thách thức chờ Thủ tướng Ấn Độ Modi