Nước Anh - ''tiêm vaccine, truyền hy vọng''

09/12/2020 10:01

Sự biết ơn và hy vọng đang dâng ngập lòng những công dân Anh đầu tiên được nhận liều vaccine COVID-19 trong chiến dịch chủng ngừa vaccine Pfizer sớm nhất trên thế giới.


Cụ Maggie Keenan, 90 tuổi, là bệnh nhân đầu tiên ở Anh được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech vào ngày 8.12. Ảnh: WSJ 

Tiến sĩ Venkat Chandra đã trải qua 9 tháng trên tuyến đầu chống đại dịch COVID và bố mẹ ông rất nhớ con trai họ. Cuộc khủng hoảng đã khiến Chandra không thể từ Anh trở về quê hương Ấn Độ, ông đã không gặp bố mẹ hơn 1 năm nay.

Vào sáng 8.12 (giờ địa phương), Chandra đã tiến một bước gần hơn tới viễn cảnh được về thăm gia đình sau khi ông được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Vị bác sĩ cấp cứu 46 tuổi, làm việc tại Bệnh viện Trường Đại học Xứ Wales ở Cardiff, là một trong những người đầu tiên trên thế giới được tiêm vaccine COVID của Pfizer/BioNTech trong chương trình chủng ngừa đại trà chứ không phải một cuộc thử nghiệm. 

Chandra và 224 người khác đã nhận mũi tiêm đầu tiên tại một sàn tập thể dục ở Cardiff mới được chuyển thành trung tâm tiêm chủng dã chiến trong ngày đầu của chương trình chủng ngừa COVID-19 diễn ra trên khắp nước Anh.

Chú thích ảnh
Một phòng tập ở Cardiff được biến thành trung tâm tiêm chủng dã chiến. Ảnh: CNN

“Vẫn còn một chặng đường dài phía trước, nhưng hy vọng mọi người sẽ đến tiêm vaccine, để đưa đất nước chuyển động lại”, bác sĩ Chandra bày tỏ với CNN. Thật khó khăn với ông khi không thể về thăm bố mẹ ở Chennai, nhưng ở Ấn Độ lúc này tình hình còn tệ hơn.

Chiến dịch chủng ngừa COVID-19 đã diễn ra theo đúng kế hoạch tại Anh, chỉ không đầy 1 tuần sau khi nước này trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine của Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức). Đó là kết quả của hàng tháng nghiên cứu, chuẩn bị hậu cần và các cuộc thử nghiệm lâm sàng. Các dược sĩ, y tá, nhân viên y tế và tình nguyện viên làm việc tại trung tâm tiêm chủng cũng đã chuẩn bị cho thời điểm này trong nhiều tuần.

Với Chandra, cảm nhận về mũi tiêm chỉ như bị một vết xước nhỏ trên cánh tay. "Việc đó diễn ra nhanh chóng và không quá đau", ông nói và cho biết sẽ khuyến khích bệnh nhân của mình tiêm vaccine càng sớm càng tốt. Những người đã tiêm liều đầu tiên ngày 8.12 sẽ phải quay lại tiêm liều thứ hai sau khoảng ba tuần.

Chú thích ảnh
Người dân băng qua một con phố ở Cardiff, xứ Wales, khi các hoạt động triển khai tiêm chủng vaccine Pfizer / BioNTech bắt đầu ngày 8.12

Những y tá đảm nhiệm tiêm vaccine tại trung tâm chủng ngừa dã chiến ở Cardiff đã được đưa đến từ các bệnh viện và cơ sở y tế địa phương và lân cận. Họ đặt biệt danh cho ngày thứ ba này là “V-Day” (Ngày Chiến thắng).

Sharon Chapman, một y tá chuyên khoa ung thư vú 60 tuổi, đã tình nguyện tham gia chương trình. Bà được đào tạo trong một tuần bao gồm mọi thứ từ cách sử dụng vaccine mới đến trấn an bệnh nhân về tính an toàn của vaccine.

“Tôi thích nghĩ rằng chúng tôi đang truyền hy vọng cho mọi người. Sau một năm khủng khiếp mà chúng tôi đã trải qua, chúng tôi đang hướng tới tương lai với loại vaccine này”, bà Chapman lạc quan.

Hy vọng của bà và người dân Anh nói chung là nếu đủ số người tiêm vaccine, khả năng miễn dịch cộng đồng sẽ đạt được và cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Nhưng hiện tại, các giao thức phòng dịch vẫn phải được tuân thủ nghiêm ngặt. 

Chú thích ảnh
Nữ y tá Sharon Chapman đảm nhận tiêm vaccine COVID-19 cho mọi người ở Cardiff. Ảnh: CNN

Những vạch đánh dấu trên sàn phòng tập thể dục thể hiện khoảng cách an toàn giữa các cá nhân ở khu vực chờ; hai vòng bóng rổ treo trên tường, ngay phía trên 5 bốt tiêm chủng. Hàng chục chiếc tạp dề y tế được treo ở những nơi vốn dành cho cầu thủ.

Các liều vaccine được bảo quản trong điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt nhờ một chiếc tủ lạnh chuyên dụng ở phòng riêng. Hai dược sĩ có nhiệm vụ mở từng lọ, pha loãng vaccine trong dung dịch natri clorua và chia nhỏ thành 5 liều cho vào từng ống nghiệm.

Đó là một quy trình mới với họ. Thông thường vaccine được đưa tới đều đã pha loãng, để sẵn trong ống tiêm.

Nhưng vì vaccine COVID quá mới nên công ty vẫn chưa có khả năng sản xuất và nạp luôn vào các ống tiêm cá nhân. Vì vậy, Rhys Oats, một kỹ thuật viên dược cao cấp 34 tuổi, và các đồng nghiệp của anh phải thực hiện việc này tại chỗ. Họ đã chuẩn bị trong nhiều tuần, thực hiện các cuộc tập dượt mô phỏng bằng những lọ chứa đầy nước đóng băng, thử nghiệm hệ thống phân phối và bảo quản. 

Chú thích ảnh
Darrell Baker (trái), Giám đốc phụ trách dược phẩm của Hội đồng y tế Cardiff, nạp một ống tiêm vaccine cùng với kỹ thuật viên dược cao cấp Rhys Oats. Ảnh: CNN

Nhu cầu về vaccine COVID rất cao và chỉ một phần nhỏ những người muốn tiêm có thể được chủng ngừa ngay - đó là lý do tại sao chính quyền Xứ Wales đã yêu cầu CNN giữ bí mật về vị trí chính xác của trung tâm chủng ngừa ở Cardiff. Làn sóng ưu tiên tiêm đầu tiên chỉ bao gồm các nhân viên y tế tuyến đầu, nhân viên chăm sóc xã hội và những người từ 80 tuổi trở lên.

Michael Fox, một bác sĩ tại đơn vị cấp cứu nhi khoa ở Cardiff cho biết anh cảm thấy rất biết ơn khi được tiêm vaccine.

"Những điều tôi nghĩ đến suốt đường tới đây là tôi biết ơn biết bao với tất cả những công việc đã được thực hiện trong cộng đồng khoa học, tất cả những người tình nguyện đã nỗ lực hết mình cho thử nghiệm vaccine, và hy vọng rằng đây sẽ là con đường lật ngược tình thế chống lại đại dịch COVID-19”.

Vị bác sĩ 32 tuổi này còn có một lý do khác, cá nhân hơn, để biết ơn mình đã được tiêm chủng. Anh và vợ đang mong chờ đứa con đầu lòng vào tháng 3 năm tới.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Michael Fox được tiêm vaccine COVID-19

Theo báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước Anh - ''tiêm vaccine, truyền hy vọng''