Sự trỗi dậy của các tỉ phú Đông Âu kiểm soát những khối tài sản khổng lồ

25/12/2019 10:12

Các tỉ phú Đông Âu sở hữu các siêu du thuyền và những câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng. Họ giao du với các ngôi sao điện ảnh và can thiệp chính trường...

Tỉ phú Vladimir Potanin (phải) chia sẻ thông tin với Tổng thống Vladimir Putin về tình hình Công ty Norilsk Nickel trong cuộc gặp vào năm 2017

Hãng tin Bloomberg nhận định chỉ cách đây khoảng 20-30 năm, những tỉ phú này thậm chí không tồn tại. Các "oligarch" (những người rất giàu và có ảnh hưởng lớn về chính trị), tỉ phú và tài phiệt kinh doanh này đã nổi lên từ sau những biến động thời thế tại khu vực, khi các nền kinh tế dần chuyển sang các thị trường mở.

Chuyển giao thời đại

Vào những ngày cuối cùng của năm 1989, tổng thống Ba Lan Wojciech Jaruzelski đã ký phê duyệt một chương trình kinh tế mới mở cửa cho chủ nghĩa tư bản và cũng đã trở thành bản kế hoạch cho rất nhiều biến chuyển ở Đông Âu kể từ đó trở đi, bất kể phải hai năm sau nữa Liên bang Xô viết mới chính thức tan rã.

Trong bối cảnh đó, nhiều nước từng là thành viên của khối Đông Âu cũ đã hối hả gia nhập thế giới mới của các thị trường mở. Đi cùng với nó là sự xuất hiện của một thế hệ các nhà tài phiệt, các oligarch mới ở khắp các nơi, từ Almaty (Kazakstan) tới Prague (Czech), từ Matxcơva tới Zagreb (Croatia).

Ông Mark Mobius - nhà đầu tư kỳ cựu tại các thị trường mới nổi, người mới năm ngoái đã thành lập Công ty Mobius Capital Partners LLP - nhận xét về các tỉ phú: "Nhiều người trong số họ từng nắm quyền lực dưới thời chủ nghĩa cộng sản nhưng vẫn duy trì được quyền lực trong thể chế mới". 

Tuy nhiên cũng theo ông Mobius, sự khác biệt chỉ là trong khi các công chức già nua không thể thích ứng với chế độ mới và quyền lực mờ dần thì các doanh nhân mới và trẻ hơn đã nắm được thời cơ trỗi dậy.

Một nửa trong số những người giàu có nhất khu vực này xuất phát từ nhóm gần gũi với quyền lực trong thể chế cũ hay những người hưởng lợi từ quá trình tư nhân hóa hoặc cả hai. Các tỉ phú tự tay làm nên hiếm hơn, "nghèo" hơn và chủ yếu đến từ những nước có ít tài nguyên hơn và vị thế chính trị cũng nhỏ bé hơn.

Sự trỗi dậy của họ, và đôi khi có cả những thất bại, là câu chuyện biến đổi của Đông Âu trong 30 năm qua. Mỗi người, từ các vận hội của cuộc đời họ sẽ góp thêm một góc nhìn vào giai đoạn lịch sử đặc biệt này của khu vực.

Thời thế tạo anh hùng

Vào cuối thập niên 1980 là thời của những "chú chim sớm" (early bird), những người tiên phong chớp thời cơ trong bối cảnh thời cuộc nhiễu loạn khi nhiều nước buộc phải từ bỏ các chương trình trợ cấp xã hội hoặc lún sâu vào nợ nần để cố duy trì chúng.

Một trong số đó là ông Petr Kellner, người Czech, với số tài sản ròng hiện có là 12,8 tỉ USD. Ông Petr Kellner sinh năm 1964 tại Czech-Slovakia, đã học kinh tế và từng là nhân viên bán máy photocopy cho Hãng Ricoh vào khoảng cuối năm 1989.

Cuộc đời ông Kellner thay đổi khi chính phủ bắt đầu bán tài sản theo cách đặc biệt: phát chứng từ cho công chúng, có thể đổi lấy các cổ phiếu ở các công ty. Để tận dụng chính sách này, ông Kellner và các đối tác của ông năm 1991 đã thành lập quỹ đầu tư PPF mà ông đang nắm giữ 99% cổ phần.

Sử dụng các chứng từ và khoản vay, PPF bắt đầu tích tụ tài sản và gây dựng được 20% cổ phần tại công ty bảo hiểm lớn nhất của Czech là Ceska Pojistovna (CP). Ông đã điều hành sinh lời CP và đưa nó lọt vào top 10 hãng bảo hiểm lớn nhất châu Âu, trở thành nền tảng vững chắc cho tài sản và sự giàu có của tỉ phú này.

Các hoạt động kinh doanh của PPF trải rộng trong nhiều lĩnh vực như tài chính, viễn thông, công nghệ sinh học, bất động sản và kỹ thuật. Một đơn vị thuộc PPF là một trong những nhà cho vay tiêu dùng lớn nhất tại Trung và Đông Âu. Công ty này cũng đã mở rộng hoạt động của họ sang Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Kazakhstan.

Cho tới giữa thập niên 1990, một cái tên khác phải được nhắc tới, đó là ông Vladimir Potanin với khối tài sản ròng 28,5 tỉ USD, một trong những tỉ phú giàu nhất của Nga. Không nhiều trong số các oligarch "nguyên bản" vẫn có thể tiếp tục nắm giữ quyền lực khi thời thế thay đổi, và ông Vladimir Potanin là một trong số ít đó.

Ông Vladimir Potanin 58 tuổi, từng là người đầy uy quyền dưới thời của nhà lãnh đạo Yeltsin. Tốt nghiệp Đại học quốc gia Quan hệ quốc tế Matxcơva, ông Potanin làm trong ngành ngoại thương, đó cũng là lợi thế để ông bứt phá nhanh khi nền kinh tế mở cửa. Công ty cổ phần chính của ông được thành lập năm 1990, ngay trước khi Liên Xô tan rã.

Vào cuối năm 1995, ông Potanin và đối tác làm ăn với ông khi đó là ông Mikhail Prokhorov đã giành được cổ phần chi phối tại Công ty Norilsk Nickel, nhà sản xuất nickel và palladium lớn nhất thế giới, chỉ với hơn 170 triệu USD. 

Giá trị vốn hóa của công ty này đã tăng tới hơn 40 tỉ USD và gần 35% cổ phần của ông tại đây đã trở thành phần lớn nhất trong tổng tài sản ròng của tỉ phú này.

Với nguồn của cải to lớn cùng tài thao lược của mình, ông Potanin đã vượt qua các cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 và 2008, ông cũng thích ứng được với thực tại mới khi ông Vladimir Putin lên nắm quyền.

Những tỉ phú nổi bật

Những gương mặt tỉ phú nổi bật khác là ông Zygmunt Solorz, người giàu nhất Ba Lan với tài sản ròng 2,7 tỉ USD; hai vợ chồng ông bà Timur Kulibayev và Dinara Kulibayeva của Kazakhstan với khối tài sản 5 tỉ USD; tỉ phú Arkady Rotenberg (Nga) với tài sản 2,1 tỉ USD; tỉ phú Lorinc Meszaros (Hungary) với tài sản 1,5 tỉ USD; tỉ phú Oleg Deripaska (Nga) với tài sản 3,4 tỉ USD.

Tỉ phú Andrey Melnichenko (Nga) với tài sản 15,2 tỉ USD, 1 trong 10 người giàu nhất nước Nga, vì quá trẻ nên "không kịp" hưởng lợi trong quá trình tư nhân hóa song lại tích lũy tài sản từ những biến động kinh tế ở giai đoạn sau này.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự trỗi dậy của các tỉ phú Đông Âu kiểm soát những khối tài sản khổng lồ