Thế giới thay đổi ra sao trước đại dịch Covid-19?

18/03/2020 18:00

Tốc độ lây lan chóng mặt của dịch Covid-19 trên toàn cầu đã tác động vô cùng tiêu cực tới nhiều khía cạnh của nền kinh tế thế giới.

Các nhân viên khử trùng sau khi làm việc ở một khu vực tại Washington, Mỹ. Ảnh: AFP

Kinh tế toàn cầu trước nguy cơ suy thoái

Các nền kinh tế thế giới ngày càng có nhiều khả năng rơi vào suy thoái khi hoạt động thương mại bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo tờ Wall Street Journal, thị trường tài chính toàn cầu đã trở nên hỗn loạn bất chấp những biện pháp của các ngân hàng trung ương nhằm giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy nền kinh tế.

Ông Victor Constancio, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định: “Chúng ta đang bước vào suy thoái toàn cầu. Các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã khiến điều này không thể tránh khỏi”.

Trong khi đó, nhà kinh tế Michael Feroli của Ngân hàng JPMorgan Chase cũng cho rằng riêng tại nước Mỹ, nguy cơ suy thoái ngày càng gia tăng. Nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm 2020, qua đó chấm dứt thời kỳ tăng trưởng kéo dài nhất trong lịch sử từ năm 2009.

Trong khi đó, Viện Tài chính quốc tế (IIF) dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 1% trong năm nay, tỷ lệ thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều quốc gia trên thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Sẽ phải mất vài tháng thì sự suy thoái mới được thể hiện qua các dữ liệu kinh tế, từ các đơn mới xin trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho đến các dữ liệu về chi tiêu và đầu tư.

Đối mặt với "cú sốc" kinh tế nhiều khả năng sẽ còn nặng nề hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nhà lãnh đạo châu Âu đang buộc phải gấp rút thực hiện một loạt biện pháp tài khóa mạnh tay và đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp và các gia đình trước sự tàn phá của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo đánh giá của tờ Financial Times, đến thời điểm này, những đề xuất của chính phủ các nước và của cả Liên minh châu Âu (EU) nhằm đối phó với tác động kinh tế của dịch bệnh chưa cho thấy quy mô và mức độ phối hợp chặt chẽ.

Hiện tại chính phủ các nước mới chỉ tập trung vào nhóm biện pháp giãn thuế, lùi thời hạn đóng bảo hiểm xã hội, bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ trả lương cho những người lao động phải nghỉ làm hoặc chuyển sang làm bán thời gian.

Ủy ban châu Âu có kế hoạch huy động 37 tỷ euro trong các chương trình chi tiêu khu vực của mình để đối phó với tác động của dịch bệnh. Cơ quan này cũng thông báo với các nước rằng EU sẽ được "linh hoạt hoàn toàn" trong các quy định về tài khóa nhằm cho phép họ tăng chi tiêu ngân sách. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế vẫn lo ngại về hậu quả của những gói chi tiêu lớn đối với những quốc gia vẫn còn nhiều khoản nợ quá lớn như Hy Lạp và Italy.

Trong khi đó, kinh tế châu Á đang tiệm cận suy thoái vì Covid-19 trong bối cảnh bốn nền kinh tế lớn nhất khu vực châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc rơi vào tình trạng lao đao vì dịch bệnh.

Theo giới chuyên môn, châu Á đang đối phó với dịch Covid-19 từ một vị thế yếu. Các nền kinh tế mở và linh hoạt như Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan… đều đang phải đối mặt với sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng. Trong khi đó, Indonesia, Thái Lan và Philippines đang chứng kiến sự suy giảm của khách du lịch nước ngoài và dòng tiền kiều hối.

Điều này cũng đồng nghĩa châu Á có thể sẽ có một năm đầy hiểm nguy hơn so với thời điểm 2008. Châu Á đang tiến đến suy thoái trong những tháng tới.

Sự bùng phát của dịch Covid-19 đang gây ra sự sụt giảm đột ngột nguồn nhân lực, nhu cầu, và sự di chuyển của lao động và hàng hóa. Gói kích thích mới sẽ không có tác dụng mạnh nếu không đủ lớn và không có sự hợp tác của các nước láng giềng.

Nhật Bản, Hàn Quốc và các đầu tàu kinh tế khác sẽ phải hành động táo bạo và chủ động để bảo vệ nền kinh tế. Các chính trị gia, với hàng loạt các chính sách tài khóa, cần phải dẫn dắt ngân hàng trung ương. Các nhà cải cách cần phải thực hiện những thay đổi mang tính cơ cấu để tăng sức cạnh tranh và sự sáng tạo.

Giám đốc Phòng Phân tích chiến lược của FBK Capital, ông Igor Nikolaev cho rằng việc so sánh tình hình hiện tại với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là hợp lý.

Ông Nikolaev dự báo thế giới sẽ sớm phải đối mặt với suy thoái kinh tế và nó sẽ không qua đi nhanh chóng. Bối cảnh của cuộc khủng hoảng này là không chắc chắn và ông cho rằng tình hình có thể nghiêm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng năm 2008-2009.

Chuyên gia này cho rằng ngay cả với kịch bản lạc quan nhất, khi vắcxin chống Covid-19 được nhanh chóng tìm ra và dịch Covid-19 giảm bớt, người dân cũng sẽ không muốn tới Italy hay Trung Quốc và tình hình sẽ không sớm trở lại bình thường. Ông Nikolaev không loại trừ rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 kéo dài đến cuối năm 2020 và thậm chí có thể kéo đến giữa năm 2021.

Khủng hoảng chưa từng có trên thị trường hàng không

Theo các chuyên gia kinh tế, đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế thế giới, không khó hiểu khi ngành công nghiệp hàng không là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng hàng không British Airways (Anh) Alex Cruz đã nhắc đến “một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có”. Theo ông, hầu hết các hãng hàng không sẽ có thể cầm cự trong một hoặc hai quý. Tuy nhiên nếu lâu hơn, tương lai ngành du lịch hàng không có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Thực tế cho thấy giá cổ phiếu của các hãng vận tải châu Âu và Mỹ đã giảm mạnh, trong khi doanh thu “rơi tự do” giữa bối cảnh người dân hạn chế đi lại vì sợ lây nhiễm trong không gian kín.

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) mới đây ước tính doanh thu ngành hàng không trên toàn thế giới có thể để mất tới 113 tỷ USD trong năm 2020, tương đương 1/5 mức tổng doanh thu của năm ngoái và cao gấp bốn lần so với con số mà IATA đưa ra vào tháng 2 năm nay, khi Covid-19 vẫn được cho là một vấn đề của riêng Trung Quốc chứ không phải toàn cầu.

Tuy nhiên, kể từ khi IATA tiến hành điều chỉnh các chỉ số, mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn. Các tuyến đường bay xuyên Đại Tây Dương đã mang về cho các hãng hàng không khoảng 20 tỷ USD doanh thu vào năm ngoái, nay nằm trong danh sách phong tỏa các chặng bay nối châu Âu và Mỹ trong vòng 30 ngày của Mỹ.

Hãng hàng không Mỹ Delta Air Lines cho biết có thể phải cắt giảm tới 40% lịch trình bay quốc tế. Vào thời điểm trước khi lệnh cấm được đưa ra, con số này chỉ là 25%.

Trong khi đó Lufthansa, hãng hàng không lớn nhất châu Âu, cũng điều chỉnh giảm đến 50% số chuyến bay trong tháng 4.2020. Thậm chí, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang áp đặt các hạn chế đi lại, hãng hàng không Đức có thể sẽ phải cắt giảm tới 90% lịch trình.

Tồi tệ hơn, những hãng hàng không nhỏ phục vụ các thị trường nội địa có thể sẽ phải đóng cửa hoàn toàn.

Trong khi đó, các hãng hàng không châu Á cũng vẫn "quay cuồng". Hãng Cathay Pacific của Hong Kong (Trung Quốc) đã cắt giảm 65% công suất trong giai đoạn tháng 3-4.2020 và dự đoán sẽ tiếp tục cắt giảm nhiều hơn vào tháng 5.2020, còn Korean Air (Hàn Quốc) đã giảm đến 80% lịch trình.

Tuy nhiên, ngành hàng không toàn cầu vẫn kỳ vọng vào một sự phục hồi giống như những kịch bản tương tự đã từng xảy ra trước đó, như vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong các năm 2007-2009. Tại những sự kiện này, sau một vài tháng xáo trộn, mô hình du lịch đã trở lại bình thường và tăng trưởng trở lại. Các chuyên gia kinh tế lại cho rằng không phải mọi hãng hàng không đều sẽ sống sót sau đại dịch.

Viễn cảnh nhu cầu dầu mỏ thế giới giảm kỷ lục

Theo các chuyên gia phân tích, nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu hiện đang hướng đến sự sụt giảm lớn nhất tính theo năm, giữa bối cảnh nhiều quốc gia thực hiện “bế quan tỏa cảng” và áp đặt lệnh cấm du lịch để chống lại sự lây lan của Covid-19. Dự đoán nhu cầu dầu có thể giảm tới 10% nếu đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, tương đương mức 10 triệu thùng/ngày, trong giai đoạn quý II.2020 và thậm chí có thể tiếp tục giảm sâu hơn nữa.

Giới chuyên môn cho rằng quy mô bùng phát của dịch bệnh cùng những tác động dây chuyền đối với lĩnh vực hàng không có thể khiến nhu cầu dầu giảm xuống mức thấp hơn nhiều so với thời kỳ khủng hoảng tài chính.

Saad Rahim, chuyên gia kinh tế trưởng tại toàn đoàn kinh doanh dầu mỏ khổng lồ Trafigura, cho biết: “Chúng tôi chưa từng thấy tình trạng nhu cầu tiêu thụ dầu (xuống thấp) như mức này trong lịch sử. Trong thời gian tới, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn mỗi ngày”.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại Goldman Sachs đưa ra dự báo thận trọng hơn, với ước tính rằng nhu cầu sẽ giảm hơn 4 triệu thùng mỗi ngày trong giai đoạn tháng 2-4.2020.

Tuy nhiên, thậm chí mức giảm lạc quan này vẫn vượt xa mức giảm gần 1 triệu thùng mỗi ngày được ghi nhận trong cuộc suy thoái toàn cầu năm 2009 và vượt qua mức giảm 2,65 triệu thùng/ngày được ghi nhận vào năm 1980, khi nền kinh tế thế giới sụp đổ sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ hai.

Nhu cầu dầu mỏ giảm bởi trên thực tế, các hãng hàng không đã buộc phải hủy hàng chục ngàn chuyến bay khi ngày càng nhiều quốc gia thực hiện các lệnh cấm đi lại nghiêm ngặt. Trong khi đó, nhu cầu nhiên liệu trong nước cũng chịu áp lực khi các doanh nghiệp khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà và người tiêu dùng hạn chế đi đến nhà hàng cùng các cửa hàng giải trí khác. Ngoài ra, những bất ổn trên các thị trường chứng khoán và hoạt động kinh tế giảm đã làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế giới thay đổi ra sao trước đại dịch Covid-19?