Thỏa thuận Brexit mới còn phải vượt "cửa ải" Quốc hội Anh

18/10/2019 19:33

Hiện mọi con mắt đều đổ dồn về London để xem liệu Thủ tướng Anh có giành được đủ sự ủng hộ để thông qua thỏa thuận Brexit tại Quốc hội hay không.


Toàn cảnh một phiên họp Hạ viện Anh ở thủ đô London

Vào thời điểm then chốt, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận mới về việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit. Dẫu bước đầu vượt qua khó khăn song mọi con mắt đều đổ dồn về London để xem liệu Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đã cam kết đưa Anh ra khỏi EU trước cuối tháng này, có giành được đủ sự ủng hộ để thông qua thỏa thuận này tại Quốc hội hay không.

Kế hoạch Brexit mới

Ngày 2.10 vừa qua, Anh đã gửi tới EU kế hoạch "ra đi" mới. Kế hoạch đặt trọng tâm vào vấn đề đường biên giới giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland, bài toán hóc búa ngay từ những ngày đầu tiến trình đàm phán Brexit khởi động tháng 3.2017. Và mục địch chính của thỏa thuận là làm sao để nước Anh rời khỏi thị trường chung châu Âu, độc lập về hải quan và thuế quan với phần còn lại của EU mà vẫn đảm bảo không có một điểm kiểm soát biên giới nào giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland như đã nêu trong hiệp ước "Ngày thứ sáu tốt lành".

Trong thỏa thuận Brexit cuối năm 2018, giải pháp tháo gỡ vấn đề này là điều khoản "chốt chặn" để Anh tuân thủ các quy định thuế quan của EU thời hậu Brexit cho tới khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại. Những người ủng hộ Brexit lập tức phản đối giải pháp mà họ cho là "sự ra đi nửa vời" và kết quả là thỏa thuận trên 3 lần bị Hạ viện Anh bác bỏ, Brexit bị trì hoãn 2 lần và cựu Thủ tướng Theresa May tuyên bố từ chức.

Kế nhiệm bà May với cam kết thực hiện Brexit bằng mọi giá vào ngày 31-10 tới, Thủ tướng Johnson ngay từ đầu đã kêu gọi loại bỏ giải pháp này kể cả khi EU luôn bảo vệ đây là giải pháp "duy nhất" và chỉ xem xét khi Anh đưa ra đề nghị phương án thay thế hiệu quả, đảm bảo mọi mục tiêu của điều khoản kể trên. Ông Johnson đã tung ra "nước cờ quyết định" là một kế hoạch mới với những nội dung được đánh giá là táo bạo hơn những gì từng được dự báo.

Đề xuất mới bao gồm những điểm chính như thiết lập vùng quản lý chung cho toàn bộ đảo Ireland, với tất cả các loại hàng hóa kể cả nông sản, đồng nghĩa với việc Bắc Ireland sẽ tuân thủ các quy định hàng hóa của EU để đảm bảo hai miền trên đảo Ireland được áp dụng quy định chung, giúp loại bỏ việc kiểm tra hàng hóa thông thương qua biên giới. Như vậy, một số ngành kinh tế của Bắc Ireland sẽ chịu sự quản lý của những điều luật mà chính quyền hay cơ quan lập pháp vùng này không có quyền tác động. Do đó, kế hoạch của Thủ tướng Johnson đề xuất cơ quan lập pháp và chính quyền Bắc Ireland nên có cơ hội được xem xét và thông qua những dàn xếp trên trước khi chính thức có hiệu lực, trong giai đoạn chuyển tiếp (kết thúc vào tháng 12-2020), cũng như xem xét gia hạn theo chu kỳ 4 năm một lần, nếu không mọi dàn xếp đều thất bại.

Về cơ bản, dàn xếp này cho phép toàn bộ Vương quốc liên hiệp Anh rời Liên minh thuế quan EU vào cuối giai đoạn chuyển tiếp và cho Anh quyền tự quyết các chính sách thương mại trong tương lai, một nội dung "rất được lòng" phe ủng hộ Brexit. Tuy nhiên, nội dung kế hoạch lại chưa nêu cơ chế thực hiện cụ thể và có thể áp dụng ngay.

Cũng theo kế hoạch, hai bên đều phải cam kết không kiểm tra tại biên giới. Phía Anh khẳng định sẽ không bao giờ dựng các điểm kiểm soát hiện hữu tại biên giới trên đất liền duy nhất với EU. Tất cả các quy trình hải quan để đảm bảo tuân thủ cơ chế hải quan của EU và Anh sẽ được thực hiện trên nguyên tắc "phi tập trung", trong đó các loại giấy tờ được thực hiện với sự hỗ trợ của các hệ thống điện tử khi hàng hóa lưu thông giữa Anh và CH Ireland. Một số hoạt động kiểm tra thực chất sẽ được thực hiện ngay tại cơ sở của các nhà giao dịch thương mại và những địa điểm khác trong chuỗi cung ứng. Đây được cho là phần nội dung nhằm xoa dịu lo ngại của CH Ireland về sự hình thành biên giới cứng với Anh.

Đạt thỏa thuận với EU

Trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời EU vào ngày 31-10 tới, Hội nghị thượng đỉnh EU trong hai ngày 17 và 18.10 được coi là một trong những cơ hội cuối cùng để hai bên thông qua một thỏa thuận giúp đảm bảo khung thời gian kể trên.

Và kế hoạch Brexit mới đã trở nên khả thi khi chiều 17-10, Thủ tướng Anh Johnson xác nhận nước này và EU đã đạt được một "thỏa thuận mới tuyệt vời" về Brexit. Thủ tướng Johnson đã hoan nghênh thỏa thuận Brexit mới và cho biết điều này có nghĩa nước Anh có thể rời khỏi EU với tư cách "Vương quốc Liên hiệp Anh, gồm các vùng Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland cùng với nhau". Chủ tịch Hạ viện Anh Jacob Rees-Mogg cũng cho rằng Anh đã đạt được một thỏa thuận tốt đẹp với EU, đảm bảo toàn bộ Vương quốc Anh là một liên minh hải quan.

Cùng ngày, lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã nhất trí thông qua thỏa thuận Brexit mới với chính phủ Thủ tướng Anh Johnson. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Clauder Juncker đã bày tỏ vui mừng và thanh thản khi EU và Anh đã đạt được một thỏa thuận, song vẫn luyến tiếc vì Brexit vẫn sẽ diễn ra. Ông Juncker nhấn mạnh thỏa thuận này đảm bảo hòa bình và ổn định của đảo Ireland.

Trưởng phái đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cũng đã hoan nghênh thỏa thuận đạt được vào phút chót giữa Thủ tướng Anh Johnson và EU tại hội nghị thượng đỉnh EU, cho đây là sự thỏa hiệp hợp lý mà sẽ bảo vệ các lợi ích của châu Âu. Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn cần thận trọng bởi thỏa thuận Brexit mới cần phải được các nghị sĩ Quốc hội Anh phê chuẩn.

Chung quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã phát biểu về thỏa thuận Brexit mới mà Anh và EU đạt được rằng: "Một thỏa thuận luôn tốt hơn là không có thỏa thuận". Theo ông Tusk, hiện chỉ còn "chờ đợi những lá phiếu tại Hạ viện Anh". Ông Tusk nhấn mạnh rằng về mặt tình cảm, ông luôn giành cho những người Anh muốn ở lại trong EU và nếu như một ngày nào đó, nước Anh muốn gia nhập trở lại thì cánh cửa luôn rộng mở.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh thỏa thuận mới đạt được giữa EU và London, cho rằng thỏa thuận này có khả năng được các nghị sĩ theo tư tưởng hoài nghi của Anh chấp thuận.

Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Anh và EU cần ký kết một thỏa thuận thương mại tự do càng sớm càng tốt sau Brexit. Thủ tướng Merkel cũng khẳng định rằng các nhà lãnh đạo EU sẽ không can thiệp hay tác động vào cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh vào ngày 19-10 tới, đồng thời nhấn mạnh cần phải đặt niềm tin vào quyết định "sáng suốt" của Quốc hội Anh.

“Cửa ải” Quốc hội Anh

Thỏa thuận vừa đạt được giữa Anh và EU cho phép một tiến trình Brexit có trật tự và thời gian chuyển tiếp đến cuối năm 2020. Thỏa thuận này cũng phá vỡ bế tắc vốn làm tê liệt chính trường Anh suốt từ khi nước này tiến hành cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 để rời khỏi EU. Tuy nhiên, thỏa thuận Brexit mới vẫn cần phải được các nhà lập pháp Anh bỏ phiếu thông qua trong phiên họp quốc hội bất thường vào ngày 19-10 tới. Như vậy, "quả bóng Brexit đang ở trên sân của nước Anh" và Thủ tướng Johnson cho biết ông sẽ nỗ lực hết mình để đảm bảo thỏa thuận Brexit mới này nhận được đa số phiếu ủng hộ. Thủ tướng Anh Johnson đã hối thúc các nghị sĩ Anh thông qua thỏa thuận Brexit mới vừa đạt được với EU để nước Anh có thể chuyển sang những ưu tiên khác như vấn đề chi phí sinh hoạt, dịch vụ y tế quốc gia, tội phạm bạo lực và môi trường. Thủ tướng Johnson bày tỏ tin tưởng khi các nghị sĩ Anh đọc thỏa thuận Brexit mới này họ sẽ bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện vào ngày 19-10. Ông cũng kêu gọi các nghị sĩ thuộc đảng DUP, đồng minh của Chính phủ Anh tại vùng Bắc Ireland, cân nhắc lại quyết định phản đối thỏa thuận Brexit, cho rằng "khi các nghị sĩ thuộc các đảng phái chính trị khác nhau đọc nội dung thỏa thuận này sẽ thấy được giá trị của việc ủng hộ thỏa thuận này, hãy để cho Brexit được hoàn tất và tôn trọng ý nguyện của người dân".

Tuy nhiên, đảng DUP lập tức khẳng định quan điểm của đảng này về Brexit không thay đổi và DUP không thể ủng hộ thỏa thuận do Thủ tướng Johnson và EU đề xuất vì không giải quyết thỏa đáng vấn đề liên minh hải quan, vai trò của nghị viện Scotland trước EU và vấn đề thuế giá trị gia tăng áp dụng tại Bắc Ireland chưa đủ rõ ràng.

Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cũng tuyên bố sẽ bác thỏa thuận Brexit mới giữa Anh và EU tại Hạ viện vì không đáp ứng được mong đợi của đảng này. Ông khẳng định cách tốt nhất để giải quyết vấn đề Brexit là trao cho người dân tiếng nói cuối cùng trong một cuộc trưng cầu ý dân công khai. Cũng theo lãnh đạo Công đảng Anh, dường như Thủ tướng Johnson đã thương lượng một thỏa thuận thậm chí còn tồi tệ hơn thỏa thuận mà người tiền nhiệm May đã đàm phán. Ông cảnh báo những đề xuất mới của Thủ tướng Johnson có thể gây rủi ro đối với an toàn thực phẩm, cũng như nguy cơ hệ thống chăm sóc y tế công và miễn phí mà nước này ấp ủ rơi vào tay các tập đoàn tư nhân của Mỹ.

Thỏa thuận Brexit mới của Thủ tướng Johnson cũng vấp phải sự phản đối của đảng Dân chủ Tự do đối lập. Theo lãnh đạo đảng này Jo Swinson, thỏa thuận mới sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực như kinh tế, dịch vụ công cộng và môi trường ở Anh.

Trong khi đó, lãnh đạo đảng Dân tộc Scotland (SNP) Nicola Sturgeon tuyên bố sẽ không bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận Brexit mới của Thủ tướng Johnson tại Quốc hội bởi thỏa thuận này khiến việc đưa Anh rời khỏi EU trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Bà Sturgeon nêu rõ những đề xuất mới của ông Johnson cho thấy một mối quan hệ lỏng lẻo hơn với EU khi nói tới những vấn đề như tiêu chuẩn thực phẩm, bảo vệ môi trường và các quyền của người lao động.

Có một thực tế là Thủ tướng Anh Johnson luôn khẳng định quốc gia này sẽ rời EU vào cuối tháng 10 này dù có hay không có thỏa thuận trong khi Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị cũng tái khẳng định quan điểm này. Dù cuối cùng sau những bất đồng xen lẫn quan ngại, EU vẫn thông qua thỏa thuận Brexit mới do nhà lãnh đạo Anh Johnson đề xuất. Tuy nhiên, nếu Hạ viện Anh không thông qua thỏa thuận Brexit mới, tiến trình Brexit của Anh vẫn sẽ chưa rõ ràng.

Hiện vẫn chưa rõ ông Johnson sẽ đưa nước Anh ra khỏi EU như thế nào khi mà cuộc bỏ phiếu sắp tới tại Hạ viện Anh được dự báo sẽ gặp không ít chông gai do vấp phải sự phản đối quyết liệt của các đảng đối lập. Song, nếu xét khoảng thời gian hơn 2 tháng lên cầm quyền với đầy sóng gió và những thất bại liên tiếp tại Hạ viện về kế hoạch Brexit trước đó, cho tới lúc này nhà lãnh đạo Anh Johnson chưa một lần tỏ ra nao núng trong vấn đề thúc đẩy kế hoạch Brexit của mình. Nhìn chuyển biến tại EU từ lúc kiên quyết từ chối đàm phán lại thỏa thuận đã ký, tới khi liên tục chỉ trích Anh chưa đưa ra đề xuất nào khả quan và hiện nay đã chấp nhận kế hoạch Brexit mới của Thủ tướng Johnson, thì dư luận vẫn còn hy vọng tiến trình Brexit sẽ diễn ra suôn sẻ.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thỏa thuận Brexit mới còn phải vượt "cửa ải" Quốc hội Anh