Triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu

17/10/2019 09:52

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố báo báo Triển vọng Kinh tế thế giới trong năm 2019.


Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang đẩy kinh tế toàn cầu đối mặt với suy thoái

Theo đó tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 xuống mức 3% (thấp hơn 0,2% so với dự báo đưa ra hồi tháng 7) và mức 3,4% cho năm 2020 (thấp hơn 0,1% so với dự báo đưa ra hồi tháng 7).

Có thể thấy rõ, tình trạng các nền kinh tế trên thế giới hiện đang phải “sống chung” với những rào cản thương mại, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, hay hệ lụy từ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU)… đã khiến các chuyên gia quan ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy giảm mạnh.

IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu

Theo báo cáo vừa được IMF công bố ngày 15-10-2019, kinh tế thế giới đang phát triển với nhịp độ yếu nhất kể từ thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, trong khi các xung đột thương mại gia tăng làm giảm lòng tin của giới đầu tư và kinh doanh.

IMF cảnh báo, kinh tế toàn cầu đang đồng thời trải qua giai đoạn vừa giảm tốc vừa phục hồi không chắc chắn. Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath khẳng định triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh.

Cũng trong báo cáo trên, IMF cũng hạ triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong năm 2019 xuống còn 2,4%. Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng nền kinh tế số 1 thế giới vẫn là điểm sáng trên vũ đài kinh tế toàn cầu.

Mặc dù những căng thẳng thương mại đang tác động đến tăng trưởng, song IMF dự báo mức tăng 2,4% đối với kinh tế Mỹ trong năm 2019 và 2,1% trong năm 2020, vẫn là cao hơn xu thế chung.

Nhà kinh tế Gita Gopinath cho rằng: "Đối với Mỹ, những bất ổn liên quan đến thương mại đã tác động tiêu cực đến đầu tư, nhưng tình hình việc làm và tiêu dùng tiếp tục gia tăng mạnh".

Không nằm ngoài xu thế chung, IMF cũng đã giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, cho rằng cuộc chiến thương mại với Mỹ và nhu cầu trong nước yếu là những tác nhân gây tổn thất cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Thay vì mức 6,2% đưa ra trước đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2019 xuống còn 6,1%.

Cũng xuất phát từ những yếu tố như cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung, và kinh tế Trung Quốc chậm lại, khiến IMF hạ dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn khác tại châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ.

Ngoài ra, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong bối cảnh kinh tế Đức chậm lại.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm 2019 được dự báo ở mức 1,2%, thấp hơn 0,1% so với dự báo trước đó và năm 2020 là 1,4%, giảm 0,2%. Đức - nền kinh tế đầu tàu của Eurozone - cũng bị điều chỉnh giảm xuống còn 0,5% trong năm 2019 và 1,2% trong năm 2020.

Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) được xem là yếu tố gây ra sự sụt giảm của khu vực. Riêng với Anh, mặc dù không nằm trong Eurozone, những biến động liên quan đến Brexit cũng khiến triển vọng kinh tế bị tác động.

IMF dự báo "xứ sở sương mù" chỉ đạt mức tăng trưởng 1,2% trong năm nay và 1,4% trong năm 2020…

Triển vọng ảm đạm

Có thể thấy rõ, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong hơn 1 năm qua đã đem đến những tác động tiêu cực, không chỉ cho nền kinh tế của hai nước mà còn đối với nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã khiến các thị trường tài chính toàn cầu nhiều phen hỗn loạn trong khi nền kinh tế thế giới cũng chao đảo.

Ðã qua hơn 1 năm đàm phán nhưng chưa ngã ngũ, Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại kéo dài. Hai bên đã tăng thuế đối với hàng trăm tỷ USD giá trị hàng hóa của nhau, làm xáo trộn thị trường tài chính và đe dọa tăng trưởng toàn cầu.

Mặc dù tại vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc mới nhất vừa diễn ra tại Washington (Mỹ) ngày 10 và 11.10 đã có một số kết quả tích cực, song phần lớn các chuyên gia phân tích vẫn nhận định khả năng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này sớm đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện cũng là rất khó.

Đối với nước Mỹ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhu cầu của các nước đối với hàng hóa từ Mỹ cũng sẽ giảm mạnh, đồng nghĩa với việc các nhà máy ở Mỹ bán được ít ô tô, linh kiện và thiết bị hơn.

Ngành chế tạo cũng sản xuất ít hơn, trong khi hoạt động bán lẻ và bán buôn cũng trở nên trầm lắng. Nguồn thu từ du lịch, chủ yếu là các du khách và sinh viên nước ngoài, cũng có thể giảm sút.

Viện Quản lý cung ứng Mỹ (ISM) mới đây cho biết, hoạt động sản xuất của Mỹ đang co hẹp ở mức tồi tệ nhất kể từ tháng 6-2009. Thông tin này đã lập tức tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Mỹ với hàng loạt chỉ số giảm điểm.

Với châu Âu, các số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) mới đây vừa công bố cũng cho thấy “sức khỏe” của các nền kinh tế châu Âu đang giảm sút. Theo đó, tỷ lệ lạm phát tại Khu vực đồng euro (Eurozone) đã rơi xuống mức dưới 1% trong tháng 9 vừa qua.

Theo Eurostat, giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng 9 chỉ tăng 0,9% so với mức 1% của tháng trước đó. Ðây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 11-2016 và cách xa mức mục tiêu "ngay dưới 2%" mà ECB đề ra.

Ngoài Mỹ và EU, "sức khỏe" của nhiều nền kinh tế quan trọng khác cũng ở mức đáng lo ngại. Căng thẳng thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong những tháng gần đây cũng đang đặt hai nền kinh tế hàng đầu châu Á này trước tương lai u ám.

Văn phòng Nội các Nhật Bản mới đây nhận định sự yếu kém vẫn tồn tại trong hoạt động xuất khẩu của nước này.

Thực tế, xuất khẩu của Nhật Bản sang các nước châu Á đã bị trì trệ trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm lại cùng với nhu cầu về các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh giảm sút.

Trong khi đó, hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P cũng vừa cảnh báo, kinh tế Hàn Quốc có thể tăng trưởng chậm hơn nữa nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như căng thẳng thương mại Hàn Quốc-Nhật Bản gia tăng.

Trong tháng 9 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm 11,7% xuống còn 44,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018 và đây là tháng thứ 10 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của nước này giảm sút.

Bên cạnh đó, tiến trình Brexit vẫn đang bế tắc cũng là yếu tố khiến tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế trên toàn cầu bị ảnh hưởng theo. Hiện nay, triển vọng về Brexit có thỏa thuận vẫn là một ẩn số khó đoán và nhiều khả năng nước Anh sẽ rời EU vào ngày 31.10 tới mà không có thỏa thuận nào.

Brexit không thỏa thuận sẽ tạo ra rào cản mới tại biên giới Anh-EU khi cả hai bên đều phải đánh thuế và kiểm tra hàng hóa theo luật, trong khi hoạt động giao thương trong một số lĩnh vực có thể bị ngừng lại hoặc bị cản trở.

Sự kết hợp của những yếu tố như đồng Bảng Anh mất giá, những rủi ro xung quanh các mối quan hệ kinh tế tương lai làm suy yếu đầu tư kinh doanh và tiêu dùng cũng có thể khiến nhu cầu nhập khẩu của Anh giảm. Điều này sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp tới các nền kinh tế sản xuất lớn nhất trong Eurozone…

Vì thế, các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh nhiều yếu tố đang che lấp triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu nêu trên, việc cần làm ngay của chính phủ các nước và cộng đồng quốc tế lúc này là giải quyết những bất đồng và mâu thuẫn thương mại, cũng như hợp tác để cải cách WTO.

Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc leo thang hiện nay là một xu hướng hoàn toàn trái ngược với xu thế ủng hộ tự do thương mại đã tồn tại ở Mỹ suốt 75 năm qua.

Vì vậy, các bên cần chuẩn bị cho một tương lai đối mặt với những mức thuế cao hơn và nhiều rào cản phi thuế quan hơn những gì từng diễn ra trong lịch sử.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu