Trò chơi chính trị từ dầu mỏ

23/05/2020 23:10

Đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan nhanh ra khắp các châu lục, “xóa sổ” gần 1/3 nhu cầu tiêu thụ dầu của toàn cầu đúng vào thời điểm ngành dầu mỏ thế giới đang chìm trong cuộc khủng hoảng của chính mình.


Nhà máy chế biến dầu Abqaiq của Saudi Arabia

Khi đại dịch qua đi, nền kinh tế thế giới có còn cần dầu mỏ như xưa hay sẽ chuyển đổi sang nguồn năng lượng khác để thay thế nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống?

Những toan tính của bộ ba Nga – Mỹ - Saudi Arabia

Ngay trong những ngày đại dịch Covid-19 “tung hoành” trên khắp thế giới, buộc các quốc gia phải thực thi các biện pháp cứng rắn từ đóng cửa biên giới, thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch. Nền kinh tế thế giới rơi vào trạng thái “chết lâm sàng” khiến cho dầu thô-một nguyên liệu hóa thạch được gọi là vàng đen, nguồn nhiên liệu nuôi sống nền kinh tế thế giới xuống giá một cách thê thảm, điều chưa từng có trong gần 200 năm tồn tại của ngành dầu mỏ thế giới. Giá dầu không những giảm xuống bằng 0 theo nghĩa đen, mà đã xuống mức âm, điều này có nghĩa là nhà sản xuất dầu mỏ vốn luôn nắm giữ nền kinh tế toàn cầu “làm con tin” nay bất ngờ phải trả tiền để khách hàng mang dầu mỏ đi, trong một khoảng thời gian ngắn, dầu mỏ không những “vô giá trị” mà còn bị cho là “món nợ”của các nhà sản xuất.

Rất may thời gian giá dầu xuống “tận đáy” không kéo dài (đến ngày 18.5 vừa qua từ dầu Brend đến dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) trên thị trường châu Á đều tăng 3,7-4,3% tương đương 33,59 USD/thùng và 30,69 USD/thùng).

Ngoài tác động bất ngờ của dịch Covid-19 khiến sản xuất của thế giới đình trệ, giá dầu thô trên thị trường thế giới rơi vào trạng thái bấp bênh từ cuối năm 2019. Nguyên nhân chính được cho là kết quả của trò chơi địa chính trị và kinh tế của 3 ông lớn dầu mỏ là Nga, Mỹ và Saudi Arabia. Vậy tác nhân nào đã đẩy 3 ông lớn dầu mỏ vào cuộc chơi đầy rủi ro mà kết cục không bên nào thắng.

Trước hết từ tính toán của Saudi Arabia: Lịch sử hiện đại cho thấy các vương triều Saudi Arabia đều coi Mỹ là đồng minh thân cận nhất, là chỗ dựa tin cậy nhất để bảo đảm sự an toàn của chế độ. Những năm gần đây khi thái tử Mohammed bin Salman tham gia cùng điều hành chính quyền với vua cha, thái tử đã rút ra kết luận rằng Saudi Arabia khó có thể dựa vào một nước Mỹ mà cần phải tính toán lại chiến lược và chính sách của mình để giữ vững vị thế của cường quốc khu vực trước sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt của cộng hòa hồi giáo Iran cùng theo đạo hồi nhưng khác hệ phái với Saudi Arabia. Do đó thái tử Mohammed bin Salman đã bắt tay vào trò chơi địa chính trị của riêng mình bằng cách phối hợp chính sách giá dầu với Nga nhắm tới ba mục tiêu.

Thứ nhất, thái tử Mohammed bin Salman hy vọng đưa Nga vào lợi ích của Saudi Arabia giống với cuộc chơi mà nước này đang theo đuổi với Iran là trục Thổ Nhĩ Kỳ - Qatar ở Syria. Thứ hai, mục tiêu này là chính bởi Saudi Arabia muốn sự hiện diện của Iran tại Syria phải được kiềm chế, để làm được điều này chỉ có Nga mới có thể giúp được. Khi giá dầu xuống thấp Iran sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất khiến kinh tế rơi vào khó khăn buộc nước này phải giảm sự tham gia của quân đội vào Syria, Iraq, Yemen. Thứ ba, buộc Mỹ một lần nữa phải phụ thuộc vào dầu mỏ của Saudi Arabia nên hợp tác với Nga để hạ giá dầu rồi “phá hoại” ngành đá phiến của Mỹ là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu này. Và vì mục tiêu chiến lược của quốc gia sẽ sẵn sàng bỏ quên luôn cả Nga và Mỹ để tìm đối tác khác đang trỗi dậy từ châu Á.

Đối với Nga: Những đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ kể từ năm 2014 đến nay đã gây cho Nga không ít khó khăn. Tìm cách đáp trả các đòn trừng phạt của Mỹ luôn được Nga quan tâm. Thời điểm đó đã đến khi mà Mỹ gia tăng sản lượng dầu đá phiến đã từng bước chiếm thị phần gây thiệt hại không nhỏ không chỉ của Nga mà của cả Saudi Arabia (Mỹ đã tăng thị phần từ 7% lên 14% trong vòng 10 năm qua). Vì thế Nga đã từ chối cắt giảm sản lượng tại hội nghị OPEC+ hôm 6.3 vừa qua.

Ông Igor Setchine, Chủ tịch Tập đoàn dầu mỏ Rosneft (Nga) muốn phân bố lại bản đồ dầu mỏ thế giới bằng cách duy trì sản lượng khai thác để giảm giá dầu nhằm giành lại thị phần đã bị Mỹ lấy mất. Quan điểm của Nga rất rõ ràng là “chúng ta sẽ làm cho họ thấy”, từ “chúng ta” tức là Nga và “họ” chính là các công ty dầu đá phiến Mỹ. Sau khi giá dầu xuống đáy, phía Nga đồng tính cắt giảm sản lượng tới 10 triệu thùng/ngày (bao gồm cả các nước trong tổ chức OPEC và những nước ngoài OPEC tức OPEC+), tình huống bất ngờ này xuất hiện bởi đại dịch Covid – 19 khiến kinh tế thế giới suy thoái, đương nhiên Nga cũng chịu thiệt hại khá lớn nhưng mục tiêu nhằm vào các công ty dầu đá phiến của Mỹ cơ bản đã đạt yêu cầu.

Đối với Mỹ: Dưới thời Tổng thống Donald Trump, nền kinh tế số 1 thế giới đã có những điều chỉnh nhằm “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” và “nước Mỹ trên hết” để tiếp nối những chiến lược phát triển kinh tế của Tổng thống tiền nhiệm. Trong lĩnh vực dầu mỏ cũng vậy, thực ra cách đây 2 thập kỷ Mỹ đã phát triển công nghệ fracking (bẻ gãy thủy lực) mới đã cho phép các nhà sản xuất năng lượng Mỹ khai thác nguồn trữ lượng dầu đá phiến khổng lồ. Nhờ công nghệ fracking, Mỹ đã hoàn toàn độc lập về năng lượng vào năm 2016 và năm 2019 đã xuất khẩu một lượng lớn dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ đưa Mỹ trở thành nhà khai thác dầu thô lớn nhất thế giới.

Trước nguồn cung dầu thô dư thừa, giá sụt giảm, chính Mỹ muốn tăng giá dầu nhưng ai ngờ Nga và Saudi Arabia đã ra tay trước, buộc Mỹ phải cắt giảm các máy khoan dầu đá phiến từ 815 chiếc xuống còn 603 chiếc (vào ngày 9.4 vừa qua giảm 26%) và giữ mức khai thác 12,4 triệu thùng/ngày (ngang bằng sản lượng của Nga và Saudi Arabia). Đây là lý do để Mỹ thuyết phục Saudi Arabia cắt giảm sản lượng, theo đó các nhà sản xuất khác cũng phải cắt giảm theo. Vì vậy, Mỹ không trắng tay trong các cuộc đàm phán về cắt giảm sản lượng khai thác, điều này khuyến khích Mỹ tiếp tục chơi trò chơi giá dầu và sản lượng khai thác.

Ngành công nghiệp năng lượng sẽ thay đổi

Qua đợt sụt giảm giá dầu vừa qua, đặc biệt khi các quốc gia trên thế giới thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội để chống đại dịch Covid-19, bầu khí quyển của trái đất dường như được nghỉ ít ngày, không phải thu nhận khí thải gây hiệu ứng nhà kính, môi trường sống có vẻ trong lành hơn. Điều này chứng tỏ khi con người còn tiếp tục tiêu thụ nhiêu liệu hóa thạch thì môi trường sống còn bị đe dọa. Câu hỏi đặt ra là ngành sản xuất dầu có suy giảm hay vẫn phát triển? Nền kinh tế thế giới nếu không tiếp tục dùng năng lượng hóa thạch thì lấy gì thay thế?

Xung quanh vấn đề hóc búa này, giới phân tích cho rằng nền kinh tế thế giới vẫn còn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong thời gian dài cho dù các chuyên gia đã tính toán rằng nguồn cung từ các mỏ dầu – khí trên thế giới kể cả dầu đá phiến vẫn dồi dào. Và nếu giá dầu ở mức 35 USD/thùng sẽ có tới 75% các dự án dầu khí mới không thu hồi đủ tiền để trang trải đầu tư và nếu tỷ lệ lợi nhuận đầu tư từ dầu khí giảm từ 20% xuống còn 6% sẽ tương đương với khoản thu được nếu đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Điều đáng lưu ý là năng lượng hóa thạch đã trở thành lĩnh vực không được yêu thích bởi các nhà đầu tư xanh, họ cho rằng năng lượng hóa thạch là mặt hàng có lợi nhuận thấp, rủi ro cao và thải nhiều khí cacbon. Đi đầu về việc từ bỏ dần năng lượng hóa thạch là Liên minh châu Âu (EU), liên minh hứa sẽ thực hiện các biện pháp khẩn cấp phù hợp với chương trình thỏa thuận xanh.

Từ “cú đánh” của dịch bệnh và cuộc chiến giá dầu xuất phát từ trò chơi chính trị, thế đứng của ngành công nghiệp dầu mỏ sẽ rơi vào suy giảm cần phải được tái cấu trúc và thay đổi căn bản để phù hợp tiến trình đi lên của nền kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng giá dầu vừa qua là cơ hội vàng để các quốc gia chọn lựa bắt đầu (tuy hơi muộn) nghĩ đến các chiến lược xanh cho mỗi quốc gia để cứu trái đất đang ngày một nóng lên.

HẢI HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trò chơi chính trị từ dầu mỏ