Venezuela - Trọng tâm của căng thẳng địa chính trị toàn cầu

05/05/2019 16:53

Từng là một trong những nước giàu có nhất thế giới về nguồn tài nguyên thiên nhiên, Venezuela giờ là một trong những nước nghèo đói nhất...


Thủ lĩnh phe đối lập Venezuela Juan Guaido kêu gọi biểu tình 

Sau khi Mỹ tuyên bố ủng hộ thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tự phong làm “tổng thống lâm thời”, Venezuela ngày 23.1 đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ và đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao tại Washington và tất cả các lãnh sự quán trên lãnh thổ Mỹ. Đến nay, Washington vẫn tìm cách làm suy yếu chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro bằng các lệnh trừng phạt kinh tế và một khối liên minh gồm hơn 50 nước trên thế giới.

Bế tắc chính trị tại Venezuela

Nhiều người dân Venezuela đã hưởng ứng lời kêu gọi của nhà lãnh đạo đối lập Juan Guaido, Chủ tịch Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, xuống đường biểu tình hôm 1.5 trong một nỗ lực nhằm buộc Tổng thống Nicolas Maduro phải rời bỏ quyền lực. Tuy nhiên, hầu như không có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy cuộc khủng hoảng ở Venezuela - vốn ngày càng giống như một tình huống bế tắc chính trị - có sự thay đổi.

Theo The Hill, từng là một trong những nước giàu có nhất thế giới về nguồn tài nguyên thiên nhiên, Venezuela giờ là một trong những nước nghèo đói nhất và hiện xếp cuối cùng danh sách những nước có thể tiến hành hoạt động kinh doanh. Với sự giúp đỡ của các chế độ cộng sản, xu hướng tiến tới chủ nghĩa xã hội và quốc hữu hóa toàn bộ hoạt động kinh tế là sai lầm. Hồi năm 2006, nhà cựu độc tài Venezuela Hugo Chavez đã thực hiện chương trình mang tính xã hội chủ nghĩa, theo đó ông nhanh chóng quốc hữa hóa các ngành công nghiệp tư nhân. Nền kinh tế nhanh chóng trở nên tồi tệ, cuối cùng sụp đổ như những gì diễn ra ngày nay là nghèo đói cùng cực, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu. Làm đau đớn thêm ung nhọt của nền kinh tế này là việc người kế nhiệm Maduro yêu cầu cấm viện trợ nhân đạo nước ngoài chuyển vào nước này.

Xung đột giữa những người ủng hộ phe đối lập và các lực lượng vũ trang Venezuela đã nổ ra ở thủ đô Caracas vào ngày Quốc tế Lao động 1.5. Tổng thống tự phong Guaido vừa qua đã kêu gọi tiến hành một "cuộc biểu tình quy mô lớn nhất" trong lịch sử Venezuela. Ông Guaido viết trên Twitter rằng "hàng triệu người dân Venezuela" đã xuống đường trong "nỗ lực cuối cùng" nhằm phế truất ông Maduro. Tuy nhiên, bất chấp việc ông Guaido kêu gọi quân đội ủng hộ mình, giới lãnh đạo các lực lượng vũ trang đến nay vẫn trung thành với ông Maduro, người lên nắm quyền sau khi Tổng thống Hugo Chavez qua đời năm 2013. 

Phe đối lập Venezuela thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình lớn chống chính quyền Maduro nhưng không thể đánh bại ông cho dù Venezuela đối mặt với tình trạng kinh tế suy thoái nghiêm trọng và siêu lạm phát. Đời sống của người dân thậm chí đã giảm xuống mức thấp hơn trong vài tháng đầu năm nay, tình trạng thiếu điện, nước sinh hoạt,  lương thực và thuốc men cùng với siêu lạm phát đã đẩy hàng triệu người dân phải di cư. Theo dữ liệu của Chính phủ Brazil công bố ngày 30/4, số người Venezuela hàng ngày vượt qua biên giới để đến Brazil đã tăng gấp ba lần. 

Tổng thống Maduro, người gọi ông Guaido là "bù nhìn" của Mỹ, cũng kêu gọi một cuộc tuần hành lớn hôm 1/5. Trong một bài phát biểu trước những người ủng hộ gần Dinh Tổng thống Miraflores, ông Maduro nói ông thừa nhận cần có “những thay đổi lớn trong cuộc cách mạng Bolivar". Tuy nhiên, ông không đưa ra chi tiết về những thay đổi này. Ông Guaido được Mỹ cùng với một loạt nước Mỹ Latinh và châu Âu công nhận là người đứng đầu hợp pháp của Venezuela, trong khi các nước Nga, Belarus, Bolivia, Iran, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ ủng hộ Tổng thống Maduro.

Phép thử của chính quyền Trump

Theo nhận định của Reuters, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt với một phép thử quan trọng về chính sách liên quan đến Venezuela khi Juan Guaido - thủ lĩnh đối lập tại quốc gia Nam Mỹ này, người được Mỹ lớn tiếng ủng hộ - gây áp lực yêu cầu quân đội Venezuela quay lưng lại với Tổng thống theo đường lối xã hội chủ nghĩa Nicolas Maduro, đồng thời đẩy mạnh các cuộc biểu tình hàng loạt để buộc Maduro phải từ chức.

Trong cuộc can thiệp chính trị và ngoại giao lớn nhất tại châu Mỹ Latinh trong nhiều năm qua, Chính phủ Mỹ đã đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt chống Venezuela, trong đó có một số biện pháp trừng phạt nhằm vào giới lãnh đạo, lĩnh vực dầu khí quan trọng và các ngân hàng của quốc gia Nam Mỹ này. 

Trong bối cảnh một số đòn bẩy còn lại để tạo sức hút và kích động sự phản đối dường như đang mất dần, Tổng thống Trump có thể phải hứng chịu một thất bại nếu như nỗ lực mới nhất của ông Guaido không thể kích động được một làn sóng nổi dậy lớn hơn chống Maduro. 

Các quan chức Mỹ dường như quá lạc quan về việc họ có thể kích động một cuộc nổi dậy quân sự chống lại ông Maduro sau khi Washington công nhận Guaido là "Tổng thống lâm thời" của Venezuela hồi tháng 1/2019. Ông Maduro dường như vẫn duy trì được sự trung thành của hầu hết các sĩ quan quân đội. 

Ngày 30.4, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cùng một số cố vấn khác của Tổng thống Trump tỏ ra bức xúc với cái mà họ gọi là sự bội ước của ba quan chức cấp cao trung thành với ông Maduro, những người tự nhận là đã thương lượng với phe đối lập để chuyển sang phe này, song sau đó lại thay đổi ý định. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ông Maduro từng được cho là sẽ rời khỏi đất nước vào ngày 30/4, song Nga đã thuyết phục ông ở lại. Tuy nhiên, Kremlin đã bác bỏ thông tin này. 

Hiện những nghi ngờ vẫn tồn tại xung quanh việc liệu đề xuất của ông Guaido về việc sẽ ân xá và những lời hứa của Mỹ về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt có đủ để khích lệ quân đội từ bỏ ông Maduro hay không.

Cuối tháng 4.2019, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza và thẩm phán Carol Padilla với cáo buộc liên quan tới cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Nam Mỹ này. Trước đó, phía Mỹ cũng đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ngân hàng Trung ương Venezuela, theo đó sẽ cấm toàn bộ các giao dịch của công dân Mỹ với đối tác Venezuela, đồng thời phong tỏa mọi tài sản tại Mỹ của Ngân hàng Trung ương Venezuela cũng như Thống đốc ngân hàng này Iliana Josefa Ruzza Teran, nhằm giới hạn các giao dịch với Mỹ và cấm tiếp cận đồng USD. Lý do Washington đưa ra là các hoạt động và các đối tượng trên là nguồn tài trợ chính cho chính quyền của Tổng thống Maduro.

Trong bối cảnh bị Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu khí chủ chốt, ông Maduro vẫn đang kiểm soát tốt mọi thứ với nỗ lực giảm bớt sự ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt từ Mỹ, đặc biệt là lệnh trừng phạt nhằm vào Công ty dầu khí quốc gia PDVSA. Một số nguồn tin cho hay nỗ lực này của ông Maduro đã mang lịa kết quả nhờ nguồn thu tiền mặt từ các thương vụ dầu mỏ lớn thông qua tập đoàn dầu khí khổng lồ Rosneft của Nga, một trong những chủ nợ lớn nhất của PDVSA. 

Chính quyền Trump lâu nay luôn chỉ dựa vào các lệnh trừng phạt để tạo sức mạnh cho chính sách chống Maduro. Các lệnh trừng phạt nhằm mục đích ngăn chặn dòng tiền mặt đổ vào chính phủ Maduro và Mỹ sắp tới sẽ có thêm nhiều biện pháp nữa. Mặc dù một vài trong số các bước đi cứng rắn nhất đều đã được áp dụng, và chính quyền Mỹ có thể sẽ đưa thêm nhiều ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân của Venezuela vào danh sách đen, song chưa rõ điều này có tạo ra tác động đáng kể hay không. 

Ngoài ra, Mỹ cũng có thể hành động chống lại các đối tác nước ngoài còn lại của Công ty dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA, áp dụng các lệnh trừng phạt “thứ cấp” theo cách mà Washington đã đe dọa các công ty nước ngoài đang làm ăn với Iran. Các mục tiêu có khả năng bị nhắm đến là công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha, tập đoàn dầu khí quốc gia khổng lồ Rosneft của Nga và Industries Reliance của Ấn Độ. Tuy nhiên, những động thái như vậy chắc chắn sẽ chọc giận chính phủ các nước nói trên. Giới chức Mỹ cho đến nay vẫn tiếp tục nhấn mạnh rằng áp lực kinh tế và ngoại giao mới là biện pháp tốt nhất để thúc đẩy việc lật đổ chính quyền Maduro.

Khả năng Mỹ can thiệp quân sự?

Tờ Washington Post dẫn các nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể hiện quyết tâm nghiêm túc để tiến hành hoạt động quân sự ở Venezuela, mặc dù Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton kêu gọi thực hiện "chính sách tích cực hơn".

Theo mạng tin BBC Mundo, mặc dù vẫn muốn chính quyền của ông Maduro từ bỏ quyền lực trong một cuộc chuyển giao hòa bình, song nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Trump đã đề cập một cách úp mở tới những biện pháp mạnh hơn. Liệu có khả năng Washington sẽ phiêu lưu trong những quyết định can thiệp của mình hay không?

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về ngoại giao thuộc đại học Temple Alan McPherson cho rằng ưu tiên trước mắt của Mỹ sẽ là việc tìm cách thuyết phục các nhóm tướng lĩnh quân đội Venezuela quay sang ủng hộ thủ lĩnh đối lập Juan Guaido. Mặc dù ý định này đến nay chưa hiệu quả song có thể thấy Bộ Ngoại giao Mỹ đang sử dụng những lời cảnh báo mạnh mẽ hơn và tiếp tục gây sức ép với các quan chức Venezuela.

Theo ông McPherson, đến nay Lầu Năm góc vẫn chưa thực sự ủng hộ phương án can thiệp quân sự vào quốc gia Nam Mỹ này, song chắc chắn họ sẽ triển khai kế hoạch nếu Tổng thống Trump ra lệnh, cho dù điều này có thể dẫn tới những hệ quả chính trị đối với các đồng minh ở Mỹ Latinh khi nhiều nước đã thẳng thừng bác bỏ hành động quân sự.

Trên tinh thần đó, tướng Joseph Dunford, quan chức quân sự cấp bậc cao nhất của Mỹ cho biết Lầu Năm Góc đang tập trung thu thập thông tin tình báo về Venezuela và để giải quyết vấn đề này thì điều quan trọng là Mỹ cần phải phối hợp với các nước khác trong khu vực.

Trong khi đó, theo thông tin của Washington Post, chủ đề can thiệp quân sự vào Venezuela đang gây ra những tranh cãi giữa Bộ Quốc phòng và nhóm của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. Theo đó, hồi tuần trước tướng Paul Selva đã tỏ ra tức giận với các trợ lý của ông Bolton vì những người này liên tục gây sức ép yêu cầu ông Selva phải trình bày chi tiết những sự lựa chọn quân sự đối với Venezuela.

Chính phủ Mỹ vẫn tìm cách làm suy yếu chính quyền Maduro bằng các lệnh trừng phạt kinh tế và một khối liên minh của hơn 50 nước trên thế giới, trong đó có nhiều chính phủ ở Mỹ Latinh, thông qua việc công nhận thủ lĩnh đối lập Guaido là Tổng thống hợp pháp của Venezuela và coi ông Maduro là kẻ độc tài. Tuy nhiên, ông Maduro vẫn tiếp tục tại vị giữa một cuộc khủng hoảng trầm trọng với sự ủng hộ của quân đội và các đồng minh quốc tế như Nga và Trung Quốc. Điều này có thể làm Mỹ thất vọng, song theo nhận định của giới phân tích, nếu Washington càng khuấy động khả năng can thiệp quân sự thì nguy cơ chia rẽ trong khối đồng minh khu vực ủng hộ ông Guaido càng cao.

Đó cũng chính là lý do giải thích tại sao những tuyên bố công khai của các quan chức Lầu Năm Góc đang làm nguội lạnh khả năng can thiệp đơn phương vào Venezuela. Thậm chí ngay cả những phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo hay Cố vấn An ninh Bolton cũng sử dụng những ngôn từ mang tính “mơ hồ” khi được hỏi về thời điểm và cách thức triển khai quyết định này.

Gây áp lực lên Nga và Cuba

Cùng với đó, Mỹ dường như cũng đang cảnh báo một cách mạnh mẽ hơn đối với Nga trong vấn đề Venezuela. Tình trạng bế tắc ở Venezuela đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Nga khi hai nước cáo buộc lẫn nhau can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Washington cho rằng Moskva đang thách thức trực tiếp ảnh hưởng của họ ở khu vực với việc cử các máy bay quân sự tới Caracas hồi tháng 3/2019 ngay khi cuộc khủng hoảng tại Venezuela đang ở cao trào. 

Chính quyền Trump chỉ trích Nga và Cuba, đồng thời cáo buộc hai nước này "chống lưng" cho đồng minh trung thành Maduro. Trong một cuộc điện đàm ngày 30/4 với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Pompeo đã cảnh báo sự can thiệp của Nga và Cuba là yếu tố gây bất ổn định đối với Venezuela cũng như ảnh hưởng tới quan hệ song phương giữa Mỹ và Nga. 

Trong khi đó, Nga khẳng định việc Washington can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền, đe dọa vai trò lãnh đạo của Tổng thống Maduro là một sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Theo Bộ Ngoại giao Nga, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã nói với ông Pompeo rằng nếu Mỹ gia tăng những “bước đi hiếu chiến” tại Venezuela thì Mỹ sẽ phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng. Nga - nước cung cấp vũ khí và các khoản vay cho Venezuela, và mới đây còn điều cả trăm nhân viên quân sự sang nước này - nói rằng Mỹ đang nỗ lực kích động một cuộc đảo chính ở Venezuela.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 2/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moskva sẽ thành lập nhóm các nước chống lại kế hoạch của Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela. Phát biểu với báo giới tại thủ đô Tashkent trong chuyến thăm chính thức Uzbekistan, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: “Nga sẽ huy động nỗ lực của những quốc gia tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) để chống lại các kế hoạch của Mỹ tại Venezuela". Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga, nhóm quốc gia nói trên sẽ được thành lập tại LHQ, bởi vì tại LHQ rất khó có thể xuyên tạc được chủ đề này, và việc bảo vệ các chuẩn mực và nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được ghi rõ trong Hiến chương LHQ.

Về phía Cuba, Tổng thống Trump đã lên tiếng đe dọa “cấm vận toàn diện và triệt để” La Habana nếu ban lãnh đạo nước này không rút lại hỗ trợ an ninh cho chính quyền Maduro. Giới chức Mỹ cho biết Cuba hiện duy trì khoảng 20.000-25.000 nhân viên quân sự và tình báo tại Venezuela. Phản ứng với đe dọa trên, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Chính phủ Venezuela và phản đối lời đe dọa của Mỹ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với La Habana, do cáo buộc Cuba ủng hộ Caracas. Trên mạng xã hội Twitter, ông Diaz-Canel đã gọi Chính phủ của ông Maduro là chính phủ hợp pháp của Venezuela và nhấn mạnh Cuba sẽ sát cánh với Caracas. 

Chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế Kiberly Marten cho rằng cả Mỹ và Nga đều đang tìm cách đánh dấu vai trò của mình tại Venezuela. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là sự cạnh tranh này có thể dẫn tới một thời điểm mà Mỹ phải nhượng bộ hoặc bắt đầu chiến dịch quân sự và đó sẽ là một thảm họ.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Venezuela - Trọng tâm của căng thẳng địa chính trị toàn cầu