Vì sao Đảng Xanh giành thắng lợi lịch sử trong cuộc bầu cử Quốc hội Thụy Sĩ?

21/10/2019 18:37

Những lo ngại của cử tri về biến đổi khí hậu đã mang lại thắng lợi cho các nhà hoạt động vì môi trường của Đảng Xanh và Đảng Tự do Xanh trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 20.10.

Chủ tịch Đảng Xanh (phải) Regula Rytz lắng nghe kết quả bầu cử

Nổi bật vấn đề kinh tế và môi trường

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Thụy Sĩ vừa qua, ngoài 5 vấn đề kinh tế gồm việc làm, nhà ở, tỷ lệ lãi suất âm, công nghệ 5G và thương mại tự do, vấn đề chống biến đổi khí hậu cũng chính là sự quan tâm chính của các cử tri Thụy Sĩ. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình kinh tế Thụy Sĩ vẫn được dự báo tăng trưởng, vấn đề chống biến đổi khí hậu càng trở nên cấp thiết đối với người dân nước này.

Mới đây, Ban Thư ký về các vấn đề kinh tế của Thụy Sĩ (SECO) dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ đạt 1,2% trong năm 2019 và 1,7% cho năm 2020. Một điểm tích cực là thất nghiệp vẫn ở mức thấp (2,4%) và việc làm tiếp tục tăng, mặc dù không mạnh mẽ bằng năm 2018. Tiền lương của lao động có thể tăng trở lại trong bối cảnh lạm phát vừa phải. Tăng trưởng kinh tế của Thụy Sĩ dự kiến sẽ mạnh hơn vào năm 2020, với điều kiện căng thẳng thương mại quốc tế không chuyển biến xấu hơn.

Trong khi đó, đối với vấn đề biến đổi khí hậu, thực tế cho thấy, mặc dù là quốc gia đi đầu xu thế "tái chế xanh" và chú trọng nghiên cứu thay đổi khí hậu để tìm ra biện pháp nhằm giảm thiểu tác hại và thích ứng với những biến đổi thời tiết, song Thụy Sĩ đang ngày càng lo ngại về sự tàn phá của tình trạng biến đổi khí hậu.

Một thực tế là, từ ngày 24 - 30.6, Thụy Sĩ đã phải trải qua một đợt nắng nóng cao kể từ đợt nắng nóng kỷ lục năm 2003, song điều đáng chú ý là đợt nóng này cũng đã ảnh hưởng đến các vùng núi của nước này, có nguy cơ làm tan băng tích tụ trong mùa đông và mùa xuân vừa qua.

Tại khu vực nói tiếng Pháp, nhiệt độ đã vượt ngưỡng 38 độ C vào ngày 24.6 tại bang Geneva và bang Valais, đều nằm ở phía Nam Thụy Sĩ. Trong khi đó, cơ quan khí tượng quốc gia Thụy Sĩ, MeteoSwiss, cho biết thành phố Basel, miền bắc Thụy Sĩ, ghi nhận nhiệt độ 39 độ C vào ngày 26.6.

Độ ẩm không khí dao động trong khoảng từ 25-40% ở các vùng đồng bằng. Nhiệt độ không chỉ tăng cao trong ngày mà còn cao vào ban đêm. Nhiều vùng tại Thụy Sĩ đã phải nâng mức cảnh báo cao về đợt nắng nóng này.

Đợt nắng nóng này là do một vùng áp suất không khí cao ở vùng tây Địa Trung Hải, cụ thể là từ Sahara, gây ra khô nóng trong khu vực. Điều đáng chú ý là đợt nóng này ảnh hưởng cả đến các vùng núi. Đây là điều chưa từng thấy. Băng tuyết từng tích tụ trong mùa đông và mùa xuân vừa qua nhanh chóng tan chảy trong thời tiết nắng nóng này. Các chuyên gia khí tượng cho biết nhiệt độ cao kỷ lục xảy ra tại các vùng núi của Thụy Sĩ.

Theo Văn phòng Khí tượng Liên bang Thụy Sĩ, nhiệt độ mùa hè tăng rõ rệt là dấu hiệu của tình trạng biến đổi khí hậu. Kể từ thời kỳ tiền công nghiệp từ năm 1871 đến 1900, nhiệt độ trung bình vào mùa hè đã tăng khoảng 2 độ C. Tại Thụy Sĩ đã có 4 mùa hè với nhiệt độ trung bình vượt quá 15 độ C là mùa hè các năm 2003, 2015, 2017, 2018. Năm 2003 là nóng nhất, đạt trung bình 16,9 độ C. Mùa hè năm 2019 sẽ sớm được thêm vào danh sách này, rất có thể ở vị trí thứ ba.

Chính vì vậy, vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu đã thực sự là sự quan tâm hàng đầu của cử tri.

Ngay trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Thụy Sĩ, Đảng Xanh đã đề xuất tăng thuế cho các sản phẩm như dầu mỏ, khí đốt, than đá và các loại năng lượng “bẩn” khác để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Theo Đảng Xanh, đề xuất này sẽ khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo khác, như năng lượng mặt trời. Và đề xuất tăng thuế cho các sản phẩm như dầu mỏ, khí đốt, than đá và các loại năng lượng “bẩn” khác  để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ người dân Thụy Sĩ.

Đảng Xanh giành thắng lợi lịch sử

Đúng như dự đoán, những lo ngại về vấn đề môi trường và tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến các cử tri Thụy Sĩ giành sự ủng hộ đa số cho Đảng Xanh, một đảng luôn thúc đẩy các kế hoạch bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu tại Thụy Sĩ trong cuộc bầu cử Quốc hội tại nước này.

Theo kết quả dự báo do Đài Phát thanh và Truyền hình Thụy Sĩ (RTS) công bố ngày 20.10, dựa trên kết quả kiểm phiếu gần hoàn tất, cho thấy, so với cuộc bầu cử năm 2015, những chính đảng có mức tăng sự ủng hộ nhiều nhất là Đảng Xanh, tăng 17 ghế, và Đảng Tự do Xanh, tăng 9 ghế. Các đảng mất nhiều ghế nhất là Đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP) giảm 12 ghế, Đảng Xã hội Thụy Sĩ giảm 4 ghế, Đảng Dân chủ Tự do (PRL) giảm 4 ghế và Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo giảm 3 ghế.

Với kết quả này, Đảng Xanh đã lên vị trí chính đảng lớn thứ 4, vượt qua Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo. Điều này có ý nghĩa quan trọng bởi Hội đồng Liên bang, với chức năng như Chính phủ, có nhiệm kỳ 4 năm, gồm 7 thành viên được Quốc hội bầu chọn từ các ứng viên của 4 chính đảng giành nhiều phiếu nhất trong bầu cử Quốc hội. Hiện có 2 thành viên Hội đồng Liên bang là thành viên Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo.

Theo hệ thống chính trị đặc thù tại Thụy Sĩ, cuộc tổng tuyển cử năm nay bầu chọn 200 nghị sĩ Hạ viện và 46 nghị sĩ Thượng viện trong nhiệm kỳ Quốc hội 4 năm tới. Khoảng 5,4 triệu công dân đủ tư cách, trong đó bao gồm cả công dân Thụy Sĩ ở nước ngoài đã đăng ký đi bỏ phiếu.

Tuy nhiên, theo ước tính của tờ Le Matin Dimanche, khoảng 20% cử tri đủ điều kiện nhưng không đi bỏ phiếu, chủ yếu là nhóm người trẻ tuổi trong độ tuổi từ 18-24 (30%), người gốc Thụy Sĩ có nguồn gốc nhập cư thế hệ thứ hai được biết đến với tên gọi là secondos (35%), người độc thân (39%) và người có thu nhập thấp với tổng thu nhập ít hơn 4.000 CHF (khoảng 4.000 USD) mỗi tháng (40%).

Dự kiến đến ngày 11.12, Quốc hội mới sẽ bầu các thành viên Hội đồng Liên bang cũng trong nhiệm kỳ 4 năm.

Nhìn chung, kết quả cuộc bầu cử cung cấp thêm bằng chứng cho thấy đất nước Thụy Sĩ có nền kinh tế và lối sống gắn chặt với các đỉnh núi tuyết này đang ngày càng lo ngại về sự tàn phá của tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao Đảng Xanh giành thắng lợi lịch sử trong cuộc bầu cử Quốc hội Thụy Sĩ?