50 năm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

02/09/2019 09:36

50 năm về trước, ngày 2.9.1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển nói chuyện với các cá nhân, đại diện tập thể điển hình tiên tiến tại Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Trước lúc ra đi, Người để lại Di chúc thiêng liêng, kết tinh trong đó những điều cốt lõi về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện tốt những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước

Hiện thực hóa niềm tin của Bác “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã đồng lòng, vượt mọi khó khăn, gian khổ, quyết thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với vị trí địa lý quan trọng, có tuyến đường 5 và đường sắt chạy qua, Hải Dương là một trong những địa bàn bị giặc Mỹ thường xuyên đánh phá ác liệt. Từ cuối năm 1969, tỉnh ta đã khẩn trương tổ chức lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đặc biệt là các đơn vị pháo cao xạ tập trung bảo vệ trọng điểm, chủ động đón lõng địch và lực lượng bảo đảm giao thông; tăng cường công tác phòng không nhân dân. Quân và dân tỉnh nhà đã chiến đấu ngoan cường, bắn rơi 83 máy bay Mỹ, tháo gỡ an toàn hàng nghìn quả bom nổ chậm và thủy lôi của địch, bảo vệ an toàn vùng trời, giữ vững tuyến giao thông huyết mạch đường 5 và đường sắt, góp phần vào thắng lợi của trận "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12.1972, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris rút quân về nước.

Với khẩu hiệu “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, trên đồng ruộng, công trường, cũng như trong các nhà máy, xí nghiệp, người dân Hải Dương “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”, vượt lên bom đạn của kẻ thù và sự khắc nghiệt của thiên tai, lao động quên mình để làm nên những “cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ”.

Tổng kết cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, trên 125.000 thanh niên Hải Dương đã hăng hái tòng quân đánh Mỹ, 26.876 người con ưu tú đã hy sinh anh dũng trên khắp các chiến trường, 11.449 thương binh đã bỏ lại một phần xương máu trên các mặt trận và hàng chục vạn tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm được dành dụm, dốc sức chuyển ra tiền tuyến là những kết quả minh chứng sâu sắc cho tinh thần hy sinh quên mình của Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đối với sự nghiệp cách mạng thống nhất đất nước. 

Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh

Sinh thời, Bác hết sức chăm lo xây dựng Đảng thành khối đoàn kết, thống nhất vững mạnh. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. 

Làm theo lời Bác, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ tỉnh luôn giữ gìn sự đoàn kết và coi trọng công tác xây dựng Đảng cả về tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Từ việc thực hiện cuộc vận động xây dựng chi bộ, đảng bộ “4 tốt” những năm 70 của thế kỷ XX, đến phong trào xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh sau này, Đảng bộ tỉnh đã không ngừng củng cố, phát triển đội ngũ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Đến tháng 6.2019, Đảng bộ tỉnh có 15 Đảng bộ trực thuộc với 756 tổ chức cơ sở đảng, 106.557 đảng viên. Đảng bộ tỉnh thường xuyên chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên. 

Đặc biệt, với tinh thần “mở rộng dân chủ trong Đảng”, “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”, Đảng bộ tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các cuộc chỉnh đốn, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 (khóa VIII) lần 2, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII). Qua đó, sàng lọc đưa ra khỏi Đảng những đảng viên thoái hóa, biến chất, không còn đủ tư cách đứng trong hàng ngũ của Đảng. 

Trong suốt giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ tỉnh Hải Dương luôn đoàn kết thống nhất, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng không ngừng được đổi mới. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường bám sát cơ sở, đồng thời chú trọng bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy đảng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Đặc biệt, việc thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW (khóaX), Chỉ thị số 03-CT/TW (khóa XI), Chỉ thị số 05-CT/TW (khóa XII) về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các cấp ủy đảng chú trọng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Công tác tổ chức, cán bộ được quan tâm thực hiện đồng bộ ở các khâu và bảo đảm theo các quy chế, quy định hiện hành. Tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị được bố trí, sắp xếp theo hướng tinh gọn, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng. Hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng được tăng cường, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra giám sát của Đảng với công tác thanh tra của Nhà nước, công tác giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp. Nhiệm vụ, giải pháp về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng được tập trung lãnh đạo và triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ. Công tác dân vận được cả hệ thống chính trị trong tỉnh quan tâm thực hiện, nhất là công tác dân vận chính quyền, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Hải Dương đã khai thác các tiềm năng, lợi thế, tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân

Thực hiện lời dặn của Bác “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”, 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương luôn chú trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong thời kỳ chống Mỹ, nhất là giai đoạn 1969-1975, Tỉnh ủy đã lãnh đạo nhân dân tranh thủ các điều kiện thuận lợi, khắc phục mọi khó khăn, vừa tiếp tục chi viện cho tiền tuyến, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống. 

Sau khi đất nước thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương tiếp tục chung sức đồng lòng, vượt qua những tháng ngày khó khăn, khôi phục phát triển kinh tế, từng bước tạo những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, quân và dân trong tỉnh đã thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Sau một thời gian hợp nhất với tỉnh Hưng Yên, năm1997 tỉnh Hải Dương được tái lập. Trong điều kiện bộn bề khó khăn của một tỉnh mới tái lập, trước yêu cầu của sự phát triển, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đã tập trung trí tuệ, tìm quyết sách lãnh đạo, khai thác, tận dụng tiềm năng - lợi thế, xác định đúng đắn chiến lược phát triển cùng lộ trình và bước đi phù hợp, tạo bước đột phá vươn lên, đưa tỉnh Hải Dương phát triển, giành được nhiều thành tựu quan trọng. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng liên tục qua các năm, bình quân giai đoạn 1997 - 2000 tăng 8,6%, giai đoạn 2000 - 2005 tăng 10,8%, giai đoạn 2005 - 2010 tăng 9,8%, giai đoạn 2010 - 2015 tăng 7,7%, năm 2018 tăng 9,1%. Từ năm 2017, Hải Dương là một trong 16 tỉnh, thành phố trên cả nước tự cân đối thu chi và có phần điều tiết về Trung ương. Năm 2018, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 17.191 tỷ đồng, vượt 18% dự toán giao, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.540 USD/năm. Từ một tỉnh thuần nông, Hải Dương hiện có 13 đô thị, trong đó TP Hải Dương đã trở thành đô thị loại I. Xác định rõ mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, Hải Dương đã và đang nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư, tái cơ cấu và xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Hiện tỉnh có 18 khu công nghiệp, trong đó có 10 khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tỉnh triển khai quyết liệt, hiệu quả và có nhiều khởi sắc. Toàn tỉnh hiện có 185 trong tổng số 220 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 84,4%) và 3 đơn vị cấp huyện là Kinh Môn, Cẩm Giàng, TP Chí Linh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi, hệ thống giao thông từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ. Hải Dương tiếp tục là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về phổ cập giáo dục và chất lượng học sinh giỏi. Hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, bình quân có 9,5 bác sĩ/1 vạn dân, tăng gấp gần 3 lần so với năm 1997. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa luôn được chú trọng. Đến nay, UNESCO đã ghi danh loại hình ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; 4 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt (khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, TP Chí Linh; quần thể di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, huyện Kinh Môn; cụm di tích đền Bia, chùa Giám, đền Xưa và di tích Văn miếu Mao Điền, cùng huyện Cẩm Giàng); 8 bảo vật quốc gia, 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau

Quán triệt sâu sắc lời căn dặn của Người “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”, trong mỗi thời kỳ cách mạng, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm tới công tác thanh niên. Giai đoạn kháng chiến, Đảng bộ tỉnh đặc biệt chú trọng đến công tác vận động thanh niên, thiếu niên nhi đồng và coi đây là lực lượng xung kích trong sản xuất và chiến đấu. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ tỉnh đã tập trung tăng cường bồi dưỡng thế hệ trẻ, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, làm tốt công tác giáo dục thiếu niên nhi đồng. Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về công tác thanh niên, ngày 24.10.2008, Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Chương trình hành động số 33-CTr/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và ngày 4.12.2012, UBND tỉnh cũng đã ban hành Chương trình phát triển thanh niên giai đoạn 2011-2020 nhằm tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thanh niên; phát huy sức mạnh to lớn, vai trò xung kích tình nguyện của thanh niên trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, giúp cho lực lượng thanh niên Hải Dương không ngừng nỗ lực, từng bước trưởng thành, tiếp tục phát huy truyền thống quê hương văn hiến, cách mạng, tích cực tham gia công cuộc đổi mới, hăng hái thi đua trên các lĩnh vực học tập, lao động sản xuất và công tác. 

Phát huy tình cảm quốc tế trong sáng, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội

Trước khi đi xa, Bác căn dặn: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các Đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”.

Thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng về công tác đối ngoại, Hải Dương đã không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương và đối tác nước ngoài. Lĩnh vực ngoại giao kinh tế của tỉnh liên tục được đẩy mạnh và ngày càng hiệu quả. Tính đến giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (2015-2020), tỉnh đã thu hút được 382 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 7.663,6  triệu USD. Lĩnh vực ngoại giao văn hóa được quan tâm. Lĩnh vực ngoại giao nhân dân được mở rộng và phát triển nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng, góp sức vì hòa bình, ổn định và phát triển của quốc gia, khu vực.

50 năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương đã thực hiện được lời hứa "Tăng cường đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu xây dựng quê hương, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc" khi vĩnh biệt Người.

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương tiếp tục khắc sâu những lời Bác dặn, nguyện mãi trung thành với lý tưởng và con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác đã lựa chọn, quyết tâm đưa tỉnh Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và "trở thành tỉnh kiểu mẫu", góp phần cùng với cả nước "xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh" như Bác hằng mong muốn.

NGUYỄN MẠNH HIỂN, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    50 năm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh