90 năm - Những chặng đường vẻ vang của Đảng: Bài 1: Đảng ra đời, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền

01/01/2020 10:35

Trong năm 1938, Chi bộ Đảng Nhà máy nước Ninh Giang, Chi bộ thị xã Hải Dương lần lượt được thành lập; tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, mở rộng phong trào đấu tranh, giáo dục, giác ngộ cách mạng...


Ngày 5.1.1960, tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.1960)

Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp xâm lược nước ta và từng bước thiết lập bộ máy thống trị, biến nước ta từ một nước phong kiến thành xứ thuộc địa. Các cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra mạnh mẽ nhưng đều bị thất bại. Xã hội Việt Nam rơi vào khủng hoảng đường lối cách mạng.

Ngày 5.6.1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước. Sau bao năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được con đường tất yếu: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.

Tháng 6.1925, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội), một tổ chức "quá độ" đặt cơ sở cho một Đảng Cộng sản về sau. Người ra báo Thanh niên, huấn luyện, đào tạo cán bộ, tổ chức tuyên truyền lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam.

Ngày 17.6.1929, hơn 20 đại biểu các tổ chức cộng sản ở các tỉnh Bắc Kỳ họp tại nhà số312phố Khâm Thiên (Hà Nội) quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Hội nghị thông qua Chính cương, Tuyên ngôn, Điều lệ của Đảng.

Tháng 11.1929, các đồng chí Tổng bộ và Kỳ bộ Nam Kỳ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng.

Ngày 1.1.1930, những đại biểu ưu tú của Tân Việt cách mạng Đảng (một tổ chức tiền thân của Đảng) đã họp và thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Trung Kỳ.

Sự ra đời và tồn tại ba đảng độc lập có nguy cơ dẫn đến chia rẽ lớn. Yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam là phải có một Đảng Cộng sản thống nhất trong cả nước.

Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan phong trào cách mạng ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập hội nghị đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để bàn việc thống nhất thành một đảng. Từ ngày 6.1 đến đầu tháng 2.1930, hội nghị họp tại Cửu Long gần Hương Cảng (Trung Quốc), đã thống nhất các tổ chức cộng sản để lập một đảng lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng...

Sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân với 3 cao trào cách mạng có ý nghĩa to lớn đưa đến thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh; cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ 1936-1939 và cao trào cách mạng giải phóng dân tộc 1939-1945, kết thúc bằng Cách mạng Tháng Tám năm 1945.


Mít tinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945 tại thị xã Hải Dương. Ảnh tư liệu

Tại Hải Dương, từ những năm 1927-1929, nhiều cán bộ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã về để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê nin và gây cơ sở cách mạng. Đến giữa năm 1929, phần lớn các huyện trong tỉnh như Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, Ninh Giang, Gia Lộc, thị xã Hải Dương đã có cơ sở của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Đầu tháng 3.1930, hai chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập là Chi bộ mỏ than Mạo Khê, do đồng chí Nguyễn Văn Cừ tổ chức và Chi bộ thôn Đọ Xá, Hoàng Tân (Chí Linh), gồm 3 đảng viên do đồng chí Nguyễn Văn Lừu làm Bí thư.

Cuối năm 1930, chi bộ cùng với tổ chức Nông hội đỏ ở Hải Dương đã rải truyền đơn, vận động nông dân đấu tranh chống địa chủ chiếm đoạt ruộng đất, chống phụ thu lạm bổ, chống quan lại cường hào... Các phong trào đấu tranh của giai cấp công - nông Hải Dương đã góp phần tạo nên thắng lợi của cao trào cách mạng 1930-1931 và phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh trong cả nước. Từ năm 1932-1935, phong trào cách mạng ở Hải Dương tạm lắng. Các cuộc đấu tranh trong tù của những người cộng sản vẫn diễn ra mạnh mẽ, tiêu biểu là cuộc đấu tranh do đồng chí Nguyễn Lương Bằng, người con của quê hương Thanh Tùng (Thanh Miện) tổ chức và lãnh đạo. Cuối năm 1932, sau khi vượt ngục Hỏa Lò, đồng chí trở về Hải Dương xây dựng lại phong trào, ra báo Công Nông để tuyên truyền đường lối cách mạng. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ, phong trào cách mạng ở Hải Dương được bổ sung thêm nhiều cán bộ chủ chốt, trong đó có đồng chí Lê Thanh Nghị. Cùng việc thành lập các tổ chức hội quần chúng dân chủ như Thanh niên dân chủ, Phụ nữ dân chủ, Tương tế, Ái hữu..., qua các cuộc đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp, tổ chức đảng dần được phục hồi và hình thành ở những nơi có phong trào mạnh. Trong năm 1938, Chi bộ Đảng Nhà máy nước Ninh Giang, Chi bộ thị xã Hải Dương lần lượt được thành lập. Các chi bộ tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, mở rộng phong trào đấu tranh dân chủ dân sinh, giáo dục, giác ngộ cách mạng và huấn luyện cán bộ. 

Trong giai đoạn 1939-1945, các cơ sở của xứ ủy Bắc Kỳ lần lượt được khôi phục và phát triển lan rộng từ Nam Sách, Chí Linh đến Kim Thành, Thanh Hà, thị xã Hải Dương. Trước đòi hỏi của phong trào cách mạng trong tỉnh, yêu cầu phải có sự lãnh đạo thống nhất, ngày 10.6.1940 đã diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương tại nhà cụ Lê Thị Thạnh ở Tạ Xá, Hợp Tiến (Nam Sách).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, các phong trào cách mạng trong tỉnh diễn ra mạnh mẽ. Ngày 17.8.1945, các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành, Kinh Môn và thị xã Hải Dương khởi nghĩa thành công, giành chính quyền về tay nhân dân. Từ ngày 18-22.8, khởi nghĩa ở các địa phương còn lại trong tỉnh cũng giành thắng lợi. Hải Dương là 1 trong 4 tỉnh lỵ giành chính quyền đầu tiên trên cả nước.   

 HD(tổng hợp)

-----------------------------------

Bài 2: Đảng lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp

(0) Bình luận
90 năm - Những chặng đường vẻ vang của Đảng: Bài 1: Đảng ra đời, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền