Biến nghị quyết thành hành động: Bài 2: Tiềm năng, thế mạnh khác biệt của Hải Dương là gì?

11/12/2020 07:30

Muốn phát triển vững mạnh, Hải Dương cần xác định rõ được các tiềm năng riêng có, thế mạnh khác biệt và nổi trội. Từ đó xác định chiến lược phát triển trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh hiện có.


Dự án cầu Triều hoàn thành sẽ góp phần tạo động lực, kết nối giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương

Tiềm năng 

Điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của Hải Dương rất thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp đang hình thành, phát triển theo hướng hàng hóa tập trung. Nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn cho năng suất, sản lượng, chất lượng cao như: hành, tỏi (Kinh Môn, Nam Sách), cà rốt (Cẩm Giàng, Nam Sách), rau (Kim Thành, Gia Lộc), vải (Thanh Hà, Chí Linh), củ đậu (Kim Thành), sắn dây (Kinh Môn)... Hải Dương có các sản phẩm nông nghiệp đặc sản mà nhiều nơi khác không có như: vải thiều, cà rốt, gạo nếp cái hoa vàng, nếp quýt, ổi, gà đồi, rươi, cáy... Sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn (VietGAP, GlobalGAP) ngày càng được áp dụng rộng rãi. 

Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt, ngành CNHT sản xuất ô tô mới chỉ đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 5-10%. Trong ngành điện - điện tử, tỷ lệ nội địa hóa được chừng 20-40%. Hiện nay, toàn tỉnh có 10 khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng đồng bộ, 38 cụm công nghiệp được thành lập. Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh lập quy hoạch và kêu gọi đầu tư hạ tầng từ 3-5 khu công nghiệp, 10-15 cụm công nghiệp mới với diện tích khoảng 2.000 ha và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để thu hút đầu tư. Khi tỉnh chú trọng thu hút dự án công nghiệp công nghệ cao, CNHT thì đây là điều kiện rất thuận lợi cho các dự án triển khai thực hiện.

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 14.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó có khoảng 450 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Số cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có trên 23.000 cơ sở. Dư địa phát triển doanh nghiệp là rất lớn. Từ 23.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có thể phát triển thành doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia vào đổi mới sang sử dụng công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị, sản xuất CNHT. 

Thu hút các doanh nghiệp lớn phát triển CNHT có nhiều tiềm năng. Hiện nay, thông qua các chương trình đào tạo, Samsung Việt Nam và Bộ Công thương đã tư vấn cho các doanh nghiệp Hải Dương nâng cao trình độ, năng lực sản xuất cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung. Samsung Việt Nam và tỉnh Hải Dương đã có văn bản hợp tác. Tập đoàn này sẽ hỗ trợ ít nhất 15 doanh nghiệp tại Hải Dương tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện, phụ kiện nội địa cho các nhà máy sản xuất của Samsung tại Việt Nam.

Tập đoàn An Phát Holdings (APH) tiêu biểu về phát triển CNHT đã phối hợp với tỉnh trong phát triển công nghệ cao, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, là nhà cung ứng cấp 2 của Samsung từ tháng 3.2019 và cũng đã trực tiếp tham gia vào chương trình tư vấn cải tiến của Samsung để cùng Hải Dương trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung (vender cấp 1) trong thời gian tới với việc sản xuất linh kiện điện-điện tử và khuôn mẫu trên địa bàn tỉnh.

Hải Dương đang chú trọng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn làm đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp khác tham gia đổi mới, sáng tạo và chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất CNHT. Chính phủ và tỉnh đã và sẽ có nhiều cơ chế, chính sách phát triển CNHT. 

Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ đạt 6%/năm. Hải Dương có tiềm năng để phát triển những ngành dịch vụ chất lượng cao như các dịch vụ tư vấn; tài chính-ngân hàng và các loại hình bảo hiểm, thẻ ATM; các cửa hàng tự chọn, chuỗi cửa hàng tiện ích; các hoạt động du lịch kết hợp văn hóa-sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch hội thảo hội nghị…

Về tiềm năng du lịch tâm linh, Hải Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt chứa đựng chiều sâu văn hóa với nhiều di tích, danh thắng. Hết năm 2020, tỉnh có 142 di tích cấp quốc gia, 8 bảo vật quốc gia, 4 di tích quốc gia đặc biệt. Tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống mang bản sắc riêng, gắn với hệ thống di sản và truyền thuyết. Với lợi thế đa dạng sinh học, có đủ các địa hình cơ bản gồm miền núi, trung du và đồng bằng nên Hải Dương giàu tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp. Đặc biệt, tỉnh không có biển nhưng lại có vùng nước lợ với nhiều rươi, cáy, cà ra, cói (Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành)... Tỉnh đã quy hoạch các vùng, khu du lịch; liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố phía Bắc; cho chủ trương thực hiện dự án và ký biên bản ghi nhớ, hợp tác với một số tập đoàn lớn như FLC, Sun Group, TH true MILK, Vingroup để phát triển các khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, sân golf…

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều nhà đầu tư lớn, nghiên cứu đầu tư phát triển các khu đô thị mới theo hướng đô thị xanh, sinh thái, kết hợp với nghỉ dưỡng với quy mô cấp vùng để thu hút người dân trong và ngoài tỉnh đến sinh sống như: khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng hồ Bến Tắm, cồn Vĩnh Trụ, khu đô thị Bắc cầu Hàn (Tập đoàn FLC); khu đô thị du lịch sinh thái sông Hương, khu đô thị sinh thái Nam Đồng, khu đô thị An Thượng (Tập đoàn T&T); khu đô thị du lịch sinh thái Ngũ Đài Sơn (Tập đoàn TH); khu đô thị phía nam TP Hải Dương (Ecopark), khu vực ven sông Sặt huyện Gia Lộc (Tập đoàn Sun Group).

Hải Dương còn nổi danh với “Lò tiến sĩ xứ Đông” cùng nhiều danh nhân vĩ đại của đất nước và thế giới như danh nhân Chu Văn An, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi...

Thế mạnh khác biệt và nổi trội của Hải Dương

Hải Dương là tỉnh nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, nằm sát vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ, thuộc hai hành lang kinh tế quan trọng với Trung Quốc: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tỉnh ở vị trí tương đối thuận lợi giữa các khu cảng biển (cảng Cái Lân, cảng Hải Phòng) và các cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi); kết nối giữa các tỉnh, thành phố, có vị trí chiến lược về giao thương kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh ở khu vực các tỉnh Bắc Bộ.

Với vị trí địa lý thuận lợi như trên, Hải Dương có thế mạnh về hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là mạng lưới giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng. Hệ thống hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ cả ở đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt. Đây là điều kiện rất thuận lợi thúc đẩy sự hợp tác phát triển kinh tế, thu hút đầu tư.

Tỉnh đang và sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối liên tỉnh và kết nối nội tỉnh. Cụ thể, đầu tư và phối hợp đầu tư cầu Dinh, cầu Quang Thanh kết nối với Hải Phòng; cầu Triều, cầu Đông Mai với Quảng Ninh; cầu Đồng Việt với Bắc Giang; cầu Kênh Vàng với Bắc Ninh; tuyến cầu Hiệp mới với Thái Bình; các tuyến giao thông nội tỉnh: đường dẫn cầu Hàn, đường tỉnh 390, cầu Vạn nối Chí Linh với Kinh Môn; cầu Linh Xá, cầu Bình mới nối Chí Linh với Nam Sách; cầu Bùi Thị Xuân vượt sông Thái Bình (TP Hải Dương)...

Với hệ thống giao thông như trên rất thuận lợi cho việc kết nối với các cảng hàng không quốc tế, cảng biển, cảng tàu khách quốc tế cũng như kết nối giữa các vùng trong tỉnh. Đây là thế mạnh nổi trội của Hải Dương.

Hải Dương có nền tảng công nghiệp từ khá sớm với một số cơ sở sản xuất công nghiệp nặng có tính chất là đơn vị đầu tàu, mũi nhọn của ngành và của cả nước như: nhiệt điện Phả Lại, xi măng Hoàng Thạch, Bơm Hải Dương, Đá mài Hải Dương… Hiện tại một số ngành công nghiệp nặng (điện, thép, vật liệu xây dựng) là đầu vào cho các ngành công nghiệp khác đang tiếp tục phát triển, là thế mạnh của tỉnh. Hải Dương cũng là đơn vị đi đầu trong thu hút FDI.

Hải Dương đứng đầu trong tứ trấn phên dậu của kinh thành Thăng Long xưa. Mảnh đất hiền hòa, yên bình này đã tạo nên tâm hồn, trí tuệ và nhân cách tuyệt vời của con người xứ Đông với biết bao tên tuổi của các bậc hiền tài, khoa bảng qua các triều đại còn lưu dấu đến ngày nay, đặc biệt có huyện Nam Sách với 125 tiến sĩ nho học (đứng đầu cả nước), làng Mộ Trạch có 36 tiến sĩ nho học. Hải Dương cũng là nơi đã sinh dưỡng và hội tụ nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng. Cho đến hiện tại, truyền thống hiếu học, chăm chỉ, ý chí khát vọng vươn lên vẫn là truyền thống tốt đẹp của nhân dân trong tỉnh. Hải Dương có nền giáo dục khá tốt so với cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện, thành tích giáo dục mũi nhọn, về nhân lực, cơ sở vật chất. Tỉnh hiện có khoảng 1,3 trong tổng số 1,9 triệu dân trong độ tuổi lao động, là nguồn lao động dồi dào, tạo ra sản lượng của cải vật chất lớn, tạo sức bật cho nền kinh tế.

Hải Dương có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, nơi hội tụ, lưu giữ nhiều di sản văn hóa với 2.207 di tích lịch sử văn hóa - danh thắng. Một số loại hình nghệ thuật như hát chèo, hát chầu văn, múa rối nước... đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Vậy thế mạnh khác biệt và nổi trội nhất của Hải Dương là gì?

Thế mạnh về phát triển nông nghiệp, tập trung vào lúa chất lượng cao, rau màu, cây ăn quả đặc sản... hướng tới sản xuất hàng hóa phục vụ Hà Nội, Hải Phòng và các đô thị trong vùng, đáp ứng một phần cho xuất khẩu.

Thế mạnh về thu hút FDI, tập trung vào các lĩnh vực phục vụ xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với lợi thế về vị trí địa lý và hệ thống giao thông liên vùng, liên tỉnh thuận lợi, với nguồn nhân lực dồi dào đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Thế mạnh về phát triển dịch vụ du lịch với hệ thống di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật dày đặc và nhiều thắng cảnh riêng có (khu Côn Sơn - Kiếp Bạc, khu Ngũ Đài Sơn, Thanh Mai, rừng dẻ, rừng phong, bãi rễ, khu sông Hương...) để phát triển du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, văn hóa. Bên cạnh đó một số dự án phát triển sân golf thuận lợi cho dịch vụ du lịch thể thao.

Tóm lại, so với nhiều tỉnh trong cả nước, Hải Dương có thế mạnh về hệ thống giao thông thuận lợi, thu hút FDI, phát triển sản xuất nông nghiệp, du lịch, nhân dân có truyền thống hiếu học. Với tiềm năng, thế mạnh đó rất thuận lợi cho Hải Dương thu hút đầu tư; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; công nghiệp công nghệ cao và CNHT; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại.

PHẠM XUÂN THĂNG
Bí thư Tỉnh ủy

(0) Bình luận
Biến nghị quyết thành hành động: Bài 2: Tiềm năng, thế mạnh khác biệt của Hải Dương là gì?