Con đường Hạnh phúc - khúc tráng ca từ đá

20/03/2020 10:37

55 năm trước, vào tháng 3.1965, con đường dài 185 km - nối từ TP Hà Giang xuyên cao nguyên đá Đồng Văn được hoàn thành với tên gọi con đường Hạnh phúc.

Con đường Hạnh phúc Hà Giang

Con đường được khởi đầu và thành hình từ công sức và cả máu xương của hàng vạn thanh niên xung phong từ những năm 50-60 thế kỷ trước. Không chỉ kết nối miền ngược với miền xuôi, đem lại cuộc sống no ấm cho đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá Hà Giang, con đường còn là biểu tượng của sức mạnh con người trước những khắc nghiệt của thiên nhiên.

Con đường máu và hoa

Hà Giang là tỉnh cực Bắc Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế biên mậu của Việt Nam. Hơn 50 năm trước, từ thị xã Hà Giang lên đến Đồng Văn, Mèo Vạc chỉ có con đường mòn gập ghềnh. Người dân Mèo Vạc chưa một lần được nhìn thấy chiếc ô tô chạy qua, cũng chưa một lần biết đến một hạt muối, một miếng vải… Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Cao nguyên đá Đồng Văn, Trung ương và Khu ủy Khu tự trị Việt Bắc đã chủ trương mở đường nối Hà Giang với Đồng Văn. Có lẽ, bấy giờ, khi quyết định mở đường, người ta cũng chưa đánh giá hết được những khó khăn sẽ gặp phải; chỉ biết không mở đường thì không có cách nào "đánh thức" được cao nguyên đá.

Ngày 10.9.1959, đường Hạnh phúc chính thức được khởi công xây dựng. Từ đó, trong suốt 6 năm (từ 1959 đến năm 1965), chỉ với 2 bàn tay lao động cùng các dụng cụ thô sơ như: xẻng, xà beng..., hơn một triệu thanh niên xung phong (TNXP) cùng dân công thuộc các dân tộc Mông, Tày, Dao, Pu Péo, Lô Lô... của 8 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Hải Dương, Nam Định) đã thực hiện trên 2,2 triệu ngày công, đào đắp gần 3 triệu m3 đất đá để làm nên con đường với chiều dài 185 m, nối từ Hà Giang lên 4 huyện vùng cao phía Bắc, gồm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và sang huyện Mèo Vạc.

Để có thể mở đường, các chiến sĩ TNXP phải vượt qua mọi gian lao, khó khăn, nguy hiểm, treo mình trên vách đá cao 30-40 m, chịu đói, chịu khát lao động cả ban ngày lẫn ban đêm trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thời tiết lúc nắng nóng lên 40 độ C, lúc rét buốt dưới 0oC. Đặc biệt, để có được 20 km đường đèo Mã Pì Lèng, đội cảm tử mở đường đã phải treo mình suốt 11 tháng trên vách núi để đục đá mở ra con đường rộng chỉ vẻn vẹn 40 cm. Cũng như ở chiến trường, nhiều người đã được truy điệu sống trước khi cầm cầm búa, cầm xà beng leo lên vách đá. Trên đỉnh núi còn đặt sẵn những chiếc quan tài thể hiện ý chí quyết tử. Và khi con đường mở xong ngoài 14 TNXP đã nằm lại với con đường, thì nhiều đơn vị còn có trên 2/3 quân số đã ngã bệnh, nhất là sốt rét rừng và sốt rét ác tính. Vì thế, có một nghĩa trang riêng để tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Và ở xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc có một tượng đài tôn vinh những người làm nên con đường Hạnh phúc.

Có thể nói, trong lịch sử làm đường của nước ta, có lẽ, đường Hạnh phúc là con đường thi công hoàn toàn bằng sức người gian khổ nhất, vượt qua cao nguyên cao nhất, chiếm số ngày công lao động nhiều nhất, thời gian lâu nhất và cũng bi tráng nhất. Ngày nay đi qua đỉnh đèo Mã Pí Lèng, lên 4 huyện vùng cao núi đá Hà Giang, cảm nhận được sự khắc nghiệt của địa hình mới thấy cảm phục, trân trọng, biết ơn biết bao người đã vượt qua bao gian khổ, hiến dâng tuổi xuân để làm nên con đường huyền thoại này.

Tháng 3.1963 đường được khơi thông lên đến huyện Đồng Văn. Chuyến xe đầu tiên của Hà Giang lên Đồng Văn là chở muối, dầu, gạo và sách vở... Đồng bào ở Đồng Văn khi thấy muối, thấy dầu, gạo, thấy sách vở... nhiều cụ già đã bật khóc. Ngày 10-3-1965, lễ khai thông con đường từ Hà Giang đến huyện Mèo Vạc dài 184 km đã được long trọng tổ chức. Con đường đã được đặt tên là “đường Hạnh Phúc”, với ý nghĩa khi con đường mở ra sẽ mang ánh sáng, cái chữ, cuộc sống ấm no cho hơn 8 vạn đồng bào trên vùng Cao nguyên đá. Con đường còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững thế trận quốc phòng-an ninh. .

Việc xây dựng thành công con đường Hạnh phúc cũng đem lại nhiều bài học quý. Đó là bài học động viên, huy động sức dân trong việc làm đường giao thông để mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nhân dân, đất nước. Đó là bài học khai thông, mở mang đường sá ở những địa bàn khó khăn, hiểm trở cần phải được ưu tiên “đi trước một bước” để thúc đẩy giao thương hàng hóa, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng miền. Đó còn là bài học tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tình yêu lao động, về sức mạnh "dời non, lấp biển" của đoàn kết cộng đồng trong việc khắc phục, cải tạo sự khắc nghiệt của thiên nhiên để biến khó khăn thành thuận lợi, “hóa giải” thử thách thành vận hội tiến về phía trước.

Mang lại cuộc sống ấm no

55 năm sau ngày mở đường Hạnh phúc, Cao nguyên đá ngày nào nay đã được thay đổi mạnh mẽ. Đến nay, 100% số xã của 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh đã có đường ô tô về đến trung tâm xã, cùng với đó là sự phát triển kinh tế-xã hội. Hàng ngày, có hàng trăm chuyến xe ô tô bon bon ngược xuôi trên tuyến đường Hạnh phúc.

Nhờ có con đường Hạnh Phúc, huyện lỵ Mèo Vạc từ vài nóc nhà vào ngày đầu thành lập, đến nay đã trở thành thị trấn đẹp, thơ mộng nhất trong tỉnh. Các thị trấn Đồng Văn, Yên Minh, Tam Sơn của 3 huyện còn lại cũng ngày một giàu đẹp. 4 huyện đã được phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Những công trình khai thác tiềm năng tự nhiên như: Thuỷ điện Sông Miện, Thái An, Nho Quế, những mỏ quặng ở Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn… đang đánh thức mạnh mẽ Cao nguyên đá. Con đường Hạnh phúc đã và đang đưa miền ngược lại gần với miền xuôi và mang no ấm đến cho người dân.

Ngày nay con đường Hạnh phúc còn trở thành tuyến đường thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp kỳ ảo trên Cao nguyên đá Đồng Văn-Công viên địa chất toàn cầu. Điểm cực Bắc Lũng Cú của huyện Đồng Văn không nằm trên cung đường, nhưng chính nhờ đường Hạnh Phúc này mới có thể kết nối được những bước chân mọi miền về với địa chỉ thiêng của miền cực Bắc. Rồi Quản Bạ với Núi Đôi kỳ vĩ mà gợi cảm; Yên Minh với những rừng trúc, rừng sa mộc đẹp như những thước phim cổ trang; Đồng Văn với di tích nhà Vương, phố cổ, những phiên chợ, Mèo Vạc với Mã Pì Lèng, hẻm Tu Sản, sông Nho Quế.. Những địa danh thiêng liêng, những kỳ quan danh thắng, những di tích lịch sử văn hóa, những vẻ đẹp riêng có của cuộc sống trên cao nguyên đá… tất cả đã được con đường “đánh thức”.

Còn với những ai yêu thích khám phá vùng cao thì con đường Hạnh phúc là một hành trình đặc biệt. Hầu hết du khách muốn chinh phục cung đường này để thấy được cảnh sắc hùng vĩ cùng cuộc sống tươi đẹp phải vượt qua những con đèo cao vút như đèo Bắc Sum, đèo Cổng Trời, đèo Cán Tỷ, đèo Mậu Duệ, ngược lên Lũng Cú vời vợi mây trời. Và đặc biệt là vượt qua bức tường thành Mã Pì Lèng danh tiếng. Năm 2019, Hà Giang đón 1,4 triệu lượt khách đến với tỉnh, tăng 23,25% so với năm 2018, đạt con số lỷ lục từ trước đến nay, trong đó lượng khách thăm Cao nguyên đá Đồng Văn chiếm khoảng 80%. Hà Giang được vinh dự đánh giá là top 10 điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.

Qua hơn nửa thế kỷ, con đường Hạnh phúc vẫn tiếp tục được lớp lớp thế hệ nâng cấp, tạo điều kiện thúc đẩy giao lưu, phát triển kinh tế-xã hội. Và ở điểm cuối con đường, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mèo Vạc vẫn trân trọng lưu giữ lại tấm bia đá khắc ghi những con số và sự kiện lịch sử về con đường kỳ tích. Xin được bày tỏ sự biết ơn đối với các cựu TNXP, những dân công đã gian khổ, quên mình cho con đường Hạnh phúc hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Con đường Hạnh phúc - khúc tráng ca từ đá