Đảng bộ tỉnh Hải Dương - 80 năm xây dựng và phát triển: Bài 4: Vừa kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội

06/06/2020 21:00

Từ năm 1955-1957, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, tiếp tục hoàn thành cách mạng dân chủ, đem lại ruộng đất cho nông dân.

>>>Bài 3: Cùng cả nước đánh thắng giặc Pháp xâm lược
>>> Bài 2: Lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền
>>>Bài 1: Quá trình thành lập

Bộ đội phòng không của tỉnh bắn hạ nhiều máy bay Mỹ (ảnh tư liệu)

Tại Hải Dương, sau khi Hiệp định Geneve được ký kết năm 1954, từ năm 1955-1957, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, tiếp tục hoàn thành cách mạng dân chủ, đem lại ruộng đất cho nông dân.

Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thống nhất hành động, kết hợp với đấu tranh chống địch phá hoại. Tỉnh vận động nhân dân đoàn kết giúp đỡ nhau cứu đói, chống hạn, khai hoang, phục hóa ruộng trồng rau màu, làm thủy lợi, tu sửa đê kè phòng chống bão lụt. Các chiến dịch làm thủy lợi với khí thế rầm rộ "nghiêng đồng đổ nước ra sông", "vắt đất ra nước, thay trời làm mưa" diễn ra khắp tỉnh. Hải Dương cũng tiếp nhận và tạo điều kiện để 5.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và 200 học sinh miền Nam tập kết về địa phương. Cùng với ổn định chỗ ở và cứu đói cho dân, Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện chủ trương phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp, công - thương nghiệp, giao thông, vận tải, xây dựng nền tài chính để từng bước ổn định vật giá, tiền tệ, cân đối thu chi.

Sau cải cách ruộng đất, tỉnh tập trung phục hồi kinh tế. Tỉnh ủy ra nghị quyết đẩy mạnh phong trào đổi công trong nông thôn. Tỉnh chủ trương giữ vững, phục hồi các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, giúp đỡ đúng mức để các cơ sở có đủ điều kiện sản xuất bảo đảm kế hoạch, giảm bớt việc nhập khẩu hàng tiêu dùng, giải quyết một phần nạn thất nghiệp; khuyến khích nghề phụ gia đình ở nông thôn, nhất là những nghề có nguyên liệu sẵn trong nước.   

Thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ tỉnh xác định và triển khai phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp một cách nhanh chóng, toàn diện, lấy sản xuất lương thực làm trung tâm, đồng thời coi trọng sản xuất cây công nghiệp và chăn nuôi. Cùng với cải tạo xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực thương nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân làm ăn tập thể, xây dựng quan hệ sản xuất mới dựa trên 2 hình thức sở hữu toàn dân và tập thể; thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, góp phần xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa thành hậu phương lớn của cách mạng miền Nam giai đoạn 1961-1965.

Từ cuối năm 1965, khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh cục bộ ở miền Nam, liên tiếp dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, Hải Dương là một trong những địa bàn bị giặc Mỹ bắn phá ác liệt nhất bởi nằm ở vị trí quan trọng, có 2 cây cầu lớn trên đường 5A và có đường sắt chạy qua. Quân và dân Hải Dương đã phát huy cao độ chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mạnh của nhân dân để giành thắng lợi. Với tinh thần "nhằm thẳng quân thù mà bắn", trong 7 trận chiến đấu đầu tiên vào tháng 11 và 12.1965, quân dân Hải Dương đã bắn tan xác 13 máy bay phản lực của Mỹ, trong đó bắn rơi tại chỗ 5 chiếc, bắt sống 3 giặc lái. Nhiều tấm gương dũng cảm trong chiến đấu đã xuất hiện như quân dân các xã, nay là các phường Nam Đồng, Ái Quốc, Ngọc Châu (TP Hải Dương), xã Lai Vu (Kim Thành) với hình ảnh cô du kích đã được nhà thơ Tố Hữu ca ngợi:

"Chuyện cô du kích xóm Lai Vu
Rắn quấn bên chân vẫn bắn thù".

Từ tháng 1.1968, tỉnh Hải Dương và Hưng Yên hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng. Đảng bộ tỉnh Hải Hưng tiếp tục lãnh đạo quân và dân Hải Hưng vượt qua gian khổ, hy sinh, làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn. Với khẩu hiệu "vừa sản xuất, vừa chiến đấu", "bất kể tình huống nào cũng phải nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, tăng cường củng cố quan hệ sản xuất, kết hợp nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng", trên đồng ruộng, công trường, trong các nhà máy, xí nghiệp, người dân Hải Dương "tay cày, tay súng", "tay búa, tay súng", vượt lên bom đạn của kẻ thù và sự khắc nghiệt của thiên tai, lao động quên mình để làm nên những "cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ".

Nhiều phong trào cách mạng thời kỳ này đã đi vào lịch sử như "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người...". Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm bắn máy bay Mỹ như ở cụm chiến đấu cầu Phú Lương - Lai Vu, thị trấn Ninh Giang, tiểu đoàn 75, tiểu đoàn 58, bộ đội cao xạ Hải Dương, dân quân các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành...

Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, con em Hải Dương đã lên đường vào Nam chiến đấu. Quân và dân Hải Dương đã chiến đấu ngoan cường suốt 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và chiến thắng vẻ vang. Đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực tham gia chiến đấu 2.630 trận, bắn rơi 83 máy bay Mỹ, trong đó bộ đội địa phương bắn rơi 13 chiếc, tháo gỡ an toàn hàng nghìn quả bom nổ chậm và thủy lôi của địch, bắt sống hàng chục giặc lái, bảo vệ vùng trời, giữ vững tuyến giao thông huyết mạch 5A và đường sắt, góp phần tích cực đập tan cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, cùng cả nước đi tới Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với chú trọng phát triển kinh tế, Đảng bộ tỉnh luôn chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân; củng cố tổ chức đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đảng bộ luôn lấy tinh thần tự phê bình và phê bình và tinh thần đoàn kết thống nhất trong Đảng đặt lên hàng đầu.

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương

(0) Bình luận
Đảng bộ tỉnh Hải Dương - 80 năm xây dựng và phát triển: Bài 4: Vừa kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội