Đổi mới phong cách phục vụ nhân dân

19/08/2020 07:01

"4 xin" và "4 luôn" đang được thực hành thường xuyên và dần trở thành phong cách phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức với nhân dân.


Cán bộ, nhân viên bộ phận “một cửa” TP Hải Dương mặc đồng phục áo dài truyền thống để hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân. Ảnh chụp tháng 7.2020

Từ quản lý chuyển sang phục vụ

Nhìn vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang quyết liệt trên địa bàn TP Hải Dương và cả tỉnh hiện nay cũng phần nào thấy được tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của chính quyền, cán bộ, công chức các cấp. Trong thời điểm này, sát cánh với nhân dân, ở tất cả các trạm, chốt kiểm soát dịch, cán bộ, công chức, các lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, tình nguyện đều làm việc với cường độ cao để chống dịch bất kể điều kiện còn vô cùng khó khăn. Để bảo đảm cho nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về phong tỏa, đội ngũ cán bộ, công chức nhiều xã, phường, cán bộ các thôn, khu dân cư đang phải tập trung cao độ, vừa lo chống dịch, vừa lo cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân.

TP Hải Dương - trung tâm hành chính của tỉnh cũng là địa phương luôn đi đầu trong việc đưa chính quyền đến gần với nhân dân. Bộ phận “một cửa” của thành phố mới khai trương cũng là bộ phận đầu tiên ở tỉnh không có cổng, không có hàng rào, chỉ có bồn hoa cây xanh thân thiện với môi trường. Với tổng diện tích trên 400 m2, rộng gấp gần 3 lần so với địa điểm cũ, bộ phận “một cửa” thành phố có tới 20 quầy giao dịch và hệ thống lấy số thứ tự tự động. Đây cũng là bộ phận đầu tiên trong tỉnh có đồng phục cho toàn bộ cán bộ, nhân viên. Nhân dân đến giao dịch rất dễ nhận biết cán bộ, công chức khi thấy cán bộ nữ mặc áo dài, nam sơ mi trắng. Ở đây, quy tắc “4 xin, 4 luôn” gồm xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép, luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe và luôn giúp đỡ được thực hành thường xuyên, được đánh giá bằng sự hài lòng của người dân và hệ thống giám sát thực thi công vụ. TP Hải Dương đã đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách hành chính. Hầu hết văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các phòng, ban chuyên môn được thực hiện trên môi trường mạng; cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử phục vụ công việc hằng ngày.

Thuận tiện hơn cho người dân

Với kỳ vọng cao hơn, các cấp chính quyền trong tỉnh đang nỗ lực để phục vụ nhân dân nhanh chóng, thuận tiện hơn. TP Hải Dương đã triển khai hệ thống số hóa trong lưu trữ, tra cứu hồ sơ qua các thời kỳ tại HĐND và UBND thành phố với mục tiêu quản lý toàn bộ tài liệu bằng phương pháp số, nâng cao chất lượng quản lý và hiệu quả khai thác kho tài liệu. Các văn bản, thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện tại bộ phận "một cửa" được cập nhật và đăng công khai trên trang thông tin điện tử.

Trang thông tin điện tử của UBND huyện Nam Sách đăng tải công khai thời gian, địa điểm tiếp dân định kỳ của các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; cập nhật tiến độ giải quyết TTHC theo từng ngày. Cổng thông tin điện tử TP Chí Linh thiết lập chuyên mục về TTHC, trong đó cập nhật, niêm yết toàn bộ các văn bản, TTHC các cấp để tiện cho công dân tìm hiểu...

Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh đáp ứng nhu cầu giải quyết TTHC cho trung bình từ 400-600 lượt người/ngày; các bộ phận “một cửa” cấp xã, phường đều có khu vực làm việc riêng đã cho thấy sự quan tâm, chuyển động mạnh mẽ từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ nhân dân.

Trong toàn tỉnh, các cấp chính quyền đều có những đổi mới căn bản hướng đến cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC, đổi mới tư duy, phong cách tiếp dân, phục vụ nhân dân. Đặc biệt là việc nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi nhiệm vụ tiếp dân, tiếp nhận, giải quyết ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Nếu để xảy ra trễ hạn, chậm trong giải quyết TTHC, nhiều người đứng đầu các sở, ngành đã phải gửi văn bản xin lỗi tổ chức, cá nhân làm TTHC. Người dân đến các cơ quan, bộ phận “một cửa” nào cũng được đón tiếp, hướng dẫn; gửi thông tin, hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC qua kênh nào cũng được tiếp nhận.

Ở nhiều sở, ngành, bộ phận "một cửa", tỷ lệ đánh giá hài lòng của người dân đã tăng cao, những phàn nàn về tình trạng “hành là chính” đã giảm. Nhiều phương thức ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị điện tử để lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của người dân đã dần thay thế các hòm thư góp ý mang tính hình thức.

LINH AN


(0) Bình luận
Đổi mới phong cách phục vụ nhân dân