Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị: Bố trí cán bộ có chuyên môn làm công tác thanh tra

22/09/2020 13:10

Cần chú trọng xây dựng đội ngũ các Ban Thanh tra nhân dân ở cơ sở bởi trên thực tế, bên cạnh những nơi làm tốt, vẫn có nhiều nơi vai trò của Ban Thanh tra nhân dân mờ nhạt.



Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tôi thấy có một số vấn đề cần tham gia góp ý.

Theo số liệu dự thảo báo cáo thì 2.772 cuộc thanh tra, kiểm tra trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã phát hiện vi phạm kinh tế trên 265 tỷ đồng, nhưng chỉ chuyển cơ quan điều tra 1 vụ việc với 1 đối tượng là quá ít. Theo tôi, cần có kế hoạch phối hợp với cơ quan tố tụng, phân loại vụ việc, đối tượng xử lý hình sự nhằm tăng hiệu quả của công tác thanh tra.

Số liệu 15.313 m2 đất phát hiện qua thanh tra, kiểm tra trong cả nhiệm kỳ còn ít so với thực tế. Bởi có rất nhiều bãi đất bỏ không, chuyển đổi sai mục đích sử dụng, cấp không đúng trình tự, thủ tục...

Theo tôi, trong dự thảo Báo cáo chính trị cần thẳng thắn nhìn nhận về nguyên nhân của những hạn chế trong việc đôn đốc, thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra, chậm thu hồi tài sản, để từ đó có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới. Về giải pháp, cần bổ sung nội dung bố trí cán bộ làm công tác thanh tra phải có nghiệp vụ thanh tra, không nên bố trí, bổ nhiệm những người không có nghiệp vụ thanh tra giữ các chức vụ trong tổ chức thanh tra chỉ vì họ trong nguồn đào tạo, là cấp ủy viên. Chú trọng xây dựng đội ngũ các Ban Thanh tra nhân dân ở cơ sở bởi trên thực tế, bên cạnh những nơi làm tốt, vẫn có nhiều nơi vai trò của Ban Thanh tra nhân dân mờ nhạt.  

Luật sư PHẠM KHẮC DU

Văn phòng Luật sư Á Đông

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị: Bố trí cán bộ có chuyên môn làm công tác thanh tra