Hai cha con chung một chiến hào

24/01/2021 13:25

Suốt 72 năm là người của Đảng, được phục vụ, chiến đấu và cống hiến trong quân ngũ, cụ Nguyễn Phúc Cường luôn tự hào đã tận trung với Đảng, tận hiếu với dân.


Cụ Nguyễn Phúc Cường (bên phải) và người con trai cả của mình - hai người từng là đồng đội, chung một chiến hào trong thời kỳ chống Mỹ 

Một người từng đi qua 3 cuộc chiến tranh của dân tộc, có nhiều năm tháng phục vụ trong Trung đoàn Cận vệ 246 anh hùng để bảo vệ Đảng, Bác Hồ ở An toàn khu Việt Bắc và nay vẫn còn minh mẫn, sống gương mẫu để con cháu noi theo. Đó chính là cụ Nguyễn Phúc Cường, nay đã 94 tuổi đời, 72 năm tuổi Đảng. 

Ra đi từ mái tranh nghèo

Lên 3 tuổi bố mất, mẹ làm thuê, làm mướn vì ruộng cày không có. Cụ Nguyễn Phúc Cường hồi nhỏ có nhiều năm phải đi ăn nhờ ở đợ, rồi giúp việc nhà chùa để kiếm miếng ăn. Bị kìm kẹp, mất tự do dưới chế độ thực dân, cuộc sống của người dân thôn Cao Duệ, xã Nhật Tân (Gia Lộc) cũng như nhiều nơi khác thời đó ngột ngạt cùng đường, dường như không lối thoát...

Rồi ánh sáng cách mạng tràn về, chàng trai Nguyễn Phúc Cường là con duy nhất nhưng xung phong đi bộ đội. Ngày ông vào quân ngũ chỉ có bộ quần áo sờn rách mặc trên người, bữa cơm mẹ tiễn cũng không ấm được cái bụng của chàng trai 19 tuổi.

"Gọi là bộ đội nhưng điều kiện khó khăn, gian khổ, mọi thứ đều sơ sài, thiếu thốn từ vũ khí chiến đấu cho đến nơi ăn ở. Chúng tôi khi đó đóng quân trong một nhà thờ ở xã Thạch Khôi. Vào bộ đội năm 1946 thì đến năm 1947 chúng tôi có trận đánh đầu tiên với một tốp lính Âu - Phi được trang bị nhiều vũ khí", cụ Cường nhớ lại. Trước sự tấn công ồ ạt của giặc, đơn vị bộ đội địa phương Gia Lộc khi đó dù không giành được chiến thắng toàn diện song trận đánh đã gây được tiếng vang lớn, làm cho quân Pháp phải dè chừng, các đợt càn quét của chúng không còn nhiều như trước. Trong trận chiến đấu không cân sức này, cụ Cường bị đạn bắn xuyên gót chân ngất lịm, được đồng đội là cụ Phạm Như Thao ở cùng làng Cao Duệ cõng đi cứu chữa.

Khoảng 1 năm sau trận đánh đầu tiên, vết thương đã lành, cụ Cường quay trở lại đơn vị rồi được đứng trong hàng ngũ của Đảng vào ngày 6.3.1949. Sau khi được bổ sung vào Tỉnh đội Hải Dương một thời gian chưa lâu thì cuộc đời binh nghiệp của cụ rẽ sang hướng khác. Với thành tích chiến đấu, rèn luyện, cộng với thể hình, thể lực tốt, cụ Cường nằm trong một trung đội người Hải Dương đều là đảng viên được chọn lên làm nhiệm vụ đặc biệt tại An toàn khu ở Việt Bắc. "Theo lệnh của tổ chức, trung đội người Hải Dương lên chiến khu chỉ với thông tin ít ỏi là làm nhiệm vụ đặc biệt. Sau một thời gian tập luyện ở chiến khu, chúng tôi mới biết được giao nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Bác Hồ nên ai cũng hồi hộp và quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ", cụ Cường kể.

Gần 10 năm ở Chiến khu Việt Bắc, với cụ Cường đó là thời kỳ gian khổ song là quãng thời gian đẹp nhất của đời quân ngũ. Những địa danh hang Pắc Bó, Khuổi Nặm... cheo leo bạt ngàn lau lách đã là một phần máu thịt trong cụ. Dù chỉ được bảo vệ vòng ngoài, nhưng không biết bao lần cụ Cường đã được nhìn thấy Bác Hồ, bác Giáp bằng xương, bằng thịt, được nghe Người dặn dò, kể chuyện trong những buổi tập trung. Tận mắt được thấy những con người quyết định thành bại của cách mạng Việt Nam nên nhiệm vụ bảo vệ những yếu nhân và cơ quan tối cao của cách mạng được cụ Cường cùng đồng đội coi là tối thượng, không để sơ sảy dù là nhỏ nhất.

Theo lời cụ Cường, do đặc thù của nhiệm vụ nên Trung đoàn ít người biết đến, song những năm tháng đó luôn như dòng máu cuộn trào trong huyết quản của từng cán bộ, chiến sĩ đã chung một chiến hào hơn 70 năm về trước. Lần giở cuốn sách "60 năm Trung đoàn Cận vệ 246 anh hùng", cụ Cường rưng rưng: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết khen chúng tôi: Trung đoàn 246 đã từng là đơn vị cận vệ, bảo vệ Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ tổng Tư lệnh suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp tại An toàn khu ở Việt Bắc... Còn trong thư nhân dịp Trung đoàn Cận vệ 246 khu vực Hải Hưng kỷ niệm 47 năm ngày thành lập (năm 1995), bác Giáp viết: Trung đoàn có công lớn bảo vệ Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ tổng Tư lệnh trong những năm tháng chiến đấu hào hùng của dân tộc, lập nhiều chiến công vẻ vang trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ... Tôi thân ái gửi đến toàn thể các đồng chí lời thăm hỏi ân cần và những tình cảm thân thiết nhất của tôi. Nhờ các đồng chí chuyển những tình cảm đặc biệt của tôi đến các chị, các cháu, đến các gia đình thương binh, liệt sĩ của Trung đoàn"...

Lớp cha trước, lớp con sau

Sau khoảng 10 năm làm nhiệm vụ ở Trung đoàn Cận vệ 246, căn cứ tình hình trên chiến trường cả nước lúc đó, cụ Nguyễn Phúc Cường được điều động tham gia trực tiếp chiến đấu trong Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn. Thời gian ở Việt Bắc, trong các lần về phép, những người con của cụ lần lượt ra đời, có người trong số đó tiếp bước cha lên đường đánh giặc, một lòng dốc sức cho tiền tuyến lớn miền Nam. Tròn 20 năm sau lần bị thương hồi chống Pháp, năm 1967, cụ Cường bị thương nặng do Mỹ ném bom ác liệt. Sau 2 lần, cụ trở thành thương binh hạng 2/4 nhưng vẫn tiếp tục ở lại chiến trường.

Và rồi, trong mịt mờ khói lửa của đại ngàn Trường Sơn ấy, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, cụ Cường đã có một cuộc hạnh ngộ đầy bất ngờ với con trai cả - người mà ông chỉ gặp khi con còn rất nhỏ. Ngày đó, ngầm Ta Lê - cửa lửa trên Đường 20 Quyết thắng không một ngày ngơi tiếng súng. Đây là cửa khẩu tiền tiêu quan trọng nhất của tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, nằm giữa Quảng Bình và đất bạn Lào nên trở thành một trong các trọng điểm bắn phá ác liệt của không quân Mỹ. Vì thế, bộ đội ta đã chịu nhiều tổn thất. Là Phó Chính ủy, Chủ nhiệm Chính trị Binh trạm 32, cụ Nguyễn Phúc Cường thường xuyên hỏi thông tin về bộ đội, nhất là những người quê quán Hải Dương thông qua chính trị viên và giao liên binh trạm. Một lần, áp Tết Mậu Thân 1968, chính trị viên lên báo cáo:

- Thưa Phó Chính ủy, có Mẫn là người Hải Hưng mới vào!

Cụ Cường buột miệng:

- Nguyễn Minh Mẫn, quê làng Cao Duệ, Nhật Tân, Gia Lộc à?

Tình cờ như thế, rồi cha con cụ được gặp nhau giữa Trường Sơn lửa đạn. Trước đó, qua những lá thư ít ỏi của gia đình, cụ Cường chỉ biết người con trai lớn của mình đã theo cha vào lính, sẽ "đi B dài", chứ không thể ngờ cha con sẽ cùng chung một chiến hào chiến đấu. Được Binh trạm ưu tiên, mỗi tuần cụ Cường được ngủ chung với con một lần. Khi ấy, những câu chuyện về quê hương, về làng xóm, chuyện về những người thân yêu được dịp ùa về. Những mạch chuyện tưởng chừng không ngớt, có lần đến lúc hừng đông chưa dứt hoặc chỉ bị ngắt quãng bởi một tiếng bom. Sau này, cụ Cường nhớ lại và cho rằng, cha con họ ngày ấy giống như trong bài thơ "Tiếng hát sang xuân" của nhà thơ Tố Hữu vậy: "Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành..."

Còn với người con trai cả của cụ Cường, trong những năm tháng chiến đấu ở Trường Sơn, dù hình dung có phong phú thế nào, ông cũng không thể nghĩ lãnh đạo của Binh trạm 32 đang đứng trước mặt lại là người cha của mình, hệt như những câu thơ mà nhà thơ Lê Bá Dương đã viết: "Xưa cha đi đánh Pháp/ Con còn nhỏ chạy nhìn theo/ Nay mái tóc hoa râm dưới vành mũ tai bèo/ Cha gặp con giữa chiến hào đánh Mỹ/ Nghĩa nặng tình sâu, cha gọi con là đồng chí/ Rồi mỉm cười nghe kể chuyện quê hương... Hai cha con cùng cười khi bóng tên giặc Mỹ/ Phải gục đầu vì hai thế hệ cha con".

Từ Binh trạm 32, năm 1969, cụ Cường được điều động vào Binh trạm 35, còn người con cả đi học quân y ở Bộ Tư lệnh 559. Cha con họ chia tay nhau từ đó và cho đến mãi năm 1982, khi cụ Nguyễn Phúc Cường nghỉ hưu, còn con trai cụ xuất ngũ họ mới gặp lại nhau. 

Cuộc chiến tranh chống Mỹ sắp đi vào hồi kết, người lính già Nguyễn Phúc Cường quay về miền Bắc, công tác ở Quân khu 3. Những năm 1978-1979, cụ lại cùng đồng đội thuộc một trung đoàn pháo binh đánh quân Trung Quốc, suốt rẻo Tiên Yên, Ba Chẽ (Quảng Ninh). Biên giới phía Bắc bình yên, cụ Cường chuyển sang ngành tòa án thuộc Đặc khu Quảng Ninh cho đến lúc nghỉ hưu.

Sinh ra ở quê nhưng lớn lên, trưởng thành và gắn bó gần 36 năm trong quân ngũ với quân hàm trung tá. Đến giờ, cụ Nguyễn Phúc Cường đang vui vầy cùng con cháu trong một ngôi nhà nhỏ ở TP Hải Dương. Cụ vẫn nói rằng, mình là người may mắn khi đi qua 3 cuộc chiến tranh nhưng vẫn về được quê nhà. Nhiều đồng đội của cụ đã nằm lại khắp các chiến trường đỏ lửa và những sự hy sinh ấy đã góp phần làm nên những mùa hoa tươi thắm trên dải đất hình chữ S. Suốt 72 năm là người của Đảng, được phục vụ, chiến đấu và cống hiến trong quân ngũ, cụ luôn tự hào đã tận trung với Đảng, tận hiếu với dân. Tất thảy 5 người con và mấy chục cháu, chắt của cụ Cường đã noi gương sáng để sống, học tập và công tác như những gì cụ đã làm suốt gần chục thập kỷ qua.   

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai cha con chung một chiến hào